Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KHÔNG CHỈ DỰA VÀO GIA TĂNG ĐẦU VÀO

Những cuộc đình công diễn ra trên diện khá rộng và hầu như định kỳ, do sự phân phối thiếu công bằng thành quả của tăng trưởng kinh tế mà đồng lương không đủ sống của công nhân tại các khu công nghiệp là biểu hiện rõ ràng nhất, cho thấy sự tăng trưởng đạt được là chưa bền vững. Một nền kinh tế mà khả năng cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá nhân công rẻ là một nền kinh tế tiềm ẩn nhiều bất ổn về mặt xã hội và cả về khả năng tăng trưởng lâu dài.

Nhưng mặt khác, đồng lương công nhân thấp một phần bắt nguồn từ năng suất thấp của lực lượng nhân công nói riêng, của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại kỳ họp Quốc hội hôm 22-10 trong báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007 và kế hoạch năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2007 ước đạt khoảng 8,5% (kế hoạch 8,2 - 8,5%), mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, như thường lệ từ nhiều năm nay, báo cáo đánh giá rằng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng như từng ngành, từng doanh nghiệp vẫn còn thấp.

Quả thật, nền kinh tế những năm qua tuy có tăng trưởng cao nhưng chủ yếu là do tăng các yếu tố đầu vào, đặc biệt là các luồng vốn từ nước ngoài vào nền kinh tế (ODA, FDI và gần đây là vốn đầu tư gián tiếp, chủ yếu vào thị trường chứng khoán), còn phần do năng suất lao động mang lại không đáng kể. Nếu lấy hệ số ICOR (hiểu nôm na là phải bỏ vào bao nhiêu đồng vốn để làm ra một đồng giá trị tăng thêm; hệ số càng cao thì hiệu quả nền kinh tế càng thấp) làm thước đo hiệu quả của nền kinh tế, thì tình hình không có gì đáng lạc quan. Bởi nếu như cách nay hơn 10 năm, hệ số ICOR của Việt Nam là 3,39 (năm 1995) thì năm 2006 hệ số này đã lên tới gần 6, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng từ 3,6 lên 7,28.

Làm cách nào để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn: năng suất thấp dẫn đến đồng lương thấp; đến lượt nó đồng lương thấp, không đủ sống, lại tác động trở lại làm năng suất sụt giảm ? Đã đến lúc, để có được sự thay đổi về chất trong tăng trưởng, để tăng trưởng không chỉ dựa vào việc gia tăng các yếu tố đầu vào như bơm thêm vốn, giữ mức lương công nhân quá thấp, chưa nói đến việc phải loại bỏ lãng phí và tham nhũng, cần làm sao để tăng trưởng dựa chủ yếu vào việc tăng năng suất lao động, tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm, dịch vụ làm ra. Muốn vậy, không có con đường nào khác ngoài việc thật sự tập trung cho phát triển khoa học công nghệ và giáo dục, nhất là giáo dục đại học để cho ra một lực lượng nhân công có tay nghề, một lực lượng trí thức có khả năng góp chất xám vào sự phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề là, để làm được điếu ấy, chúng ta có đủ dũng cảm và quyết tâm làm một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học và trong tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ hay không. Bởi nói gì thì nói, đó vẫn là hai vấn đề bức xúc lớn cả đối với giới chuyên môn lẫn dư luận xã hội rộng rãi hiện nay.

(Đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn 22-10-2007)

Không có nhận xét nào: