Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

TA MUỐN GÌ?

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện...”.

Một mục tiêu như vậy, theo chúng tôi, hẳn sẽ được nhiều người đồng tình. Với điều kiện, chẳng hạn, dân chủ phải thực sự là dân chủ chứ không phải là dân chủ hình thức, bị cắt xén. Công bằng phải thực sự là công bằng cho cả những người dân thấp cổ bé miệng nhất chứ không chỉ giữa những người có quyền thế. Nhân dân phải thực sự làm chủ thông qua những định chế cụ thể và hữu hiệu, chứ không chỉ là khẩu hiệu để trong thực tế chỉ có cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước làm chủ. Người dân được giải phóng khỏi áp bức, bất công, được tự do thực sự chứ không phải khúm núm như người đi xin khi có việc phải tiếp xúc với cơ quan công quyền. Con người được phát triển toàn diện, được tự do sáng tạo và đóng góp thực sự, được tìm kiếm những lối đi mới mẻ cho mình và cho xã hội mà không phải lo sợ bất cứ điều gì... Thực tâm làm được như vậy, theo chúng tôi, Đảng không lo không thu phục được nhân tâm.

Thế nên, trước những ý kiến nhiều chiều về những vấn đề quan trọng đang được đặt ra trong cuộc thảo luận góp ý cho Đại hội Đảng lần thứ X, theo chúng tôi, cần đặt ra câu hỏi: Ta muốn gì? Nói cách khác: Mục tiêu của ta là gì? Ta muốn đất nước đi về đâu? Tiếp tục phát triển, hội nhập và sánh vai với các nước trên thế giới hay dừng lại, thậm chí lùi lại (so với những gì mà 20 năm đổi mới đã làm sáng tỏ) với những giáo điều, những tư tưởng, những mô hình đã chứng tỏ là bất cập, cản trở sự phát triển vì không có hiệu quả, không có sức sống, không theo kịp thời đại? Hỏi tức là đã trả lời.

Vậy, nếu điều mà ta muốn, nếu mục tiêu mà Đảng đề ra và có thể đoan chắc là không người Việt Nam bình thường nào ở trong và ngoài nước không đồng tình là “xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thực sự, thì những vấn đề đang được đặt ra cần phải được giải quyết phù hợp với mục tiêu ấy. Chẳng hạn vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, vấn đề kinh tế quốc doanh và sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, việc sử dụng người giỏi bất kể là trong hay ngoài Đảng ở mọi nấc thang của bộ máy hành chính, việc cải tổ hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội, phát triển xã hội dân sự...

Phải giải quyết những vấn đề ấy phù hợp với mục tiêu đề ra, phù hợp với mong mỏi của người dân mà đa số góp ý trong thời gian qua đã cho thấy, và phù hợp với sự phát triển, dứt khoát không đi ngược lại sự phát triển.

Không có nhận xét nào: