Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2008

HOÀNH TRÁNG !


Không biết tự bao giờ hai từ “hoành tráng” từ lĩnh vực nghệ thuật, lĩnh vực của cái đẹp (cảnh tượng hoành tráng, sân khấu hoành tráng, bộ phim hay bộ sử thi hoành tráng, …) đã đi vào ngôn ngữ đời thường, kể cả ngôn ngữ nhậu nhẹt hôm nay. Nói nhậu “hoành tráng” tất nhiên là nói vui, nhưng không hẳn chỉ là vui. Nhậu hoành tráng cũng có nghĩa là thịt thà tôm cá phải ê hề, rượu bia phải chảy như suối, ăn không hết bỏ phí đầy bàn cũng chẳng sao. Thế mới hoành tráng! Thế mới là biết chơi. Thế mới không thua kém ai, không mất mặt. Đằng sau ước muốn hoành tráng có khi là sự hiếu khách nhưng cũng lắm khi là bệnh sĩ. Vì sĩ, người ta không ngại hoang phí dù sau đó có phải lấy chỗ này đắp chỗ kia.
Nhưng hoang phí trong mấy bữa nhậu dù sao cũng là chuyện nhỏ so với những thứ hoành tráng và hoang phí khác. Hoành tráng dường như đã trở thành một xu hướng không thể cưỡng nổi ở ta, trong mọi thứ, đặc biệt là trong xây dựng, trong kiến trúc. Phải chăng cũng vì bệnh sĩ, vì con gà tức nhau tiếng gáy? Nếu đúng vậy thì đây chính là vấn đề tâm lý dân tộc mà những nhà cổ xúy “bản sắc dân tộc” cần quan tâm. Ta thích cái gì cũng phải hoành tráng, phải to, phô trương về hình thức, nhưng đi vào nội dung, chi tiết, công năng, chất lượng, hiệu quả sử dụng thì cẩu thả, kém cỏi. Như một nghịch lý buồn cười: có nhiều trường học, nhiều trung tâm y tế mới xây hoành tráng ở địa phương này, địa phương khác trên đất nước này không có cả nhà vệ sinh cho học sinh, cho bệnh nhân. Như những khu đô thị tưởng như bê nguyên xi đâu đó từ bên trời Tây về đặt “hoành tráng” và hợm hĩnh giữa những thửa ruộng, những ao rau muống... Nhiều kiến trúc sư từng thấy xốn mắt trước “bầy ngựa đen trên bầu trời Thăng Long” ở một khu đô thị mới nằm ở cửa ngõ Hà Nội. Tôi cũng từng đi qua trung tâm Yên Bái, một thị xã vùng cao, và thấy ở đó những công thự như được bê nguyên xi từ một nước châu Âu mấy thế kỷ trước về cắm ở đây, chẳng ăn nhập gì với khung cảnh xung quanh. Hẳn những cơ quan, những vị lãnh đạo địa phương đã vô cùng mãn nguyện trước vẻ hoành tráng của những trụ sở cơ quan đó.
Và, không biết có nước nào như nước ta, lấy làm tự hào về thủ đô mình lớn …thứ 17 thế giới. Còn trong cái thủ đô lớn thứ 17 thế giới ấy người dân sống như thế nào, chất lượng sống ra sao, hạ tầng đô thị có tốt không, đi lại có thuận tiện không, cảnh quan môi trường có tốt cho cuộc sống cư dân hay không… dường như chẳng mấy ai quan tâm. Ở các nước, hình như người dân và lãnh đạo người ta chỉ tự hào về thành phố này thành phố nọ của họ đẹp, chưa từng thấy ai tự hào thành phố của họ to.
Bởi to chưa chắc đã đẹp. Trong xây dựng đô thị, thế giới đang đặt trọng tâm vào chất lượng sống hơn là vào diện tích, đô thị có thể nhỏ nhưng chất lượng sống phải cao. Chất lượng từ khâu quy hoạch không gian đến hạ tầng cơ sở, từ sự hợp lý, thuận tiện trong giao thông đi lại đến sự thoải mái trong cuộc sống của người dân; chất lượng từ cảnh quan môi trường đến tổ chức đời sống văn hóa… "Small is beautiful" – nhỏ là đẹp, chẳng phải ngẫu nhiên mà trên thế giới đã xuất hiện một trào lưu như vậy, cả trong xây dựng kiến trúc, cả trong thiết kế chế tạo các thiết bị, vật dụng, như ôtô con phải compact, vừa nhỏ gọn, ít choán chỗ đậu xe trong những đô thị ngày càng chật chội, vừa tiết kiệm nhiên liệu.
Phải mất nhiều năm thế giới mới nhận ra những vấn nạn của những siêu đô thị, những megacity. Thế giới đang từ bỏ bệnh đô thị to đầu, còn ta thì đang hăm hở lao vào, ôm lấy, tự hào. Thật buồn cười cho cái logic mà một vị lãnh đạo chính phủ đưa ra để thuyết phục Quốc hội thông qua chủ trương mở rộng Hà Nội, rằng thì là dân số Việt Nam đến năm ấy, năm ấy sẽ là từng ấy, từng ấy triệu dân, vì vậy thủ đô phải rộng chừng ấy, chừng ấy. Cứ theo logic đó thì Bắc Kinh và New Dehli sẽ phải là hai thủ đô lớn nhất thế giới vì dân số hai nước Trung Quốc và Ấn Độ vượt xa các nước còn lại. Bắc Kinh và New Dehli phải vượt gấp nhiều lần Tokyo hay Mexico City theo tỷ lệ so sánh dân số, mặc dù Tokyo và Mexico City đã là hai đại đô thị với bao nhiêu vấn nạn. “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” không có nghĩa là xây dựng những đại đô thị; thành phố to đẹp hơn cũng không nhất thiết hàm ý phải lớn về diện tích mà vô hồn, mà không thân thiện với cư dân của nó.
Tất nhiên, có những cái cần to, như hệ thống xa lộ hoặc các trường đại học, những thứ thể hiện trình độ phát triển của một quốc gia. Nhưng đây lại là những thứ mà ở ta ít được quan tâm, hoặc có vẻ quan tâm nhưng biện pháp thực hiện lại chẳng tới đâu.

Không có nhận xét nào: