Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

NGUYỄN TRUNG DÂN, NGUYỄN THANH HƯNG VÀ PHÉP THỬ VỀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CHỦ QUYỀN QUỐC GIA.


Nguyễn Trung Dân, Phó tổng biên tập phụ trách tờ báo Du lịch của Tổng cục Du lịch, chỉ vì cho đăng bài báo “Tản mạn cho đảo xa” và bài “Ải Nam quan” trong số báo xuân Kỷ sửu, đã bị cách chức và rút thẻ nhà báo. Hai bài báo ấy chẳng qua phản ánh lòng yêu nước, sự lo âu và nỗi bức xúc của người dân trước việc nước ta bị anh chàng khổng lồ phương Bắc liên tục o ép, dù chúng ta vẫn cứ lặp đi lặp lại phương châm “16 chữ vàng” như một câu thần chú. Những sự kiện tự nó nói lên tất cả, chẳng cần phải nói thêm hay bình luận gì thêm: từ việc cưỡng chiếm Hoàng sa năm 1974, đánh Việt Nam trên toàn tuyến biên giới năm 1979, dùng vũ lực chiếm một số đảo của Việt Nam trong quần đảo Trường sa năm 1988, đến vu cáo ngư dân Thanh Hóa là ăn cướp để bắn giết, bắt họ đem ra tòa xử ở Trung Quốc năm 2005, thành lập thành phố Tam sa thuộc Hải nam để quản lý hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam và Trung sa (tin không được Trung Quốc xác nhận hay phủ nhận), gây áp lực buộc các công ty dầu khí phương Tây không được hợp tác với VN để thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và gần đây nhất là cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân nhật báo chính thức của Đảng Cộng sản TQ, mới đây còn kêu gọi thành lập thành phố Hải Cương để quản lý Tây sa, Nam sa (tức Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam) và Trung sa. Trung bình, cứ 5-10 năm một lần, TQ lại có hành động o ép, gây hấn, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt nam. Có họa là tự bịt mắt mình mới không thấy mối nguy đối với đất nước và không bức xúc trước những hành động ngang ngược, trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam của TQ trong khi miệng họ vẫn “láng giềng hữu nghị, đối tác chiến lược”, v.v…
Ấy vậy mà một tờ báo phản ánh lòng yêu nước của người dân và nỗi bức xúc của họ thì bị đình bản, người phụ trách thì bị kỷ luật nặng (rút thẻ nhà báo). Nếu, như các quan chức thường nói, có kẻ lợi dụng tình cảm yêu nước bộc phát của người dân để chống phá nhà nước, nhà nước chỉ cần cô lập, vô hiệu hóa, trừng phạt những kẻ ấy chứ sao lại cấm người dân biểu tỏ lòng yêu nước và nỗi bức xúc của mình, cớ sao lại cấm báo chí phản ánh tình cảm yêu nước và tinh hần trách nhiệm với tiền đồ đất nước?
Trong khi đó, với việc làm vô trách nhiệm với quyền lợi đất nước như việc các quan chức ở Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để cho phía Trung Quốc lợi dụng trang web hợp tác nhưng mang tên miền quốc gia vietnamchina.gov.vn để tuyên truyền cho quan điểm của TQ và gây thiệt hại cho chủ quyền lãnh hải Việt Nam thì việc xử lý cho tới nay nhìn chung là lấp liếm, che đậy, cố làm giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của sai phạm. Người ta gọi việc làm của hai cục trên là “lơ là”, mặc dù sự lơ là đó chẳng khác nào là sự nối giáo cho giặc nếu ta nhớ lại rằng cứ mỗi lần TQ giở trò ở Biển Đông thì người phát ngôn Bộ Ngoai giao Lê Dũng cũng chỉ dám lặp đi lặp lại như một cái máy :”Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…” mà không một lần dám nói thẳng, khẳng định mạnh mẽ rằng cho đến trước ngày 20-1-1974 Hoàng Sa vẫn nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam và cho tới trước ngày 14-3-1988, đảo Gạc Ma và một số đảo khác trong quần đảo Trường sa cũng vậy.
Tuy cho tới nay người ta đã không còn có thể truy cập vào phần tiếng Việt (đuôi .vn) của trang web “hợp tác” này, nhưng phần tiếng Hoa thì vẫn còn đó, trong khi lẽ ra, với sự lợi dụng rõ ràng của phía TQ cần phải chấm dứt sự “hợp tác” về trang web này. Vậy mà, cho tới ngày thứ ba 19-5, ông Lưu Văn Kiền, Cục phó Cục báo chí Bộ 4T thì nói rằng tên miền vietnamchina.gov.vn đã được thu hồi còn ông thứ trưởng Doãn của bộ này lại nói rằng :”Động tác đầu tiên là ta đã bỏ thông tin (tiếng Việt) này. Ngừng trang này hoạt động để thực hiện những việc trên chứ không phải là thu hồi tên miền. Các báo chúng ta đã quá ồn ào về vấn đề này. Chúng ta rất dễ mắc vào sự kích động, đôi khi không tỉnh táo.” Có lẽ cũng vì suy nghĩ như vậy, coi việc để cho phía TQ lợi dụng một trang web thuộc chính phủ Việt Nam (gov.vn) để thoải mái xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng sa, Trường sa là “chuyện không có gì phải ầm ĩ” nên tới nay hai quan chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc này là ông cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT của Bộ Công thương, Nguyễn Thanh Hưng, vẫn bình chân như vại, chưa hề hấn gì, mặc dù trước đó ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết đang yêu cầu lãnh đạo cục này giải trình và sẽ kiểm điểm trách nhiệm. Bộ Công thương có thể sẽ đề nghị ngừng, không hợp tác tại website trên (Tuổi Trẻ 16-5). Chưa biết chừng rồi một thời gian sau, khi biển êm sóng lặng, ông này sẽ lại leo lên chức vụ cao hơn như ông Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng của Bộ Công thương.
Nguyễn Trung Dân, Nguyễn Thanh Hưng, ai bảo vệ quyền lợi của đất nước, ai nói lên tình cảm của người dân với biển đảo quê hương, và ai giúp cho TQ phóng to cái loa của họ về cái gọi là chủ quyền của họ đối với phần lớn Biển Đông, chuyện đã rõ. Nguyễn Trung Dân thì đã bị “xử lý” rồi. Còn việc ông Nguyễn Thanh Hưng và những người có trách nhiệm khác về vụ trang web đi ngược lại quyền lợi đất nước có bị xử lý hay không sẽ là phép thử về thái độ của bộ máy nhà nước đối với việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.
Nhưng mà rất lo, như phân tích của nhà văn Bảo Ninh trong “Đọc Ma Chiến hữu” : “Hồi đó chẳng hiểu thế nào mà tôi lại dự vào cái vinh dự chấm kịch bản phim phục vụ lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Đạo diễn Hải Ninh ưu ái bảo tôi dự vào, trong khi có vẻ như chính bản thân ông lại không hề muốn can dự vì biết trước và biết quá rõ rằng nó sẽ lình xình đủ chuyện. Quả nhiên. Kịch bản Hội Thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân xuất sắc nhất, tất cả những người dự chấm đều nhất trí như thế. Có nghĩa là Hội Thề sẽ thành phim để chiếu vào đại lễ năm 2010 ? Tôi tưởng điều ấy là dĩ nhiên, cuộc thi không phải là đã được mở ra nhằm mục đích đó hay sao? Khi nhất định muốn biết vì sao lại không như vậy thì tôi được một người trong ngành văn hoá cho biết rằng, có nhiều lý do lắm ạ, mà lý do thấy rõ nhất là "tính nhậy cảm". Hội Thề, tuy là hội thề để đem lại hoà bình, nhưng vẫn liên quan đến đại thắng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, mà như thế thì... không có lợi.”

1 nhận xét:

Ngọc Huyền nói...

cảm ơn anh Khăc Xuyên đã nói lên những suy nghĩ sâu sắc. Tôi cũng đồng quan điểm với anh về vấn đề này.