Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

RÙA HỒ GƯƠM VÀ NGƯỜI LÈN CỜ

Những tưởng câu chuyện về Cụ Rùa hồ Gươm đã  khép lại sau khi  Đội lai dắt đưa được cụ lên bờ để chữa trị vào ngày 3-4, thì nay, một Cụ Rùa khác lại xuất hiện. Vì thế, khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội, câu chuyện này lại thêm một lần được mở ra với nhiều luồng ý kiến, tranh luận dữ dội...” (Vietnamnet). Người ta tranh luận gì? Người thì vẫn tiếp tục khăng khăng chỉ có một “cụ” rùa, người thì nói là có hai “cụ” và đang chuẩn bị “lai dắt” “cụ” thứ hai vào “bể thông minh” để chữa bệnh tiếp, người thì khẳng định có ba “cụ”, người khác lại cho rằng có đến 5-6 “cụ”. Mà giả sử có đến 5-6 “cụ” rùa Hồ Gươm thì ai là “Cụ” (viết hoa nhé!), ai không phải là “Cụ” đây?
            Cứ thế, từ mấy tháng nay báo chí, cả báo in và báo mạng, đã tốn không biết bao nhiêu trang giấy và trang mạng, đổ ra không biết bao nhiêu ngôn từ cho mấy chú rùa Hồ Gươm bị bệnh. Thậm chí đưa cả ảnh rùa ăn thịt xác mèo lên mạng. Chính quyền thì “khẩn trương”, “quyết liệt”, nào lập ban chỉ đạo cứu rùa gồm tới bốn, năm sở ngành, nào mời chuyên gia, tiến sĩ trong và ngoài nước đoán bệnh, chẩn bệnh, nào diễn tập tới lui, dùng cả  “đặc công thủy” để đưa rùa lên bờ, vào “bệnh viện” dưới chân tháp chữa trị. Báo chí thì thông tin liên tục, dồn dập, không còn thiếu một góc cạnh nào, y như bị động đất, sóng thần. Không rõ bao nhiêu tiền đã được chi ra cho việc cứu rùa. Cứ như đất nước này chẳng còn chuyện gì khác để lo. Cứ như những con rùa đang sống và, như mọi sinh vật, đang ngày một già đi ấy thực sự là những con rùa của truyền thuyết, thực sự từ trong truyền thuyết bước ra sống giữa đời này. Cũng đã có những tiếng nói tỉnh táo cất lên nhưng xem chừng khá lẻ loi, thậm chí bị mắng nhiếc, bởi người ta đang đồng nhất truyền thuyết (dù rất đẹp) với những sinh vật cụ thể.
            Ấy là chuyện rùa Hồ Gươm. Còn đây là chuyện người chết ở Lèn Cờ.
Mỏ đá ở xã Nam Thành, huyện YênThành, Nghệ An bị sập vào ngày 1-4-2011 đã khiến 18 người chết, đa số là phụ nữ, và 6 người bị thương. Người ta đã nhanh chóng chỉ ra nguyên nhân sập mỏ là do khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, vi phạm quy tắc an toàn lao động. Phó thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cứu nạn. Bốn ngày sau, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước; yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, an toàn lao động tại các mỏ đá làm vật liệu xây dựng, kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác mỏ, nếu thấy có biểu hiện vi phạm về an toàn. Người ta khởi tố vụ án, bắt giam chủ khai thác mỏ. Báo chí thì tường thuật công cuộc cứu nạn, mô tả nỗi đau thương bao trùm ở địa phương, hoàn cảnh sống cơ cực, đói nghèo của các nạn nhân và gia đình họ.
Mọi việc dừng lại ở đó. Không có “ban chỉ đạo” nào được thành lập, không có đội “đặc công” hay đặc nhiệm nào được huy động, không có chi phí nào được bỏ ra hòng tìm cho ra nguyên nhân sâu xa, đích thực, gốc rễ của những tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra dù đã có bao nhiêu quy định về cấp phép, về quy trình khai thác, về an toàn lao động, và quan trọng hơn hết là làm thế nào để chấm dứt triệt để tình trạng ấy. Bởi riêng tại Nghệ An, ngày 15-12-2007, một vụ sập núi thảm khốc tại công trình thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương khiến 18 công nhân tử nạn. Ngày 12-1-2008, tai nạn sập mỏ đá Lèn Nậy tại thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu khi đang có nhiều người làm việc, khiến 3 người chết, 7 người bị thương, tất cả đều là nữ. Ngày 28-8-2008, vụ sập hầm khai thác thiếc tại xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) làm 3 người chết. Và theo báo Bưu điện Việt Nam, còn nhiều vụ tai nạn nhỏ lẻ xảy ra trên địa bàn tỉnh này. Thống kê mới của ngành chức năng cho biết, hơn 100 người dân đã bị chết vị sập mỏ đá, sập hầm từ năm 2007 đến nay.
Ông chủ khai thác mỏ có thể rồi sẽ bị tuyên án. Báo chí có thể cũng sẽ không tiến thêm được bước nào ngoài việc lấy nước mắt qua những bài mô tả thống thiết của mình. Mọi việc có thể rồi sẽ trôi qua. Nhưng nếu mọi việc dừng lại ở đó thì kinh nghiệm chỉ ra rằng, dù có những quy định chặt chẽ đến đâu (về cấp phép, về quy trình khai thác), dù có “quyết liệt” rà soát bao nhiêu lần, nếu không xác lập được cơ chế, bộ máy và con người làm công việc giám sát, hậu kiểm chặt chẽ, nghiêm ngặt, công minh và nhất là không thể mua chuộc thì vẫn sẽ còn đó nguy cơ xảy ra những Lèn Cờ khác. Vấn đề không chỉ là quy trình, vấn đề là phẩm chất của bộ máy và con người bảo đảm cho quy trình được thực hiện.
Mạng rùa và mạng người hẳn là không thể đặt lên cùng một bàn cân, dù rùa ấy có quý hiếm đến đâu. Rùa hiếm cần được cứu, hẳn rồi, nhưng bảo toàn tính mạng hàng chục, hàng trăm con người còn đáng quan tâm hơn. Song xem ra cán cân đang nghiêng về tính mạng rùa. Một so sánh đơn giản về lượng: thử gõ mấy từ “cứu rùa Hồ Gươm” vào ô tìm kiếm Google trên mạng ta có tới 3.870.000 kết quả, còn với mấy từ “sập mỏ đá Lèn Cờ” ta có được 1.320.000 kết quả. Không rõ chúng ta đang hướng về đâu?

Không có nhận xét nào: