Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

MỘT NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Linh mục Trương Bá Cần, Tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc, nguyên tổng tuyên úy (tức người hướng dẫn tinh thần) phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo) miền Nam trước 30-4-1975 đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 10-7-2009. Trưa 10-7, tôi nhận được cú điện thoại từ tòa soạn báo Tuổi Trẻ khẩn khoản đề nghị tôi viết một bài ngắn dài gì cũng được về Lm Cần. Tôi lưỡng lự vì cả đêm trước mất ngủ tới sáng, chiều nay lại phải đi viếng linh cữu Lm Cần, người đặt bài lại nằn nì phải giao bài trước 5 giờ chiều, quá căng thẳng. Nhưng nghĩ lại, giữa Lm Cần và mình có mối duyên nợ đặc biệt (hồi mới lên đại học, do tình cờ mà tôi đến tá túc ở 370 Lê Văn Duyệt – CMT8 bây giờ, rồi trở thành đoàn viên phong trào TLC, được làm việc với ông, rồi bị cuốn hút vào phong trào SVHS Sài Gòn lúc nào không hay) đành không chợp mắt cả buổi trưa, viết xong bài này kịp mail cho tòa soạn TT trước 4giờ chiều. Kịp lên đường đi viếng Lm.
Bài viết đăng trên TT 11-7-2009 có tựa khác. Ở đây tôi lấy tựa có tính riêng tư hơn.

MỘT NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Linh mục Trương Bá Cần đã ra đi.

Nhớ đến ông, người ta nhớ đến một giai đoạn sôi nổi của phong trào đô thị chống chiến tranh xâm lược Mỹ, đòi hòa bình, đòi dân sinh dân chủ ở Sài Gòn trước 30-4-1975, một phong trào qui tụ nhiều tầng lớp khác nhau, từ trí thức, sinh viên học sinh đến công nhân lao động, chức sắc các tôn giáo trong đó có ông, một người luôn muốn nối kết Công giáo với Dân tộc, muốn người Công giáo trong khi vẫn là mình thì vẫn luôn sống trong lòng dân tộc.

Nhớ đến ông, người ta nhớ đến loạt bài báo mang tính chất nghiên cứu “25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miến Bắc” đăng 3 kỳ lần đầu tiên trên tạp chí Đối Diện vào năm 1971 mà vì nó tác giả và chủ nhiệm báo phải “vác chiếu ra tòa” và lãnh án 9 tháng tù giam. Là tiến sĩ sử học Sorbonne, trong điều kiện tư liệu hiếm hoi về miền Bắc ở Sài Gòn lúc bấy giờ, ông đã cố gắng để trình bày một bức tranh chân thực hơn những gì người dân miền Nam được biết về quá trình tái thiết sau chiến tranh và sản xuất dưới bom đạn Mỹ ở miền Bắc. Loạt bài báo có thể nói đã gây một cơn sốt tìm đọc trong giới trí thức và sinh viên học sinh ở miền Nam lúc bấy giờ.

Nhớ đến ông, người ta nhớ đến việc ông cùng với các linh mục Phan Khắc Từ, Trần Thế Luân cùng tham gia cuộc đấu tranh của công nhân hang Pin Con Ó, bị bắt rồi bị thả ngoài và ngồi tuyệt thực trên lề đường Nguyễn Trãi; nhớ đến cuộc vận động đốt thẻ cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 10-1971; nhớ đến cuộc tuyệt thực của ông và một số linh mục khác để đòi trả tự do cho công nhân và sinh viên học sinh bị bắt. Mặc dù sau 30-4-1975 ông có 33 năm liên tục làm Tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc, có những công trình nghiên cứu lịch sử đáng chú ý như về Nguyễn Trường Tộ… nhớ đến ông, người ta vẫn nhớ nhất những tháng ngày ông cùng với các đồng đạo của mình hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của người dân các đô thị miền Nam vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, không phân biệt Công giáo, Phật giáo hay không tôn giáo.

Với tôi và một số người khác, những thanh niên mới bước chân vào đại học, mới bước những bước đầu tiên vào đời trong những năm tháng ấy, trong một môi trường sống không thiếu điều kiện để hư hỏng nếu muốn hư hỏng, phải nói, được biết ông và làm việc với ông là một may mắn. Ông là người thầy của chúng tôi trong giai đoạn đầi tiên, một người thầy vừa giản dị vừa nghiêm khắc, người đầu tiên gieo vào đầu óc chúng tôi tình tự dân tộc, luôn hướng chúng tôi đến những điều tốt đẹp và không chấp nhận cho chúng tôi sống không có lý tưởng. Trong cuốn sách tự thuật “50 năm nhìn lại” mới xuất bản năm 2008, ông kể: Tháng 10-1971, nhằm phản đối cuộc bầu cử độc diễn củ Nguyễn Văn Thiệu, một số sinh viên, học sinh công giáo đã tham gia xuống đường đốt xe Mỹ. Một số lén sử dụng căn phòng của ông trong giáo xứ Vườn Xoài (trên đường Lê Văn Sỹ hiện nay) để chế tạo bom xăng lúc ông không có mặt, cảnh sát phát hiện, kéo đến lập biên bản, người ta gọi ông về để chứng kiến. Có người tỏ vẻ trách móc ông, ông đã nói như quát: “Anh em thanh niên làm bom xăng đốt xe Mỹ, để đuổi Mỹ về nước cho đất nước hòa bình, cho nhân dân khỏi khỏ. Điều chúng ta không dám làm, anh em trẻ dám làm, sao gọi là xấu hổ?”. Ông là vậy, không ồn ào, nhưng không kém quyết liệt khi cần.

Trên con đường đến với dân tộc và góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc, tất nhiên có người đi xa, có người đi gần, nhưng tôi nghĩ, dù không phải lúc nào cũng đồng ý với ông, trong lớp chúng tôi, sẽ chẳng ai quên được ông, người giúp chúng tôi biết giữ “đạo làm người”, như ông hay nói mỗi khi đối diện với cảnh sát chế độ Sài Gòn trong các cuộc đấu tranh.