Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

MỞ RỘNG HÀ NỘI VÀ XE BA BÁNH TỰ CHẾ


Đùng, đùng, đùng, đùng. Cứ như là vừa chạy vừa xếp hàng. Cứ như là cháy nhà đến nơi. Cứ như là nước lụt đến chân. Đó là chuyện mở rộng Hà Nội. Này nhé… Theo Vietnamnet ngày 1-12-2007,sau 6 giờ làm việc không nghỉ với lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với những đề xuất quan trọng của Thủ đô, trong đó có việc mở rộng địa giới hành chính, với diện tích 3.200 km2Đề xuất quan trọng nhất của HN là Thủ tướng chỉ đạo các bộ sớm trình phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và Đề án mở rộng địa giới hành chính. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, quy hoạch này có ý nghĩa không chỉ với HN mà cả với các tỉnh lân cận. "Tỉnh ủy Hà Tây mấy chục năm không dám sửa trụ sở vì sợ xây xong lại "tặng" cho HN", ông Nghị nói vui”. Vậy là, vẫn theo VietNamnet, “Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Dứt khoát năm nay phải giải quyết xong quy hoạch HN. Có lẽ phải mời tư vấn quốc tế. Phải có chương trình kiến thiết thành phố, đầu tư hoàn thành các đường vành đai để giãn được mật độ dân cư và giao thông".Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cương quyết: "Tháng 12 này cố gắng duyệt được quy hoạch vùng Thủ đô và địa giới". Các Bộ trưởng Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Giao thông cũng chia sẻ nhu cầu của HN hiện "đang mặc tấm áo quá chật" sau gần 10 năm "chưa điều chỉnh quy hoạch" nên "khó phát triển bền vững". Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu HN và các bộ liên quan chuẩn bị ngay phương án quy hoạch để sớm trình Quốc hội. Cuối tuần này, Bộ Chính trị cũng sẽ họp với HN để quyết định”.

Thế rồi, ngày 6/3/2008, tức chỉ 3 tháng sau cuộc họp của chính phủ với Hà Nội, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội bao gồm: Thành phố Hà Nội hiện tại; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây; huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và diện tích của 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Lương Sơn - Hòa Bình). Một tốc độ kỷ lục cho đề án mở rộng một thủ đô lên gấp hơn 3 lần. Rồi cấp tập sau đó là họp bất thường (cứ như là sắp nổ ra chiến tranh!) hội đồng nhân dân ba tỉnh liên quan và thành phố Hà Nội, rồi là lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc để thông qua việc sáp nhập.

Rồi, “theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã thống nhất có Tờ trình lên Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ xem xét tờ trình và thông qua tại kỳ họp thứ 3, khai mạc ngày 6/5 tới”, theo Tiền Phong Online. Chưa hết, ông Tuấn cho biết “Nếu được Quốc hội chấp thuận, việc sáp nhập sẽ được chính thức thực hiện vào ngày 1/7/2008. Đây cũng chính là mốc thời gian để HĐND, UBND và các cơ quan, ban ngành của hai địa phương tiến hành sáp nhập, cơ cấu và kiện toàn lại tổ chức”. Ngày 6/5, trong khi Quốc hội còn chưa bàn đến vấn đề mở rộng Hà Nội (theo nghị trình thì phải đến ngày 15/5) thì bên lề phiên họp Quốc hội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã cho rằng, "chủ trương đã quyết, sao lại cần thời gian ? Việc này thành phố đã quyết rồi".

Quả thực người ta không thể hiểu nổi sự hối hả, róng riết này với một đề án ảnh hưởng tới nhiều triệu con người, tới chiều hướng phát triển cả về kinh tế, xã hội, văn hóa của một thủ đô và mấy tỉnh – một đề án mà theo nhiều người là còn quá sơ sài, chưa đủ căn cứ khoa học và sức thuyết phục. Với một đế án như thế, phải chăng chỉ cần cái gật đầu của hội đồng nhân dân mấy tỉnh và thành phố? Ngay cả Mặt trận Tổ quốc cũng chỉ là một tổ chức chính trị-xã hội và sự phản biện, nếu có, cũng chủ yếu xuất phát từ góc độ đó hơn là dựa trên nghiên cứu khoa học hẳn hoi. Ở đâu, tiếng nói của các nhà khoa học chuyên môn về kinh tế, về xã hội, văn hóa? Hay là, tiếng nói quyết định, dù không lộ diện, ở đây là tiếng nói của những nhà bất động sản như tác giả Nguyên Lâm đoán trong bài “Quốc hội và việc mở rộng Hà Nội” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ra ngày 8/5/2008?

Trong khi một chuyện “đại sự” như thế được thúc đẩy vội vã thì một chuyện”cỏn con” (nhưng có liên quan tới chuyện cơm áo của bao nhiêu con người và gia đình họ) là chuyện chuyển đổi xe ba bánh tự chế, từ khi có nghị quyết 32 của Chính phủ đến nay đã 2 năm vẫn loay hoay không có ai lo. Bộ Giao thông vận tải ở đâu? Bộ Công thương ở đâu? Bộ Khoa học công nghệ ở đâu? Liệu họ có thể mau chóng ngồi với nhau để giải quyết vấn đề này hay rồi đến hết tháng 6 này lại phải dời thời hạn áp dụng lệnh cấm một lần nữa? Hay rồi cuối cùng đành phải cho nhập xe ba bánh Trung Quốc chế ?

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

“Hành trình hòa hợp” và căn cứ tàu ngầm hạt nhân

“Hành trình hòa hợp”. Dưới khẩu hiệu đó, cuộc rước đuốc Olympic Bắc kinh đã diễn ra. Với việc đăng cai tổ chức Olympic 2008 và với khẩu hiệu đó cho cuộc rước đuốc, hẳn Trung Quốc muốn trình bày với thế giới một nước Trung Hoa chẳng những giàu mạnh (điều này thì ai cũng đã thấy) mà còn hiếu hòa, sống yên bình với thế giới, không đe dọa ai, không làm ai phải lo ngại cho an ninh của mình.

Thế nhưng, chính trong những ngày diễn ra cuộc rước đuốc mà Trung Quốc muốn coi là “hành trình hòa hợp” này, tin tức trên báo chí quốc tế lại cho biết Trung Quốc đã và đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân, và còn có thể là nơi chứa một phần kho vũ khí hạt nhân của họ nữa, ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 200km - nghĩa là bằng khoảng cách từ Sài Gòn đi Phan Thiết. Không chỉ xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á, báo chí quốc tế còn cho biết Trung Quốc cũng tăng cường xây dựng công trình quân sự trên một số đảo mà họ chiếm đóng trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều mỉa mai, Tam Á là nơi đầu tiên đón ngọc đuốc “hành trình hòa hợp” trên lãnh thổ Trung Quốc sau các chặng quốc tế trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Tam Á cũng là thành phố trở nên nổi tiếng vài ba năm gần đây với hình ảnh các cuộc thi Hoa hậu Thế giới và hình ảnh một thành phố du lịch.

Thật ra thì không phải đợi đến khi ngọn đuốc Olympic Bắc kinh đến Luân Đôn, Paris hay San Francisco…, dẫn đến những cuộc phản đối ở đó, nó mới cho thấy hành trình của nó chưa phải là một “hành trình hòa hợp” và ý định "đăng quang" của Trung Quốc qua Olympic như là một quốc gia vừa giàu mạnh vừa hiếu hòa chưa thành công. Mà ngay từ đầu, khi hành trình của ngọn đuốc được Ủy ban Olympic Bắc kinh vạch ra với tấm bản đồ bao gồm cả Hoàng Sa được thể hiện như một phần lãnh thổ của Trung Quốc, “hành trình hòa hợp” đã chỉ là một khẩu hiệu, không thật. Chỉ đến cuối ngày 28-4, một ngày trước cuộc rước đuốc tại TPHCM, bản đồ hành trình trên mới được sửa đổi, không còn thể hiện Hoàng Sa như một phần lãnh thổ Trung Quốc. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng người ta nói rằng đó là do có lá thư phản đối gửi Ủy ban Olympic quốc tế của du học sinh Việt Nam tại Pháp Lê Minh Phiếu, một trong những người Việt Nam được chọn rước đuốc nhưng cuối cùng đã không được cầm đuốc vì có ý kiến không đồng ý của Ủy ban Olympic Bắc kinh.

Trở lại với căn cứ tàu ngầm hạt nhân và hàng không mẫu hạm ở Tam Á, như một minh chứng cho tính chất khẩu hiệu suông của “hành trình hòa hợp” của ngọn đuốc Olympic Bắc kinh, theo tạp chí Jane’s Defence, căn cứ này thực ra đã được bắt đầu xây dựng từ 5 năm về trước như các tấm ảnh vệ tinh cho thấy. Từ đó đến nay Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng sức mạnh hải quân trên vùng Biển Đông. Theo BBC tiếng Việt, trong bài “Bí mật Tam Á - Tiết lộ về căn cứ hải quân hạt nhân mới của Trung Quốc” trên Jane’s Defence, nhà nghiên cứu Richard D Fisher đưa ra các nhận định chính như sau: “Căn cứ Tam Á có thể dùng để làm bến đỗ cho tàu ngầm hạt nhân loại mới 094 được phát triển song song với sự bành trượ́ng quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dù điều này không chứng tỏ sẽ có một cuộc xung đột trong vùng, căn cứ Tam Á là dấu hiện rõ ràng hơn về việc chuyển biến cán cân chiến lược ở châu Á và cho thấy mong muốn của Trung Quốc nhằm nắm những tuyến hải lộ ở vùng biển Nam Trung Hoa”.

Cho dù, vì những lý do địa chính trị như khoảng cách quá gần với người khổng lồ Trung Quốc hoặc những quan hệ kinh tế đan chéo mà nhà nước nào cũng không muốn để bị tổn hại, nhiếu quốc gia châu Á đã không thể tự cho phép để xảy ra những cuộc phản đối như ở châu Âu hay châu Mỹ, đã phải huy động bộ máy an ninh khổng lồ để bảo đảm chặng rước đuốc diễn ra yên ổn trên đất nước họ, điều đó không có nghĩa họ không ý thức được mối đe dọa đang lừng lững ở chân trời. Và hành trình của ngọn đuốc nhờ đó đã diễn ra có vẻ "hòa hợp".

Với Trung Quốc, nói và làm là hai chuyện khác nhau, "hành trình hòa hợp" và lẳng lặng xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân nhằm khống chế Biển Đông là hai chuyện có thể diễn ra song song. Cho nên, bốn chữ vàng “hành trình hòa hợp” hay những “chữ vàng” nào khác nữa, người ta cũng chỉ có thể tiếp nhận một cách rất ư là dè dặt.