Thứ Hai, 3 tháng 9, 2007

BÁO CHÍ MỸ: CÚ SỐC INTERNET

Ngành công nghiệp báo in ở Mỹ đang trải qua những ngày ảm đạm, cũng có thể coi là một cuộc khủng hoảng còn sâu sắc hơn cả khi truyền hình xuất hiện. “Thủ phạm”: internet, báo trên mạng và blog.

Hôm chúng tôi đến thăm tòa soạn tờ New York Times (NYT) một ngày đầu tháng 8-2007 cũng là hôm tờ báo lần đầu tiên thu hẹp khổ (bề ngang) tờ báo. NYT là tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ và luôn muốn duy trì hình ảnh vốn có của mình. Điều gì đã thúc đẩy tờ báo đến quyết định này? Để tiết kiệm chi phí. Trước NYT, từ lâu tờ Wall Street Journal (WSJ), tờ báo kinh tế hàng đầu nước Mỹ, cũng đã phải làm như vậy. Đó chỉ là một trong nhiều chỉ dấu về những ngày khó khăn đã bắt đầu với ngành báo in Mỹ.

Cristal Williams, giám đốc dự án của Hiệp hội chủ bút Mỹ (ASNE) cho biết: số người đọc báo in ở Mỹ đang giảm, thu nhập của các tờ báo Mỹ cũng giảm theo. Trước sức ép của cổ đông đòi phải có lợi nhuận nhiều hơn, nhiều công ty sở hữu các tờ báo đã buộc các tờ báo của họ phải thu hẹp nội dung, cắt giảm bớt phóng viên, như tờ San Francisco Chronicle các đây khoảng một tháng đã thông báo sa thải 25% nhân viên. Hệ quả: hai lĩnh vực khó khăn nhất hiện nay của báo chí Mỹ là đưa tin quốc tế và đào tạo phóng viên trẻ. Nhiều tờ báo đã buộc phải cắt giảm số phóng viên đưa tin từ chiến trường Iraq dù chiến trường này luôn là tâm điểm chú ý của công luận Mỹ. Nhiều tờ báo chuyển trọng tâm đưa tin, từ tin tức quốc gia và quốc tế chuyển sang tập trung cho tin tức địa phương. Ngay cả WSJ cũng đã phải đa dạng hóa nội dung tờ báo, từ kinh tế, kinh doanh đậm đặc trước đây nay có khoảng 30% nội dung là dành cho các tin bài về chính trị, xã hội và các lĩnh vực khác. Brendan Miniter, phụ trách WSJ Online cho biết: chân dung người đọc điển hình của WSJ là đàn ông, tuổi 40-50, có thu nhập khá cao. Nhưng nếu chỉ tập trung cho đối tượng người đọc truyền thống này thì thu hút quảng cáo sản phẩm trên báo sẽ bị hạn chế, và để có thêm quảng cáo sản phẩm phải thay đổi nội dung để mở rộng đối tượng độc giả.

Cú sốc internet không chỉ làm chấn động giới báo in mà còn tác động tới cả các trường dạy báo chí. “Con gái tôi không đọc báo in nữa, dù tôi là một nhà báo lâu năm. Nó chỉ lướt web, chat và làm đủ thứ với chiếc laptop. Một tờ báo cũng là một doanh nghiệp, nếu không làm ra tiền, báo sẽ chết”, Giáo sư Neil Henry thuộc trường báo chí Đại học Berkeley, California không giấu sự lo lắng của mình trước sự “tấn công” của internet và blog vào ngành công nghiệp báo in. Liệu ông có bi quan quá không, vì trước đây, khi truyền hình xuất hiện, người ta cũng đã từng tiên đoán về cái chết của báo in? Ông không đồng ý như vậy. Ông cho rằng tác động của internet ngày nay khác xa với truyền hình trước kia, vì internet cho phép người ta tương tác với nhau, cho phép người đọc cũng có thể tham gia làm báo. Một người dùng điện thoại di động chụp hình một sự kiện bất ngờ nào đó, đưa lên mạng, người khác tham gia ý kiến ngay, tạo ra diễn đàn. Người ta đang làm báo. Ngay cả truyền hình, chưa nói báo in, không có khả năng làm như vậy.

Cũng dẫn thí dụ con gái mình không đọc báo in nữa mà chỉ lướt web và đọc những tin giải trí trên mạng, nhà nghiên cứu về đạo đức truyền thông của Trung tâm nghiên cứu đạo đức ứng dụng thuộc Đại học Santa Clara, San Jose, California – Jerry Ceppos nêu ra năm vấn nạn mà báo chí Mỹ đang phải đối mặt, trong đó có sự sụt giảm số lượng người đọc và quảng cáo; sự phát triển của cái mà ông gọi là những “phương tiện truyền thông không đáng tin cậy” và sự lấn át của giải trí đối với tin tức. Dẫn thí dụ thu nhập từ quảng cáo của Dow Jones trong quý giảm tới 21% so với cùng kỳ và việc tờ San Jose Mercury News đã phải đóng cửa văn phòng ở Hà Nội để tiết giảm chi phí, ông chỉ ra “thủ phạm” của bức tranh đen tối nói trên: báo chí trên mạng.

Ngành công nghiệp báo chí Mỹ đang làm gì để đối phó với cú sốc internet? Trước hết là phải chia sẻ nguồn lực để song song với báo in là làm báo trên mạng. Nhưng không phải báo mạng nào cũng có thể mang lại thu nhập từ việc bán nội dung và bán quảng cáo như báo in. Ngoại trừ WSJ Online NYT với phần Times Select bán được, rất nhiều báo mạng khác vẫn đang được cho đọc miễn phí. Ngay cả WSJ Online cũng đang đứng trước áp lực của dư luận đòi phải cho đọc miễn phí phần breaking news (tin mới nhất). Washington Post thì từ một tờ báo có số phát hành trên 1 triệu bản, nay đã sụt xuống dưới mức 1 triệu, và để cố gắng giữ người đọc đã mở rộng hoạt động với những trung tâm giáo dục sinh viên. NYT thì đa dạng hóa nội dung để thu hút quảng cáo với sự tập trung cao vào mảng du lịch, thời trang, doanh nghiệp nhỏ, văn hóa nghệ thuật trong đó đặc biệt mục đọc sách rất được người đọc chú ý. Nhiều tờ báo làm cả chương trình truyền hình và phát thanh rồi đưa các clip lên báo online để “câu” độc giả. Có tờ báo như Oakland Tribune ở California thì chủ trương phát triển thành một chùm báo bằng cách mua lại hoặc cho ra đời thêm những tờ báo mới, nhỏ tập hợp quanh một tờ báo chính, vừa đáp ứng sát sườn nhu cầu của người đọc từng địa phương lại vừa có thể chia sẻ tin tức, bài vở giữa các tờ báo trong cùng nhóm, qua đó
tiết giảm được chi phí.

Dù sao, không khí bi quan vẫn đang bao trùm ngành báo in truyền thống ở Mỹ. Nói như Jerry Ceppos ở Đại học Santa Clara khi được hỏi ông có hình dung lối ra nào cho báo chí truyền thống: “Chúng ta đang ở giữa dòng và còn phải tiếp tục quan sát, tiếp tục theo dõi”.


Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

NHẠY, MỚI, MỞ… MỚI LÀ TUỔI TRẺ

Tôi về Tuổi Trẻ đầu năm 1985. Đó là giai đoạn đất nước đang trở dạ để bước vào công cuộc đổi mới. Mười hai năm làm việc ở Tuổi Trẻ cho đến khi rời tờ báo năm 1997 lúc đang làm tổng thư ký tòa soạn là 12 năm hào hứng và sôi nổi trong cuộc đời làm báo của tôi - hào hứng không kém thời gian làm báo phong trào sinh viên đấu tranh trước ngày giải phóng - bởi nó gắn liền với một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của tờ báo và gắn với thời kỳ lịch sử đổi mới đất nước vừa đầy khó khăn vừa lắm điều thú vị.

Đó là thời kỳ mà cái mới, tư duy mới trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trong đời sống văn hóa nghệ thuật và tinh thần đã xuất hiện và ngày càng thắng thế nhưng cái cũ, tư duy cũ vẫn còn tồn tại, giằng co với cái mới. Đó là thời kỳ diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, chống lại những hiện tượng tiêu cực trong bộ máy quản lý cũng như trong xã hội để “giải phóng tư duy”, “giải phóng sức sản xuất”, giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người, vì một cơ chế quản lý kinh tế và quản lý xã hội hợp quy luật hơn, vì một xã hội và đời sống tinh thần cởi mở, công khai, dân chủ hơn, vì sự bình đẳng về cơ hội cho mọi công dân, trước hết là những công dân trẻ. Và chính trong bối cảnh đó mà Tuổi Trẻ, với tất cả đặc trưng nhạy, mới, mở của mình (và cũng là của tuổi trẻ nói chung) trong cách nhìn nhận và phản ánh thực tế, trong cách tiếp cận vấn đề, chọn lựa đề tài, và cả trong cách thể hiện…đã tìm được sự đồng cảm nơi người đọc vốn đang bức bối trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; đã chinh phục được trái tim người đọc để trở thành tờ báo được nhiều người - không chỉ giới trẻ - yêu thích. Tuổi Trẻ chinh phục được người đọc chính nhờ đã chạm được vào nỗi bức xúc, trăn trở và sự mong chờ của xã hội, như chạm vào một dây đàn đang căng. Từ ban biên tập cho đến phóng viên, những người làm Tuổi Trẻ lúc ấy luôn ý thức về sự cần thiết phải đẩy xa hơn giới hạn đổi mới, nhích từng chút lên cao hơn “mức xà” đổi mới trong từng tin, bài.

Trong cuộc đấu tranh đó, tờ báo có lúc đã phải trả giá vì sự nôn nóng đi quá nhanh; có lúc rơi vào ấu trĩ như chụp hình biển số một chiếc xe hạng sang để gián tiếp đặt nghi vấn về một đối tượng tiêu cực; thậm chí có lúc nghiêng ngả giữa cái cũ và cái mới như dùng ngòi bút của một “nhà phê bình” để lên án nặng nề một vở múa hiện đại… Tuy nhiên, cũng từ những vấp váp ấy, những người biên tập và phóng viên đã trưởng thành lên trong tư duy và trong kiến thức về chính trị, về kinh tế, về văn hóa, xã hội. Càng ngày những người viết báo Tuổi Trẻ càng tiếp cận gần hơn với tư duy về một xã hội vận hành trên cơ sở pháp luật, về nhà nước pháp quyền, về một nền kinh tế thị trường văn minh. Nhưng nhạy, mới, mở và nhiệt tình, với đôi mắt và trái tim trong sáng, vẫn là đặc trưng có tính bản chất của tờ báo và của đội ngũ làm nên tờ báo. Nếu tờ báo mất đi đặc trưng đó thì Tuổi Trẻ sẽ không còn là Tuổi Trẻ, sẽ phản bội người đọc và mất đi người đọc của mình. Trẻ hay không chính là ở chỗ đó chứ không phải là ở chỗ chỉ đề cập những vấn đề của giới trẻ, của “đối tượng” của mình như nhan nhản những lời mời mọc quyến rũ về sự “sành điệu”, ‘bản lĩnh” của thanh niên thời nay. Bởi những học sinh 17, 18 tuổi, những sinh viên 20, 22 tuổi trước 30-4-1975, nếu chỉ bó hẹp cái nhìn vào những vấn đề của lứa tuổi mình, đã không thể làm nên được một phong trào sinh viên học sinh hào hùng đến thế.