Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

MỘT THOÁNG Ý

Rời thành Vienne, rời dòng Danube nhắc nhớ điệu valse của Johann Strauss, bỏ lại sau lưng xứ sở của Mozart, bỏ lại cung điện mùa hè tráng lệ Schonbrunn hao hao giống Versailles của Pháp với 1441 sảnh và phòng mà thời gian một buổi chỉ đủ cho chúng tôi tham quan 7- 8 phòng trong đó có gian phòng lớn nơi Mozart đã so tài với nhạc sĩ cung đình Salieri, phòng Trung Quốc, phòng Nhật Bản bài trí theo phong cách Trung Hoa và Nhật Bản, bỏ lại Nhà hát opera quốc gia nơi diễn ra những cuộc hòa nhạc quốc tế nổi tiếng đầu mỗi năm mới, rời những quán café ấm cúng, dễ thương của Vienne cũng nổi tiếng không kém gì những quán café Paris, chúng tôi băng ngang nước Áo từ đông sang tây để qua Ý. Hai bên đường, nông thôn Áo trải dài trên những núi đồi thoai thoải, xanh mượt, yên bình, thỉnh thoảng điểm xuyết những thành phố nho nhỏ ngăn nắp, sạch sẽ, đẹp như một bức tranh.

1. Xe đến biên giới Áo -Ý,băng vào nước Ý mà chúng tôi không biết là đã vào một quốc gia khác. Chẳng có ai xét hỏi, chẳng thấy một bóng người, xe chẳng phải dừng. Chỉ đến khi trông thấy bên đường tấm biển lớn sơn màu xanh lá cây như màu trên lá cờ Ý,chúng tôi mới biết là mình đã vào đất Ý. Áo và Ýđều là thành viên của hiệp ước Schengen do đó từ nước này có thể tự do đi qua nước kia mà chẳng cần trình giấy tờ gì. Thật khác xa với lúc đặt chân xuống sân bay Vienne, cảnh sát cửa khẩu săm soi từng chữ trong hộ chiếu, lật đi lật lại, cho vào máy kiểm tra, lại săm soi mãi đến sốt ruột rồi mới cho qua, bởi đó là cửa khẩu đầu tiên của chúng tôi vào các quốc gia tham gia hiệp ước Schengen. Nhưng một khi đã vào rồi thì có quyền tự do đi bất cứ đâu trong phạm vi các nước đó.

2. Venise, điểm dừng chân đầu tiên... Venise với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trên bờ biển Adriatique đón những cư dân đầu tiên đến sinh sống từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên rồi nhờ biết khai thác vị trí địa lý thuận lợi trên con đường buôn bán với phương Đông mà đã trở thành một thương cảng sầm uất và một cường quốc hải quân hùng mạnh, trở thành Cộng hòa Venise từ thế kỷ thứ 10, nổi tiếng với những nhà buôn và nhà hàng hải, nhà thám hiểm (nổi tiếng nhất trong số đó là Marco Polo) có máu phiêu lưu, làm giàu. Chỉ đến khi bị Napoléon chinh phục (1797) rồi sau đó bị sáp nhập vào Áo, Cộng hòa Venise mới chấm dứt sự tồn tại và, cùng với việc phát hiện ra Tân thế giới, trọng tâm buôn bán từ Địa Trung Hải chuyển sang Đại Tây Dương, thời vàng son của Venise mới kết thúc. Từng đi chinh chiến và ngược lại cũng bị chiếm đoạt, bị trao từ tay đế quốc này qua đế quốc khác, vậy mà du khách đến thăm Venise hôm nay vẫn không thể không ngạc nhiên vì sự giàu có của kho tàng kiến trúc và nghệ thuật rực rỡ mà Venise vẫn gìn giữ được và rất biết cách khai thác để làm giàu cho cuộc sống người dân hôm nay. Một ngày cũng chỉ đủ để rảo bước quanh quảng trường trung tâm San Marco nườm nượp du khách, nhà thờ San Marco xây dựng từ thế kỷ 11,tháp đồng hồ đang tu bổ, cây "Cầu Thở than" nổi tiếng mà ngày xưa các tù nhân thường bị giải qua trước khi vào nhà tù, tượng đài chiến thắng hải quân, tận mắt xem nhữg người thợ thủ công lành nghề biểu diễn thổi pha lê trong một xưởng làm ra thứ pha lê Murano nổi tiếng, len lỏi trong một vài lối đi nhỏ quanh co, yên tĩnh và nhìn những chiếc gondola-ngày nay chủ yếu dùng để chở khách đi tham quan-lướt qua các con kênh. Venise đẹp cổ kính và mông lung giữa sắc trời và sắc nước. Dừng chân ở Venise chỉ từ sáng đến chiều và cũng chỉ loanh quanh ở một góc của hòn đảo trung tâm,chúng tôi ước lượng có không dưới mấy chục ngàn du khách ghé đây mỗi ngày. Giả dụ mỗi người chỉ tiêu pha lặt vặt, mua quà tặng cỡ 100 đôla, Venise mỗi ngày, mỗi năm thu nhập về du lịch sẽ là bao nhiêu ?

Nếu Venise đẹp cổ kính, hoành tráng thì Florence, một trong những cái nôi của thời Phục hưng lại đẹp rực rỡ và thanh thoát hơn với các kiến trúc gothic. Đây là cái nôi của những bậc thầy nghệ thuật và khoa học của thời Phục hưng: Michelangelo, Rafael, Galileo, Leonardo da Vinci, Giotto, Botticelli...Và trước đó là Dante của "Thần khúc"(thế kỷ 13-14). Sử sách chép lại rằng từ năm 1434 nhà nước-đô thị này đã có hiến pháp riêng dưới quyền cai trị khôn ngoan suốt 30 năm của Cosimo de Mediciê, người đã giữ cho Florence ở cái thế cân bằng giữa các nhà nước phong kiến gây chiến tranh liên miên thời ấy. Người cháu của ông là Lorenzo vẫn tiếp tục chính sách ấy và đã tạo điều kiện cho văn học và nghệ thuật nảy nở. Chủ nghĩa nhân văn và cùng với nó là trào lưu Phục hưng đề cao cái đẹp trí tuệ và tinh thần phát triển mạnh mẽ ở Florence và trên khắp đất Ý, làm nảy sinh những tư tưởng mới và trở thành động lực cho ra đời những thiên tài nghệ thuật và khoa học của thời kỳ ấy.

Chúng tôi đến Florence vào một buổi chiều.Và cũng như ở Venise, du khách nườm nượp trên khắp các quảng trường, các nẻo đường, trước các giáo đường, đua nhau chụp ảnh trước bức tượng David của Michelangelo và những tượng đài khác, xếp hàng dài cho đến tận chiều tối để vào các bảo tàng nghệ thuật. Hòa vào dòng người chen chúc nhau, chúng tôi đã rảo qua con đường chính cổ nhất Florence với nhũng tiệm kim hoàn nho nhỏ (Florence nổi tiếng từ thời Trung cổ với các phường thợ kim hoàn, len, tơ lụa bên cạnh kiến trúc và hội hoa) vẫn còn cho đến nay và buôn bán tấp nập,đứng trên chiếc cầu Vecchio cỗ xưa bắc qua sông Arno chia đôi thành phố. Nhưng Florence không chỉ có công trình kiến trúc và nghệ thuật cổ, Florence còn là một trong những trung tâm thời trang của cả Ý lẫn châu Âu với những tên tuổi Gucci, Bally, Fendi...nằm san sát nhau trên những con đường trung tâm.

Và Rome, "kinh thành muôn thuở". Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một thành phố chìm trong bóng cây xanh. Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật và tất cả đều hài hòa-nói như vậy e thừa với La Mã và chắc cũng không đủ thì giờ để mô tả.

3. Chỉ xin nói gọn: Venise, Florence, Pise, Rome... Này là thành quách, pháo đài, lâu đài, cung điện. Này là giáo đường uy nghiêm, tượng đài, tháp chuông cổ kính, quảng trường bao la với những phiến đá nhẵn thín vì thời gian và gót chân người, này là những đấu trường cổ xưa nay chỉ còn là phế tích làm chứng cho một thời vàng son đã qua, này là bảo tàng với những tác phẩm nghê thuật vô giá, rồi thư viện, nhà hát... Họ thừa hưởng một gia sản văn minh vật chất quá giàu của cha ông để lại.Và họ rất biết cách gìn giữ trước hết là cho chính họ, sau là khai thác để thu hút du khách và làm giàu. Đấu trường Coloseum, nơi diễn ra các trận giác đấu ngày xưa, vẫn còn đó những chuồng nhốt nô lệ và sư tử, và hôm chúng tôi đến đang được tu bổ. Tháp đồng hồ ở Venise cũng đang được tu bổ. Giá cả ở Venise có đắt hơn ở Rome chút ít, nhưng ở đâu cũng chỉ một giá, dù anh là ai. Chúng tôi được hướng dẫn viên cảnh báo là ở Ý kém an ninh hơn ở Áo, nạn móc túi (chủ yếu là người Zigan) nhiều hơn, chúng tôi tin là vậy, nhưng không thấy có nạn quấy nhiễu du khách. Còn chúng ta, không giàu có được như người về di sản vật chất, phải chăng chỉ có thiên nhiên và con người, mà nếu đánh mất thì...

Trên chiếc máy bay của Lauda Air (hãng hàng không Áo trẻ này cùng với công ty du lịch T&T là người tổ chức chuyến tham quan làm quen Áo,Ý cho một số đại lý và du khách), nhìn các cô tiếp viên trẻ phục vụ khách tận tình, tôi bỗng nghĩ tới những bãi biển ngày càng bị ô nhiễm, tới nạn quấy nhiễu du khách, nạn giựt dọc, "chém đẹp" và...cả chế độ hai giá ở ta.

Không có nhận xét nào: