Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008

Trung Quốc lại cản trở Việt Nam hợp tác khai thác dầu

Hồi 2007 hãng BP của Anh cũng vì sức ép của TQ mà rút khỏi hợp đồng thăm dò dầu khí với VN trên vùng thềm lục địa VN ở Biển Đông. Lần này đến lượt ExxonMobil của Mỹ bị gây sức ép. Cơ sở đâu để TQ làm như vậy? Chính là dựa trên cái bản đồ Biển Đông mà họ vẽ ra với biên giới trên biển của họ như cái lưỡi bò liếm gần hết cả Biển Đông. Liệu ExxonMobil có dám hy sinh quyền lợi của họ ở thị trường TQ để hợp tác với VN ?
Xem bài trên BBC:

Cty Mỹ bị cảnh báo vì hợp tác với VN



Bắc Kinh yêu cầu công ty ExxonMobil rút khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam vì cho rằng dự án xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong dẫn các nguồn tin thân cận với công ty dầu khí Mỹ cho biết rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Washington nhiều lần lên tiếng phản đối với các lãnh đạo của ExxonMobil thời gian qua.

Họ cũng cảnh báo rằng các hoạt động kinh doanh của công ty dầu khí hàng đầu thế giới ở Trung Hoa đại lục có khả năng gặp rủi ro vì thỏa thuận này.

Một nguồn tin nói với tờ báo: “Nếu đó là vấn đề pháp lý đơn thuần, mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng sự việc còn mang tính chính trị”.

“Quan ngại của Trung Quốc khiến tình hình trở nên phức tạp hơn đối với một công ty như Exxon. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành dầu mỏ quốc tế”.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam, PetroVietnam và ExxonMobil đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc thăm dò ở vùng biển Đông ngoài khơi bờ biển miền nam và trung Việt Nam.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng không nói rõ là hai bên ký thỏa thuận này khi nào.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, ExxonMobil và PetroVietnam đã ký thỏa thuận khung về hợp tác tại khu vực biển Đông trong khuôn khổ chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ tháng trước.

‘Không thể phớt lờ’

Tờ báo của Hong Kong dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết rằng ExxonMobil tự tin về chủ quyền của Việt Nam ở một số lô mà công ty này sẽ thăm dò, nhưng cũng đồng thời không thể phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng được trích lời nói rằng mọi hợp tác của Hà Nội với các đối tác dầu khí nước ngoài là quyền của Việt Nam.

Khu biển xung quanh quần đảo Trường Sa đang được sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại đây.

Tập đoàn BP của Anh đã quyết định thôi thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam hồi tháng 6/2007 trước sức ép từ Bắc Kinh.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, từng cho BBC biết rằng Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ qua đại sứ quán tại nhiều nước phương Tây vốn có dự án dầu khí với Việt Nam nhằm buộc họ ngừng hợp tác với Hà Nội.

Theo các nhà quan sát, tranh chấp biển ở khu vực Trường Sa và Hoàng Sa khiến Bắc Kinh và Hà Nội ‘bằng mặt nhưng không bằng lòng’.

Địa chỉ trang web:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080720_exxonmobil_warning.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080722_china_exxon.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080722_arthur_waldron_interview.shtml