Thứ Hai, 26 tháng 5, 2008

TỪ CÂU HỎI CỦA MỘT NÔNG DÂN

Ông Lê Văn Lam - nông dân tỉnh Đồng Tháp, người mới đây đã gửi thư cho Thủ tướng để kể về tình cảnh của người nông dân hiện nay - và những người nông dân khốn khó khác của Việt Nam hẳn sẽ chạnh lòng biết mấy nếu biết rằng vừa mới đây thôi Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua dự luật trợ cấp nông nghiệp trị giá tới 290 tỉ đô la, bao gồm trợ cấp cho nông dân Mỹ và trợ giúp lương thực cho các hộ gia đình nghèo, mặc dù cũng có tiếng nói trong chính quyền cho rằng khoản trợ cấp này là quá đắt đỏ, còn người khác ngại rằng nó đi ngược lại quy định của WTO. Trong thư gửi Thủ tướng hôm 4-5, ông Lam, 57 tuổi, hơn 40 năm làm nghề nông, viết: “Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất…Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân. Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm…”

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ sau đó, ông nói: “Ở quê tui, hầu hết nông dân đều mắc nợ ngân hàng. Hạt lúa chỉ giúp họ không đói chứ không làm họ hết nghèo. Hết vụ gặt, nông dân chen lấn nhau ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp. Ở đây có đến 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau như thế… Tụi tui cực quen rồi, có gì mà than, nhưng có những điều bất công làm tui bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai?”

Câu hỏi của ông Lam chỉ là một trong nhiều vấn nạn về chính sách đối với nông dân và nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Nông dân vẫn là thành phần được thụ hưởng ít nhất thành quả của 20 năm đổi mới, của sự chuyển đổi qua kinh tế thị trường, và gặp nhiều khó khăn nhất trong làm ăn, mặc dù sự năng động của nông dân là điều ai cũng biết. Với Việt Nam, dù có muốn thì việc trợ cấp cho nông dân và nông nghiệp theo kiểu của Mỹ là điều bất khả, nhưng những chính sách hỗ trợ để nông dân có thể sống được với thị trường, làm chủ và khai thác được thị trường - như quy hoạch đất đai và cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường, cung cấp tín dụng, hệ thống cung ứng vật tư, chính sách và hệ thống thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản có lợi nhất cho nông dân…, vì sao chúng ta không làm được?

Ngoài chuyện đầu cơ, cơn sốt giá gạo vừa qua về mặt nào đó cũng là lời cảnh báo về hậu quả khôn lường nếu không quan tâm đầy đủ đến nông dân và nông nghiệp. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, vì vậy có nói: Cần tăng mạnh đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn để vừa bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng, tăng thêm số lượng lương thực xuất khẩu, đồng thời cải thiện tốt hơn đời sống của người sản xuất lương thực. Một đề án về chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng đang được chuẩn bị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiển nhiên là con đường tất yếu phải đi để đất nước thoát khỏi đói nghèo, để dân giàu nước mạnh. Nhưng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một đất nước mà 70% dân số còn sống bằng nông nghiệp thì không thể bỏ mặc nông dân bươn chải, huống hồ nông dân đang nuôi sống cả nước và lại còn góp phần vào xuất khẩu (gạo, thủy sản). Mỗi thành quả phát triển, nông dân cũng phải được hưởng. Bằng không, đó sẽ là mầm mống của bất ổn xã hội, như những gì chúng ta chứng kiến qua những cuộc “khiếu kiện đông người” dai dẳng của nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước.