Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

NỖI NIỀM LÝ SƠN


Đánh cá và trồng tỏi, hành - hai nghề chính của dân đảo Lý Sơn


Chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ để đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi ra đảo Lý Sơn. Đảo nằm cách đất liền chỉ khoảng 15 hải lý (gần 28km), chưa bằng khoảng cách đường bộ Sài Gòn – Biên Hoà, nhưng với người không quen đi biển vẫn có cảm giác thật xa, trong khi dân Lý Sơn, với những con thuyền gỗ mong manh, vượt khoảng cách gầp mười lần để ra khơi đánh cá.
Đảo Lý Sơn vốn là một núi lửa đã tắt từ xa xưa, ít cây cối, tháng 8 khi chúng tôi ra đảo, trời nóng nực, không một hụt gió. Lý Sơn gồm hai đảo, hòn Lớn và hòn Bé, diện tích tổng cộng chỉ khoảng 10 km2 nhưng dân số lên đến trên 20.000 người, đa số tập trung ở hai xã An Vĩnh và An Hải trên hòn Lớn; xã An Bình nằm trên hòn Bé, dân chỉ mấy trăm người, trên đảo không có nước ngọt. Hòn Lớn, nơi đặt các cơ quan hành chính được xây dựng khá hoành tráng so với diện tích đảo, đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, mỗi ngày chỉ chạy máy phát điện từ 5 giờ chiếu đến 11 giờ đêm, ưu tiên cho cơ quan nhà nước, khu vực dân cư bữa có điện bữa không. Một nhà máy nhiệt điện mới làm lễ khởi công hồi tháng 7, ít ra cũng phải đến năm 2011 mới phát điện.
Lý Sơn được coi là một trong những đảo tiền tiêu của Tố quốc. Chính từ đây, khoảng 400 năm về trước chúa Nguyễn đã tuyển binh, phu cho các Đội Hoàng Sa để ra quần đảo Hoàng Sa khai thác sản vật và đánh dấu chủ quyền quốc gia. Chính nơi đây có đình làng An Hải, có Âm Linh Tự ở xã An Vĩnh và những ngôi mộ gió - chứng tích về công cuộc khai thác Hoàng Sa từ xa xưa trong lịch sử của người dân Lý Sơn và về những con người bỏ thân trên biển cả hoặc bỏ mình trên đảo xa vì chủ quyền đất nước và vì công cuộc khai thác ấy.
Ấy vậy nhưng người dân Lý Sơn đang có nhiều nỗi niềm. Thiếu điện khiến đời sống khó khăn, nhiều dịch vụ như hậu cần nghề cá, du lịch, rồi đời sống văn hoá… không phát triển đã đành. Cái lớn nhất là công cuộc mưu sinh chủ yếu dựa vào biển và một phần dựa vào nghề trồng tỏi, hành, mè ngày càng khó khăn hơn. Tỏi, hành Lý Sơn trồng trên cát biển lấy từ dưới biển lên, nổi tiếng thơm ngon. Nhưng dân số tăng mà đất đai trên đảo không thể nở thêm, nghề trồng tỏi, trồng hành có phát triển cũng chỉ đến vậy là cùng. Chỉ còn trông vào biển. Nhưng biển gần thì ngày càng cạn kiệt cá, mực. đã Đi vòng quanh đảo một buổi sáng, chúng tôi thấy người dân kéo lưới, dùng những thanh cao su đập vào lưới cho cá cơm rơi xuống, nhìn vào lưới thấy cá chẳng bao nhiêu. Một buổi sáng khác, ngay tại cầu tàu, cũng cảnh tượng tương tự, lần này thấy cá còn ít hơn. Vậy là chỉ còn trông cậy vào biển xa.
Nhưng biển xa đang ngày càng trở thành biển dữ. Chúng tôi đã gặp những gia đình có người đi đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân Lý Sơn và ngư dân nhiều vùng khác của Việt Nam. Có người bị lính Trung Quốc đang chiếm giữ đảo bắn bị thương khi tới gần đảo. Có người bị bắt, được thả nhưng bị tịch thu phương tiện hành nghề, vẫn nói mạnh như tính cách rất “lỳ” của dân đi biển :” Bắt thì bắt. làm thì làm”. Nhưng phương tiện đánh bắt không còn, có “làm” chăng chỉ còn là “đi bạn”, tức đi làm công cho những người còn phương tiện đánh bắt. Có ngư dân lớn tuổi, từng bị bắt, được thả nhưng phương tiện đánh bắt không còn, con trai thì vẫn còn bị giữ, phải chạy vạy vay tiền nhiều đợt đóng tiền chuộc con nhưng đến nay con vẫn chưa về. Gia đình đông con, không còn phương tiện, vốn liếng đi biển, nay ông phải chuyển qua trồng tỏi, hành, mè nhưng đất có được chẳng bao nhiêu. Chiếc tủ chè trong gian nhà khách nhìn thẳng ra biển, nơi những gia đình giàu có thường chưng những bộ đồ trà quý giá, ông chưng toàn những vỏ ốc to, đẹp lấy từ vùng biển Hoàng Sa trong những chuyến ra khơi trước đây. Như chứng tích về một thời đi biển hào hùng và về sự hào phóng của vùng biển vốn thuộc chủ quyền đất nước mà nay hiểm nguy rình rập.

Một ngư dân không còn phương tiện đi biển, và tủ chè của ông

Biển của mình, vùng đánh bắt lịch sử của mình, nay đang trở thành biển dữ. Không gian sinh tồn của ngư dân Lý Sơn, của ngư dân Việt Nam nói chung đang bị thu hẹp. Ngư dân Lý Sơn sẽ dựa vào đâu để bám biển, để mưu sinh, và để giúp quốc gia khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình? Trong những ngày này, khi một số ngư dân bị bắt, được thả, nhưng phương tiện đánh bắt không còn, câu hỏi ấy không chỉ là nỗi niềm riêng của dân đảo Lý Sơn mà là câu hỏi ám ảnh mọi người.
Còn một nỗi niềm nữa của dân Lý Sơn. Hôm chúng tôi đến nhà thờ tộc họ Đặng ở xã An Hải - tộc họ đã hiến cho Nhà nước bản gốc một văn bản thời vua Minh Mạng được lưu giữ nguyên vẹn suốt 175 năm qua, theo đó vua cử ba chiếc thuyền, giao cho ông Đặng Văn Siểm thuộc tộc họ Đặng và hai người khác thuộc tộc họ Võ tuyển phu binh ra Hoàng Sa canh giữ đảo - người nhà nói với vẻ trách móc :” Mấy ổng đến lấy bản gốc tài liệu, hứa hẹn sẽ đưa bản dịch để chúng tôi treo trong nhà thờ, ai đến thì đọc còn biết nghĩa, nhưng đến nay vẫn biệt tăm, chỉ cho chúng tôi bản chụp và cái giấy khen. Hiến tặng tài liệu quý cho Nhà nước, nhưng chúng tôi cũng chẳng được gì, con cái kiếm việc làm cũng không ra”. Chúng tôi chẳng biết nói sao trước những lời trách móc đó. Chỉ cầu mong sao cho những người có công lao với việc khẳng định chủ quyền đất nước như vậy đừng bị bỏ rơi sau khi cơ quan nhà nước đã được việc của mình.