Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

Bỏ công sang tư - rồi sao ?

Dư luận báo chí gần đây tỏ ra quan tâm nhiều, đôi lúc với giọng báo động, về hiện tượng hàng loạt công chức xin nghỉ việc để chuyển qua làm trong khu vực tư nhân. Trong số đó có không ít người giữ cương vị lãnh đạo của các sở, ban, ngành, là chuyên viên có năng lực, có bằng cấp. Có người đã gọi đó là sự “chảy máu chất xám”. Chưa vội bàn xem có nên gọi đó là “chảy máu chất xám” hay không khi chất xám chẳng chảy đi đâu ra ngoài Việt Nam mà chỉ dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác và vẫn đóng góp cho nền kinh tế, điều đầu tiên cần xem xét là nguyên nhân và ý nghĩa của hiện tượng này.
Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế chúng ta hiện đã là một nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực kinh tế nhà nước không còn một mình một chợ. Khu vực kinh tế tư nhân, tuy còn bị lép vế trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển, vẫn đang ngày càng lớn mạnh, hiện đóng góp đến gần 50 % tổng sản phẩm trong nước và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn dân số đến tuổi lao động hàng năm. Hàng tuần có hàng trăm doanh nghiệp cổ phần và tư nhân mới ra đời. Khu vực tư nhân cũng đang cần lao động có tay nghề, cần chuyên viên, cần chất xám; lại năng động hơn, sẵn sàng cạnh tranh hơn, cả trong sản xuất kinh doanh lẫn trong tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực.
Trong khi đó, khu vực nhà nước, bao gồm cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước, một mặt hầu như không thu hút thêm lao động, mặt khác do cơ chế chính sách lại không sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực hiện có. Lương thấp, đãi ngộ không xứng đáng; ít có điều kiện được đào tạo, được thăng tiến về nghề nghiệp; môi trường làm việc thiếu sáng tạo, ít được chủ động, đó là chưa kể nạn bè phái, kèn cựa, mất đoàn kết, đấu đá nội bộ, trù dập người có năng lực và ngay thẳng trong không ít cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước khiến người trí thức, chuyên viên có lòng tự trọng phải nản lòng.
Trong bối cảnh đó, sự dịch chuyển lao động và chất xám từ khu vực công sang khu vực tư là tất yếu và lành mạnh, đem lại sự cạnh tranh trên thị trường lao động. Nó vừa có lợi cho người lao động lại vừa là động lực để các khu vực khác nhau của nền kinh tế phải tự đổi mới, tự cải tiến mới mong thu hút được người giỏi.
Tất nhiên, đó là một thách đố đối với khu vực công vốn đang trầy trật với công cuộc cải cách hành chính, cải cách và tinh giản bộ máy, nhưng đó là một sự thách đố, một sức ép cần thiết để khu vực công phải nhanh chóng thay đổi cơ chế chính sách trong công tác tổ chức nhân sự. Làm sao để bộ máy công quyền vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả; làm sao để cơ quan công quyền không còn là nơi người ta gửi gắm con cháu không làm được việc, nơi người ta nương thân chờ thời hoặc mượn danh để chạy chọt làm ăn bên ngoài mà phải là nơi làm việc của những người có năng lực, có ý nguyện, tâm huyết phục vụ nhân dân thực sự và được trả lương tương xứng để làm việc – đó là đích đến.