Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

TRỞ LẠI CÔN ĐẢO

Noel 1972, từ nhà lao Tân Hiệp ở Biên Hòa tôi bị đưa ra bến tàu Tân Cảng Sài Gòn rồi đưa xuống tàu, chiếc HQ 404 hay 405 gì đó, bị cùm chân dưới hầm tàu cùng hàng trăm tù nhân chính trị khác, ra Côn Đảo. Tàu khởi hành buổi chiếu, sáng hôm sau thì đến cầu tàu 914 Côn Đảo. Từ đó đi qua các trại 2 (Phú Hải), trại 7 (chuồng cọp mới), trại 8, cuối cùng là Lò Vôi, trước khi được đưa trở về đất liền vào tháng 6-1973, mấy tháng sau hiệp định Paris, nhưng không phải để trả tự do mà bị đưa trở lại nhà tù Chí Hòa, nơi tôi đã ở trước khi bị đưa qua Tân Hiệp rồi sau đó là Côn Đảo. Từ Chí Hòa tôi bị đưa vào Trung tâm 3 nhập ngũ bắt đi lính. Không chịu mặc áo lính, lại bị đưa ra tòa quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật, kêu án tù 5 năm rồi bị đưa xuống nhà lao Gò Công (cùng với Bửu Chỉ, họa sĩ phong trào SVHS Huế, và Thọ, một học sinh Đà Nẵng), ở đó cho đến 30-4-1975 thì cùng với những tù nhân khác tự phá nhà lao ra vì lính gác khi ấy đã bỏ chạy hết. Từ Gò Công, tự bắt xe đò trở về Sài Gòn.
Vậy là ở tù đúng 3 năm, từ 30-4-1972, giữa “mùa hè đỏ lửa”, đến 30-4-1975, trong đó có 6 tháng ở Côn Đảo. Chỉ 6 tháng nhưng bị đưa qua đến 4 trại giam khác nhau. Mặc dù vậy, tất nhiên tôi chẳng biết gì về Côn Đảo ngoài bốn bức tường các phòng giam đã đi qua.
Tôi trở lại Côn Đảo năm 1994 hay 1995 gì đấy, cùng với một đoàn cựu tù Côn Đảo của TPHCM. Lần này cũng đi bằng tàu hải quân từ Tân Cảng, chiều lên tàu, sáng tới, nhưng lẽ tất nhiên không bị cùm chân dưới hầm tàu mà tự do đi lại trên boong tàu. Lần này mới biết thêm một chút về Côn Đảo: thăm miếu bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh tức Gia Long tương lai đang bôn ba chạy trốn Tây Sơn ra tận đây, thăm Bến Đầm, nghĩa trang Hàng Dương, cầu Ma Thiên Lãnh, leo núi qua bãi Ông Đụng, tắm biển ở bãi tắm cát trắng mịn tuyệt vời trước sở Lò Vôi nằm bên kia đường. Nhưng cảnh vật Côn Đảo lúc này vẫn còn u ám lắm, không khí vẫn còn nặng mùi lao tù, tử khí, chưa thành ra một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Lần thứ hai trở lại Côn Đảo từ ngày 9 đến 12-4-2009. Giờ, bay máy bay ATR72 chỉ mất 40 phút, giá vé 1.650.000 đồng khứ hồi. So với một chiều một đêm đi tàu, sóng gió, có người ói ra mật xanh mật vàng, thì 40 phút bay quả là thần tiên. Trở lại Côn Đảo lần này, tôi có điều kiện ngắm Côn Đảo kỹ hơn, dù buổi sáng đón mặt trời lên để chụp ảnh cảnh bình minh từ mũi Cá Mập không thành, do hôm ấy trời mây vần vũ quá.
Phải nói Côn Đảo là một báu vật trời cho, xét về mặt cảnh vật, với biển, núi, rừng còn giữ được nét nguyên sơ, với màu trời mùa này xanh biếc như ngọc bích phản chiếu xuống mặt nước biển và xuống hồ chứa nước ngọt cung cấp cho Côn Đảo (ảnh 1). Cảnh vật Côn Đảo giờ khác hẳn năm xưa. Sân bay Cỏ Ống hơi giống sân bay Phú Quốc, nhỏ nhắn nhưng khá xinh xắn, sạch sẽ. Thị trấn Côn Sơn cũng nhỏ nhắn, trung tâm thị trấn quy hoạch vuông vức như bàn cờ, đường sá trải nhựa sạch sẽ, kể cả mấy con đường từ trung tâm thị trấn đi Bến Đầm qua mũi Cá Mập, khoảng 12 cây số; hoặc từ thị trấn đi sân bay Cỏ Ống, dài 14 cây số bây giờ cũng đã trải nhựa ngon lành. Dọc hai bên các con đường mới trong thị trấn người ta trồng cây bằng lăng hoa nở tím ngắt; còn dọc các con đường cũ ở khu trung tâm, những cây bàng cổ thụ từng chứng kiến những đoàn tù nhân đi qua xưa kia giờ vẫn đứng đó trầm ngâm. Con đường Tôn Đức Thắng nằm ở mặt tiền thị trấn, nhìn ra vịnh Côn Sơn, đối diện với cầu tàu lịch sử 914 (cái tên bắt nguồn từ câu chuyện có tới 914 tù nhân đã bỏ mạng trong khi xây dựng chiếc cầu tàu này) và cầu tàu du lịch ở bên cạnh mới xây dựng sau này, là một con đường đẹp. Dọc con đường này đã mọc lên hai khách sạn lớn: khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo của Saigontourist và Côn Đảo Resort của Liên đoàn Lao đông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nằm sát biển, với bãi tắm cực đẹp và sạch. Trên con đường từ thị trấn đi sân bay Cỏ Ông, khu du lịch hạng sang Six Senses Hideaway do Indochina Land đầu tư (ảnh mô hình) đang được xây dựng, dự kiến khai trương cuối năm nay. Con đường từ thị trấn đi sân bay nhiều đoạn men theo biển, đứng ven đường nhìn xuống biển, nhiều chỗ thấy nước biển đập vào bờ đá, vỡ ra thành những mảng nước xanh một màu ngọc bích tuyệt đẹp.
Từ thị trấn đi về hướng ngược lại với hướng đi sân bay, ta đến mũi Cá Mập rồi từ đó đi cảng Bến Đầm. Cảng bây giờ khá tấp nập với cơ sở dịch vụ hậu cần cho ghe tàu đánh cá, với một câu lạc bộ thủy thủ…
Trở lại Côn Đảo lần này, ngoài mấy điểm tham quan cũ, tôi còn đi thăm miếu Cậu, tức miếu thờ (và cả mộ) hoàng tử Cải, con Nguyễn Ánh, nằm bên một con đường đất nhỏ đi bãi Đầm Trầu, gần sân bay Cỏ Ống. Người dân nơi đây kể rằng hoàng tử Cải đã bị cha mình ném xuống biển vì khóc lóc, van xin cho mẹ là thứ phi Phi Yến đi cùng khi quân Tây Sơn tấn công lên đảo, buộc Nguyễn Ánh phải chạy trốn. Thứ phi Phi Yến lúc ấy đang bị giam trong một hang đá vì đã dám khuyên can Nguyễn Ánh không nên dựa vào người Pháp khi Nguyễn Ánh gửi hoàng tử Cảnh sang Pháp với giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine).
Côn Đảo giớ có khoảng 6.000 dân, trong đó hết 4.000 là bộ đội và công chức. Còn lại khoảng 2.000 dân thường, là thân nhân của 4.000 người nói trên, dân từ nơi khác trôi giạt đến đây làm ăn như mấy cô gái miền tây Nam bộ mà tôi đã gặp ở gần Câu lạc bộ thủy thủ cảng Bến Đầm, và cư dân tại chỗ không biết đã đến sinh sống ở hòn đảo này từ bao giờ. Có một ngôi làng nhỏ gọi là làng Cỏ Ống, dân cư trồng lúa, hoa màu trên một thung lũng hẹp; một ngôi làng nhỏ khác nằm sát sân bay, cư dân sống bằng nghề đi biển và trồng rau. Tuy vậy phần lớn hàng tiêu dùng, kể cả nhiều loại rau, vẫn phải đưa từ đất liền ra, nên giá cả nhiều thứ cao hơn trong đất liền. Hàng quán còn ít, nhưng người dân cũng đã bắt đầu biết làm dịch vụ, như mở khách sạn mini, giá rẻ hơn ở hai khách sạn lớn kia nhiều mà cũng sạch sẽ. Có một nhà ăn dành cho công nhân viên các cơ quan của thị trấn, nằm ngay trong trụ sở ủy ban nhân dân thị trấn, nấu ăn khá ngon mà giá cũng rẻ, cả du khách nước ngoài cũng vào ăn. Nhà hàng đặc sản thì có Tri Kỷ nổi tiếng nấu ăn ngon ở đây.


***
Ngoài ngắm cảnh, tôi cũng thăm nghĩa trang Hàng Dương và trở lại thăm những nơi mình đã bị giam trước đây. Đến Hàng Dương, đập vào mắt tôi lần này là ngoài mộ chị Võ Thị Sáu, tuy không lớn nhưng có tạc hình, có ghi tên tuổi, có nhiều hoa và lúc nào cũng đầy nhang khói, trong những dãy dài các mộ xung quanh có nhiều mộ không tên không tuổi, không có hoa và lác đác mới thấy cắm một cây nhang (ảnh). Đứng trước mộ họ, tôi bỗng suy nghĩ vẩn vơ: nếu không hy sinh, nếu còn sống đến ngày hôm nay họ sẽ nghĩ gì, có hài lòng với sự phát triển ngày hôm nay của đất nước mà vì nó họ đã hy sinh không? Không thể nào biết được, nhưng câu hỏi đó vẫn cứ bám lấy đầu óc tôi, không chịu rời xa.
Muốn đi thăm các trại giam cũ, không thể tự đi mà phải liên hệ với bộ phận bảo tàng, mua vé 20.000 đồng/người, có nhân viên bảo tàng dẫn đi. Vì các trại nằm cách xa nhau, phải đi xe gắn máy, tôi và ba người bạn mượn được hai chiếc xe, nhân viên hướng dẫn của bảo tàng đòi khách tham quan phải trả tiền đổ xăng cho xe họ. Tôi ngạc nhiên trước cách tổ chức du lịch truyền thống kiểu này nhưng rồi cũng đồng ý vì không có cách nào khác. Trại Phú Hải vẫn như xưa, nhưng phòng giam lớn số 1 nơi tôi bị giam trước đây giờ thành như nhà kho, còn phía đối diện, cách một khoảng sân, trong phòng giam những người tù tên tuổi trước đây mà sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp, bây giờ người ta làm mô hình những tù nhân bị cùm chân thành dãy dài. Có một điều trước đây tôi không biết là ở phía cuối trại giam này có một cái cổng dẫn ra nơi trước đây là nơi đập đá của tù khổ sai. Phan Chu Trinh đã từng đập đá ở đó. Giờ, hai bên cổng người ta gắn hai tấm biển, tấm bên phải cho biết đây là khu đập đá và Phan Chu trinh đã từng phải lao động khổ sai tại đây, tấm bên trái ghi bài thơ “Đâp đá Côn Lôn” của cụ Phan (ảnh).
Sau trại 2 (Phú Hải), tôi trở lại trại 7, nơi tôi đã bị biệt giam ở phòng số 8 khu G (trại có hai khu là G và H). Vẫn như xưa, chỉ khác là xung quanh cái giếng nước ở giữa sân khu G, sau này người ta đã láng xi măng, lúc tôi ở thì chưa. Chính ở phòng số 8 khu G này, một bữa có ai đó đã ném cho tôi qua mấy song sắt phía trên phòng biệt giam một cái lọ thuốc bằng nhôm mà khi mở nắp ra tôi mới thấy là đựng cà phê. Cà phê đen còn nóng. Đó là ngụm cà phê ngon nhất trong đời đối với tôi. Tôi không biết người ném lọ thuốc cà phê là ai, một bạn tù được ra ngoài lao động, mua rồi lén ném cho tôi hay là một nhân viên trật tự (thường là tù thường phạm). Dù là ai thì người đó hẳn cũng biết tôi ghiền cà phê nặng từ lúc còn là sinh viên.
Sau trại 7 đến trại 8. Trại này nằm xa trung tâm nhất và tương đối tách biệt với các trại còn lại. Trại bây giờ bỏ hoang, phòng số 6 nơi tôi bị nhốt cùng nhiều người khác đầy phân bò. Chính ở trại giam này hồi đó tôi bị mắc bệnh kiết lỵ, không có thuốc uống, tưởng đã “đi đời”. May mà đúng lúc đó lại có lệnh chuyển tôi qua Lò Vôi, chuẩn bị đưa về đất liền. Ở đó, ban ngày tù nhân được đi ra ngoài lao động chứ không bị giam suốt ngày như ở các trại khác và tôi đã được anh em ra ngoài lao động tìm cho thứ lá cây có tác dụng cầm kiết lỵ để uống, nhờ đó mà qua khỏi.
Cuối buổi thăm các trại tù cũ, tôi đưa tiền xăng và tiền bồi dưỡng cho cô hướng dẫn viên nhưng không hiểu sao, trái với đòi hỏi trước lúc đi, bây giờ cô lại nhất định không chịu nhận tiền và quày quả bỏ đi dù tôi cố giúi tiền vào tay cô.

Không có nhận xét nào: