Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

SỰ HÀO PHÓNG KHÓ HIỂU

“Trụ cột công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn”. “Giấc mơ miền biên ải”. “Gió mới trên đất anh hùng”. Đó là những ngôn từ lấp lánh được tờ báo địa phương và một số lãnh đạo gán cho dự án nhà máy xi măng Đồng Bành, một dự án được triển khai thi công từ tháng 10-2006, với công suất thiết kế 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm, tổng mức đầu tư từ 1.298 tỉ đồng tăng lên 1.505 tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 16% do thi công chậm đến hai năm. Trong số cổ đông sáng lập dự án có Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE)  mà có tờ báo xem là những “doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực về vốn và có kinh nghiệm trong quản lý và đầu tư, do đó Công ty Cổ phần Xi Măng Đồng Bành có nhiều thuận lợi trong việc điều hành và huy động nguồn vốn.” (Vietnam Business Forum – Kênh thông tin đối ngoại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 19-5-2010).
 Mang danh nghĩa là đầu tư tại “địa bàn vùng núi” (trong khi thực tế nhà máy nằm chỉ cách thành phố Lạng Sơn khoảng 52 km, cách Hà Nội khoảng 103 km, lại gần quốc lộ 1A, gần các mỏ đá vôi nguyên liệu), vì thế mà dự án được hưởng đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ đối với vùng đặc biệt khó khăn, được tỉnh Lạng Sơn tạo mọi điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động, ưu đãi về xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài nhà máy và khu công nghiệp, v.v… Dự án còn nhận được nhiều ưu ái từ các ngân hàng thương mại nhà nước và nước ngoài, dù vốn tự có của chủ đầu tư chỉ vỏn vẹn 301,542 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư, còn lại là các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam:  272,142 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: 183,467 tỷ đồng, và Ngân hàng ANZ là 747,850 tỷ đồng với sự bảo lãnh của Chính phủ.
          Ấy thế mà vừa rồi Bộ Xây dựng cho biết, riêng năm 2011, Đồng Bành thiếu 141 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi, trong đó phải trả nợ gốc và lãi đến hạn cho ANZ vào ngày 25-8-2011 là 3.493.633,33 USD (tương đương trên 72 tỷ đồng). Nhà nước bảo lãnh thì Nhà nước phải trả nợ thay. Bộ Tài chính mới đây đã phải đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp này thanh toán khoản vay ngân hàng ANZ. “Nợ Chính phủ bảo lãnh, chúng tôi coi nó là nghĩa vụ nợ dự phòng. Khi mà các doanh nghiệp không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay, thì lúc đó nghĩa vụ nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ nợ thực tế của nhà nước”, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.
Quả là một sự hào phóng khó hiểu từ phía Nhà nước khi xi măng chẳng phải là một ngành mũi nhọn hay công nghệ cao mà Nhà nước cần hỗ trợ; và dự án, dù mang danh nghĩa đẹp đẽ gì, cũng chỉ là một dự án kinh doanh mà nhà đầu tư phải tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ. Có thể sự hào phóng ấy một phần đến từ ý muốn chủ quan về một giấc mơ  công nghiệp của địa phương, một phần từ những lời lẽ thuyết minh có cánh của chủ đầu tư. Dù thế nào thì kỳ vọng đã đặt không đúng chỗ, và giấc mơ công nghiệp của địa phương đã sớm trở thành gánh nặng cho Nhà nước.
Và đây lại là một thí dụ nữa về việc phân bổ nguồn lực, về đầu tư vốn Nhà nước kém hiệu quả. Chuyện thua lỗ của Xi măng Đồng Bành có thể chưa dừng lại ở đó vì theo Bộ Xây dựng, từ năm 2011 đến năm 2015, doanh nghiệp này dự kiến sẽ thiếu 607 tỷ đồng để trả nợ các tổ chức tín dụng và bù đắp nguồn tiền mất cân đối. Không biết đến lúc đó Chính phủ có còn đứng ra trả nợ thay, và nếu cứ tiếp tục như vậy, đến bao giờ nền kinh tế mới có sức cạnh tranh?

Không có nhận xét nào: