Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

CÓ PHẢI CHỈ LÀ BỆNH NGOÀI DA ?


Lại một lần nữa người ta nêu ra cái gọi là “văn hoá ứng xử” để giải thích cho chuyện chen lấn tại lễ hội hoa anh đào ở Hà Nội. Nhờ lực lượng 500 cảnh sát và nhân viên bảo vệ để bảo vệ cho 6 cây hoa anh đào mang từ Nhật sang trưng bày tại lễ hội, lần này may mà chỉ xảy ra chuyện chen lấn chứ không phải là một thảm họa văn hoá như ở lễ hội hoa anh đào năm ngoái hay lễ hội phố hoa bên hồ Hoàn kiếm Tết vừa rồi. Dù thế nào, những sự kiện trên đều bộc lộ một điều: sự xuống cấp ghê gớm về văn hóa và đạo đức của xã hội, một sự khủng hoảng về giá trị.
Người ta không còn biết ngượng với người khác và với chính mình. Người ta không còn sợ lương tâm cắn rứt mà chỉ sợ bị phạt (tiền hoặc tù) và nếu có thể tránh được phạt thì người ta tự do phá hoại cái mà người khác đã mất bao công sức để hoàn thành cho cộng đồng, trong đò có họ, hưởng. Một người có chút lương tâm, lương tri, một người biết xấu hổ trước một việc làm xấu, không ai cho phép mình làm thế. Nhưng vẫn có nhiều người thản nhiên làm được, và làm ngay ở mảnh đất gọi là “thủ đô xã hội chủ nghĩa” ( nhân tiện, thật ra cũng chẳng ai biết cái nội hàm của từ “xã hội chủ nghĩa” gắn với thành phố này, thành phố nọ là gì!).
Một khoảng trống khủng khiếp. Không chỉ là khoảng trống về văn hoá, về ý thức tôn trọng của công, về ý thức cộng đồng, mà hơn thế, một khoảng trống về giá trị.
Phải chăng “Thượng đế đã chết, tất cả đều được phép”?
Dostoievski, trong “Anh em nhà Karamazov” nói: Nếu Thượng đế không tồn tại, tất cả đều được phép. Còn Nietzsche, trong “Le Gai Savoir”, loan báo: Thượng đế đã chết và câu hỏi đặt ra là làm sao để con người không rơi vào chủ nghĩa hư vô. Cái khoảng trống về lương tâm và giá trị trong xã hội mà một số người, trẻ có già có, làm lộ ra qua việc phá phách phố hoa bên bờ hồ Hoàn kiếm ở Hà Nội khiến ta không khỏi liên tưởng đến câu của Dos (nhưng không có chữ nếu). Với những “nam thanh nữ tú” của “thủ đô xã hội chủ nghĩa” , có vẻ như “Thượng đế” - ở đây hiểu là những giá trị, những điều thiêng liêng, không nhất thiết có liên quan đến tôn giáo - không còn tồn tại. Những lý tưởng, những từ ngữ đẹp đẽ mà họ được nhồi cho từ trong nhà trường đến tổ chức đoàn hội, đến gia đình không còn tồn tại. Với họ, “Thượng đế” đã chết, “lý tưởng” đã chết, những điều cao siêu mỹ miều đã chết, và tất cả đều được phép. Được phép làm bất cứ điều gì mình thích, mình muốn, bất chấp tất cả. Đó phải chăng là chủ nghĩa hư vô khi mọi thứ được coi là giá trị đã sụp đổ?
Vì sao lại đến nông nỗi này?
Nói “văn hoá ứng xử” chỉ là nói chuyện bệnh ngoài da. Chuyện “tàn sát văn hoá” như đã xảy ra tại lễ hội hoa anh đào năm ngoái hay lễ hội phố hoa Hà Nội tết vừa rồi không chỉ là chuyện “văn hoá ứng xử”, bởi thiếu sót trong văn hoá ứng xử thường được hiểu là những thiếu sót nhỏ nhặt do thiếu hiểu biết, do vụng về hoặc do thô lỗ. Chuyện “tàn sát văn hoá” như đã xảy ra tại hai lễ hội trên bởi những “trai thanh gái lịch đất Tràng An” và cả một vài gương mặt xem ra rất đáng kính nói lên một điều gì đó sâu xa hơn: đó là sự thất bại thảm hại của nền giáo dục, là tính hai mặt trong đời sống xã hội.
Nền giáo dục thất bại vì nó không tạo ra được những con người có nhân cách trước khi nói đến chuyện trang bị kỹ năng. Giáo dục trước hết là dạy làm người, là giáo dục cách sống cho ra con người trước khi giáo dục kỹ năng, nhưng với nền giáo dục hiện nay, ngoài việc nhồi nhét những kiến thức chính trị và những giáo điều mà ngay cả những người rao giảng cũng không mấy người tin và làm theo, ngoài việc trang bị một số kỹ năng chuyên môn, việc dạy học sinh làm người với những phẩm chất phổ biến của một con người xem ra chẳng có là bao. Mặt khác, những gì được xem như là đạo đức, là tốt đẹp mà nhà trường rao dạy lại thường xuyên bị thực tế ngoài đời phủ nhận, người ta nói một đàng làm một nẻo, người ta rao giảng những điều cao đẹp mà trong thực tế người ta xổ toẹt. Thực tế đó khiến cho người trẻ không còn biết tin vào đâu trước tính hai mặt trong xã hội. Khủng hoảng giá trị, khủng hoảng niềm tin bắt đầu từ đó.
Và thế là, cướp hoa được cứ cướp, vặt hoa được cứ vặt, như ta đã thấy. Và đó không chỉ là chuyện “văn hóa ứng xử”. Nói “văn hóa ứng xử” chỉ là nói chuyện bệnh ngoài da.

Không có nhận xét nào: