Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Những website buồn

May. Cuối cùng thì cũng đã có một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, cụ thể là Thứ trưởng Vũ Dũng nói cho dân biết một cách cụ thể, thăng thắn về những chuyện thuộc vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải mà lâu nay, trước những thông tin hư hư thực thực, người dân cứ thấy ấm ức trong lòng mà không được quaqn chức có trách nhiệm nào giải đáp. Đó là chuyện đường biên giới ở ải Nam Quan, là chuyện thác Bản Giốc còn hay mất, là chuyện chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Trả lời phỏng vấn báo chí tuần qua tại cột mốc biên giới Lào Cai-Vân Nam, Thứ trưởng Vũ Dũng đã làm sáng tỏ nhiều điều, xua tan nhiều mối nghi ngờ về thái độ của Nhà nước trong vấn đề rất nhạy cảm với tình tự dân tộc và lòng yêu nước của người dân, từ bậc trí thức cho tới người dân thường. Điều quan trọng nữa là giọng điệu của người trả lời phỏng vấn mà ta có thể hiểu là thay mặt Nhà nước: rõ ràng, cụ thể, đĩnh đạc. Và không vô cảm như cuộn băng cassette của người phát ngôn mà người dân đã nhiều lần phải nghe trong bực tức trước đó.
Đĩnh đạc, không vô cảm khi đề cập đến những vấn đề có đụng chạm đến tình tự dân tộc, người đại diện cho Nhà nước đã làm cho người dân cảm thấy… bớt buồn. Bớt, nhưng vẫn còn… buồn. Vì sao? Tôi muốn nói đến những website của các bộ có liên quan chủ yếu đến vấn đề đang nói ở đây: website của bộ Ngoại giao và bộ Tài nguyên-Môi trường. Trong những ngày nóng bỏng đầu tháng 12-2007 sau khi có tin Trung Quốc quyết định thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để “quản lý” cả một vùng Biển Đông rộng lớn bằng 1/3 lãnh thổ Trung Quốc, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, có người đã thử vào hai website nói trên mong tìm kiếm thông tin khẳng định thêm niềm tin vào chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, khẳng định thêm tính đúng đắn và chính đáng của tuyên bố chủ quyền của nước ta, nhưng họ đã phải thất vọng. Họ chỉ thấy những website buồn, lạnh tanh, vô cảm.
Cả hai website không hề có một mục riêng về Hoàng Sa-Trường Sa hoặc về biển đảo Việt Nam nói chung, dù báo chí vẫn được yêu cầu phải “tuyên truyền” về biển đảo. Website bộ Ngoại giao có một mục gọi là “Những vấn đề quan tâm” trong đó có một mục nhỏ gọi là “Biên giới – lãnh thổ” với một số tin tức vè phân giới cắm mốc trên đất liền, tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao về Hoàng Sa – Trường Sa mà người dân đã nghe từ lâu… Muốn biết thêm tí gì khác, như Hoàng Sa, Trường Sa có bao nhiêu đảo; nước ta đang nắm giữ bao nhiêu đảo, nước ngoài đang chiếm giữ bao nhiêu; lập luận về chủ quyền của nước ta ra sao, của nước ngoài thế nào; chúng ta phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo…đành chịu. Hay các nhà lãnh đạo coi đó là chuyện riêng của lãnh đạo, người dân không cần và không được quyền biết tới? Qua website bộ Tài nguyên – Môi trường là bộ trực tiếp quản lý tài nguyên biển đảo nước ta, hy vọng thông tin sẽ khá hơn, nhưng người xem phải tiếp tục thất vọng. Trong số các mục chính của website có mục “Tài nguyên biển” nhưng vào đó cũng chỉ có thể đọc một số tin tức chẳng mấy liên quan đến vấn đề nóng mà mọi người dân đang quan tâm. Tự hỏi, bộ Tài nguyên – Môi trường đang quản lý tài nguyên biển đảo Việt Nam ra sao mà đến một tấm bản đồ với đầy đủ các đảo của Việt Nam cũng không có trên mạng ? Huống chi là những nội dung liên quan đến việc nước ngoài tranh chấp chủ quyền biển đảo của ta.
Vậy mà hàng năm không biết ngân sách quốc gia phải đổ bao nhiêu tiền để nuôi những website như vậy, những website lạnh tanh, vô hồn, vô cảm – không thể nói gì hơn. Bỗng nghĩ đến hàng trăm tỉ đồng mà đề án 112 (tin học hóa quản lý Nhà nước) đã ném qua cửa sổ. Ở một mức độ nào đó và về một khía cạnh nào đó, những website vừa nêu (và không ít website chính thức khác) cũng đang ném tiền ngân sách, ném lòng tin và sự kỳ vọng của người dân qua cửa sổ.