Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

NHẠY, MỚI, MỞ… MỚI LÀ TUỔI TRẺ

Tôi về Tuổi Trẻ đầu năm 1985. Đó là giai đoạn đất nước đang trở dạ để bước vào công cuộc đổi mới. Mười hai năm làm việc ở Tuổi Trẻ cho đến khi rời tờ báo năm 1997 lúc đang làm tổng thư ký tòa soạn là 12 năm hào hứng và sôi nổi trong cuộc đời làm báo của tôi - hào hứng không kém thời gian làm báo phong trào sinh viên đấu tranh trước ngày giải phóng - bởi nó gắn liền với một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của tờ báo và gắn với thời kỳ lịch sử đổi mới đất nước vừa đầy khó khăn vừa lắm điều thú vị.

Đó là thời kỳ mà cái mới, tư duy mới trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trong đời sống văn hóa nghệ thuật và tinh thần đã xuất hiện và ngày càng thắng thế nhưng cái cũ, tư duy cũ vẫn còn tồn tại, giằng co với cái mới. Đó là thời kỳ diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, chống lại những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy quản lý cũng như trong xã hội để “giải phóng tư duy”, “giải phóng sức sản xuất”, giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người, vì một cơ chế quản lý kinh tế và quản lý xã hội hợp quy luật hơn, vì một xã hội và đời sống tinh thần cởi mở, công khai, dân chủ hơn, vì sự bình đẳng về cơ hội cho mọi công dân, trước hết là những công dân trẻ. Và chính trong bối cảnh đó mà Tuổi Trẻ, với tất cả đặc trưng nhạy, mới, mở của mình (và cũng là của tuổi trẻ nói chung) trong cách nhìn nhận và phản ánh thực tế, trong cách tiếp cận vấn đề, chọn lựa đề tài, và cả trong cách thể hiện…đã tìm được sự đồng cảm nơi người đọc vốn đang bức bối trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; đã chinh phục được trái tim người đọc để trở thành tờ báo được nhiều người - không chỉ giới trẻ - yêu thích. Tuổi Trẻ chinh phục được người đọc chính nhờ đã chạm được vào nỗi bức xúc, trăn trở và sự mong chờ của xã hội, như chạm vào một dây đàn đang căng. Từ ban biên tập cho đến phóng viên, những người làm Tuổi Trẻ lúc ấy luôn ý thức về sự cần thiết phải đẩy xa hơn giới hạn đổi mới, nhích từng chút lên cao hơn “mức xà” đổi mới trong từng tin, bài.

Trong cuộc đấu tranh đó, tờ báo có lúc đã phải trả giá vì sự nôn nóng đi quá nhanh; có lúc rơi vào ấu trĩ như chụp hình biển số một chiếc xe hạng sang để gián tiếp đặt nghi vấn về một đối tượng tiêu cực; thậm chí có lúc nghiêng ngả giữa cái cũ và cái mới như dùng ngòi bút của một “nhà phê bình” để lên án nặng nề một vở múa hiện đại… Tuy nhiên, cũng từ những vấp váp ấy, những người biên tập và phóng viên đã trưởng thành lên trong tư duy và trong kiến thức về chính trị, về kinh tế, về văn hóa, xã hội. Càng ngày những người viết báo Tuổi Trẻ càng tiếp cận gần hơn với tư duy về một xã hội vận hành trên cơ sở pháp luật, về nhà nước pháp quyền, về một nền kinh tế thị trường văn minh. Nhưng nhạy, mới, mở và nhiệt tình, với đôi mắt và trái tim trong sáng, vẫn là đặc trưng có tính bản chất của tờ báo và của đội ngũ làm nên tờ báo. Nếu tờ báo mất đi đặc trưng đó thì Tuổi Trẻ sẽ không còn là Tuổi Trẻ, sẽ phản bội người đọc và mất đi người đọc của mình. Trẻ hay không chính là ở chỗ đó chứ không phải là ở chỗ chỉ đề cập những vấn đề của giới trẻ, của “đối tượng” của mình như nhan nhản những lời mời mọc quyến rũ về sự “sành điệu”, ‘bản lĩnh” của thanh niên thời nay. Bởi những học sinh 17, 18 tuổi, những sinh viên 20, 22 tuổi trước 30-4-1975, nếu chỉ bó hẹp cái nhìn vào những vấn đề của lứa tuổi mình, đã không thể làm nên được một phong trào sinh viên học sinh hào hùng đến thế.

Không có nhận xét nào: