Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

HIỆN ĐẠI HÓA VÀ CÁI BẰNG DỎM


Là giám đốc sở, nếu ông không biết cái bằng tiến sĩ mà ông đã bỏ 17.000 đôla để mua từ cái công ty “Đại học Nam Thái Bình Dương” ấy là bằng dỏm thì điều ấy chứng tỏ ông rất thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, và như vậy liệu có xứng đáng làm giám đốc sở văn hóa ở đất nước đang muốn xây dựng “xã hội học tập” này?
          Là giám đốc sở, nếu ông biết đó là bằng dỏm mà vẫn mập mờ đánh lận con đen, báo với tổ chức như đó là bằng thiệt và dùng nó để thăng quan tiến chức thì ông đã gian dối với tổ chức và với mọi người, và càng không xứng làm giám đốc sở văn hóa ở đất nước ngàn năm văn hiến này.
          Là giám đốc sở văn hóa mà làm như ông, sao có thể trách học sinh cứ đến mùa thi lại chạy đến các “chợ phao”, sao có thể dẹp được các “chợ luận văn” phục vụ cho những kẻ muốn có bằng mà không muốn học?
          Và nếu không bị phát hiện, hẳn rồi ông cũng sẽ được mời, với tư cách tiến sĩ, tham gia hoặc đứng đầu hội đồng khoa học này, ủy ban thẩm định kia và đưa ra những lời vàng ngọc về đủ thứ giá trị, trong khi cái giá trị căn bản là sự trung thực, tấm bằng thiệt và tri thức thiệt thì ông không có.
          Đó là nói riêng về ông giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Phú Thọ. Nhưng, như mọi người đều biết, sử dụng bằng cấp dỏm hoặc bằng thiệt mà học dỏm đâu chỉ có ông giám đốc sở VHTTDL ở Phú Thọ. Không ít quan chức ở nhiều địa phương khác cũng đã và đang bỏ tiền mua bằng cấp để có điều kiện tiến thân cao hơn hoặc ít nhất cũng để chứng tỏ “giá trị” của mình. Chính ông giám đốc này cho biết có một số cán bộ ở Hà Nội, Thái Nguyên cũng “học” để lấy bằng như ông.
Giải thích về hiện tượng hay vấn nạn này, nhiều người đã phân tích về tâm lý sính bằng cấp, sính ngoại của người Việt Nam; về nghịch lý bằng cấp và chức vụ (được “cơ cấu” trước, có chức trước rồi mới lo “chạy” bằng); về quy trình tuyển chọn, đề bạt quan chức . Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nó còn nói lên một cái gì đó sâu xa hơn vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam. Đó là, trong khi chúng ta hô hào hiện đại hóa thì cái tâm lý xã hội thâm căn cố đế của chúng ta, kể cả trong  bộ máy công quyền vẫn chuộng hình thức, hư học, hư danh hơn là thực chất, thực học; chuộng bằng cấp, dù là bằng cấp dỏm, hơn là tri thức thiệt, năng lực thiệt. Hà Nội chẳng đã từng dự định buộc 100% cán bộ cốt cán phải có bằng tiến sĩ đó sao?
Nhưng làm sao có thể hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa xã hội bằng tri thức dỏm, bằng cấp dỏm, bằng những thứ hư danh? Có thể bỏ 17.000 đôla để mua cái bằng dỏm nhưng làm sao có thể bỏ tiền để mua tri thức thiệt nhằm hiện đại hóa đất nước nếu không đổ mồ hôi, sôi nước mắt học, học và học? Rồi đất nước sẽ đi về đâu, nền học thuật nước nhà sẽ đi về đâu nếu đất nước đầy rẫy những ông tiến sĩ có bằng dỏm hoặc bằng thật mà học dỏm? Hiện đại hóa chắc chắn là không, mà đất nước sẽ ngày càng đi đến chỗ lụn bại vì làm gì có tri thức thiệt, tầng lớp trí thức thiệt để tiến hành hiện đại hóa? Bởi hiện đại hóa, nhất là hiện đại hóa xã hội, là sự thay đổi từ bên trong, trên nền tảng tri thức tiếp thu được chứ làm gì có thứ hiện đại hóa vay mượn, càng không thể có thứ hiện đại hóa dựa trên tri thức dỏm, bằng cấp dỏm mua được bằng tiền.
Nền tảng tri thức của một đất nước, một xã hội như cái vốn để phát triển. Thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia cho thấy nó còn quan trọng hơn tài nguyên và những nguồn lực vật chất khác. Nghĩ tới một ngày nào đó người chủ của đất nước này kiểm tra lại lưng vốn của mình nhằm chuẩn bị đầu tư lớn và nhận ra, thay vì những đồng tiền vàng lại chỉ là một mớ giấy lộn, lúc ấy chắc chỉ còn biết khóc ròng. Để không có cái ngày ấy, đã đến lúc xã hội chúng ta cần đoạn tuyệt với cái tâm lý chuộng hư danh, hình thức để theo đuổi những giá trị thực, bắt đầu bằng học thiệt, tri thức thiệt, bằng cấp thiệt.

Không có nhận xét nào: