Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

MỞ RỘNG HÀ NỘI VÀ XE BA BÁNH TỰ CHẾ


Đùng, đùng, đùng, đùng. Cứ như là vừa chạy vừa xếp hàng. Cứ như là cháy nhà đến nơi. Cứ như là nước lụt đến chân. Đó là chuyện mở rộng Hà Nội. Này nhé… Theo Vietnamnet ngày 1-12-2007,sau 6 giờ làm việc không nghỉ với lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với những đề xuất quan trọng của Thủ đô, trong đó có việc mở rộng địa giới hành chính, với diện tích 3.200 km2Đề xuất quan trọng nhất của HN là Thủ tướng chỉ đạo các bộ sớm trình phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và Đề án mở rộng địa giới hành chính. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, quy hoạch này có ý nghĩa không chỉ với HN mà cả với các tỉnh lân cận. "Tỉnh ủy Hà Tây mấy chục năm không dám sửa trụ sở vì sợ xây xong lại "tặng" cho HN", ông Nghị nói vui”. Vậy là, vẫn theo VietNamnet, “Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Dứt khoát năm nay phải giải quyết xong quy hoạch HN. Có lẽ phải mời tư vấn quốc tế. Phải có chương trình kiến thiết thành phố, đầu tư hoàn thành các đường vành đai để giãn được mật độ dân cư và giao thông".Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cương quyết: "Tháng 12 này cố gắng duyệt được quy hoạch vùng Thủ đô và địa giới". Các Bộ trưởng Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Giao thông cũng chia sẻ nhu cầu của HN hiện "đang mặc tấm áo quá chật" sau gần 10 năm "chưa điều chỉnh quy hoạch" nên "khó phát triển bền vững". Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu HN và các bộ liên quan chuẩn bị ngay phương án quy hoạch để sớm trình Quốc hội. Cuối tuần này, Bộ Chính trị cũng sẽ họp với HN để quyết định”.

Thế rồi, ngày 6/3/2008, tức chỉ 3 tháng sau cuộc họp của chính phủ với Hà Nội, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội bao gồm: Thành phố Hà Nội hiện tại; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây; huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và diện tích của 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Lương Sơn - Hòa Bình). Một tốc độ kỷ lục cho đề án mở rộng một thủ đô lên gấp hơn 3 lần. Rồi cấp tập sau đó là họp bất thường (cứ như là sắp nổ ra chiến tranh!) hội đồng nhân dân ba tỉnh liên quan và thành phố Hà Nội, rồi là lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc để thông qua việc sáp nhập.

Rồi, “theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã thống nhất có Tờ trình lên Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ xem xét tờ trình và thông qua tại kỳ họp thứ 3, khai mạc ngày 6/5 tới”, theo Tiền Phong Online. Chưa hết, ông Tuấn cho biết “Nếu được Quốc hội chấp thuận, việc sáp nhập sẽ được chính thức thực hiện vào ngày 1/7/2008. Đây cũng chính là mốc thời gian để HĐND, UBND và các cơ quan, ban ngành của hai địa phương tiến hành sáp nhập, cơ cấu và kiện toàn lại tổ chức”. Ngày 6/5, trong khi Quốc hội còn chưa bàn đến vấn đề mở rộng Hà Nội (theo nghị trình thì phải đến ngày 15/5) thì bên lề phiên họp Quốc hội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã cho rằng, "chủ trương đã quyết, sao lại cần thời gian ? Việc này thành phố đã quyết rồi".

Quả thực người ta không thể hiểu nổi sự hối hả, róng riết này với một đề án ảnh hưởng tới nhiều triệu con người, tới chiều hướng phát triển cả về kinh tế, xã hội, văn hóa của một thủ đô và mấy tỉnh – một đề án mà theo nhiều người là còn quá sơ sài, chưa đủ căn cứ khoa học và sức thuyết phục. Với một đế án như thế, phải chăng chỉ cần cái gật đầu của hội đồng nhân dân mấy tỉnh và thành phố? Ngay cả Mặt trận Tổ quốc cũng chỉ là một tổ chức chính trị-xã hội và sự phản biện, nếu có, cũng chủ yếu xuất phát từ góc độ đó hơn là dựa trên nghiên cứu khoa học hẳn hoi. Ở đâu, tiếng nói của các nhà khoa học chuyên môn về kinh tế, về xã hội, văn hóa? Hay là, tiếng nói quyết định, dù không lộ diện, ở đây là tiếng nói của những nhà bất động sản như tác giả Nguyên Lâm đoán trong bài “Quốc hội và việc mở rộng Hà Nội” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ra ngày 8/5/2008?

Trong khi một chuyện “đại sự” như thế được thúc đẩy vội vã thì một chuyện”cỏn con” (nhưng có liên quan tới chuyện cơm áo của bao nhiêu con người và gia đình họ) là chuyện chuyển đổi xe ba bánh tự chế, từ khi có nghị quyết 32 của Chính phủ đến nay đã 2 năm vẫn loay hoay không có ai lo. Bộ Giao thông vận tải ở đâu? Bộ Công thương ở đâu? Bộ Khoa học công nghệ ở đâu? Liệu họ có thể mau chóng ngồi với nhau để giải quyết vấn đề này hay rồi đến hết tháng 6 này lại phải dời thời hạn áp dụng lệnh cấm một lần nữa? Hay rồi cuối cùng đành phải cho nhập xe ba bánh Trung Quốc chế ?

Không có nhận xét nào: