Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

Chỉ đạo bằng tin nhắn

Ban Tuyên giáo bây giờ có kiểu chỉ đạo mới với báo chí. Hễ có chuyện gì, chẳng hạn cấm đăng cái này, không được đăng cái kia... là nhắn tin vào điện thoại di động của các tổng biên tập báo. Có tổng biên tập than: nhiều lúc nhận tin nhắn mà không biết ai nhắn. Rồi phân vân: nếu không đăng tin này, lỡ ngày mai báo khác đăng thì sao? Hoặc: nếu đăng, ngày mai các báo khác đều im thì ...chết.
Làm tổng biên tập bây giờ khổ thật.

Trung Quốc -Việt Nam và đuốc Olympics

Một nguồn tin cho biết, lúc bàn thảo kế hoạch rước đuốc Olympics ở TPHCM, phía VN đưa ra yêu cầu gì TQ cũng gật. Thế nhưng lúc vào cuộc thực sự thì TQ đưa ra đủ thứ yêu cầu, đòi hỏi trịch thượng, như đòi một phó thủ tướng VN tiếp nhận đuốc từ tay đại sứ của họ; không được thì quan chức của họ gọi điện thoại cầm tay thẳng cho quan chức của ta, làm như quan chức VN là thuộc cấp của họ. Ngoại trưởng TQ gọi điện thẳng cho PTT kiêm ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm; người của lãnh sự quán của họ gọi điện thẳng cho phó giám đốc sở ngoại vụ TPHCM…

Sao có thể như thế nhỉ?

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2008

Một bài thơ 37 năm trước

Bài thơ “Lời tạ lỗi cùng thầy” này tôi làm năm 1971, lúc 21 tuổi, đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm thứ hai. Đó là năm Nguyễn Văn Thiệu tổ chức bầu cử tổng thống độc diễn. Phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu của SVHS và các tầng lớp khác ở đô thị dâng cao. Chế độ buộc phải trả tự do cho một số SVHS đã bị bắt, như Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Văn Đầy, Trần Văn Long, Nguyễn Tuấn Kiệt, v.v…Tôi vừa tham gia phong trào SV ở Đại học Văn khoa, vừa đi với nhóm TNSVHS Đòi Quyền Sống Đồng Bào đốt xe Mỹ, rải truyền đơn chống Mỹ-Thiệu, vừa tham gia phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo) lúc đó cũng bị cuốn theo phong trào SVHS. Bài thơ ra đời trong bối cảnh như vậy, đầu tiên được đăng trong báo Chọn của phong trào Thanh Lao Công, sau đó được đăng lại trong tạp chí Nhà Chúa của LM Nguyễn Huy Lịch, người có cảm tình với SVHS tranh đấu.
Đi theo con đường của bài thơ, tháng 4 năm 1972 sau một cuộc xuống đường rải truyền đơn chống Mỹ - Thiệu ở Ngã Sáu Sài Gòn (xung quanh tượng Phù Đổng Thiên Vương), tối đến tôi và một số anh em phong trào Đòi Quyền Sống Đồng Bào bị cảnh sát Sài Gòn vây bắt tại trụ sở Thanh Lao Công (370 Lê Văn Duyệt, bây giờ là Cách Mạng Tháng Tám, trụ sở báo Công giáo và Dân tộc). Tôi ở tù cho đến ngày giải phóng, 30-4-1975. Sau ngày giải phóng tôi mới biết, sau khi tôi bị bắt báo Le Monde của Pháp đã đăng bản dịch bài thơ này của tôi, có lẽ là do ai đó ở tạp chí Nhà Chúa đã dịch và gửi cho họ. Sau 30-4-1975 bài thơ được chọn đăng lại trong cuốn sách truyền thống “Tiếng hát những người đi tới” của Thành Đoàn TPHCM. Và lần cuối cùng nó được đăng lại là trên báo Tuổi Trẻ ngày 28 tháng 3 năm 2005, năm kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam.

Lời tạ lỗi cùng thầy

Thưa thầy
Kỳ thi này có lẽ con sẽ rớt
Có lẽ con sẽ đi quân trường rồi có lẽ con sẽ cầm khí giới ngoại nhân bắn vào anh em con ở bên kia chiến tuyến
Nhưng thưa thầy con làm sao được
Con làm sao học được
Khi bạn bè con anh em con người người bị bắt
Bị tù đày bị tra tấn mà đôi mắt nai xoe tròn ngơ ngác vì không hiểu tại sao
Con xin tạ lỗi cùng thầy
Câu nói này con không làm sao nghe được, bài văn kia con không làm sao hiểu thấu
Khi ngoại nhân vẫn chìa súng cho anh em con hè nhau bắn giết
Khi vì những lý tưởng tự do cao đẹp họ vẫn giày xéo đất nước mình bằng gót giày sắt máu
Con xin tạ lỗi cùng thầy
Bài công dân này con không làm sao thuộc được, bài địa lý kia con không làm sao nuốt trôi
Khi con mường tượng trưa nay về nhà mẹ già con vẫn ốm o nằm đó
Và em con nheo nhóc đứa đòi cơm đứa đòi canh trong khi ba con gục đầu vào hai bàn tay rưng khóc
Con xin tạ lỗi cùng thầy
Có lẽ con chỉ còn một con đường lựa chọn
(Và con đường đó thì thầy dư biết là đầy gian lao nguy hiểm)
Thưa thầy đó là con đường Hòa Bình con đường Việt Nam.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2008

Báo chí được “chăm sóc” kỹ

Chưa bao giờ báo chí được “chăm sóc” kỹ như năm nay, mặc dù (hay chính vì?) có hai nhà báo đang phải ngồi tù vì vụ PMU 18. Từ bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đến Phó thủ tường Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, Thủ tướng trong cuộc gặp ban biên tập Cổng thông tin điện tử Chính phủ, qua bí thư Thành ủy TPHCM khi đến thăm và chúc mừng báo SGGP và cuối cùng là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi trao giải báo chí quốc gia…tất cả đều, nhân “ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, vừa chúc mừng các nhà báo vừa “nhắc nhở” họ nhiều điều. Đó là chưa kể cuộc gặp trước đó của thường trực ban bí thư TTS với Hội nhà báo Việt Nam.
Tin tức, tường thuật về các sự kiện nói trên thì dài, ở đây chỉ cố gắng lượm lặt ra một số thông tin cụ thể và đáng chú ý :
- Hóa ra các thế lực thù địch vẫn đang âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với VN, và các nhà báo hãy coi chừng, chớ mà tiếp tay cho âm mưu ấy! Bây giờ viết gì cũng phải ngó trước ngó sau, ngó lên ngó xuống đấy!
- Hóa ra bây giờ mới biết một số cơ quan báo chí đã được chọn làm lực lượng chủ lực trên mặt trận tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và trên mặt trận đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Không biết rồi đây người dân sẽ đọc báo gì, chủ lực hay không chủ lực đây?
- Hóa ra Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người phát ngôn của Chính phủ. Vậy mà lâu nay, hình như không ai nhớ điều này nên gặp sự kiện gì lớn có liên quan đến họat động của chính phủ các nhà báo không biết bám lấy ông mà hỏi.
- Trong cuộc gặp của PTT NSH và lãnh đạo một số bộ ngành với lãnh đạo báo chí, PTT yêu cầu báo chí phải “tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận”. Cũng tại cuộc gặp này, ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ TTTT lại “đề nghị Chính phủ có hình thức nhắc nhở một số bộ, ngành chưa tiến hành họp báo định kỳ và cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời chỉ đạo phải cung cấp thông tin định kỳ hoặc trong trường hợp có những vấn đề bức xúc, phải cung cấp các thông tin đột xuất” (Vietnamnet). Còn ông Cao Viết Sinh, thứ trưởng bộ KHĐT thì “dẫn lại khuyến cáo của các tổ chức quốc tế: "Yêu cầu Chính phủ thông tin cho dân chúng nhiều hơn để tạo niềm tin". Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào Chính phủ nhiều hơn so với niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong nước” (Vietnamnet). Nếu thông tin của hai ông thứ trưởng là đúng, chính xác thì báo chí làm sao có thể đáp ứng yêu cầu của ông PTT được nhỉ? Không có thông tin, làm sao “tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận” ? Và nữa, vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại tin tưởng vào Chính phủ nhiều hơn so với niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong nước? Phải chăng vì họ được thông tin đầy đủ hơn còn doanh nghiệp và người dân trong nước thì không đáng được như vậy?
- Đồng chí Lê Thanh Hài khẳng định, “thời gian qua, báo SGGP đã có nhiều cố gắng trong việc giữ vững tôn chỉ mục đích tờ báo, không ngừng cải tiến chất lượng thông tin và chuyển tải nhanh nhất, chính xác nhất thông tin đến với bạn đọc gần xa trong cả nước”. Có một “thắc mắc biết hỏi ai”: thế còn việc đưa tin về sự qua đời của đ/c Võ Văn Kiệt thì sao nhỉ? Có "nhanh nhất, chính xác nhất" không?
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin về việc Thủ tướng làm việc với BBT công thông tin, giật tít: “Nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho nhân dân”. Lại đụng phải cái ngắc ngứ ở điểm 4 và điểm 5 trên kia. Ngoài ra, trên cổng thông tin còn có bài “Nghề báo cần “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của tác giả Mai Hồng, dẫn phát biểu của nhiều nhà báo, tổng biên tập, mà người đọc không sao biết được là được thực hiện khi nào, trong hoàn cảnh nào, trong một cuộc tọa đàm hay qua phỏng vấn ? Thông tin như vậy có thể coi là “đầy đủ, chính xác” ?