Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

NHU CẦU “BỘ MẶT”

Bảo tàng Hà Nội, bảo tàng lớn nhất nước, vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mới đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Mấy ngày đầu sau khi khánh thành, bảo tàng còn có khách tham quan do người từ các địa phương khác đổ về nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long nhưng nay thì vắng vẻ, đìu hiu, với chỉ vài ba người đến tham quan mỗi ngày, như phản ảnh của nhiều tờ báo.
Chính Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc đã đánh giá rằng đây là một sự đầu tư lãng phí. PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet cho biết, sau khi tham quan Bảo tàng Hà Nội, hầu hết những người Hà Nội mà ông biết và cả khách quốc tế đều thất vọng vì cái tòa nhà thì hiện đại, nhưng nội dung và chất lượng trưng bày quá kém, không đạt tiêu chuẩn. Ông nói thẳng, đó là do làm tạm bợ, không tính đến chất lượng, bất chấp tiêu chuẩn tối thiểu của bảo tàng thế kỷ 21, miễn sao bày kín được mấy tầng bằng những thứ đồ cổ. Có trưng bày đấy mà không đạt mục tiêu nội dung và không đạt chất lượng mỹ thuật, làm thấp giá trị của bảo tàng. Chính vì vậy mà bảo tàng không thu hút được khách tham quan. Sự lãng phí chính ở chỗ đó. Vẫn theo GS Huy, nguyên nhân lãng phí là do ở nước ta có "mốt" khánh thành tòa nhà (bảo tàng) trước, rồi vài năm sau mới khánh thành trưng bày chính. Đó là một cách làm không phù hợp, không khoa học, chủ yếu chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan.
Sai lầm rất lớn của quá trình xây công trình Bảo tàng Hà Nội cũng như nhiều bảo tàng khác ở nước ta, theo GS Huy, là có hai bộ phận hoàn toàn tách biệt: bộ phận xây dựng thì cứ lo xây dựng, còn Bảo tàng Hà Nội, kể cả Giám đốc Bảo tàng cũng không tham gia vào quá trình lập đề cương, tổ chức bộ máy trưng bày. Những người có chuyên môn lại không được làm công việc chuyên môn quan trọng nhất của bảo tàng. Họ chỉ chờ "chìa khóa trao tay" để quản lý và lo "giữ nhà".
Nói cách khác, nói đến làm bảo tàng (và nhiều thứ khác nữa), người ta nghĩ trước hết đến “phần cứng”, đến xây dựng tòa nhà cho hoành tráng, đáp ứng cái gọi là “bộ mặt”, còn nội dung hoạt động, trưng bày, sự vận hành bên trong, tức “phần mềm” thì người ta rất ít chú ý. Trước hết phải là to nhất, hoành tráng nhất, là bộ mặt, là thể diện, dù bên trong chẳng ra sao.
Một công trình ngàn năm Thăng Long khác, "Con đường gốm sứ" dài gần 4.000 mét, với tổng diện tích tranh gốm khoảng 7.000 m2 do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống thực hiện, được long trọng khánh thành với sự có mặt của khá nhiều quan chức, được trao bằng kỷ lục thế giới Guiness. Chưa đầy năm sau, “Con đường gốm sứ” nay đang bong tróc, bục lở, với nhiều đường nứt dài và nhiều người Hà Nội cho rằng nó đang làm xấu thay vì làm đẹp cho bộ mặt thành phố. Tuy không phải là công trình đầu tư từ ngân sách mà là công trình xã hội hóa, một cách làm khá mới mẻ nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng phục vụ cho cộng đồng, nhưng đó cũng là một công trình chạy đua chào mừng đại lễ.

Trong số các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đang thanh tra hai công trình, đó là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình. Tại Bảo tàng Hà Nội, theo báo chí phản ảnh, ngay tầng 1, ở lối lên cầu thang, nền gạch bong tróc, dùng tay có thể bóp vụn miếng ximăng và trơ cát.  Trên trần tầng 1, nước đọng thành vệt loang lổ, có chỗ nước nhỏ giọt. Ở tầng hầm, nơi bảo quản hiện vật, cũng xảy ra hiện tượng nước rò rỉ. Đặc biệt tầng ngầm - phòng kỹ thuật của bảo tàng - còn bị ngập nước lênh láng khi mưa. Tại Công viên Hòa Bình, vốn đầu tư 282 tỷ đồng, hiện tượng xuống cấp cũng lộ rõ. Chỉ mấy cơn mưa đầu mùa, hàng loạt khu vực trong công viên ngập úng nặng. Tại một số khu vực, gạch vỡ đang được thay thế. Tại nhiều khu vực khác, nền gạch  bị phồng rộp kéo dài tới vài chục mét, phía dưới hoàn toàn không có ximăng. Chẳng biết có tiêu cực gì ở đây không, vì còn phải chờ kết luận thanh tra, nhưng nếu không có tiêu cực thì rõ ràng chính cái bệnh chạy theo thành tích, chạy theo ngày kỷ niệm, đáp ứng vấn đề “bộ mặt” đã làm hại cho chất lượng công trình. Ai gánh? Tất nhiên, cuối cùng vẫn là người đóng thuế, là người dân.
Như vậy, ngoài tham nhũng, tiêu cực, một nguyên nhân khác gây lãng phí, tiêu hao tiền của của dân, tuy ít được nói tới, ít được vạch mặt chỉ tên, chính là nhu cầu về “bộ mặt”, là “thể diện”. Điều đó đúng trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện nhà nước và xã hội.