Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Nhà báo và tiếng mẹ đẻ

“Tỷ giá Việt Nam đồng/đô la Mỹ hôm qua là…”. Không ít bản tin tài chính trên các báo viết như vậy. Quái lạ! Tại sao đồng tiền Việt Nam lại viết đảo thứ tự (Việt Nam đồng) như trong ngữ pháp tiếng Anh hoặc tiếng Hoa, còn đô la Mỹ thì lại viết đúng theo ngữ pháp tiếng Việt mà không phải là “Mỹ đô la”? Và hai cụm từ đó đi liền nhau mà người ta chẳng buồn thắc mắc, chẳng thấy chướng tai. Cả trên truyền hình cũng thường xuyên nói theo cách đó. Tại sao không thể nói “đồng Việt Nam” một cách bình thường (và đúng ngữ pháp) ? Hay nói đảo ngược như thế mới sang, mới chứng tỏ mình biết tiếng Anh hoặc biết đọc thống kê, bảng biểu tài chính? Bởi kiểu viết “VND” (từ đó, viết hoặc đọc là “Việt Nam đồng”) để chỉ đồng tiền Việt Nam thường chỉ dùng trong thống kê, bảng biểu, trong các bản thông tin tài chính - tiền tệ vì mục đích ngắn gọn và để thống nhất với cách viết tên các loại đồng tiền khác theo tiếng Anh (USD, CAD, AUD, SGD…). Nhưng viết trong bài báo và đọc trên truyền hình, phát thanh như thế liệu có ổn ? Thật tội nghiệp cho tiếng Việt, người ta muốn nói, muốn viết thế nào thì nói, viết, bất chấp quy tắc ngữ pháp.

Một ví dụ khác về việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt, không sai nhưng không được chuẩn xác: “đổ trộm” (vụ Hyundai Vinashin lén đổ chất thải nix và bị phát hiện) ? Lẽ ra phải viết là “lén đổ” hoặc “lén lút đổ”. Bởi “trộm” khác với “lén”. “Trộm” là lấy đi của ai vật gì đó mà không để chủ nhân của nó biết. Còn “lén” hoặc “lén lút” là làm điều gì đó mà không để cho ai biết. Ở đây Hyundai Vinashin không lấy đi của ai vật gì cả, nên không thể nói là “trộm”, mà lén lút đổ thứ chất thải nguy hại cho môi trường, không để cho ai hay biết. Từ chỗ một tờ báo đầu tiên dùng từ “đổ trộm” (có lẽ tòa soạn quá vội vì đến giờ đưa đi in nên không kịp nghĩ ra từ chính xác chăng ?), tất cả các báo lẫn một số quan chức phát biểu sau đó cũng đều dùng chữ “đổ trộm”.

Rồi “tối ưu nhất”, “”giảm... tối đa”. Lại thêm những lỗi sơ đẳng thuộc về logic, rất thường gặp trong bản thảo phóng viên. “Tối” đương nhiên là nhất, vậy tại sao còn phải thêm “nhất” ? Chẳng lẽ có nhiều cái tối ưu nên có cái “tối ưu nhất” ? Nếu có nhiều cái tối ưu thì làm gì còn cái tối ưu theo nghĩa có ưu điểm nhất ? Và nói “giảm tối đa” là nói điều mâu thuẫn, bởi “giảm” làm sao có thể đi với “tối đa” ? Tất nhiên người đọc hiểu được ý người viết nhưng viết như vậy là hoàn toàn mâu thuẫn, bởi hai khái niệm “giảm” và “tối đa” là đối nghịch. Nói đúng phải là “giảm đến mức tối thiểu”, “giảm đến mức thấp nhất” - dù có phải dài dòng một tí.

Một lỗi khác rất thường bắt gặp trên báo chí là một mặt ưa viết tắt vô tội vạ, có khi viết tắt từ đầu đến cuối bài một từ mà không một lần mở ngoặc viết đấy đủ từ đó để người đọc không phải mất thì giờ bóp đầu bóp trán phỏng đoán từ đó là gì; mặt khác lại viết rất thừa những cụm từ lẽ ra có thể viết, nói rất gọn mà người đọc, người nghe còn dễ hiểu hơn, kiểu như: “thực hiện cắt giảm”, “thực hiện chống lãng phí”, “điều chỉnh tăng”, “điều chỉnh giảm”, “phối hợp tác” (ví dụ trong phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn về nghi án PCI hối lộ một quan chức Việt Nam),v.v…Những từ “thực hiện”, “điều chỉnh”, “phối” trong các cụm từ trên là thừa và chỉ khiến người đọc phải tốn thêm thời gian để đi đến thông tin chính. Hoặc đã nói “công bố”, liệu có cần phải thêm “công khai” ? Bởi “công bố” đã bao hàm nghĩa “công khai”, là thông báo cho công chúng, cho mọi người được biết. Có “công bố” nào lại bí mật, để phải thêm từ “công khai” vào sau từ “công bố” ? Vậy mà nhiều phóng viên cứ viết “công bố công khai”. Thậm chí cả trong một số văn bản của cơ quan công quyền cũng phạm lỗi này.

Nếu “bắt lỗi” ngữ pháp tiếng Việt trên báo chí thì có thể nói, đếm không hết, như câu sau trên một tờ báo ra ngày 21- 6 - 2008: “Câu chuyện của cậu học trò bỏ quê vào Sài Gòn kiếm tiền học phí đã được Bí thư Thành ủy (…) cảm động, ông dừng lại khá lâu bên Duy...” Thật buồn. Trường học, kể cả đại học, của chúng ta đào tạo ra những người cầm bút viết tiếng mẹ đẻ như thế sao ?

Một dạng “phá phách” tiếng Việt thô bạo khác là mang những từ lóng của một giới nào đó hoặc mang ngôn ngữ nói sống sượng từ đường phố vào sử dụng thoải mái trong báo chí. Những “khủng”, những “đỉnh”, những “cháy”… cứ thế “vô tư” đi vào trong văn báo chí ngày càng nhiều, thậm chí đôi khi với vẻ khoái trá của người viết, như một thứ mốt thời thượng, như để chứng tỏ mình “sành điệu”.

Một cách khác chứng tỏ ta đây “sành điệu” là sử dụng từ tiếng nước ngoài một cách không cần thiết, thậm chí còn sử dụng sai. Tôi từng đọc trên báo mạng một bản tin về một mặt hàng áo ngực mới vừa được tung ra ở nước ngoài. Sau khi kể tên mặt hàng mới, hãng sản xuất, đặc điểm, giá cả…, tác giả thản nhiên viết áo ngực có “size” thế này thế khác, làm như từ “cỡ” trong tiếng Việt không đủ để diễn tả kích cỡ của mặt hàng “sang trọng” đó. Hoặc nhan nhản trên các báo mỗi khi xuất hiện một đợt dịch bệnh, là từ “tuýp”, chẳng hạn “virus tuýp A/ H5N1”. Tôi dám chắc nhiều phóng viên sử dụng từ “tuýp” này chỉ chép lại nguyên xi từ trong văn bản hoặc phát biểu của các quan chức và chỉ hiểu mang máng nghĩa của nó mà không biết trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp từ đó được viết và đọc như thế nào, bằng không đã không viết như vậy. Nếu là tiếng Anh, từ đó là “type” (kiểu, loại, chủng loại) và phải đọc là “tai-pơ”; nếu là tiếng Pháp, viết cũng như thế và nghĩa chính cũng vậy, nhưng phải đọc là “tip”. Còn đọc là “tuýp” thì trong tiếng Anh không có từ nào, trong tiếng Pháp thì chỉ có thể là từ “tube”, nhưng nghĩa chính là “ống” (như ống sắt hoặc ống đèn (néon), ống kem (đáng răng), ống thuốc (mỡ, kem) mà người ta bóp để nặn thuốc ra).

Điều đáng nói là những người thích khoe mẽ, làm dáng, thích tỏ ra biết tiếng nước ngoài nhiều khi lại chỉ biết bập bõm, trong khi những chuyên gia, những nhà khoa học người Việt sống ở nước ngoài lâu năm hoặc hiểu biết thâm sâu cả tiếng nước ngoài lẫn tiếng Việt lại rất hạn chế chêm tiếng nước ngoài vào trong bài viết tiếng Việt của họ. Họ thường chỉ sử dụng tiếng nước ngoài trong trường hợp bị buộc phải chua thêm cho thật rõ nghĩa một từ nào đó mà tiếng Việt không có từ tương đương hoặc có nhưng không thể lột tả hết ý nghĩa. Tôi nghĩ đó là vì họ yêu tiếng Việt, họ tôn trọng tiếng mẹ đẻ, cũng là tôn trọng dân tộc mình. Và đó cũng là sự tự trọng. Người tự trọng thì không “phá phách” tiếng mẹ đẻ của mình mà phải sử dụng nó với tất cả sự tôn trọng và yêu mến. Không tôn trọng tiếng mẹ đẻ cũng có nghĩa là không tôn trọng chính mình, là đánh mất sự tự trọng.

Ngôn ngữ, cũng như chính cuộc sống, luôn luôn phát triển, luôn luôn tự bổ sung, nhưng không phải một cách vô tội vạ, vô nguyên tắc.

Tiếng Việt, cũng như các ngôn ngữ khác vẫn luôn phát triển, luôn được bổ sung những từ mới để chỉ những thực thể mới, những khái niệm mới vốn trước đó chưa có trong ngôn ngữ dân tộc. Như những từ “xà phòng” (xà bông), “phanh” (thắng), “cà phê”, hoặc “luận lý” (logique), “kinh tế”…đã được bổ sung vào tiếng Việt khi nước ta tiếp xúc với văn minh, văn hoá Pháp và phương Tây nói chung, vì trước đó ta chưa có những thực thể hoặc khái niệm đó. Một số nhà xuất bản từ điển tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Pháp cũng thường định kỳ tuyển chọn, san định và đưa vào từ điển những từ mới xuất hiện trong cuộc sống và đã được sử dụng tương đối phổ biến, nhưng họ phải cân nhắc rất kỹ. Với tiếng Việt, cần nhất là nghiên cứu, san định, bổ sung những từ ngữ khoa học như nhà bác học Hoàng Xuân Hãn trước đây từng làm và tiếc là từ đó tới nay không ai làm được như vậy. Ngược lại, với cái cớ cuộc sống phát triển nên ngôn ngữ cũng phải phát triển theo, phải “sáng tạo”, người ta đang “ phá phách”, làm méo mó tiếng Việt, biến tiếng Việt từ chỗ như một cô gái đẹp trở thành như một cô gái làng chơi diêm dúa, lai căng.

Không có nhận xét nào: