Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

ĐỌC MÀ BUỒN

Đọc được bài này trên internet. Đọc mà buồn. Mấy chục năm trước mình cũng như thế. Bây giờ, mấy chục năm sau mình cũng cảm nhận như tác giả bài viết. Buồn.


06/12/2011
Hồ Cương Quyết - André Menras
Thành phố Hồ Chí Minh, chiều thứ Bảy. Trong căn hộ bỏ trống mà vợ chồng người em gái có nhã ý cho tôi trú tạm, tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Không muốn đọc mà cũng chẳng buồn viết lách gì cả. Những bộ mặt và cảnh tượng cứ xuất hiện liên tục, trộn lẫn vào nhau, chồng lấp lên nhau như hình ảnh trong một bộ phim không có đạo diễn. Một điệu nhạc buồn gọi cơn mưa đến như bám vào từng mẩu da thịt tôi và thực tại đang sống lại mỗi ngày một mạnh mẽ hơn.
Sáng hôm nay tôi tình cờ được mời đến một quán “café-philo”. Chủ đề cuộc tọa đàm: Marx, Engels, Hegel(*). Căn phòng nhỏ lèn chặt người, như chực vỡ tung. Có người tôi đã biết, có người chưa quen. Một không khí tìm tòi và chia sẻ. Người có tuổi lẫn với sinh viên trẻ: tâm hồn, đầu óc trẻ trung của mọi lứa tuổi hòa lẫn vào nhau. Lòng khát khao được học hỏi, trao đổi và cả các ý kiến đối chọi nhau. Sức mạnh và vẻ đẹp của niềm ham thích, của thị hiếu lành mạnh và tích cực, không ngại cản trở, không sợ điều cấm kỵ, và loại bỏ tất cả những ai nhát sợ.
Cơn mưa buồn trong nhạc Trịnh, những ý kiến tranh luận sôi nổi cùng không khí năng động của quán café-philo như muốn thoát ra khỏi những cản ngại thường ngày đã làm dậy lên trong tôi một góc ký ức mà tôi ngỡ đã chôn vùi từ lâu trong quá khứ. Những mẩu ký ức đau buồn về một Sài Gòn cũ mà tôi từng trải qua, giờ đây lại tái hiện ở TP.HCM, như đang giáng cái tát nảy lửa vào niềm tin của tôi.
Cấm chiếu phim, đóng cửa quán cà phê, cắt điện, đe dọa cá nhân. “Mật vụ” với bộ mặt lầm lầm lì lì, điện thoại di động lúc nào cũng dán chặt vào lỗ tai, máy ghi âm và caméra sẵn sàng hoạt động. Cảm giác ngột ngạt nặng trĩu vì không lúc nào được ở một mình. Hơn 40 năm trước, tôi đã từng trông thấy những cặp mắt rình rập hệt như thế, mà khi tôi hướng về họ thì chỉ được lẳng lặng đáp lại bằng cái nhìn đầy hăm dọa. Tôi hiểu rõ những bàn tay ấy có khả năng làm chuyện gì khi nhận được lệnh cấp trên.
Các đồng chí can trường của tôi, các bạn hiện đang ở đâu? Làm sao các bạn có thể quên chúng ta từ đâu đến và chúng ta đang đi về đâu? Tôi nghe bài hát “Một ngày dài trên quê hương” mà nước mắt cứ lăn dài, thật buồn cười, nhưng tôi cũng chẳng muốn kiềm lòng làm chi. Nỗi đau các thành quả của những cuộc đấu tranh bị tịch thu, của niềm hy vọng bị đánh cắp. Lòng phẫn nộ khi phải khóc thương cho một thời tuổi trẻ vẫn chưa lụi tàn trong tôi, cái thời thanh niên giờ đây bừng sống lại trong hoàn cảnh đầy cản ngại, và khiến cho tôi quên bẵng đi nỗi mệt nhọc hiển nhiên do tuổi tác.
Các đồng chí ơi, làm ơn đi, làm ơn nói cho tôi biết rằng điều tôi đang cảm nhận lúc này đây là hoàn toàn ngộ nhận và sai lầm, rằng các thế lực thù địch với chế độ ta không hề có lý, rằng tôi không buộc phải một lần nữa lên đường đấu tranh, ra tiền tuyến...
H. C. Q. – A. M.
Trần Hữu dịch từ tiếng Pháp.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Chú thích:
(*) Buổi giới thiệu cuốn sách Karl Marx của Peter Singer (nxb Tri thức 2011) sáng ngày 3/12/2011 tại quán Cà phê Thứ Bảy 37 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP. HCM với diễn giả là nhà nghiên cứu Lữ Phương và người chủ trì là nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn – BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 03:35

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Vị vua trẻ Bhutan tiếp tục cuộc cách mạng ở đất nước của chỉ số GNH

 Vị vua trẻ của Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, mới 31 tuổi, vừa chính thức cưới và tấn phong làm hoàng hậu một cô sinh viên 21 tuổi, cũng học ở Anh về, con gái của một phi công, tức thường dân. Sau khi đã lập nên Quốc hội, soạn thảo hiến pháp dân chủ, vị vua trẻ tiếp tục cuộc cách mạng của ông qua đám cưới này ở đất nước lấy Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) làm tiêu chí phát triển hàng đầu. Xem 2 đường link sau:


http://dantri.com.vn/c36/s36-527220/nguyen-thu-quoc-gia-tre-nhat-the-gioi-cuoi-thuong-dan.htm
http://www.theglobeandmail.com/news/world/asia-pacific/bhutans-king-weds-commoner-bride-and-crowns-her-queen/article2199559/

Nhân tiện xem lại bài cũ trên blog này, viết sau chuyến thăm Bhutan tháng 6-2011: Đến Bhutan, nằm mộng thiên đường.
http://nghidocduong.blogspot.com/2011/07/en-bhutan-nam-mong-thien-uong.html

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Bỏ quên con người

Bốn trăm mười tỉ đồng. Lớn nhất Việt Nam. Hơn thế, còn lớn nhất Đông Nam Á. Sự tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được đo như thế, bằng con số kinh phí và kích cỡ tượng đài mà UBND tỉnh Quảng Nam đã cho xây dựng. Chạy theo sự hoành tráng, theo kỷ lục, theo thành tích, có bao giờ người ta tự hỏi, với số tiền 410 tỉ đồng (từ ngân sách trung ương và địa phương), người ta có thể làm gì để 40.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước được sống cuộc sống xứng đáng hơn, được chăm sóc chu đáo hơn, nhà cửa tươm tất hơn, và con cháu, người thân còn lại của các mẹ được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm tử tế, có tương lai vững chắc. Có sự đền ơn nào hơn sự đền ơn ấy? Có sự an ủi nào hơn sự an ủi ấy? Có sự tôn vinh nào hơn sự tôn vinh ấy? Nhưng, mải chạy theo sự hoành tráng, người ta đã quên mất con người. Mải chạy theo xây dựng tượng đài bằng đá để đua tranh về chiều cao và chiều dài với tượng đài ở đâu đó, người ta đã quên những “tượng đài sống” bằng xương bằng thịt, những “tượng đài sống” nhỏ thó, hom hem, nhiều người bệnh tật, cô đơn, có lẽ chẳng còn sống được bao lâu.
          Có lẽ không ở đâu như đất nước ta, một đất nước triền miên kháng chiến, có những bà mẹ tình nguyện dâng hiến hết đứa con này đến đứa con khác cho Tổ quốc, cho kháng chiến. Một hiện tượng có lẽ là độc nhất vô nhị. Nhiều nhà kiến trúc, nhà mỹ thuật - bằng con mắt chuyên môn - đã phát biểu ý kiến của họ về tượng đài, nhấn mạnh đến tâm thức của người Việt, đến tinh thần lẽ ra cần toát ra từ tượng đài một người mẹ: gần gũi, thân thuộc thay vì hoành tráng mà nặng nề, khô cứng. Có lẽ điều đó cũng phù hợp với tính cách những người mẹ Việt Nam, ngay cả những người mẹ anh hùng: vĩ đại và cao cả, nhưng cũng rất thầm lặng, không chút phô trương. Thế thì tiêu chí lớn nhất Việt Nam hay lớn nhất Đông Nam Á, được nêu lên như một giá trị của tượng đài, phỏng có ý nghĩa gì?
          Nhưng đâu phải chỉ có tượng đài này, đâu phải chỉ có những công trình mỹ thuật chạy theo quy mô và sự hoành tráng mà bỏ quên con người. Nhiều đại quy hoạch, đại dự án, đại công trình khác cũng đã được xúc tiến nhân danh sự phát triển, nhân danh tăng trưởng kinh tế, nhân danh sự đi tắt đón đầu và cả đời sống người dân mà bỏ qua hoặc xem nhẹ việc xem xét thấu đáo đến chất lượng của công trình, dự án, quy hoạch và tác động nhiều mặt của chúng đến cuộc sống người dân, những người dân đang sống sờ sờ với những gương mặt, những số phận, những mơ ước nhỏ nhoi cụ thể chứ không phải người dân như một khái niệm chung chung, trừu tượng, mơ hồ. Thay vì là người thụ hưởng đích thực của những quy hoạch, dự án, công trình ấy, họ lại trở thành những kẻ chịu đựng khốn khổ của những ước mơ hoành tráng trong đó họ chẳng có vai trò gì, chẳng có tiếng nói gì.
          Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng không phải là công trình duy nhất muốn đạt cho được tiêu chí hoành tráng (và tất nhiên, đi kèm là kinh phí xây dựng lớn từ ngân sách). Ngoài những nghi ngờ (không phải tất cả mọi trường hợp đều được chứng minh) về những tính toán chia chác lợi ích, những món lại quả từ kinh phí thi công những dự án, công trình lớn, liệu còn có nguyên nhân nào khác đằng sau tâm lý thích hoành tráng này? Phải chăng đó là tâm lý tự ti, thấy người khác có cái gì đó to hơn mình, cao hơn mình thì cũng muốn mình phải có cái gì đó to hơn, cao hơn mà không xét đến khả năng của mình? Phải chăng đó là tâm lý bắt chước máy móc mà không xét đến điều kiện cụ thể của mình? Và biết đâu cũng có thể do bệnh thành tích của không ít quan chức các cấp, bởi thành tích gắn liền với chiếc ghế hiện tại và tương lai của họ?

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

“TẶC” NGÀY CÀNG NHIỀU!

Thủy hỏa đạo tặc. Đạo tặc là cụm từ đầu tiên trong đó có “tặc” mà ngày lớn lên, đi học, tôi cũng như nhiều người được biết tới. Đạo tặc - trộm cướp - được ông bà ta đặt ngang với lụt lội và hỏa hoạn, những mối họa lớn cho con người. Mặt khác, khi bàn về nguyên nhân của nạn đạo tặc, ông bà ta cũng có cái nhìn rất xã hội: bần cùng sinh đạo tặc, nghĩa là nghèo đói sinh ra trộm cướp.
          Lớn lên chút nữa, bắt đầu làm quen với sử sách, tôi được nghe tới hai từ dâm tặc. Dâm tặc gắn liền với hôn quân bạo chúa, với tham quan ô lại, với cường hào ác bá, với những giai đoạn hỗn quan hỗn quân, nhất là trong sử sách Trung Hoa. Những tên dâm tặc, những đôi gian phu dâm phụ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, hầu như ai cũng biết, đó là những Lao Ái - Triệu Cơ, những Tây Môn Khánh - Phan Kim Liên trong Thủy Hử và Kim Bình Mai. Truyện kiếm hiệp Kim Dung sau này cũng không thiếu những tên dâm tặc như Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo Giang hồ.
          Cùng với hai từ dâm tặc, tôi cũng bắt đầu biết đến từ hải tặc qua những truyện hoặc phim phiêu lưu mạo hiểm. Nói đến hải tặc, trí óc tôi bao giờ cũng hình dung ra những con tàu giương cờ đen vẽ đầu lâu và hai khúc xương trắng hếu bắt chéo nhau, những con tàu đi trong đêm bất ngờ cặp mạn những con tàu buôn và những tên cướp biển dữ dằn xông lên tàu cướp giết. Hai từ hải tặc cũng được nhắc đến qua tin tức thời sự nhưng không nhiều như bây giờ. Rồi cùng với hải tặc là không tặc, những tên cướp máy bay được biết đến qua phim ảnh cũng như tin tức thời sự nhưng khá hiếm hoi.
          Kho từ vựng liên quan đến “tặc” của tôi cách đây khoảng 30 - 40 năm chỉ có thế. Thế rồi bỗng dưng “tặc” xuất hiện ngày càng nhiều và trong đủ mọi lĩnh vực. Đầu tiên là lâm tặc kể từ khi nạn phá rừng rộ lên và kéo dài đến tận bây giờ, sau khi nước ta đã “cơ bản hoàn thành việc phá rừng” như dân gian nói đùa. Hết lâm tặc đến đinh tặc, một căn bệnh trầm kha mà cả nhà nước với bao nhiêu phương tiện trong tay lẫn cả xã hội dường như bó tay. Đến nay thì theo tin báo chí, đinh tặc không còn nhắm vào xe gắn máy mà cả xe hơi, không chỉ hoạt động ở ngoại thành mà còn tiến vào nội thành. Bọn người vô lương tâm không chỉ làm cho nạn nhân của chúng tốn tiền tốn của, bị chặt chém, mà có lúc còn khiến nạn nhân gặp tai nạn do bị xẹp lốp, mất tay lái.
          Vài ba chục năm nay thì kho từ vựng liên quan đến “tặc” đã phát triển không ngừng: từ “cát tặc” hay “sa tặc” – những kẻ khai thác trộm cát dưới sông, đến “quặng tặc”, “vàng tặc”, “than tặc” – những kẻ khai thác trộm khoáng sản, mỏ vàng, mỏ than, hay gần đây là “sưa tặc” – những kẻ cưa trộm cây sưa trên hè phố, tài sản chung của cộng đồng, để bán thu lợi riêng, “nghêu tặc” – những kẻ ăn cướp nghêu trong bãi nuôi của người khác như vụ hàng ngàn người tràn vào ăn cướp nghêu của một hợp tác xã nuôi nghêu ở Cà Mau mới đây, “cẩu tặc” – những kẻ chuyên môn rình mò ăn trộm chó từng dẫn đến những cái chết đau thương do người bị mất trộm chó không kìm nổi phẫn nộ ra tay bất chấp pháp luật. Thời công nghệ thông tin, máy tính ta lại có “tin tặc”, những kẻ đột nhập máy tính của người khác để ăn cắp thông tin hoặc để cài những phần mềm phá hoại.
Kho từ vựng chỉ những hành vi ăn cắp, ăn cướp cứ thế ngày càng nhiều lên theo thực tế cuộc sống xã hội, nhiều khi bất chấp những quy tắc hình thành từ ngữ mới, miễn sao thuận tiện, ngắn gọn để gọi một thực tế. Chẳng hạn, nếu lâm tặc. cát tặc, quặng tặc, sưa tặc, nghêu tặc dùng để chỉ những kẻ ăn cắp, ăn cướp gỗ rừng, cát sông, quặng mỏ. cây sưa, con nghêu… thì “đinh tặc” lại không phải là kẻ ăn cắp đinh mà là rải đinh cho người đi đường bị bể vỏ ruột xe để rồi buộc họ phải thay với giá cắt cổ. “Cẩu tặc” thì lại có nghĩa là kẻ trộm chó chứ không phải là kẻ chó má, đểu cáng như trước đó mọi người vẫn hiểu.
Tuy nhiên, có một số hành vi cũng thuộc loại ăn cắp, ăn cướp và cũng khá phổ biến hiện nay lại chưa có từ ngắn gọn để chỉ hoặc được chỉ bằng một từ nghe ra khá nhẹ nhàng. Chẳng hạn, ăn cắp văn chương, ý tưởng, luận văn của người khác vẫn được gọi là đạo văn chứ không phải là “văn tặc”; xài bằng giả, bằng dỏm cũng là hành vi ăn cắp cái không phải của mình nhưng chưa có từ ngắn gọn để gọi. Chẳng lẽ gọi đó là “bằng tặc”? Những kẻ lén lút xả thải chưa qua xử lý ra sông suối, phá hoại môi trường sống trong lành của người dân cũng là một dạng ăn cướp môi trường, nhưng chưa ai sáng tạo ra từ mới, ngắn gọn để gọi. Gọi là “môi tặc” thì nghe kỳ và dễ làm người nghe liên tưởng đến những màn gọi là “khóa môi” người đẹp mà một số báo mạng hay khoái trá đưa lên.
Song có một thứ “tặc” mới, có lẽ là “đỉnh cao” của mọi thứ “tặc”, mà các nhà sáng tạo ngôn ngữ dân gian đã kịp thời tìm ra từ ngắn gọn, thuận tiện để chỉ. Đó là từ “đức tặc” để chỉ những kẻ đạo đức giả, thối nát, vô liêm sỉ, vô đạo đức nhưng vẫn đeo bộ mặt đạo đức. Tuy hai từ “đức” và “tặc” đã từng hiện diện trong một câu nói của Khổng Tử: “Hương nguyện, đức chi tặc giả”, nhưng ghép hai từ này liền với nhau thành một danh từ để chỉ những kẻ giả hình, ăn cắp đạo đức, phá hoại lý tưởng như trong một bài viết của Bùi Văn Nam Sơn mới đây thì thực sự là một sáng tạo, dù không hoàn toàn mới.
Đến đây, một câu hỏi đặt ra: người ta nói ngôn ngữ phản ánh hiện thực, vậy trước sự phát triển tăng tốc của những từ liên quan đến “tặc” thời gian qua, chúng ta phải nghĩ gì về hiện thực cuộc sống hôm nay?

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Xã hội cần đối diện với sự thật

Vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, trong đó hung thủ chưa đầy 18 tuổi giết hại một cách dã man ba người trong một gia đình, trong đó có một cháu bé mới 18 tháng tuổi, và chặt đứt bàn tay một cháu bé 8 tuổi là vụ giết người cướp của man rợ mới nhất trong hàng loạt vụ giết người ngày càng tăng nhanh về số vụ và về mức độ phi nhân tính. Người ta chưa kịp quên vụ Nguyễn Đức Nghĩa ở Hà Nội chặt người yêu thành nhiều khúc, vứt ở nhiều nơi để cướp tài sản thì lại choáng váng vì vụ giết người mới nhất này. Rồi trong khi vụ tiệm vàng ở Bắc Giang vẫn đang nóng thì người ta lại bàng hoàng được biết vụ một nhân viên bảo vệ nông trường ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị giết bằng một nhát dao đâm vào ngực và tám nhát vào lưng bởi ba hung thủ sống lang thang từ Bắc Ninh vào, trong đó có hai kẻ là cha con và người con chỉ mới 13 tuổi, nhằm cướp chiếc xe gắn máy và điện thoại di động của nạn nhân lúc đang ngủ.
            Trước những vụ việc như vậy, có họa là bịt mắt, bưng tai mới có thể cho rằng xã hội vẫn đang phát triển theo chiều hướng bình thường. Nếu là tội ác do những băng đảng gây ra, mà xã hội nào cũng có, thì là một lẽ. Đàng này, giải thích làm sao khi kẻ thủ ác ở đây lại là những con người hôm qua còn được hàng xóm láng giềng xem là những con người hoàn toàn bình thường, thậm chí hiền lành; là những thiếu niên còn chưa đến tuổi trưởng thành. Nếu cộng thêm vào đó những vụ đám đông ùa vào cướp của nạn nhân khi họ gặp tai nạn trên đường xảy ra liên tục gần đây, tất cả cho thấy xã hội quả đang có cái gì trục trặc, con người bình thường đang bị mất phương hướng, không biết noi theo cái gì trong cuộc sống ngoài việc thỏa mãn nhu cầu vật chất bằng mọi cách, kể cả những cách man rợ nhất mà lẽ ra những con người bình thường không thể, không dám thực hiện. Nó cho thấy trong một bộ phận nào đó của xã hội, từ trong thâm sâu, con người đang bị mục ruỗng. Và sự mục ruỗng đó, sự phi nhân tính đó có thể ngày càng lan ra nếu xã hội không thức tỉnh, không đối diện với sự thật và tìm phương cách cứu chữa, ngăn chặn, không để nó lan ra thêm nữa.
            Đó phải là một sự thức tỉnh trên bình diện xã hội chứ không chỉ ở bình diện cá nhân. Chúng ta đã nói quá nhiều về sự  “xuống cấp đạo đức” cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của sự xuống cấp ấy là gì, nó nằm ở đâu và vì vậy mà chưa tìm ra phương cách khắc phục. Căn nguyên phải chăng nằm ở các thiết chế xã hội, bao gồm cả hội đoàn, nhà trường, gia đình,… dường như đang tỏ ra lạc hậu trước sự biến đổi của xã hội, và kém hiệu quả, nếu không nói là vô dụng trong việc ngăn chặn tội ác; ngay cả tôn giáo - vốn được xem như cái thắng (phanh) bên trong của con người trước cái ác - cũng tỏ ra bất lực trong việc giúp con người hướng thiện. Phải làm gì, tháo gỡ ở đâu để các thiết chế xã hội ấy lấy lại được sức mạnh của mình, thậm chí là không đánh mất chính mình và vai trò của mình, trong việc xây dựng lại nền tảng tinh thần của xã hội, để con người biết noi theo cái gì trong cuộc sống và biết dừng lại trước lằn ranh thiện – ác?
Đứng trước vụ bạo loạn, cướp phá mới đây ở Luân Đôn, mà về tính chất khác với những vụ giết người cướp của man rợ kể trên, Thủ tướng Anh David Cameron đã phải gọi đó là “tiếng kêu đánh thức nước Anh trước sự sụp đổ từ từ về đạo đức”. Và rằng “ những vấn đề xã hội tích tụ trong hàng thập kỷ đã bùng nổ trước mặt chúng ta”. Ông cũng hứa hẹn sẽ đề ra hàng loạt chính sách nhằm đảo ngược sự “sụp đổ đạo đức” ấy và cho rằng “trong khi người dân đòi hỏi phải đối đầu cương quyết với những kẻ phạm tội thì họ cũng muốn thấy các vấn đề xã hội phải được giải quyết, đẩy lùi”.
Xã hội chúng ta cũng đang cần đánh thức, cần đối diện với sự thật, xây dựng lại nền tảng tinh thần của xã hội để ngày mai tội ác man rợ không xảy ra bên nhà hàng xóm của mình, trong nhà người thân của, hay khủng khiếp hơn, ngay trong nhà mình. Đối diện với sự thật chính là vì tương lai của xã hội, dù vẫn biết trong xã hội người tốt bao giờ cũng nhiều hơn kẻ xấu.

SỰ HÀO PHÓNG KHÓ HIỂU

“Trụ cột công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn”. “Giấc mơ miền biên ải”. “Gió mới trên đất anh hùng”. Đó là những ngôn từ lấp lánh được tờ báo địa phương và một số lãnh đạo gán cho dự án nhà máy xi măng Đồng Bành, một dự án được triển khai thi công từ tháng 10-2006, với công suất thiết kế 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, tổng mức đầu tư từ 1.298 tỉ đồng tăng lên 1.505 tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 16% do thi công chậm đến hai năm. Trong số cổ đông sáng lập dự án có Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE)  mà có tờ báo xem là những “doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực về vốn và có kinh nghiệm trong quản lý và đầu tư, do đó Công ty Cổ phần Xi Măng Đồng Bành có nhiều thuận lợi trong việc điều hành và huy động nguồn vốn.” (Vietnam Business Forum – Kênh thông tin đối ngoại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 19-5-2010).
 Mang danh nghĩa là đầu tư tại “địa bàn vùng núi” (trong khi thực tế nhà máy nằm chỉ cách thành phố Lạng Sơn khoảng 52 km, cách Hà Nội khoảng 103 km, lại gần quốc lộ 1A, gần các mỏ đá vôi nguyên liệu), vì thế mà dự án được hưởng đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ đối với vùng đặc biệt khó khăn, được tỉnh Lạng Sơn tạo mọi điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động, ưu đãi về xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài nhà máy và khu công nghiệp, v.v… Dự án còn nhận được nhiều ưu ái từ các ngân hàng thương mại nhà nước và nước ngoài, dù vốn tự có của chủ đầu tư chỉ vỏn vẹn 301,542 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư, còn lại là các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam:  272,142 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: 183,467 tỷ đồng, và Ngân hàng ANZ là 747,850 tỷ đồng với sự bảo lãnh của Chính phủ.
          Ấy thế mà vừa rồi Bộ Xây dựng cho biết, riêng năm 2011, Đồng Bành thiếu 141 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi, trong đó phải trả nợ gốc và lãi đến hạn cho ANZ vào ngày 25-8-2011 là 3.493.633,33 USD (tương đương trên 72 tỷ đồng). Nhà nước bảo lãnh thì Nhà nước phải trả nợ thay. Bộ Tài chính mới đây đã phải đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp này thanh toán khoản vay ngân hàng ANZ. “Nợ Chính phủ bảo lãnh, chúng tôi coi nó là nghĩa vụ nợ dự phòng. Khi mà các doanh nghiệp không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay, thì lúc đó nghĩa vụ nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ nợ thực tế của nhà nước”, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.
Quả là một sự hào phóng khó hiểu từ phía Nhà nước khi xi măng chẳng phải là một ngành mũi nhọn hay công nghệ cao mà Nhà nước cần hỗ trợ; và dự án, dù mang danh nghĩa đẹp đẽ gì, cũng chỉ là một dự án kinh doanh mà nhà đầu tư phải tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ. Có thể sự hào phóng ấy một phần đến từ ý muốn chủ quan về một giấc mơ  công nghiệp của địa phương, một phần từ những lời lẽ thuyết minh có cánh của chủ đầu tư. Dù thế nào thì kỳ vọng đã đặt không đúng chỗ, và giấc mơ công nghiệp của địa phương đã sớm trở thành gánh nặng cho Nhà nước.
Và đây lại là một thí dụ nữa về việc phân bổ nguồn lực, về đầu tư vốn Nhà nước kém hiệu quả. Chuyện thua lỗ của Xi măng Đồng Bành có thể chưa dừng lại ở đó vì theo Bộ Xây dựng, từ năm 2011 đến năm 2015, doanh nghiệp này dự kiến sẽ thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối. Không biết đến lúc đó Chính phủ có còn đứng ra trả nợ thay, và nếu cứ tiếp tục như vậy, đến bao giờ nền kinh tế mới có sức cạnh tranh?

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Đến Bhutan, nằm mộng thiên đường

Himalaya trùng điệp, nhìn từ đỉnh đèo Dochula
Từ Kathmandu, thủ đô Nepal, máy bay bay dọc theo những đỉnh cao nhất trong dãy Hi mã lạp sơn, trong đó có Everest (8.848m, trên biên giới Nepal – Tây Tạng), rồi Jhomolhari (7.314m, phía Tây Bhutan), để đáp xuống sân bay Paro của Bhutan. Còn chưa hết choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ chưa từng thấy trong đời của những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa của Hi mã lạp sơn, du khách lại đã cảm thấy sững sờ trước vẻ đẹp độc đáo của nhà ga sân bay quốc tế Paro với đường nét kiến trúc, những họa tiết và màu sắc, chủ yếu là nâu đỏ – vàng đất – và đen, đặc trưng của kiến trúc Tây Tạng, khi chiếc Airbus của hãng hàng không quốc gia Bhutan, Druk Air, đáp xuống sân bay. Paro là một sân bay nhỏ và là sân bay duy nhất cho tới nay của vương quốc nhỏ, diện tích chỉ hơn 1/10 Việt Nam, dân số chưa tới 1 triệu, nằm ở phía Nam dãy Hi mã lạp sơn, giáp Tây Tạng này.
Đường nét kiến trúc ấy, những họa tiết theo lối kỷ hà ấy, những màu sắc đặc trưng ấy, tôi sẽ bắt gặp lại những ngày sau, với một quy mô hoành tráng hơn, vẻ đẹp huy hoàng hơn nơi các dzong – những tuyệt tác kiến trúc nửa pháo đài nửa lâu đài, với các tường ngoài cao và dựng đứng, thường nằm trên những ngọn đồi hoặc sau những hào nước sâu thuận lợi cho phòng thủ, bên trong thường có một tháp cao, có cung điện cho vua chúa, có chùa và nơi tu hành cho các nhà sư. Dzong vừa là nơi đặt cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính và cai trị của đất nước Bhutan, vừa là trụ sở của tăng đoàn ở một đất nước thấm đẫm niềm tin, tinh thần và văn hóa Phật giáo, dù về mặt chính thức Phật giáo không là quốc giáo. Đất nước Bhutan có rất nhiều những dzong được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước như vậy, như Paro, như Thimphu - thủ đô hiện tại, nơi đặt ngai vua và là nơi vị sư trưởng Bhutan cư ngụ, như Punakha – cố đô ở miền trung Bhutan, nơi có kiến trúc dzong theo tôi là đẹp nhất, nằm giữa hai con sông Pho (Trống) và Mo (Mái), như Wangdue Phodrang, như Trongsa – quê hương của triều vua hiện tại ở miền Trung Bhutan, hay như phế tích Drukgyel Dzong – nơi người Bhutan đánh thắng quân xâm lược Tây Tạng… Nhưng không chỉ có các dzong, các đền chùa (lhakhang), tháp (chorten) đều là những kiến trúc toát lên bản sắc không thể lẫn lộn vào đâu được của đất nước này, trong đó ấn tượng nhất là chùa Taktsang Goemba (hay hang cọp) gần Paro, nằm chênh vênh trên vách núi, hay 108 chorten được xây dựng trên đỉnh đèo Dochula nhằm đánh dấu một chiến thắng lớn của đất nước này.
            Được chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc của Bhutan – rất khác với các tuyệt tác kiến trúc phương Tây - cho tôi cảm giác như chạm tới một thiên đường vô cùng lạ lẫm. Tuy nhiên, được đắm mình trong thiên nhiên mới thực sự cho tôi cảm giác như ở trên chốn bồng lai. Khách sạn đầu tiên nơi tôi dừng chân, cách sân bay chỉ một quãng đường ngắn, nằm bên một dòng suối, trước mặt và sau lưng là đồi núi xanh tươi. Từ Paro ở miền Tây Bhutan qua Bumthang ở miền Trung, tôi phải vượt qua một quãng đường dài mà suốt dọc đường đi ngoằn ngoèo, thường một bên là núi, một bên là những dòng sông uốn lượn xa xa tận dưới sâu; vượt ba ngọn đèo mà đèo nào cũng cao trên 3.000m, từ trên những đỉnh đèo này, ngắm những ngọn núi trùng điệp đến vô tận và mây trắng quyện quanh các ngọn núi, là đà trong các thung lũng, tôi có cảm giác lâng lâng. Đường ngoằn ngoèo, vực sâu nhưng ta không hề thấy sợ, bởi núi hay vực cũng mọc đầy cây xanh, sát tận mép đường, khác hẳn với khi ta leo những ngọn đèo trên những ngọn núi trọc. Đất nước trong dãy Hi mã lạp sơn này, rừng che phủ đến 80% diện tích, và giữ rừng, giữ môi trường là triết lý sống của họ.
Lên ngựa để leo lên tu viện Taktsang Goemba
            Cuối cùng là những người dân. Chất phác, hiền lành, tử tế, tốt bụng, thấm nhuần tinh thần Phật giáo, thứ Phật giáo riêng, xuất phát từ Tây Tạng của đất nước này, với những truyền thuyết trộn lẫn với lịch sử, những thần linh, bồ tát, yêu quái tưởng như đang hiện diện giữa đời thực, trong tâm tưởng của người dân. Và một vị vua trẻ, nối gót cha (thoái vị để truyền ngôi cho con trước thời hạn tự đặt ra hai năm) đi học ở Anh và Mỹ về, tự hạn chế quyền lực của mình, 
Tu viện Taktsang Goemba hay Tiger's Nest
Không có “tà áo nọ”. Có chăng, nổi bật, chỉ là màu cà sa nâu đỏ của các nhà sư và những bộ váy áo truyền thống (gho của nam giới và kyra của nữ giới) đủ màu sắc. Cũng chẳng có “em đi về bên kia phố” hay mái “tóc trầm ướp vai thơm”. Có chăng là gương mặt những phụ nữ, trẻ và già, đầy nét hồn hậu; những em học sinh trong những bộ đồng phục dễ thương mà tôi gặp suốt trên đường và những người đàn ông khỏe mạnh, rắn rỏi, thật thà. Cũng không có “môi thiên đường hót chim khuyên”. Chỉ nghe những bài ca dân gian mà giai điệu và ca từ cứ đều đều như những lời kinh hay những câu thần chú. Nhưng suốt bảy ngày ở Bhutan, câu cuối trong ca khúc “Cho đời chút ơn” của Trịnh Công Sơn luôn văng vẳng trong tâm trí tôi: “Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”. Chỉ vì suốt bảy ngày sống với thiên nhiên, con người và văn hóa ở đấy, tôi luôn có cảm giác như đang sống  trên chốn bồng lai, hay như sách báo du lịch thường gọi: Shangri – la cuối cùng trên trái đất.



(*) Công ty tổ chức tour Bhutan: Du lịch Hương Băng, 48/46 Hồ Biểu Chánh, P.11, Phú Nhuận.
      (http://www.huongbangtravel.com - Tel: 84-8-39973369)

Punakha Dzong
Chú tiểu ở chùa Chhimi Lhakhang
Thimphu Dzong

THĂM NHÀ NỮ THẦN SỐNG Ở KATHMANDU

Cổng vào điện Kumari Ghar
Nữ thần Kumari không xuất hiện nơi cửa sổ mà chỉ là một người hầu

Nữ thần Kumari hiện tại
Nằm ngay cạnh quảng trường trung tâm Durbar Square của Kathmandu, thủ đô Nepal, là điện Kumari Ghar, nơi ở của nữ thần sống (Living Goddess) Kumari Devi, nghĩa là Nữ thần Đồng Trinh trong tiếng Sanskrit, tiếng Nepal và tiếng Ấn. Kumari Ghar là một tòa nhà xây gạch đỏ, hai tầng lầu, với các cửa ra vào và cửa sổ bằng gỗ nâu đen chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, đặc trưng của các cung điện của triều đại Malla (cai trị Nepal từ thế kỷ 12 – thế kỷ 17) mà người ta cũng có thể thấy nơi những kiến trúc còn sót lại của triều đại này ở hoàng cung Kathmandu cũng như tại hai cố đô Bakhtapur và Patan. Kumari Ghar là một kiến trúc vuông vức với một sân trong, giữa sân là một gốc cây nhỏ xanh rì cành lá khi tôi đến đây vào một ngày đầu tháng sáu vừa qua để được chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần sống. Có ai không tò mò khi ở thế kỷ này người ta vẫn thờ một nữ thần sống ?
          Người Nepal theo đạo Hindu, chiếm đa số, và đạo Phật thuộc phái Vajrayana tin rằng nữ thần sống Kumari là hiện thân của nữ thần Taleju (còn có tên gọi khác là Durga) trong đạo Hindu. Taleju là nữ thần của nguồn sức mạnh tối cao. Truyền thuyết kể rằng: vào một đêm khuya, một con rắn đỏ bò vào phòng vị vua cuối cùng của triều đại Malla, Jayaprakash Malla, khi vua đang chơi trò xúc xắc với nữ thần Taleju. Mỗi đêm nữ thần đều đến chơi với vua với điều kiện vua không được nói cho ai biết, nhưng một đêm nọ hoàng hậu lén đi theo nhà vua để xem vua gặp ai mà đêm nào cũng gặp khuya như vậy và hoàng hậu đã trông thấy nữ thần. Tức giận, nữ thần Taleju nói với nhà vua rằng sẽ đầu thai vào một bé gái thuộc dòng họ Sakya, nếu vua còn muốn gặp và nhờ nữ thần bảo vệ đất nước thì hãy đi tìm bé gái ấy. Và thế là vua rời cung điện đi tìm bé gái hiện thân của thần Taleju.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng nữ thần Taleju đêm nào cũng đến chơi xúc xắc và đàm đạo chuyện quốc sự với vua Trailokya Malla dưới lốt người trần. Rồi một đêm nọ, nhà vua không cưỡng lại được ý muốn chung đụng xác thịt với nữ thần khiến thần tức giận, không đến cung điện nữa. Nhà vua hối hận, cầu xin thần trở lại. Cuối cùng nữ thần Taleju đồng ý đầu thai vào một bé gái đồng trinh thuộc dòng họ Sakya cho nhà vua tìm gặp. Tục thờ nữ thần đồng trinh Kumari nơi bộ tộc Newar (dòng họ Sakya thuộc bộ tộc này) trong thung lũng Kathmandu, và nơi người Nepal nói chung, bắt nguồn từ đó và đã tồn tại từ thế kỷ 17 cho đến tận ngày nay. Thật ra, ở Nepal có nhiều địa phương có nữ thần sống Kumari, nhưng chỉ có nữ thần Kumari ở Kathmandu là được nhà vua đến hôn chân mỗi năm để mong được thần ban phước. Điều này diễn ra cho đến tận khi vị vua Nepal cuối cùng là Gyanendra bị buộc phải rời ngôi năm 2008 để đất nước này chuyển qua chế độ cộng hòa. Nay thì nữ thần sống Kumari chỉ còn chúc phúc cho người đứng đầu chính phủ cộng hòa dân chủ theo xu hướng Maoist.
Nhưng ai là nữ thần sống Kumari ? Nữ thần Kumari được lựa chọn trong số những bé gái từ 3 – 7 tuổi thuộc dòng họ Sakya, dòng họ của Đức Phật, qua một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt. Bé gái được lựa chọn làm nữ thần phải hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề bệnh tật hay chảy máu, có đủ 20 răng, ngoài ra còn phải hội đủ 32 tiêu chuẩn khác, chẳng hạn: “ngực như ngực sư tử, thân mình như cây đa, cổ như vỏ ốc, đùi như đùi nai, lông mi như mi bò, giọng nói dịu dàng và trong, chân tay thon thả, tóc và lông mi phải thật đen, bộ phận sinh dục nhỏ nhắn và lùi vào trong, tính khí vui tươi và không biết sợ hãi…” Những bé gái hội đủ các tiêu chuẩn đó còn phải được chấm tử vi xem có phù hợp với lá số của nhà vua hay không và phải trải qua những thử thách rợn người: đó là trải qua một đêm trong một căn phòng kín, giữa những chiếc đầu dê và trâu được giết để tế thần và giữa những người mang mặt nạ yêu quái nhảy múa suốt đêm trong tiếng cầu kinh Mật điển. Bé gái nào trải qua được thử thách đó mà không hề la hét, khóc lóc, sợ hãi mới chứng tỏ được mình là hiện thân của nữ thần Taleju và được chọn làm nữ thần sống Kumari.
Một khi trở thành nữ thần sống, bé gái sẽ phải sống cuộc sống cô độc trong điện Kumari Ghar, không được giao tiếp với người trần ngoại trừ những dịp đặc biệt, không được sống cuộc sống bình thường như bao bé gái cùng tuổi khác cho đến tuổi dậy thì với kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thần Taleju khi đó sẽ rời bỏ nữ thần sống. Cô gái sẽ trở lại là người trần và trở về sống với gia đình. Người ta lại bắt đầu tìm kiếm một nữ thần sống Kumari khác. Người dân Nepal tin rằng không một người đàn ông nào dám lấy một cựu nữ thần sống làm vợ nếu không muốn bị thổ huyết mà chết, tuy nhiên trong thực tế không ít nữ thần sống sau khi trở về với gia đình đã lấy chồng, sinh con.
Sáng hôm ấy, tôi đã đến Kumari Ghar, đứng rất lâu dưới sân, cạnh gốc cây, nhìn lên cửa sổ lầu hai với hy vọng được nhìn ngắm nữ thần sống vì, theo dân địa phương, thỉnh thoảng nữ thần vẫn xuất hiện ở cửa sổ. Tuy nhiên, tôi và những du khách khác hôm ấy đã không gặp may. Xuất hiện nơi khung cửa sổ không phải là nữ thần sống mà chỉ là một người hầu. 
          Chỉ còn cách mua một tấm bưu thiếp được bán ngay bên ngoài cửa ra vào điện Kumari Ghar, có in hình nữ thần sống Kumari hiện tại, một bé gái tên Matina Sakya, được tôn là nữ thần sống năm 2008 khi mới 3 tuổi. Và tự an ủi mình: Đất nước nằm dưới chân Himalaya này có vô số điều kỳ bí, vô số thần thánh, truyền thuyết, huyền thoại, trong đó nữ thần sống Kumari chỉ là một. Không thể chỉ trong ba ngày ngắn ngủi mà khám phá hết.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

NHU CẦU “BỘ MẶT”

Bảo tàng Hà Nội, bảo tàng lớn nhất nước, vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mới đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Mấy ngày đầu sau khi khánh thành, bảo tàng còn có khách tham quan do người từ các địa phương khác đổ về nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long nhưng nay thì vắng vẻ, đìu hiu, với chỉ vài ba người đến tham quan mỗi ngày, như phản ảnh của nhiều tờ báo.
Chính Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc đã đánh giá rằng đây là một sự đầu tư lãng phí. PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet cho biết, sau khi tham quan Bảo tàng Hà Nội, hầu hết những người Hà Nội mà ông biết và cả khách quốc tế đều thất vọng vì cái tòa nhà thì hiện đại, nhưng nội dung và chất lượng trưng bày quá kém, không đạt tiêu chuẩn. Ông nói thẳng, đó là do làm tạm bợ, không tính đến chất lượng, bất chấp tiêu chuẩn tối thiểu của bảo tàng thế kỷ 21, miễn sao bày kín được mấy tầng bằng những thứ đồ cổ. Có trưng bày đấy mà không đạt mục tiêu nội dung và không đạt chất lượng mỹ thuật, làm thấp giá trị của bảo tàng. Chính vì vậy mà bảo tàng không thu hút được khách tham quan. Sự lãng phí chính ở chỗ đó. Vẫn theo GS Huy, nguyên nhân lãng phí là do ở nước ta có "mốt" khánh thành tòa nhà (bảo tàng) trước, rồi vài năm sau mới khánh thành trưng bày chính. Đó là một cách làm không phù hợp, không khoa học, chủ yếu chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan.
Sai lầm rất lớn của quá trình xây công trình Bảo tàng Hà Nội cũng như nhiều bảo tàng khác ở nước ta, theo GS Huy, là có hai bộ phận hoàn toàn tách biệt: bộ phận xây dựng thì cứ lo xây dựng, còn Bảo tàng Hà Nội, kể cả Giám đốc Bảo tàng cũng không tham gia vào quá trình lập đề cương, tổ chức bộ máy trưng bày. Những người có chuyên môn lại không được làm công việc chuyên môn quan trọng nhất của bảo tàng. Họ chỉ chờ "chìa khóa trao tay" để quản lý và lo "giữ nhà".
Nói cách khác, nói đến làm bảo tàng (và nhiều thứ khác nữa), người ta nghĩ trước hết đến “phần cứng”, đến xây dựng tòa nhà cho hoành tráng, đáp ứng cái gọi là “bộ mặt”, còn nội dung hoạt động, trưng bày, sự vận hành bên trong, tức “phần mềm” thì người ta rất ít chú ý. Trước hết phải là to nhất, hoành tráng nhất, là bộ mặt, là thể diện, dù bên trong chẳng ra sao.
Một công trình ngàn năm Thăng Long khác, "Con đường gốm sứ" dài gần 4.000 mét, với tổng diện tích tranh gốm khoảng 7.000 m2 do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống thực hiện, được long trọng khánh thành với sự có mặt của khá nhiều quan chức, được trao bằng kỷ lục thế giới Guiness. Chưa đầy năm sau, “Con đường gốm sứ” nay đang bong tróc, bục lở, với nhiều đường nứt dài và nhiều người Hà Nội cho rằng nó đang làm xấu thay vì làm đẹp cho bộ mặt thành phố. Tuy không phải là công trình đầu tư từ ngân sách mà là công trình xã hội hóa, một cách làm khá mới mẻ nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng phục vụ cho cộng đồng, nhưng đó cũng là một công trình chạy đua chào mừng đại lễ.

Trong số các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đang thanh tra hai công trình, đó là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình. Tại Bảo tàng Hà Nội, theo báo chí phản ảnh, ngay tầng 1, ở lối lên cầu thang, nền gạch bong tróc, dùng tay có thể bóp vụn miếng ximăng và trơ cát.  Trên trần tầng 1, nước đọng thành vệt loang lổ, có chỗ nước nhỏ giọt. Ở tầng hầm, nơi bảo quản hiện vật, cũng xảy ra hiện tượng nước rò rỉ. Đặc biệt tầng ngầm - phòng kỹ thuật của bảo tàng - còn bị ngập nước lênh láng khi mưa. Tại Công viên Hòa Bình, vốn đầu tư 282 tỷ đồng, hiện tượng xuống cấp cũng lộ rõ. Chỉ mấy cơn mưa đầu mùa, hàng loạt khu vực trong công viên ngập úng nặng. Tại một số khu vực, gạch vỡ đang được thay thế. Tại nhiều khu vực khác, nền gạch  bị phồng rộp kéo dài tới vài chục mét, phía dưới hoàn toàn không có ximăng. Chẳng biết có tiêu cực gì ở đây không, vì còn phải chờ kết luận thanh tra, nhưng nếu không có tiêu cực thì rõ ràng chính cái bệnh chạy theo thành tích, chạy theo ngày kỷ niệm, đáp ứng vấn đề “bộ mặt” đã làm hại cho chất lượng công trình. Ai gánh? Tất nhiên, cuối cùng vẫn là người đóng thuế, là người dân.
Như vậy, ngoài tham nhũng, tiêu cực, một nguyên nhân khác gây lãng phí, tiêu hao tiền của của dân, tuy ít được nói tới, ít được vạch mặt chỉ tên, chính là nhu cầu về “bộ mặt”, là “thể diện”. Điều đó đúng trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện nhà nước và xã hội.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

RÙA HỒ GƯƠM VÀ NGƯỜI LÈN CỜ

Những tưởng câu chuyện về Cụ Rùa hồ Gươm đã  khép lại sau khi  Đội lai dắt đưa được cụ lên bờ để chữa trị vào ngày 3-4, thì nay, một Cụ Rùa khác lại xuất hiện. Vì thế, khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội, câu chuyện này lại thêm một lần được mở ra với nhiều luồng ý kiến, tranh luận dữ dội...” (Vietnamnet). Người ta tranh luận gì? Người thì vẫn tiếp tục khăng khăng chỉ có một “cụ” rùa, người thì nói là có hai “cụ” và đang chuẩn bị “lai dắt” “cụ” thứ hai vào “bể thông minh” để chữa bệnh tiếp, người thì khẳng định có ba “cụ”, người khác lại cho rằng có đến 5-6 “cụ”. Mà giả sử có đến 5-6 “cụ” rùa Hồ Gươm thì ai là “Cụ” (viết hoa nhé!), ai không phải là “Cụ” đây?
            Cứ thế, từ mấy tháng nay báo chí, cả báo in và báo mạng, đã tốn không biết bao nhiêu trang giấy và trang mạng, đổ ra không biết bao nhiêu ngôn từ cho mấy chú rùa Hồ Gươm bị bệnh. Thậm chí đưa cả ảnh rùa ăn thịt xác mèo lên mạng. Chính quyền thì “khẩn trương”, “quyết liệt”, nào lập ban chỉ đạo cứu rùa gồm tới bốn, năm sở ngành, nào mời chuyên gia, tiến sĩ trong và ngoài nước đoán bệnh, chẩn bệnh, nào diễn tập tới lui, dùng cả  “đặc công thủy” để đưa rùa lên bờ, vào “bệnh viện” dưới chân tháp chữa trị. Báo chí thì thông tin liên tục, dồn dập, không còn thiếu một góc cạnh nào, y như bị động đất, sóng thần. Không rõ bao nhiêu tiền đã được chi ra cho việc cứu rùa. Cứ như đất nước này chẳng còn chuyện gì khác để lo. Cứ như những con rùa đang sống và, như mọi sinh vật, đang ngày một già đi ấy thực sự là những con rùa của truyền thuyết, thực sự từ trong truyền thuyết bước ra sống giữa đời này. Cũng đã có những tiếng nói tỉnh táo cất lên nhưng xem chừng khá lẻ loi, thậm chí bị mắng nhiếc, bởi người ta đang đồng nhất truyền thuyết (dù rất đẹp) với những sinh vật cụ thể.
            Ấy là chuyện rùa Hồ Gươm. Còn đây là chuyện người chết ở Lèn Cờ.
Mỏ đá ở xã Nam Thành, huyện YênThành, Nghệ An bị sập vào ngày 1-4-2011 đã khiến 18 người chết, đa số là phụ nữ, và 6 người bị thương. Người ta đã nhanh chóng chỉ ra nguyên nhân sập mỏ là do khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, vi phạm quy tắc an toàn lao động. Phó thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cứu nạn. Bốn ngày sau, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước; yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, an toàn lao động tại các mỏ đá làm vật liệu xây dựng, kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác mỏ, nếu thấy có biểu hiện vi phạm về an toàn. Người ta khởi tố vụ án, bắt giam chủ khai thác mỏ. Báo chí thì tường thuật công cuộc cứu nạn, mô tả nỗi đau thương bao trùm ở địa phương, hoàn cảnh sống cơ cực, đói nghèo của các nạn nhân và gia đình họ.
Mọi việc dừng lại ở đó. Không có “ban chỉ đạo” nào được thành lập, không có đội “đặc công” hay đặc nhiệm nào được huy động, không có chi phí nào được bỏ ra hòng tìm cho ra nguyên nhân sâu xa, đích thực, gốc rễ của những tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra dù đã có bao nhiêu quy định về cấp phép, về quy trình khai thác, về an toàn lao động, và quan trọng hơn hết là làm thế nào để chấm dứt triệt để tình trạng ấy. Bởi riêng tại Nghệ An, ngày 15-12-2007, một vụ sập núi thảm khốc tại công trình thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương khiến 18 công nhân tử nạn. Ngày 12-1-2008, tai nạn sập mỏ đá Lèn Nậy tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu khi đang có nhiều người làm việc, khiến 3 người chết, 7 người bị thương, tất cả đều là nữ. Ngày 28-8-2008, vụ sập hầm khai thác thiếc tại xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) làm 3 người chết. Và theo báo Bưu điện Việt Nam, còn nhiều vụ tai nạn nhỏ lẻ xảy ra trên địa bàn tỉnh này. Thống kê mới của ngành chức năng cho biết, hơn 100 người dân đã bị chết vị sập mỏ đá, sập hầm từ năm 2007 đến nay.
Ông chủ khai thác mỏ có thể rồi sẽ bị tuyên án. Báo chí có thể cũng sẽ không tiến thêm được bước nào ngoài việc lấy nước mắt qua những bài mô tả thống thiết của mình. Mọi việc có thể rồi sẽ trôi qua. Nhưng nếu mọi việc dừng lại ở đó thì kinh nghiệm chỉ ra rằng, dù có những quy định chặt chẽ đến đâu (về cấp phép, về quy trình khai thác), dù có “quyết liệt” rà soát bao nhiêu lần, nếu không xác lập được cơ chế, bộ máy và con người làm công việc giám sát, hậu kiểm chặt chẽ, nghiêm ngặt, công minh và nhất là không thể mua chuộc thì vẫn sẽ còn đó nguy cơ xảy ra những Lèn Cờ khác. Vấn đề không chỉ là quy trình, vấn đề là phẩm chất của bộ máy và con người bảo đảm cho quy trình được thực hiện.
Mạng rùa và mạng người hẳn là không thể đặt lên cùng một bàn cân, dù rùa ấy có quý hiếm đến đâu. Rùa hiếm cần được cứu, hẳn rồi, nhưng bảo toàn tính mạng hàng chục, hàng trăm con người còn đáng quan tâm hơn. Song xem ra cán cân đang nghiêng về tính mạng rùa. Một so sánh đơn giản về lượng: thử gõ mấy từ “cứu rùa Hồ Gươm” vào ô tìm kiếm Google trên mạng ta có tới 3.870.000 kết quả, còn với mấy từ “sập mỏ đá Lèn Cờ” ta có được 1.320.000 kết quả. Không rõ chúng ta đang hướng về đâu?

18 MẠNG NGƯỜI MÀ NHẸ NHƯ KHÔNG !

Trả lời phỏng vấn VietNamNet (9/4/2011) về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ ở Yên Thành, Nghệ An hôm 1-4 khiến 18 người chết thảm và 6 người bị thương, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nói: “Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho cơ quan điều tra xác định nguyên nhân, khi đó mới tìm ra trách nhiệm cụ thể. Để xảy ra một điều như thế là không hay. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm để tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo quản lý công tác này tốt hơn, cần chấn chỉnh lại để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa rồi. Đó là sự việc cần rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý.”
“Để xảy ra một điều như thế là không hay” (sic). Nếu tường thuật của phóng viên VietnamNet là đúng thì ông Phó Chủ tịch quả thực có tài hóa phép: 18 mạng người mất đi mà nghe nhẹ tựa lông hồng, không hay.
Ông Phó chủ tịch tỉnh lại nói: “Đối với tỉnh thì lâu nay cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp để mà kiểm tra các hoạt động khai thác khoảng sản, đặc biệt là đối với đá xây dựng. Trong tháng 3/2011, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc tại huyện Yên Thành cũng nêu lên vấn đề kiểm tra khai thác khoáng sản tại đây. Sau đó thì đồng chí Chi phó chủ tịch (ông Nguyễn Đình Chi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An) cũng có công văn chỉ đạo giao cho huyện Yên Thành về vấn đề khai thác khoáng sản. Việc xảy ra sự việc tại mỏ đá là một điều đáng tiếc.” Lại cũng chỉ là đáng tiếc! Nhưng người ta còn có thể đặt câu hỏi, nếu có “tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc”, vì sao không phát hiện chủ mỏ đá tổ chức khai thác không đúng quy trình, vi phạm quy tắc an toàn lao động, như kết luận sau khi tai nạn đã xảy ra? Hẳn là tất cả những chỉ đạo, giao nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc – nếu có – chỉ là hình thức. Đó là chưa nói đến những khả năng khác khiến mọi sự kiểm tra, đôn đốc… có cũng như không. Chỉ đến khi tai nạn thảm khốc xảy ra, những mạng người đã bị cướp đi một cách oan uổng, người ta mới nói đến việc rà soát lại quy trình, đến siết chặt kiểm soát, đóng cửa mỏ, và bắt giam chủ mỏ.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở quy trình, ở kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ mỏ. Bởi tai nạn này không phải là đơn lẻ. Trước vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, từ  cuối năm 2007 đến 2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã liên tiếp xảy ra những vụ sập hầm mỏ thương tâm: 15/12/2007, sập núi đá tại công trình thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) làm 18 công nhân bị đá đè chết khi đang làm việc; 12/1/2008, sập mỏ đá Lèn Nậy, tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, làm chết 3 người và 7 người bị thương; 28/8/2008, sập hầm khai thác quặng thiếc tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, làm 3 người chết tại chỗ. Cho nên, vấn đề chính nằm ở bộ máy và con người bảo đảm cho những quy trình ấy, từ cấp phép đến giám sát việc khai thác, luôn luôn được tuân thủ. Nếu không nhìn thẳng vào đây thì e sẽ còn những vụ Lèn Cờ khác.
Nếu còn một vấn đề, cũng có thể nói là một nguyên nhân nữa của những vụ tai nạn thương tâm như ở Lèn Cờ thì đó là nhận thức nhẹ như không về mạng người của những vị mà trách nhiệm được giao không hề nhỏ. Trong khi cách đấy mấy trăm cây số người ta đang bấn lên về bệnh tật của mấy chú rùa thì ở đây mạng người sao mà nhẹ!

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

NƠI THỜI GIAN THÔI NGỪNG TRÔI


Nói đến Myanmar, người ta hay nhắc đến hình ảnh một xứ sở mà ở đó thời gian như ngừng trôi. Năm  năm trước, lần đầu tiên đến thăm đất nước này, tôi cũng có ấn tượng như vậy. Nhưng thăm Myanmar lần này, cuối năm 2010, mọi sự đã rất khác. Có thể nói, ở đất nước này, thời gian đã bắt đầu chuyển động, ít ra là về kinh tế, trong khi văn hoá của họ tỏ ra có gốc rễ rất sâu.

Tỷ phú mới
Năm năm trước, lỡ dại dột khai nghề nghiệp là nhà báo khi xin visa nhập cảnh tại sứ quán Myanmar ở Hà Nội, tôi đã bị từ chối. Để bắt kịp nhóm cùng đoàn đã bay sang Myanmar trước, tôi phải tức tốc bay qua Bangkok, tới sứ quán Myanmar ở đó xin visa, lần này khai nghề nghiệp tự do, tôi mới được cấp thị thực nhập cảnh, rồi lấy vé máy bay Bangkok – Yangon, đến khách sạn lúc gần khuya để nhập chung với nhóm đã đến trước. Lúc ấy, nhân viên cấp visa còn viết tay điền vào những thông tin cần thiết trên mẫu visa. Lần này công ty du lịch xin visa cho đoàn đã dễ dàng hơn nhiều. Các thông tin trên visa cũng được in chữ điện tử chứ không còn viết tay như trước nữa.
Đập vào mắt tôi lần này khi đặt chân xuống đất nước Myanmar là sân bay quốc tế Yangon mới xây, lớn và  hiện đại không thua kém sân bay quốc tế Tân Sơn Nhứt mới là bao. Chẳng bù với lần trước, đặt chân xuống sân bay vào buổi tối, đèn đóm vàng vọt, tù mù, nhà ga hàng không cổ lỗ, bé xíu, mọi thủ tục đều làm thủ công, chậm chạp trong khi khách đến chỉ có mấy chục người trên một chiếc máy bay  nhỏ. Nhà ga cũ ấy nay vẫn còn nhưng đã được mở rộng, nâng cấp và được sử dụng làm sân bay nội địa, bên cạnh sân bay quốc tế mới.
Năm năm trước,  trên đường từ Yangon đi Bago, chúng tôi còn thấy rất ít xe hơi và đa phần là những chiếc xe cũ kỹ, thỉnh thoảng còn bắt gặp những chiếc xe chạy bằng than như thời bao cấp ở ta. Lần này thì không còn thấy xe chạy than, xe hơi đã nhiều lên gấp bội, những chiếc xe second hand vẫn còn chiếm đa số nhưng đã thấy xuất hiện khá nhiều xe hơi mới. Lần trước, ngoài thủ đô Yangon, công ty du lịch bên Myanmar chỉ có thể bố trí cho chúng tôi tham quan thêm Bago vì phương tiện đi lại lúc ấy cực khó ở một đất nước có diện tích rộng gấp đôi Việt Nam; lần này, ngay từ ở Việt Nam chúng tôi đã có thể mua vé máy bay nội địa Myanmar để bay từ Yangon lên phía bắc tham quan Bagan và Mandalay, hai trong số nhiều cố đô của đất nước này, vì ngoài hãng hàng không quốc gia MAI (Myanmar Airways International) còn có thêm hai hãng hàng không khác cùng cạnh tranh là Air Bagan và Air Mandalay. Air Bagan thuộc sở hữu của một người con rể của tướng Than Swe, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar. Người con rể này - một thời từng tham gia phong trào sinh viên đòi dân chủ, nay được biết đến như một tỷ phú mới ở Myanmar - còn làm chủ một ngân hàng và nhiều khách sạn, khu resort.
Khác với lần trước, ở đâu cũng nhuốm một vẻ buồn tẻ đặc trưng của một đất nước đóng cửa, khép kín, lần này, ngay trong nhà ga sân bay quốc tế Yangon, cửa ngõ của đât nước này, có trang trí nhiều cây thông cùng dòng chữ “Merry Christmas” vì đang là dịp Noel, chứng tỏ khách du lịch phương Tây đổ vào ngày càng nhiều. Nằm đối diện với một công viên lớn và ngôi chùa vàng nổi tiếng Shwedagon, khách sạn 3 sao nơi chúng tôi ở, mà tiện nghi chẳng kém so với nhiều khách sạn 4 sao ở Việt Nam, cũng trưng bày cây thông Noel nơi sảnh, lại còn có một hang đá ngoài sân cỏ, và nườm nượp du khách, phương Tây có, châu Á có. Chúng tôi sẽ còn gặp họ trong bar của khách sạn này và tại nhiều điểm tham quan đền chùa về sau ở Bagan, Mandalay…
Cùng bay chung chuyến bay với đoàn du lịch chúng tôi đến Yangon là một đoàn quan chức và doanh nhân gần trăm người từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sang Myanmar để khảo sát thị trường. Không rõ đoàn thu được kết quả ra sao, dù đã thấy Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở văn phòng đại diện ở Yangon không biết tự lúc nào. Chỉ biết, trong những ngày đoàn khảo sát thị trường của Việt Nam có mặt ở Yangon thì tại đây cũng đang diễn ra một triển lãm hàng công nghiệp Trung Quốc khá hoành tráng. Anh hướng dẫn viên du lịch người Myanmar cho chúng tôi hay, tại Mandalay và các tỉnh phia Bắc nước này, hàng Trung Quốc, đặc biệt là xe gắn máy và hàng điện tử, được tiêu thụ rất nhiều. Mandalay cách Yangon ở phía Nam gần 1.000 cây số và chính quyền Myanmar đang cho xây dựng một con đường bộ cao tốc nối liền hai thành phố này. Khi con đường này hoàn thành, kinh tế, vận tải, du lịch Myanmar hẳn sẽ phát triển thuận lợi hơn và hàng Trung Quốc từ Mandalay và các tỉnh biên giới đông bắc giáp Trung Quốc hẳn sẽ đổ vào nhiều hơn.
Hiện tại, Myanmar vẫn còn nghèo, đời sống của đa số người dân vẫn còn cơ cực do nền kinh tế bị cô lập với thế giới bên ngoài dù đất nước này rất giàu về tài nguyên rừng, nông nghiệp, đá quý, khoáng sản. Những ngày chúng tôi tham quan đất nước này, đến đâu cũng gặp cảnh người dân rồng rắn xếp hàng chờ mua xăng, y như thời bao cấp ở ta. Ở nhiều điểm tham quan du lịch, du khách cũng không ít khi bị quấy rầy bởi những người kỳ kèo bán hàng lưu niệm. Nhưng xem ra những chuyển động về kinh tế đang tăng tốc. Khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào dù cho môi trường chính trị vẫn là điều khó đoán định, do cuộc bầu cử mới đây đã dẫn đến việc thành lập một quốc hội lưỡng viện và trao quyền cho một chính phủ dân sự nhưng vẫn do quân đội kiểm soát. Dù sao, lúc rời sân bay quốc tế Yangon chúng tôi đã có thể mua tại cửa hàng miễn thuế những chai rượu vang sản xuất tại Myanmar bởi một nhà đầu tư Đức, với bao bì và chất lượng không kém vang châu Âu là bao. 

Chùa tháp và văn hoá
Nếu Campuchia được gọi là “đất nước chùa tháp” thì danh hiệu này còn xứng hơn với Myanmar, bởi lẽ số lượng chùa tháp ở Myanmar nhiều hơn gấp bội, đặc biệt là ở vùng Bagan, nơi dày đặc các chùa tháp. Lý do vì sao như vậy vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải mã. Chỉ biết, giai thoại kể rằng vào thời hoàng kim của vương quốc Bagan cổ (847-1287), vương quốc đầu tiên thống nhất những vùng sau này hợp thành nước Myanmar, dân chúng đào được rất nhiều vàng và trở nên cực kỳ giàu có. Rồi họ đâm ra hư hỏng, chỉ biết ăn chơi mà không lo làm lụng gì cả. Nhà vua thấy vậy lo lắng hỏi vị quốc sư nên làm gi. Nhà sư cố vấn cho nhà vua nên khuyến khích dân chúng xây chùa tháp cúng Phật, vì vậy mà ở vùng Bagan có vô số chùa tháp, nhiều tháp dát vàng, xây san sát nhau.
Dù sao, giai thoại vẫn chỉ là giai thoại. Điều đáng nói là người Myanmar, dù đa số còn nghèo, vẫn không hề xâm hại các di tích lịch sử,  văn hoá, đền chùa của họ và luôn giữ gìn chúng sạch sẽ, tươm tất, với một thái độ sùng kính chân thành. Điều này khác hẳn với những gì có thể thấy nơi nhiều dí tích lịch sử, văn hoá, đền chùa, nơi các lễ hội ở nước ta mà báo chí đã phản ảnh nhiều và khiến những người quan tâm đến chiều sâu văn hoá và đời sống tâm linh thực sự cảm thấy lo lắng. Thái độ tôn trọng các di tích lịch sử, văn hoá và lòng sùng kính trước những địa điểm thiêng liêng nơi người Myanmar thực sự phản ánh chiều sâu văn hoá và lòng tự trọng dân tộc của họ, bởi xâm hại các di tích lịch sử văn hoá, xâm hại những nơi chốn thiêng liêng có khác gì chà đạp lên chính lòng tự trọng dân tộc? Chính vì thế mà, để leo lên những bậc đá đến chân tháp đền Shwesandaw ở Bagan để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp từ dây, một điều mà không du khách nào muốn bỏ qua, mọi du khách bản xứ hay nước ngoài đều phải cởi bỏ giày dép ngay từ dưới chân bệ tháp. Ở tất cả các đền chùa khác, khi đến thăm, khách cũng đều phải tỏ thái độ nghiêm cẩn như vậy khi bước qua cổng đền chùa.
Cũng cần nói thêm là trong khi ở ta mới chỉ vài địa phương đang vận động không dùng túi nylon thì ở khu trung tâm hành chính Bagan chính quyền đã ra lệnh cấm xả túi rác nylon ngoài đường. Còn tại Mandalay, bao quanh bốn bề khu hoàng thành cũ rất rộng vốn đã bị tàn phá trong các cuộc chiến và hiện đang được phục chế lại toàn bộ, là một hào nước rộng và sạch bóng như gương, không hề thấy một cọng rác cả dưới hào lẫn trên đường cạnh hào.
Cùng với lòng tự trọng dân tộc, người Myanmar nói chung là những con người thân thiện, ngay cả  với khách lạ. Đi trên các con đường, nhất là ở vùng nông thôn Myanmar, thỉnh thoảng du khách có thể bắt gặp ở phía trước các ngôi nhà bên vệ đường những lu nước mà chủ nhà dành cho những người lỡ bước đi qua, uống giải khát. Đó là một tập quán đẹp, một nếp văn hoá mà người Myanmar vẫn còn giữ được.
Mai này, khi kinh tế sớm muộn sẽ phát triển, đô thị hoá tăng tốc, dân số gia tăng, liệu người dân Myanmar có giữ được những nét đẹp văn hoá của họ? Khó mà biết trước, nhưng cứ xem cách mà người dân Myanmar đối xử với các di tích lịch sử, văn hoá của họ hiện tại, có thể tin họ sẽ không bán tất cả vì tiền.

QUYỀN LỰC VÀ PHÁP LUẬT

     
            Cựu Tổng thống Israel Moshe Katsav vừa bị tòa án nước này kết án bảy năm tù giam về tội hiếp dâm, quấy nhiễu tình dục nữ nhân viên. Chính quyền Israel, dù biết scandal này làm tổn hại uy tín tầng lớp lãnh đạo, phải thừa nhận rằng bản án chứng tỏ nguyên tắc bình đẳng  trước pháp luật của mọi công dân. Và đó chính là điều mang lại uy tín cho đất nước.
Viện công tố Ukraina mới đây cũng đã khởi tố, mở cuộc điều tra về nghi án cựu Tổng thống Leonid Kouchma, khi còn nắm quyền, dính líu tới vụ sát hại nhà báo Georgy Gongadze, người sáng lập báo mạng Ukrainska Pravda - sự kiện từng gây chấn động đất nước này. Ông Leonid Kouchma còn bị cấm xuất ngoại để phục vụ công việc điều tra.
Trước đó, cựu Tổng thống Jacques Chirac, chính trị gia kỳ cựu trên chính trường Pháp đã trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên từ sau Thế chiến II đến nay của nước này bị đưa ra xét xử vì bị cáo buộc đã sử dụng lạm dụng công quĩ khi còn là thị trưởng Paris từ năm 1977 đến năm 1995. Vị cựu tổng thống 78 tuổi cũng bị cáo buộc đã sử dụng ngân sách thành phố để trả tiền cho các phụ tá chính trị của ông. Trước đó, khi còn là tổng thống từ năm 1995-2007, ông đã được miễn tố. Nếu bị kết tội, ông Chirac sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm và một khoản tiền phạt tương đương 210.000 đôla.
Những điều đó cho thấy, trong một nhà nước pháp quyền, luật pháp là tối thượng và không ai có thể đứng trên pháp luật.
Đó là chuyện ở xứ người. Tất nhiên, mỗi đất nước có một thể chế riêng, hệ thống pháp luật riêng. Nhưng dù thế nào, trong một nhà nước tự nhận là pháp quyền thì thượng tôn pháp luật phải là nguyên tắc đầu tiên, phổ biến, chung nhất. Và ai vi phạm pháp luật thì phải bị trừng phạt theo đúng quy định của pháp luật.

                                      ***
Ông Bùi Minh Thắng là cảnh sát. Nhưng ông không phải là cảnh sát thường. Ông là thiếu tá, phó phòng cảnh sát giao thông của một tỉnh, tức cũng thuộc hàng lãnh đạo. Cha ông lại là giám đốc công an tỉnh. Nhưng ông không những không chấp hành luật giao thông mà lẽ ra, hơn ai hết, ông phải chấp hành và ra sức bảo vệ; ngược lại ông còn buộc người khác phải phạm luật vượt đèn đỏ và khi người ta, ở đây là một tài xế taxi chở ông, không chịu phạm luật thì ông hành hung. Chẳng những thế, theo tường thuật của báo chi, khi những cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại chỗ, trên địa bàn một tỉnh khác, can thiệp, ông còn chửi bới, làm nhục bằng cách bắt phải quỳ gối xin lỗi và dọa bắn khi người cảnh sát giao thông kém ông mấy cấp bậc kia không chịu xin lỗi.
          Có nhiều câu hỏi có thể đặt ra từ vụ việc này. Như, dựa vào đâu mà ông Thắng có thể tự cho phép mình đứng trên, xem thường pháp luật và hành xử hống hách như vậy? Hoặc, quy trình đào tạo, tuyển dụng, cất nhắc thế nào mà lại để cho một người có lối hành xử như vậy leo lên đến chức phó phòng một cơ quan bảo vệ pháp luật. v.v…? Nhưng câu hỏi cốt lõi là những người như ông Thắng quan niệm thế nào về quyền lực được trao vào tay họ, bởi chính quan niệm về quyền lực công này chi phối cách họ hành xử quyền lực ấy. Khi ông Thắng buộc tài xế phải vượt đèn đỏ và hành hung tài xế không người này không nghe theo và không chịu chở ông chạy tiếp, cũng như khi ông làm nhục và dọa bắn viên cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, ông Thắng đang say xỉn nhưng rõ ràng cách ông hành xử, cách ông chứng tỏ uy quyền cho thấy ông rất có ý thức về quyền lực của mình. Một người bình thường, đố ai dám làm thế, trừ khi là cướp. Cách hành xử của ông Thắng phải chăng cho thấy, trong suy nghĩ của ông, quyền lực mà ông nắm trong tay không phải là do nhân dân trao cho để phục vụ nhân dân, mà do anh Ba, chú Tư hay bác Năm … nào đó trao cho và ông muốn hành xử thế nào tùy ý, miễn không làm phật lòng cấp trên hoặc những người gửi gắm ông.
           Chính cái kiểu hành xử quyền lực tùy tiện như vậy, và không chỉ trong lĩnh vực luật giao thông, là cú đấm vào luật pháp, làm suy yếu hiệu lực của pháp luật. Người dân có quyền nghĩ và sẽ nghĩ: những người đại diện cho pháp luật, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật mà còn làm như vậy nữa là… Cho nên, đừng vội trách người dân không có “văn hóa” giao thông. Trước hết hãy xem lại “văn hóa” hành xử quyền lực kiểu như ông Thắng. Chính lối hành xử “thượng bất chính” ấy sẽ vô hiệu hóa mọi chiến dịch tuyên truyền “văn hóa” giao thông trong dân và lâu dần tạo nên hiệu ứng xem thường pháp luật nơi người dân.
          Cũng như vậy là hiện tượng “làm luật” ở nhiều trạm kiểm soát giao thông, là việc những chiếc xe tải chở vật liệu được gọi là “xe vua”, “xe hung thần” vì có ai đó đứng sau bảo kê, tự cho phép mình chạy bừa, bất chấp luật lệ giao thông, gây ra không ít tai nạn thương tâm.
Không ít nghị quyết, văn kiện của Đảng và nhà nước khẳng định việc xây dựng nhà nước pháp quyền (xã hội chủ nghĩa). Có thể nào xây dựng nhà nước pháp quyền nếu những hiện tượng tự cho phép mình dựa vào mối quan hệ với ai đó mà đứng trên, xem thường pháp luật tiếp tục kéo dài?
Rốt cuộc thì ông Thắng chỉ bị phạt hành chính với số tiền phạt 2,2 triệu đồng. Với cách hành xử quyền lực công như ông đã làm, lấy gì bảo đảm ông sẽ không lặp lại điều đó trong một hoàn cảnh khác, một khi ông vẫn tiếp tục ở trong ngành?