Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

“Không có Thánh Gióng”!

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã nói một cách hình ảnh như vậy khi đề cập đến các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết WTO hiện nay (Hậu WTO: Doanh nghiệp “xung kích trong bị động” - VietnamNet 21-8-2007).

Bà cho rằng 95% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, rất ít doanh nghiệp vừa. Các doanh nghiệp nhỏ, đa số mới thành lập, thiếu và yếu đủ mặt, từ vốn, nhân lực, công nghệ, kỹ năng quản trị đến cơ hội tiếp cận thị trường. Sau khi đất nước đã gia nhập WTO, môi trường cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện là bao, vì vậy mà theo bà, sau hơn 20 năm đổi mới hầu như không có doanh nghiệp nhỏ nào vươn lên thành doanh nghiệp lớn được. Không có “doanh nghiệp Thánh Gióng”! Mà môi trường cạnh tranh, theo bà, phụ thuộc vào Nhà nước. “Không thể bảo doanh nghiệp cạnh tranh đi, khi không cho họ môi trường”, bà nói. Dẫn con số chỉ 8% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại sau 12 năm đất nước hội nhập khu vực và thế giới, bà đặt dấu hỏi liệu sau 12 năm Việt nam trở thành thành viên WTO, tình hình có lặp lại như vậy ?

Qủa thật, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ra đời trong quá trình đổi mới, sinh sau đẻ muộn nên không có các lợi thế về đất đai mặt bằng, cơ hội tiếp cận tín dụng, cơ hội kinh doanh hoặc cả những lợi thế vô hình như các mối quan hệ mà những doanh nghiệp nhà nước lớn đã nắm từ trước. Tuy nhiên, nếu như có được môi trường kinh doanh bình đẳng và thông thoáng, một số doanh nghiệp đi sau vẫn có thể làm nên chuyện. Đáng tiếc, về môi trường cạnh tranh, có ai không giật mình, chẳng hạn, trước con số gây sốc mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đưa ra mới đây về lượng thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thành các thủ tục về thuế: 245 ngày/năm ? Hoặc như việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp về các chính sách, quy định liên quan đến kinh doanh mà bà Lan cho rằng còn rất hạn chế: “Hỏi nhiều, nghe ít, tiếp nhận càng ít hơn nữa”.

Dễ hiểu là trong điều kiện như vậy làm sao có được những “doanh nghiệp Thánh Gióng”, những doanh nghiệp làm ta ít nhiều liên tưởng đến những Microsoft, những Yahoo!, những Google – dù là ở quy mô nhỏ hơn ?

Thế nên, trở lại vấn đề doanh nghiệp và WTO, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào Nhà nước với tư cách là người tạo lập sân chơi bằng phẳng, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng. Và các cam kết WTO, do đó, cần phải trở thành một sức ép không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với bộ máy quản lý, buộc nó phải chuyển đổi cung cách quản lý nhanh hơn, mới hơn, mở hơn.

Mà không riêng trong lĩnh vực kinh doanh, trong tất cả các lĩnh vực khác từ quản lý giáo dục đến quản lý văn hóa, quản lý báo chí... cam kết WTO phải trở thành ngọn roi thúc bộ máy quản lý nhanh chóng chuyển đổi cho phù hợp với qúa trình hội nhập.

Không có nhận xét nào: