Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

QUYỀN LỰC VÀ PHÁP LUẬT

     
            Cựu Tổng thống Israel Moshe Katsav vừa bị tòa án nước này kết án bảy năm tù giam về tội hiếp dâm, quấy nhiễu tình dục nữ nhân viên. Chính quyền Israel, dù biết scandal này làm tổn hại uy tín tầng lớp lãnh đạo, phải thừa nhận rằng bản án chứng tỏ nguyên tắc bình đẳng  trước pháp luật của mọi công dân. Và đó chính là điều mang lại uy tín cho đất nước.
Viện công tố Ukraina mới đây cũng đã khởi tố, mở cuộc điều tra về nghi án cựu Tổng thống Leonid Kouchma, khi còn nắm quyền, dính líu tới vụ sát hại nhà báo Georgy Gongadze, người sáng lập báo mạng Ukrainska Pravda - sự kiện từng gây chấn động đất nước này. Ông Leonid Kouchma còn bị cấm xuất ngoại để phục vụ công việc điều tra.
Trước đó, cựu Tổng thống Jacques Chirac, chính trị gia kỳ cựu trên chính trường Pháp đã trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên từ sau Thế chiến II đến nay của nước này bị đưa ra xét xử vì bị cáo buộc đã sử dụng lạm dụng công quĩ khi còn là thị trưởng Paris từ năm 1977 đến năm 1995. Vị cựu tổng thống 78 tuổi cũng bị cáo buộc đã sử dụng ngân sách thành phố để trả tiền cho các phụ tá chính trị của ông. Trước đó, khi còn là tổng thống từ năm 1995-2007, ông đã được miễn tố. Nếu bị kết tội, ông Chirac sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm và một khoản tiền phạt tương đương 210.000 đôla.
Những điều đó cho thấy, trong một nhà nước pháp quyền, luật pháp là tối thượng và không ai có thể đứng trên pháp luật.
Đó là chuyện ở xứ người. Tất nhiên, mỗi đất nước có một thể chế riêng, hệ thống pháp luật riêng. Nhưng dù thế nào, trong một nhà nước tự nhận là pháp quyền thì thượng tôn pháp luật phải là nguyên tắc đầu tiên, phổ biến, chung nhất. Và ai vi phạm pháp luật thì phải bị trừng phạt theo đúng quy định của pháp luật.

                                      ***
Ông Bùi Minh Thắng là cảnh sát. Nhưng ông không phải là cảnh sát thường. Ông là thiếu tá, phó phòng cảnh sát giao thông của một tỉnh, tức cũng thuộc hàng lãnh đạo. Cha ông lại là giám đốc công an tỉnh. Nhưng ông không những không chấp hành luật giao thông mà lẽ ra, hơn ai hết, ông phải chấp hành và ra sức bảo vệ; ngược lại ông còn buộc người khác phải phạm luật vượt đèn đỏ và khi người ta, ở đây là một tài xế taxi chở ông, không chịu phạm luật thì ông hành hung. Chẳng những thế, theo tường thuật của báo chi, khi những cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại chỗ, trên địa bàn một tỉnh khác, can thiệp, ông còn chửi bới, làm nhục bằng cách bắt phải quỳ gối xin lỗi và dọa bắn khi người cảnh sát giao thông kém ông mấy cấp bậc kia không chịu xin lỗi.
          Có nhiều câu hỏi có thể đặt ra từ vụ việc này. Như, dựa vào đâu mà ông Thắng có thể tự cho phép mình đứng trên, xem thường pháp luật và hành xử hống hách như vậy? Hoặc, quy trình đào tạo, tuyển dụng, cất nhắc thế nào mà lại để cho một người có lối hành xử như vậy leo lên đến chức phó phòng một cơ quan bảo vệ pháp luật. v.v…? Nhưng câu hỏi cốt lõi là những người như ông Thắng quan niệm thế nào về quyền lực được trao vào tay họ, bởi chính quan niệm về quyền lực công này chi phối cách họ hành xử quyền lực ấy. Khi ông Thắng buộc tài xế phải vượt đèn đỏ và hành hung tài xế không người này không nghe theo và không chịu chở ông chạy tiếp, cũng như khi ông làm nhục và dọa bắn viên cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, ông Thắng đang say xỉn nhưng rõ ràng cách ông hành xử, cách ông chứng tỏ uy quyền cho thấy ông rất có ý thức về quyền lực của mình. Một người bình thường, đố ai dám làm thế, trừ khi là cướp. Cách hành xử của ông Thắng phải chăng cho thấy, trong suy nghĩ của ông, quyền lực mà ông nắm trong tay không phải là do nhân dân trao cho để phục vụ nhân dân, mà do anh Ba, chú Tư hay bác Năm … nào đó trao cho và ông muốn hành xử thế nào tùy ý, miễn không làm phật lòng cấp trên hoặc những người gửi gắm ông.
           Chính cái kiểu hành xử quyền lực tùy tiện như vậy, và không chỉ trong lĩnh vực luật giao thông, là cú đấm vào luật pháp, làm suy yếu hiệu lực của pháp luật. Người dân có quyền nghĩ và sẽ nghĩ: những người đại diện cho pháp luật, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật mà còn làm như vậy nữa là… Cho nên, đừng vội trách người dân không có “văn hóa” giao thông. Trước hết hãy xem lại “văn hóa” hành xử quyền lực kiểu như ông Thắng. Chính lối hành xử “thượng bất chính” ấy sẽ vô hiệu hóa mọi chiến dịch tuyên truyền “văn hóa” giao thông trong dân và lâu dần tạo nên hiệu ứng xem thường pháp luật nơi người dân.
          Cũng như vậy là hiện tượng “làm luật” ở nhiều trạm kiểm soát giao thông, là việc những chiếc xe tải chở vật liệu được gọi là “xe vua”, “xe hung thần” vì có ai đó đứng sau bảo kê, tự cho phép mình chạy bừa, bất chấp luật lệ giao thông, gây ra không ít tai nạn thương tâm.
Không ít nghị quyết, văn kiện của Đảng và nhà nước khẳng định việc xây dựng nhà nước pháp quyền (xã hội chủ nghĩa). Có thể nào xây dựng nhà nước pháp quyền nếu những hiện tượng tự cho phép mình dựa vào mối quan hệ với ai đó mà đứng trên, xem thường pháp luật tiếp tục kéo dài?
Rốt cuộc thì ông Thắng chỉ bị phạt hành chính với số tiền phạt 2,2 triệu đồng. Với cách hành xử quyền lực công như ông đã làm, lấy gì bảo đảm ông sẽ không lặp lại điều đó trong một hoàn cảnh khác, một khi ông vẫn tiếp tục ở trong ngành?
          

Không có nhận xét nào: