Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Ngoại giao? Ngoại giao cho ai?


Không biết ai là người đầu tiên nảy ra cái ý gọi đoạn đường Nguyễn Văn trỗi-Nam kỳ khởi nghĩa là “con đường ngoại giao”, ý muốn nói đây là đoạn đường “bộ mặt” của TPHCM dưới mắt du khách từ sân bay Tân Sơn Nhứt đi vào trung tâm thành phố. Đoạn đường dài chỉ 3,8 km, từ ngã tư Nguyễn Văn Trỗi-Hoàng Văn Thụ đến ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa-Võ Thị Sáu, khởi công mở rộng, nâng cấp từ tháng 12-2005 đến nay, sau ba năm rưỡi vẫn ngổn ngang lô cốt, đất đá, ổ gà, bụi mù mỗi sáng mỗi chiều. “Con đường ngoại giao”, mỉa mai thay, đã trở thành con đường phản ngoại giao, bôi bác ngoại giao bậc nhất.
Năm 2007, trước sự kêu ca của dư luận, một quan chức Sở Giao thông vận tải hứa đầu năm 2009 sẽ hoàn thành đoạn đường 3,8km này. Lúc ấy, nghĩ đến thời hạn đầu 2009 mới xong, mọi người đã thấy quá đỗi bực bội. Nhưng rồi, trước những lời giải thích, biện minh về những nguyên nhân chậm trễ, nào là giải phóng mặt bắng chậm, nào là cac ngành chậm di dời công trình ngầm, nào là tiến độ nâng cấp đoạn đường phụ thuộc vào tiến độ công trình đặt cống thuộc dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dư luận cũng chẳng còn cách nào hơn là chấp nhận và chờ đợi. Vậy mà bây giờ năm 2009 đã qua được một nửa, đoạn đường ngắn vẫn ngổn ngang, nhếch nhác và không ai biết bao giờ sẽ xong. Quan chức chịu trách nhiệm lại giải thích. Vẫn chừng ấy lý do, không có gì mới.
“Con đường ngoại giao”! Tại sao phải là “ngoại giao”? Tại sao phải là “bộ mặt”? Chẳng lẽ những con đường không phải là « ngoại giao », không phải là « bộ mặt » thì chất lượng được phép kém hơn, được chăng hay chớ ? Còn nếu hiểu ngoại giao là lịch sự với người khác thì tại sao không « lịch sự » trước hết với dân cho dân nhờ, bằng cách thi công chóng vánh, đạt chất lượng ? Bao giờ thì các quan chức bỏ được cái tư duy, cái tâm lý « ngoại giao », « bộ mặt » đó để mỗi công trình phục vụ người dân phải là một công trình với chất lượng cao nhất, cả về mặt thi công lẫn sử dụng ? Và với một « con đường ngoại giao » mà chất lượng thi công như thế thì người dân có thể trông đợi gì ở những con đường không phải là « ngoại giao », là « bộ mặt » ?
Hơn 800 tỉ đồng đầu tư và ba năm rưỡi (cho tới nay) cho việc mở rộng một đoạn đường đã có sẵn nền đường, dài chưa đến 4 cây số, cái mà người dân có được cho tới nay là một đoạn đường lởm chởm, là những lô cốt choán gần hết mặt đường ở nhiều đoạn, không biết còn tồn tại đến bao giờ, là những lề đường cao một cách khó hiểu, là một chiếc cầu Công lý xây không thể nào xấu hơn, là đất đá bụi bặm tung toé...Và khi hoàn tất chưa chắc đã bớt nạn kẹt xe.
Dư luận kêu ca thì cũng đã kêu ca hết mức rồi. Giải thích thì quanh đi quẩn lại cũng ngần ấy lý do. Chỉ một vấn đề chưa được đặt ra là vì sao các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chịu trách nhiệm không hề có một cam kết nào với người dân về thời hạn thi công công trình, về chất lượng thi công và chất lượng công trình. Người dân khi quan hệ với nhà nước để thực hiện các dịnh vụ công, trong rất nhiều lĩnh vực đều phải cam kết thực hiện một số điều kiện, và nếu người dân không thực hiện đúng sẽ bị trừng phạt ngay. Người sản xuất kinh doanh ngay thẳng thử mà không đóng thuế đúng hạn cho nhà nước xem, sẽ bị hỏi « hỏi thăm » ngay. Ấy vậy mà ở đây người ta đang dùng tiền đóng thuế của dân (có vay ODA rồi người dân cũng sẽ phải đóng thuế để trả thôi) để thi công các công trình mà không hề có một cam kết nào với người dân. Người dân thì chịu đựng thiệt hại ngày này qua ngày khác (ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất cơ hội buôn bán), cón quan chức liên quan thì làm như không thấy, không nghe, không hay biết. Bao giờ người ta biết cam kết và giữ đúng cam kết với dân ?