Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2008

Báo chí được “chăm sóc” kỹ

Chưa bao giờ báo chí được “chăm sóc” kỹ như năm nay, mặc dù (hay chính vì?) có hai nhà báo đang phải ngồi tù vì vụ PMU 18. Từ bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đến Phó thủ tường Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, Thủ tướng trong cuộc gặp ban biên tập Cổng thông tin điện tử Chính phủ, qua bí thư Thành ủy TPHCM khi đến thăm và chúc mừng báo SGGP và cuối cùng là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi trao giải báo chí quốc gia…tất cả đều, nhân “ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, vừa chúc mừng các nhà báo vừa “nhắc nhở” họ nhiều điều. Đó là chưa kể cuộc gặp trước đó của thường trực ban bí thư TTS với Hội nhà báo Việt Nam.
Tin tức, tường thuật về các sự kiện nói trên thì dài, ở đây chỉ cố gắng lượm lặt ra một số thông tin cụ thể và đáng chú ý :
- Hóa ra các thế lực thù địch vẫn đang âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với VN, và các nhà báo hãy coi chừng, chớ mà tiếp tay cho âm mưu ấy! Bây giờ viết gì cũng phải ngó trước ngó sau, ngó lên ngó xuống đấy!
- Hóa ra bây giờ mới biết một số cơ quan báo chí đã được chọn làm lực lượng chủ lực trên mặt trận tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và trên mặt trận đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Không biết rồi đây người dân sẽ đọc báo gì, chủ lực hay không chủ lực đây?
- Hóa ra Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người phát ngôn của Chính phủ. Vậy mà lâu nay, hình như không ai nhớ điều này nên gặp sự kiện gì lớn có liên quan đến họat động của chính phủ các nhà báo không biết bám lấy ông mà hỏi.
- Trong cuộc gặp của PTT NSH và lãnh đạo một số bộ ngành với lãnh đạo báo chí, PTT yêu cầu báo chí phải “tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận”. Cũng tại cuộc gặp này, ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ TTTT lại “đề nghị Chính phủ có hình thức nhắc nhở một số bộ, ngành chưa tiến hành họp báo định kỳ và cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời chỉ đạo phải cung cấp thông tin định kỳ hoặc trong trường hợp có những vấn đề bức xúc, phải cung cấp các thông tin đột xuất” (Vietnamnet). Còn ông Cao Viết Sinh, thứ trưởng bộ KHĐT thì “dẫn lại khuyến cáo của các tổ chức quốc tế: "Yêu cầu Chính phủ thông tin cho dân chúng nhiều hơn để tạo niềm tin". Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào Chính phủ nhiều hơn so với niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong nước” (Vietnamnet). Nếu thông tin của hai ông thứ trưởng là đúng, chính xác thì báo chí làm sao có thể đáp ứng yêu cầu của ông PTT được nhỉ? Không có thông tin, làm sao “tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận” ? Và nữa, vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại tin tưởng vào Chính phủ nhiều hơn so với niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong nước? Phải chăng vì họ được thông tin đầy đủ hơn còn doanh nghiệp và người dân trong nước thì không đáng được như vậy?
- Đồng chí Lê Thanh Hài khẳng định, “thời gian qua, báo SGGP đã có nhiều cố gắng trong việc giữ vững tôn chỉ mục đích tờ báo, không ngừng cải tiến chất lượng thông tin và chuyển tải nhanh nhất, chính xác nhất thông tin đến với bạn đọc gần xa trong cả nước”. Có một “thắc mắc biết hỏi ai”: thế còn việc đưa tin về sự qua đời của đ/c Võ Văn Kiệt thì sao nhỉ? Có "nhanh nhất, chính xác nhất" không?
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin về việc Thủ tướng làm việc với BBT công thông tin, giật tít: “Nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho nhân dân”. Lại đụng phải cái ngắc ngứ ở điểm 4 và điểm 5 trên kia. Ngoài ra, trên cổng thông tin còn có bài “Nghề báo cần “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của tác giả Mai Hồng, dẫn phát biểu của nhiều nhà báo, tổng biên tập, mà người đọc không sao biết được là được thực hiện khi nào, trong hoàn cảnh nào, trong một cuộc tọa đàm hay qua phỏng vấn ? Thông tin như vậy có thể coi là “đầy đủ, chính xác” ?

Không có nhận xét nào: