Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

BÁO CHÍ VÀ DOANH NGHIỆP: AI ĐI BƯỚC TRƯỚC?

Vấn đề quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, nhà báo và doanh nhân cũng được đặt ra ở các nước khác, với những nền báo chí khác, nhưng đặt ra một cách bình thường trong phạm trù đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ đưa tin về kinh doanh; còn ở ta, do bối cảnh lịch sử, vấn đề còn có thêm ý nghĩa khác, hệ luỵ khác. Đây là chuyện đặt ra không riêng cho một toà soạn nào.

Những năm gần đây, cùng với đà phát triển kinh tế, sự lớn lên cả về số lượng lẫn chất lượng và tính chất đa sở hữu của doanh nghiệp trong nước; đồng thời là sự gia tăng về số lượng báo, tạp chí thuộc đủ loại hình và sự bùng phát ngày càng thường xuyên hơn những “vấn đề” của bản thân báo chí, trong dư luận cả hai phía - doanh nghiệp và báo chí, nhà báo và doanh nhân - đã xuất hiện ý muốn đặt lại khuôn khổ cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa báo chí và doanh nghiệp trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng và tin cậy nhau hơn. Một bên là những người làm cái nghiệp kinh doanh, một thành phần quan trọng làm ra của cải cho xã hội, góp phần làm nên sự giàu mạnh của đất nước; một bên là những người làm cái nghiệp đưa tin, qua đó góp phần tạo nên sự minh bạch trong xã hội, góp phần vào sự dân chủ hoá và lớn mạnh của đất nước thông qua việc đưa thứ của cải tinh thần là thông tin đến mọi thành phần trong xã hội. Về mặt lợi ích, hai bên hoàn toàn có thể là đối tác của nhau: doanh nghiệp cần báo chí để thông tin cho công chúng, cho người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của mình; ngược lại báo chí cần doanh nghiệp vừa như là đối tượng, đề tài thông tin, phản ánh, vừa là nguồn thu nhập qua quảng cáo (nếu báo không được bao cấp), nhờ đó báo chí có thể tồn tại và làm chức năng người đưa tin của mình.

Ấy vậy mà giữa hai bên đang tồn tại một sự thiếu hiểu biết, thiếu tin tưởng, đôi khi thiếu tôn trọng lẫn nhau. Một số ít mang danh nghĩa nhà báo coi doanh nghiệp như đối tượng để moi tiền, làm tiền bằng nhiều cách; một số nhà báo do thiếu khách quan, thiếu cẩn trọng trong khi viết hoặc đơn giản là do thiếu kiến thức đã gây khó khăn, thậm chí thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hoặc có khó khăn tạm thời nhưng làm ăn ngay thẳng. Ngược lại, một số doanh nhân vừa coi báo chí là đối tượng để lợi dụng hòng đánh bóng trái sự thật hoặc quá sự thật cá nhân mình, doanh nghiệp mình, lại vừa sợ nhà báo, không muốn tiếp xúc, không muốn thông tin cho nhà báo. Tất cả đều bắt nguồn từ những thực tế khó bề phủ nhận từ cả hai phía. Trên báo chí, nhiều người cũng đã bàn nhiều về những nguyên nhân này, ở đây xin không lặp lại, không đi sâu thêm. Tuy nhiên có một nguyên nhân lịch sử khách quan còn chưa được bàn tới, đó là xuất phát điểm, và từ đó là đặc điểm của doanh nghiệp cũng như của báo chí nước ta.

Thời bao cấp, doanh nghiệp quốc doanh và báo chí có thể nói như ở chung một nhà, một bên làm nhiệm vụ sản xuất, một bên làm nhiệm vụ đưa tin, tuyên truyền (chủ yếu là biểu dương, tô hồng) về doanh nghiệp (quốc doanh), quan hệ hai bên phần lớn là tốt đẹp dưới cùng một bàn tay chỉ đạo và bảo trợ bằng ngân sách của nhà nước. Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế đã trở thành nền kinh tế đa sở hữu, nhiều doanh nghiệp tư nhân ra đời. Đó là một sự ra đời sau cơn quặn đau của cải tổ cơ chế và thực sự phải đến năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, doanh nghiệp tư nhân như một thành phần kinh tế chính thức mới có chỗ đứng đường đường chính chính dưới ánh mặt trời. Tuy vậy, với họ, bất trắc rủi ro chưa phải đã hết và môi trường kinh doanh vẫn còn lắm nhiêu khê. Điều đó khiến họ luôn phải ở trong tư thế phòng thủ, dẫn đến xu hướng càng ít công khai thông tin càng tốt vì công khai có thể chuốc lấy rắc rối, và nếu kiếm tìm được chỗ dựa trong giới công quyền và giới báo chí (để làm chỗ che chắn) càng hay. Cho tới nay, chuyện thông tin, chuyện minh bạch vẫn là điểm yếu trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Còn với hàng trăm tờ báo, tạp chí mới ra đời mà nhà nước không còn có thể bao cấp và buộc phải sống với thị trường, không ít tờ phải bươn chải, phóng viên có khi kiêm luôn cả việc đi lấy quảng cáo, nhiều lạm dụng nảy ra từ đó. Mặt khác, chính giai đoạn đầu chuyển đổi kinh tế lại trùng hợp với giai đoạn mà chủ trương “chống tiêu cực” được phát động mạnh mẽ, dựa vào đó một số ít nhà báo tiêu cực, biến chất, dưới cái cớ “chống tiêu cực” đã bươi móc, o ép doanh nghiệp (dù một số trong đó quả có tì vết) hòng moi tiền. Chưa kể một số nhà báo khác, hoặc do ấu trĩ hoặc do cả tin vào một nguồn thông tin có ý đồ riêng mà vô tình gây hại cho doanh nghiệp. Đó là giai đoạn mà giám đốc doanh nghiệp thường được mô tả như những kẻ bụng phệ ăn chơi, hám tiền, hám gái, qua những nguồn thông tin, tư liệu từ cơ quan điều tra nhưng được nguỵ trang như là điều tra riêng của phóng viên, nghị án, kết án những người bị tình nghi mà chính toà án chưa xét xử, kết án. Bên cạnh đó, trong khi nền kinh tế đã bắt đầu chuyển đổi theo cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã ra đời thì nhà báo lại chưa nâng được trình độ hiểu biết về sự vận hành của nền kinh tế thị trường, về thực tế và tập quán kinh doanh, nói gì đến những kiến thức sâu hơn về tài chính, thị trường chứng khoán… Sâu xa trong nếp nghĩ, nhà báo nhiều khi vẫn còn bị trói buộc bởi ảnh hưởng của tư duy bao cấp và phong kiến, coi rẻ doanh nhân, xem doanh nhân như tầng lớp thấp kém, chỉ biết đồng tiền, chỉ biết chạy theo lợi nhuận. Trong không ít bài báo, ta thường gặp những từ ngữ như “đầu nậu”, “tư thương trục lợi”… và kết thúc bằng những câu hỏi đại loại như “vai trò nhà nước ở đâu?”, v.v…Ngược lại, cũng có nhà báo tự biến mình thành công cụ, thành cái loa của doanh nghiệp này hoặc doanh nghiệp khác, và thường là những doanh nghiệp có thế lực, để trục lợi. Mãi đến thời gian gần đây một số phóng viên chuyên về kinh tế mới được cho đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về viết báo kinh tế, tài chính, chủ yếu với sự giúp đỡ của các trường, viện báo chí nước ngoài.

Như vậy, mối quan hệ chưa được suôn sẻ, tốt đẹp giữa doanh nghiệp và báo chí bắt nguồn từ cả hai phía và từ những nguyên nhân có tính lịch sử, từ sự non yếu trong bước đầu phát triển của cả hai lĩnh vực, doanh nghiệp và báo chí. Vậy để xây dựng mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai bên, cần phải làm gì? Ở nhiều hội thảo, bàn tròn về chủ đề này, nhiều đề nghị đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo chúng tôi, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó có chuyện minh bạch thông tin về doanh nghiệp, chuyện doanh nghiệp nhìn nhận đúng về báo chí và chức năng của báo chí (báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân như một đối tượng phản ánh nhưng không phải là công cụ làm PR, đánh bóng, tô hồng doanh nghiệp hay doanh nhân mà trước hết phải phục vụ nhu cầu người đọc và không phải thông điệp nào của doanh nghiệp cũng đáp ứng yêu cầu ấy) là một vấn đề lâu dài và chỉ có thể phát triển từng bước theo sự hoàn thiện từng bước của nền kinh tế thị trường và văn hoá doanh nghiệp ở nước ta. Trong khi đó, với tư cách là người đưa tin, người mang lại món ăn tinh thần cho xã hội, góp phần nâng cao dân trí, báo chí phải là người trước tiên nắm rõ về đối tượng mà mình phản ánh - ở đây là doanh nghiệp và đời sống kinh doanh, là sự vận hành và những quy luật của nền kinh tế thị trường - nên theo chúng tôi, báo chí cần đi trước một bước, tự sửa mình, nâng mình lên, tự trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức cơ bản về kinh tế và kinh tế thị trường, về đời sống kinh doanh, về doanh nhân và vai trò của họ trong xã hội, về đặc điểm lịch sử của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Cần đặt mình vào vị trí doanh nhân để thấu hiểu nỗi khó khăn và những trở lực họ phải vượt qua để đạt được những thành quả xứng đáng chứ đừng chỉ nhìn vào thành quả họ đang hưởng. Mặt khác cần giữ được tính độc lập và sự tỉnh táo khi đưa tin về doanh nghiệp và doanh nhân, không để mình bị chi phối bởi tư lợi đã đành, mà cả bởi chính nguồn tin có ý đồ riêng hoặc những “chỉ đạo” từ đâu đó không phù hợp với chức năng người đưa tin trung thực, vô tư, khách quan của báo chí.

Tôi tin thiện chí và sự tin cậy sẽ được đền đáp lại bằng sự tin cậy và thiện chí.

Không có nhận xét nào: