Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

KỲ VỌNG ODA ?


Những ngày này, mọi kỳ vọng phát triển dường như đang được dồn hết cho viện trợ phát triển chính thức (ODA). Không thể phủ nhận, trong điều kiện đất nước còn nghèo, xuất phát điểm để phát triển rất thấp, ODA đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong vài thập niên qua, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi mà ai cũng thấy, sự quá lệ thuộc vào ODA cũng đem đến nhiều bất lợi như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra (phải dành tiền để trả nợ lâu dài, sự lệ thuộc về giao thầu thi công, mua thiết bị, công nghệ, chi phí cao cho chuyên gia… và những nhượng bộ khác).
Ngoài ra, điều quan trọng không kém nhưng ít được nhắc tới là việc quá nhấn mạnh đến vai trò của ODA trong phát triển sẽ khiến chúng ta bỏ quên việc khai thác, bồi bổ nội lực trong dân. Nội lực được hiểu không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là tri thức và kỹ năng khoa học, công nghệ. Không chăm lo bồi bổ, khai thác nguồn nội lực này, về lâu dài đất nước có nguy cơ phụ thuộc bên ngoài về mọi mặt.
Một điều quan trọng khác là hiệu quả sử dụng ODA. Chính phủ và một số nhà tài trợ cho tới nay vẫn khẳng định Việt Nam sử dụng hiệu quả vốn vay ODA. Tuy nhiên, một số vụ tham nhũng liên quan đến ODA mà ai cũng biết và những số liệu khác khiến chúng ta không thể chủ quan. Một nghiên cứu về quản lý và sử dụng ODA của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương mới đây đã đi đến kết luận: “Tuy công tác thu hút và sử dụng ODA ở Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và tác động của ODA đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo của đất nước”.
Vẫn theo nghiên cứu này, những hạn chế và bất cập trong việc quản lý và sử dụng ODA thể hiện ở một số mặt chủ yếu, trong đó đáng kể nhất là sự chậm trễ trong việc giải ngân. Tỷ lệ giải ngân/ vốn cam kết có xu hướng ngày càng giảm sút trong những năm gần đây. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ vốn ODA giải ngân/vốn ODA cam kết trong các năm từ 2006 đến 2009 đạt tương ứng là: 40,2%; 40,1%; 38,1% và 37,2%. Sự chậm trễ này diễn ra ở nhiều dự án quan trọng và ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương. Tại Hội nghị CG giữa kỳ diễn ra tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mới đây, WB đã chỉ ra 10 dự án “đặc biệt có vấn đề” về tiến độ giải ngân, thuộc sự quản lý của các bộ khác nhau. “Tình trạng giải ngân chậm đã không chỉ ảnh hưởng tới cân đối ngân sách chung và kế hoạch phát triển của các ngành, mà còn làm mất đi những lợi thế về chi phí vốn, lãng phí chi phí cơ hội của vốn ODA, lãng phí nguồn vốn giá rẻ như ODA”, công trình nghiên cứu nói trên khẳng định. Ngoài ra, còn có những bất cập về chính sách thu hút và sử dụng ODA, những bất cập trong quản lý nhà nước về vốn ODA, khu vực tư nhân chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước giải ngân rất thấp.
Tất cả những điều trên nhắc chúng ta rằng, trong khi tranh thủ nguồn ngoại lực ODA cho công cuộc phát triển đất nước, cần luôn nhớ nó không phải là “của trời cho”, vô điều kiện, có thể sử dụng phung phí, và cần luôn nhớ việc bồi bổ, khai thác nguồn nội lực mới là kế sách phát triển lâu dài.

Không có nhận xét nào: