Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Từ vụ bản đồ của NGS và Google …

Vụ Hội Địa lý Quốc gia Hoa kỳ (NGS) và cả Google đưa lên mạng internet những bản đồ thông tin sai lạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam - giống như một số vụ tương tự trước đây, cũng do chính các công dân chứ không phải các cơ quan chức năng của nhà nước phát hiện ra - một lần nữa cho thấy sự yếu kém và sự trì trệ trong thông tin đối ngoại, đặc biệt liên quan tới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Bởi đây không phải là vụ duy nhất, cũng không phải mới. Ngay từ năm 2006, Cục Bản đồ Quốc gia Trung Quốc đã đưa lên mạng internet và cho phép công chúng tải miễn phí các bản đồ được gọi là "đúng đắn về mặt chính trị", trong đó ghi các quần đảo Hoàng sa và Trường sa là thuộc Trung Quốc, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi ấy, ông Lê Dũng đã được phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước vấn đề này (VnMedia 13-7-2006). Ấy thế mà việc làm đó của phía Trung Quốc vẫn không đánh thức được các cơ quan liên quan của Việt Nam nhằm cung cấp những bản đồ trực tuyến về Việt Nam cho mọi người quan tâm trên thế giới.

Thực tế cho đến nay, rảo qua các bản đồ Việt Nam trên mạng, trong khi Googlemaps (tuy có sai lạc như đã nói) và một số trang web của công ty tư nhân như Vietbando khá phổ biến và thân thiện với người dùng thì bản đồ trên trang web của các cơ quan nhà nước trực tiếp liên quan, từ Cục Đo đạc – Bản đồ đến nhà xuất bản Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên – môi trường, phải nói là đáng thất vọng. Ngoài sự nghèo nàn về nội dung, khó truy cập và không thân thiện với người dùng, còn không có bản đồ ghi chú bằng tiếng Anh. Những thông tin khác bằng tiếng Anh thì khá nhiều lỗi. Trách sao không có những vụ như vụ bản đồ của NGS và Google!

Bộ Ngoại giao Viêt Nam và Hội Địa lý Việt Nam đã lên tiếng phản đối và yêu cầu NGS và Google đính chính. Đã có những kiến nghị thu thập chữ ký trên mạng để gửi tới NGS, yêu cầu sửa sai. Nhưng, nói như ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường và là chủ tịch Hội Trằc địa – Bản đồ - Viễn thám Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn trang mạng Bee.net.vn, đừng chỉ biết phản đối. Quan trọng hơn là xem xét lại ta đã làm gì để cung cấp thông tin đúng đắn cho thế giới, là hành động. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, cổ nhân đã dạy.

Ngoài phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao, ngoài việc trao đổi thông tin, tư liệu giữa các tổ chức, hội đoàn của Việt Nam với các tổ chức, hội đoàn nước ngoài có liên quan đến vấn đề này như ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, theo chúng tôi, để tác động tới nhận thức của công chúng rộng rãi trên toàn cầu, cần nhanh chóng, tích cực đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại về chủ quyền lãnh thổ qua mạng internet. Các cơ quan chức năng của nhà nước, trước khi nghĩ đến việc bán các bản đồ như trang web của nxb Bản đồ, cần phổ biến miễn phí các loại bản đồ thông dụng, dễ truy cập về Việt Nam trên mạng internet, vì internet vẫn là công cụ tìm kiếm nhanh nhất, tiện dụng nhất và phổ biến rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Cần xem đây là một nội dung cực kỳ quan trọng trong kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử, một công cụ lợi hại nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Và không chỉ có thế, những bản đồ thông dụng như về địa hình, hành chính, mạng lưới giao thông, các điểm du lịch, danh thắng … còn là một cách quảng bá thông tin về Việt Nam và thu hút du khách nước ngoài. Và tất nhiên, muốn đưa thông tin đúng đắn về Việt Nam đến với thế giới, bên cạnh các bản đồ bằng tiếng Việt, nhất thiết phải có những bản đồ ghi chú bằng tiếng Anh là thứ tiếng thông dụng nhất hiện nay trên thế giới.

Hội nhập với thế giới là hợp tác và đấu tranh hàng ngày hàng giờ để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Liệu lần này vụ bản đồ của NGS và Google có đủ sức lay tỉnh các cơ quan nhà nước có liên quan?