Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

NHỮNG THÔNG ĐIỆP TRÁI NGƯỢC


Như chỉ chờ có thế, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua luật biển – một việc bình thường của một quốc gia ven biển và lẽ ra phải làm từ lâu sau khi tham gia Công ước về luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) – Trung Quốc đã cấp tập phản ứng bằng một loạt những hành động gây hấn, khiêu khích, đe doạ xem ra đã được tính toán từ trước: nâng cấp hành chính cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà họ đã thành lập từ năm 2007 bao gồm trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thành lập chính quyền để quản lý “thành phố” này, lập đơn vị quân đồn trú đặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, xua đội tàu đánh cá lớn xuống Trường Sa đánh bắt trái phép, gọi thầu dầu khí trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cho tàu chiến xuống biển Đông tuần tra “sẵn sàng chiến đấu”, giở giọng đe doạ không úp mở trên báo chí. Không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc trước đó cũng đã gây hấn với Philippines sau khi cho tàu bè xâm phạm vùng biển của nước này.
Với Việt Nam, những hành động ức hiếp của Trung Quốc không phải hôm nay mới diễn ra mà đã kéo dài từ nhiều năm qua. Đầu năm 2005, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn thẳng vào ngư dân Thanh Hóa đang đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc bộ, cách đường ranh giới trên biển đến 10 hải lý, làm chết 9 ngư dân và bị thương 7 người, 8 ngư dân sống sót bị bắt đưa về Hải Nam, bị vu là cướp biển. Những năm sau đó, nhất là từ sau khi Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt hàng năm trên biển Đông và cho đến tận hôm nay, ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển Việt Nam ở biển Đông liên tục bị bắt giữ, đánh đập, cướp tài sản, tịch thu tàu thuyền, đòi tiền chuộc. Năm 2011, Trung Quốc hai lần cho tàu hải giám cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ cũng nhiều lần đe doạ các công ty dầu khí nước ngoài muốn hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam khiến các công ty này phải rút lui.
Những hành động đó của Trung Quốc đã gây nên nỗi bức xúc lớn nơi người dân Việt Nam và gây nên nỗi lo ngại về chủ quyền đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe doạ. Chính vì vậy, người dân đã rất vui mừng khi Quốc hội thông qua luật biển, trong đó khẳng định lại Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng càng vui mừng trước quyết định của Quốc hội bao nhiêu, người dân lại càng âu lo, thấp thỏm, bối rối bấy nhiêu trước những tín hiệu, những thông điệp không rõ ràng hoặc theo chiều hướng ngược lại với xác quyết của Quốc hội, với mối lo hiển hiện trên biển Đông. Khi tình hình biển Đông đã căng như dây đàn sau hàng loạt hành động gây hấn cấp tập, khi nhiều người cảm nhận mối đe doạ đối với chủ quyền đất nước đã ở trước ngõ, khi giới truyền thông và các nhà sử học, luật gia trong nước đang ra sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa bằng cách vạch rõ sự vô căn cứ về mặt pháp lý và lịch sử của “đường lưỡi bò” trên biển Đông thì người ta lại tổ chức những hội nghị rình rang bày tỏ lòng biết ơn với nước láng giềng và tình cảm thắm thiết giữa hai nước, hai quân đội. Với truyền thống tốt đẹp của người Việt, ơn thì phải nhớ, phải trả, tất nhiên, nhưng giờ có phải là lúc thích hợp để nói chuyện ơn nghĩa khi người “làm ơn” đã lật lọng, công khai gây hấn mà lại giở giọng vu khống ta, khiêu khích, đe doạ ta, và lộ mặt là kẻ xâm lấn? Những tín hiệu, những thông điệp trái ngược đó khiến người dân bối rối, không biết nên hiểu thế nào, nên tin vào đâu. Dư luận nước ngoài, vốn gần như thống nhất phê phán sự sai trái của Trung Quốc qua những hành động hung hăng vừa qua, chắc cũng phải tự hỏi Việt Nam đang muốn gì?
Tháng 11 năm ngoái, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Thủ tướng có đề cập đến quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong một dịp gặp gỡ cử tri, ông Tổng bí thư cũng có nói mấy câu hiếm hoi gì đó về việc bảo vệ chủ quyền. Nhưng, sau những hành động mới nhất của Trung Quốc, tình hình đã khác. Nhiều người ước muốn, giá như có ai đó ở cấp nguyên thủ quốc gia đĩnh đạc xuất hiện trên truyền hình hoặc trước Quốc hội để trình bày một cách rõ ràng, rành mạch trước quốc dân về điều gì đã và đang diễn ra, quan điểm và lập trường của nhà nước ta ra sao, ta sẽ làm gì để bảo vệ biên cương và ích lợi của mình ở biển Đông. Một việc cần thiết như thế để đoàn kết lòng người, để gửi đến người dân một thông điệp rõ ràng, không thể mơ hồ, vậy mà xem ra quá khó. Thay vào đó người dân chỉ được thông tin về việc hai bộ ngoại giao và quốc phòng “trả lời kiến nghị” của cử tri liên quan đến những vấn đề trên. Sao lại chỉ là một sự “trả lời kiến nghị” thay vì giải trình trách nhiệm và trình bày đường hướng xử lý vấn đề ở cấp cao nhất?
Và như thế, trước những tín hiệu, những thông điệp trái ngược, không nhất quán, lòng người vẫn khó thể yên.

RẠN VỠ TỪ BÊN TRONG


Từ ngày con lộ chạy qua làng, nối làng với tỉnh lộ, quốc lộ được nâng cấp, tráng nhựa phẳng lì, người chết vì tai nạn giao thông trong làng bỗng nhiên tăng vọt.
Phần lớn là thanh niên trai tráng nhậu xỉn hoặc không nhậu xỉn phóng xe ào ào, bạt mạng đâm vào nhau hoặc đâm vào cột điện.
Thế là người già chôn cất người trẻ. Con lộ phẳng lì giúp dân làng đi lại thuận tiện hơn, lên thành phố nhanh hơn, rút ngắn thời gian chuyển viện khi bị bệnh nặng, hàng hóa buôn bán vận chuyển dễ dàng hơn, nhưng nó cũng làm cho đám thanh niên, thiếu niên rời bỏ làng lên thành phố nhiều hơn để đi học, kiếm việc làm hoặc chơi bời lêu lổng chẳng làm gì. Nhiều đứa lúc còn ở làng học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, sau một thời gian lên thành phố thì đàn đúm, bỏ học, trở về quê mang theo những thói hư tật xấu tiêm nhiễm chốn thị thành.
Những thanh niên còn lại ở làng giờ cũng chẳng còn mấy người làm nông. Con đường nhựa mở ra, hai bên đường giờ mọc đầy cửa hàng buôn bán, quán cà phê, quán karaoke, quán nhậu. Nói chung, thành phố có dịch vụ gì, những thứ giải trí gì, ở làng giờ hầu như đều có cả, chỉ chưa có dancing, massage. Và thanh niên nhiều người suốt ngày la cà ở quán.
Thế hệ này bắt đầu ngán làm nông, ngán nhúng chân xuống ruộng, ngán vun đất trồng rau, ngán làm cỏ, tưới nước cho cây tiêu, cây điều, cây cà phê vốn trước đây là thế mạnh của vùng đất đỏ Đông Nam bộ này. Trồng lúa, trồng rau màu, trồng tiêu, điều, cà phê, chăn nuôi heo gà giờ chủ yếu là lớp trung niên và người già trong làng mà vì ràng buộc gia đình hoặc vì không còn đủ sức nên không đi đâu được, đành chấp nhận ở tại chỗ.
Mà người ta ngán làm nông cũng phải. Làm nông thuần túy chỉ đủ ăn là may, không sao ngóc đầu lên được. Từ vài chục năm nay, nông dân vừa phải đánh vật với sản xuất (nước, phân, cần, giống) vừa phải đánh vật với thị trường đầy rủi may. Tiêu, điều, cà phê nay mới được giá, mai đã rớt giá, chưa kể dịch bệnh làm cây chết. Heo, gà, vịt... hết đợt này đến đợt khác, nếu không bị dịch bệnh thì cũng bị ảnh hưởng từ tin tức về dịch bệnh ở nơi khác khiến thương lái dựa vào đó dìm giá.
Tin tức mới đây về việc sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo ở đâu đó cũng khiến những người nuôi heo ở đây điêu đứng. Thịt bán trên thị trường vẫn cao, cao gấp đôi giá heo hơi mua tại chuồng, vậy mà thương lái vẫn còn muốn ép giá phía người nuôi xuống nữa. Trồng trọt, chăn nuôi như cánh đồng bị bão liên tục chà đi xát lại. Nông dân, vì sự sống, vẫn làm nhưng mù mịt tương lai. Bảo sao con cháu họ không muốn bỏ đi?
Trên cái nền sản xuất như vậy, cuộc sống không khỏi bấp bênh và xã hội khó mà ổn định. Tuy vậy, trai tráng trong làng bỏ đi thì lại có những người từ những vùng quê khác ở rất xa và có lẽ còn nghèo khó hơn kéo tới. Có những người chí thú làm ăn ở vùng đất mới nhưng cũng có người không.
Trong làng bắt đầu xảy ra nạn trộm cắp, từ con chó tới đồ đạc trong nhà, từ tiêu, điều, cà phê cho tới cái máy bơm đặt dưới giếng sâu. Trong làng cũng bắt đầu có những con nghiện ma túy, cả ở nơi khác tới lẫn trong thanh niên xưa nay ở làng. Làng không còn yên bình như mấy chục năm trước.
Ngay trong thời chiến tranh, người ta chết vì chiến tranh, vì bom rơi đạn lạc, nhưng quan hệ giữa người với người trong làng, trong xóm ít xao xác hơn bây giờ. Người ta tin nhau và tin vào điều thiện hơn bây giờ. Có cái gì đó như là sự rạn vỡ từ bên trong.
Các nhà lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo trong làng nhận ra sự xói mòn của những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức xưa nay vẫn được thừa nhận nơi dân làng. Họ cố gắng làm điều gì đó để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, nhưng dường như vẫn chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu trước những xu hướng mới của xã hội. Vả chăng, những nỗ lực tinh thần chỉ hữu hiệu khi được hỗ trợ bởi những thiết chế xã hội phù hợp, mà các thiết chế xã hội thì đang xơ cứng.
Ngôi làng tôi đang nói tới là ngôi làng của tuổi thơ tôi, nơi thỉnh thoảng tôi vẫn trở về. Còn có thể có bao nhiêu ngôi làng như thế, những ngôi làng đang lung lay gốc rễ, những ngôi làng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, từ trong mỗi người làng, mỗi gia đình, từ trong từng tế bào xã hội của làng xóm. Chẳng thế mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe về những tội ác ghê rợn xảy ra nơi chốn thôn quê, nơi bình yên một thuở, nơi tá túc cho những con người mệt mỏi với cuộc sống chốn thị thành nhưng giờ chính nó cũng đang phải đi tìm lại sự bình yên.


AI CANH GIẤC CHO DÂN ?


Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

HỞ VÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHƯA ĐƯỢC NHẮC TỚI


Việc một số ca sĩ, người mẫu ăn mặc hở hang quá lố, phản cảm, vô tình hay cố ý “khoe hàng” đã gây bức xúc trong công chúng gần đây. Các nhà quản lý văn hóa đã tổ chức những cuộc họp để bàn cách giải quyết vấn đề này. Một số người trong giới cũng đã bị phạt. Nhưng xem ra những biện pháp đưa ra chỉ mới tập trung vào những người gây scandal là chính mà chưa đề cập đến những kẻ kích động cuộc chạy đua hở hang này.
Có những bức tranh, bức ảnh khỏa thân nghệ thuật mà người xem chỉ thấy ở đó sự gợi cảm và cái đẹp. Ngược lại, có những bức ảnh hở hang không gợi nên cái gì khác ngoài sự phản cảm. Không biết một số ca sĩ, người mẫu như Thu Minh, Thái Hà, Hà Anh, Bebe Phạm… có bao giờ xem lại những hình ảnh ăn mặc hở hang, phản cảm, nói thẳng ra là xấu, của mình đầy dẫy trên các trang mạng? Nếu có xem lại, không biết họ nghĩ gì? Nếu họ vẫn một mực cho rằng đó là những hình ảnh đẹp, thì thôi, chẳng còn gì để bàn, bởi cái gu của họ là vậy, và giữa họ với đa số công chúng sự cảm nhận về cái đẹp, về ranh giới giữa sự gợi cảm và phản cảm là quá cách biệt, là không cùng tần số, do vậy không thể cùng luận bàn. Và nếu họ vẫn tiếp tục dấn theo con đường đó thì có thể đến một lúc nào đó công chúng sẽ chia tay với họ.
Ngược lại, nếu họ đồng ý với đa số công chúng rằng quả thực những hình ảnh đó là phản cảm, là xấu, thì câu hỏi đặt ra là: Vậy thì ai, cái gì xui khiến họ trình diễn những hình ảnh hở hang, phản cảm đó? Đó là một câu hỏi mà chưa chắc họ đã trả lời được một cách chính xác. Chưa chắc họ đã chỉ ra được một cách cụ thể điều gì xui khiến họ làm như vậy. Giả thuyết đúng nhất có lẽ là: không biết từ lúc nào họ bị đặt trong một cuộc đua kiểu con gà tức nhau tiếng gáy: Cô ta tưởng khoe được vậy, hở vậy là ngon? Vậy mà thấm tháp gì, cô ta có gì mà bày đặt khoe? Mình phải làm ngon hơn, khoe nhiều hơn. Cuộc đua hở hang, “khoe hàng” cứ thế đẩy tới.
Ai, cái gì đã kích động cuộc đua ấy, cuộc đua mà nói theo ngôn ngữ kinh tế học là “cuộc đua xuống đáy” khi các đối thủ cạnh tranh thay vì đua nhau nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ để thu hút khách hàng thì lại đua nhau giảm giá, để chất lượng sụt giảm dẫn đến kết cục là tất cả đều chết, còn trong biểu diễn thì lấy sự hở hang làm đầu để câu khách?
Trên bình diện xã hội, có thể thấy sau thời kỳ “kín cổng cao tường”, khắc khổ, kiêng khem theo kiểu đạo đức “xã hội chủ nghĩa” cũ, thì nay cùng với sự mở cửa về kinh tế, văn hóa và lối sống, một luồng gió khác đang thổi, xã hội trở nên tự do hơn, phóng túng hơn trong quan niệm cũng như hành vi sex. Cái sự hở vì thế được chấp nhận dễ dàng hơn. Mặt khác, chính sự bùng nổ của internet và thông tin trên mạng vốn không bị hạn chế về diện tích như báo in và cũng dễ dàng vượt qua các hàng rào kiểm soát hơn, đã góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ của sex và sự hở hang, kể cả sự hở hang quá lố, phản cảm, trên các phương tiện truyền thông. Chỉ cần rảo qua một số trang web và báo mạng, sẽ thấy rất rõ điều này. Lấy ngẫu nhiên một tờ báo mạng chính thức có nhiều người truy cập vào một ngày bất kỳ, thấy trong 12 đầu tin trên trang chủ ngày 18.5.2012 đã có đến 5 tin loại câu khách rẻ tiền, chẳng khác sự hở của một số ca sĩ, người mẫu là mấy: Mánh săn đại gia trên mạng của kiều nữ ; Nữ sinh vào phòng 'là thầy đóng cửa'; Kết luận bất ngờ vụ nữ sinh tố thầy hiếp dâm; Chân dài-Đại gia và sự phũ phàng của xã hội; 9x rủ nhau vào siêu thị làm chuyện… người lớn. Cũng tờ báo mạng ấy, ngày 20.5, trong 12 đầu tin ở mục tin đọc nhiều nhất thì có đến ít nhất 4 tin thuộc loại khêu gợi sự tò mò nhằm câu khách như: Vào khách sạn, lên giường và …; Khiếp sợ những thầy giáo gạ tình nữ sinh; Giai trẻ bị tình già cắn phăng ‘chỗ ấy’; Kỳ lạ thiếu nữ si mê kẻ ‘hại đời’ mình.

          Đó là chưa kể vô số những trang web đưa vô số những hình ảnh hở hang, nhiều lúc dưới chính cái cớ phê phán sự hở hang. Đưa tin về một ca sĩ gây scandal do ăn mặc quá hở hang hoặc một người mẫu bị bắt quả tang bán dâm, nhiều tờ báo, trang web không bằng lòng với việc đưa một tấm hình đủ để nói về sự kiện liên quan đến người mẫu hay ca sĩ đó mà nhân đó không ngần ngại tung hàng loạt ảnh của người mẫu, ca sĩ chụp ở những tư thế khoe thân, hở hang khác nhau. Có cảm giác như những tờ báo, trang web kia cảm thấy hỉ hả, khoái trá khi đưa những hình ảnh đó. Và đó chẳng khác nào sự kích thích người đọc và cả xã hội đi xa hơn theo chiều hướng ấy. Trong bối cảnh đó, bảo sao một số người trong giới biểu diễn không đua nhau hở và ngày càng hở hơn? Thế nhưng, trong cuộc truy tìm nguyên nhân và tìm biện pháp hạn chế tình trạng hở hang, những phương tiện truyền thông góp phần kích thích xu hướng đó lại không hề được nhắc tới, và tất nhiên cũng chẳng có biện pháp nào được đưa ra nhằm hạn chế họ.
Dù thế nào, dưới mắt công chúng và trong cảm nhận của đa số người Việt, cái gì cũng có giới hạn của nó. Và giữa sự gợi cảm với sự phản cảm bao giờ cũng có một ranh giới, dù là mong manh đi nữa. Những người trong giới biểu diễn và những phương tiện truyền thông tìm cách nổi tiếng hoặc câu khách bằng cách tung ra những hình ảnh hở hang phản cảm có thể “thành công” trước mắt nhưng về lâu dài hẳn sẽ đánh mất hình ảnh đẹp, hạ thấp “thương hiệu” của mình trong mắt công chúng và người đọc. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là: vì sao chỉ những người trong giới biểu diễn bị phạt còn những tờ báo, trang web kích thích xu hướng ấy bằng cách tìm mọi cơ hội để “dội bom” công chúng, người đọc bằng những hình ảnh hở hang phản cảm thì lại không được đề cập tới và coi như vô can? Và nếu như vậy, làm sao có thể chặn đứng “cuộc đua xuống đáy” trong giới biểu diễn?

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”


Tôi vẫn còn nhớ mãi một bức biếm họa đăng đầu những năm 1970 trên một tờ báo Pháp, nếu tôi nhớ không lầm là tờ Le Monde, vẽ triết gia Jean Paul Sartre một tay cầm cái tẩu hút thuốc đặc trưng của ông, tay kia cầm cuốn La Nausée (Buồn nôn) ném ra phía sau lưng, miệng tuyên bố (đại ý): Trước những đứa trẻ chết đói ở châu Phi, cuốn La Nausée chẳng có nghĩa lý gì! Hẳn chẳng phải vì bốc đồng mà ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh nói như vậy về một trong những tác phẩm then chốt của mình. Sống trong một xã hội gọi là xã hội tiêu thụ, chủ xướng một triết học đề cao tự do và từ đó trách nhiệm của con người với chính mình, ông cũng là người kêu gọi dấn thân cho xã hội vì tất cả chúng ta đều đã “xuống thuyền” (embarqué), ở trên cùng một con thuyền. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, ông không phản đối “quyền được lấp lánh”, chẳng những thế còn đề cao tự do cá nhân, nhưng ông cũng kêu gọi ý thức xã hội, và cao hơn nữa là sự dấn thân cho xã hội. Đó không phải là sự phủ định quyền tự do cá nhân, không phải là đề cao thứ chủ nghĩa tập thể máy móc triệt tiêu mọi sắc thái và sáng tạo cá nhân mà chính là vì con người sống là sống trong xã hội, do đó hoàn toàn không thể không có trách nhiệm với xã hội. Trước những đứa trẻ chết đói ở châu Phi, Sartre vứt cuốn La Nausée là vì vậy, để dấn thân cho một xã hội. một thế giới tốt đẹp hơn.
Với những đứa trẻ đói ăn ở châu Phi xa lắc, người có ý thức xã hội còn thấy bứt rứt không yên, huống hồ với những người đồng bào còn nghèo khó trong cùng một đất nước. Tự do tiêu dùng, tự do “lấp lánh”, điều đó là bình thường trong một xã hội bình thường vốn bao giờ cũng đa dạng, đa sắc màu chứ không phải như trong một xã hội khép kín, “đồng phục hóa”. Tuy nhiên, bởi chúng ta sống là sống trong xã hội, chúng ta không thể không biết, và trong chừng mực nào đó không thể không có trách nhiệm với xã hội chung quanh. Cho nên, “lấp lánh” đến mức bất chấp xã hội chung quanh đang nghèo khó, thậm chí nghèo đói thì sự “lấp lánh” ấy chẳng khác nào một sự xúc phạm đối với những người chưa hoặc không có cơ hội (chứ chưa hẳn là không có khả năng) sống một cuộc sống xứng đáng hơn về vật chất và cả tinh thần. Hiện tượng một số người giàu tiêu xài xa hoa, khoe của, hợm hĩnh ở một đất nước mà tính theo thu nhập bình quân đầu người chỉ vừa mới bước qua khỏi ngưỡng nước nghèo đã làm dấy lên sự bức xúc, chỉ trích trong cộng đồng cũng bởi lý do đó. Bởi, đối lập với hiện tượng trên là thực trạng nhiều người vẫn đang phải vất vả kiếm ăn từng bữa, nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa  đang phơi bày sự khốn khó; xã hội đang đứng trước nhiều vấn nạn lớn chưa thấy lối ra như khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông ách tắc, tình trạng quá tải như nêm cối ở các bệnh viện lớn, môi trường sống suy thoái, đạo đức xã hội xuống cấp…
Tôi không đồng ý đối lập nhân cách với hàng hóa như tiêu đề của cuộc thảo luận này (Hàng hóa hay nhân cách?), bởi nhân cách nào mà không cần tiêu dùng, tức cần hàng hóa? Và khi đã tiêu dùng, tất nhiên ai chẳng muốn hàng hóa mình xài ngày càng tốt hơn, đẹp hơn, nếu có khả năng mua? Vả chăng, hàng hóa không có tội, tội là ở cách sử dụng hàng hóa, sự hợm hĩnh trong cách sử dụng, làm như hàng hóa là tất cả. Và trách nhiệm với xã hội chung quanh đôi khi chỉ cần là đừng lăng mạ, đừng xúc phạm những người chưa có cơ hội như mình qua cách tiêu dùng lãng phí, phô trương, hợm hĩnh, khoe mẽ. Có người bảo nền kinh tế thị trường nước ta đang ở giai đoạn của chủ nghĩa tư bản hoang dã. Có thể, văn hóa tiêu dùng ở nước ta - với sự xuất hiện của những nhà giàu mới mà tài sản nhiều khi không đến từ phát triển công nghiệp hoặc công nghệ mà chủ yếu đến từ kinh doanh đất đai và những nguồn thu nhập bất minh khiến nhiều người chỉ qua một đêm đã trở thành tỉ tỉ phú - cũng đang ở giai đoạn tương tự như vậy. Điều đó giải thích vì sao không ít nhà giàu mới ở nước ta có cách xài tiền khiến ngay cả nhiều người sống ở các nước phát triển cũng phải kinh ngạc, và rất khác với cách tiêu tiền của những tỉ phú đôla như Bill Gates. Ở các nước phát triển, thứ văn hóa tiêu dùng kiểu “shop until you drop”, tiêu dùng bất chấp tất cả, từ lâu đã bị phê phán trong khi với không ít nhà giàu mới ở nước ta nó lại đang là mốt nhằm khoe của và cũng nhằm tạo cái “mác” để lòe đối tác trong làm ăn.
Thật ra, không cần nói đâu xa xôi, trong kho tàng văn hóa dân gian nước ta đã có sẵn những bài học về “văn hóa tiêu dùng” và cách hành xử phù hợp với những giá trị xã hội, giá trị cộng đồng. Nếu coi tục ngữ là túi khôn của cha ông để lại thì câu tục ngữ “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là một thí dụ về túi không đó. Trong câu tục ngữ ấy, không ai cấm ăn, cấm ngồi, không ai tước đoạt quyền được ăn, được ngồi của bất cứ ai. Người xưa chỉ khuyên phải “coi nồi, coi hướng” tức là phải biết nghĩ đến người khác, đến người chung bàn ăn, đến cộng đồng khi ta ăn, ta ngồi để có cách hành xử phù hợp với những giá trị được cả cộng đồng thừa nhận.
Cần tiêu dùng, nhưng tiêu dùng một cách có văn hóa. Cần hàng hóa, nhưng hàng hóa không phải là tất cả. “Lấp lánh” cứ việc, nhưng làm sao để nó đừng như một sự xúc phạm đối với không ít thân phận nghèo khó, cực nhọc còn đầy rẫy quanh ta, chưa nói đến việc chung tay giúp họ thoát ra khỏi thân phận ấy. 

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Công nghiệp hóa và những tập đoàn “phá gia chi tử”



Còn chưa hết bàng hoàng với những khoản đầu tư không thể gọi bằng từ ngữ nào khác hơn là phá hoại đồng vốn nhà nước của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) qua việc mua những nhà máy điện cũ nát từ nước ngoài, những con tàu cũ mới đưa vào khai thác thì đã phải bỏ ra hàng đống tiền để sửa chữa và cuối cùng nằm ụ, gây thiệt hại trực tiếp hàng trăm tỉ đồng (*) thì công luận một lần nữa lại bàng hoàng, khó hiểu trước thông tin mà Thanh tra Chính phủ mới công bố, theo đó Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang có năm khoản nợ có nguy cơ không thu hồi được mà nguyên nhân chủ yếu cũng do mua những con tàu cũ và những khoản đầu tư chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.
Vinalines đã bỏ tiền mua 73 tàu biển từ nước ngoài đa số đã qua sử dụng với tổng trị giá gần 23.000 tỉ đồng, trong đó có 17 tàu qua sử dụng trên 15 - 30 năm, chưa kể một số tàu quá tuổi quy định nên không được phép đăng ký tại Việt Nam, phải đăng ký và treo cờ nước ngoài. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa đội tàu cũ kỹ do đó tăng cao trong khi vốn đầu tư, kinh doanh phải đi vay khiến càng khai thác càng lỗ, có tàu chỉ mới khai thác vài ba năm đã lỗ hàng trăm tỉ đồng; 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác trong giai đoạn 2005-2010 đều bị lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán. Vinalines còn mua ụ nổi đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định. Giá mua ụ nổi và chi phí sửa chữa hai lần là 489,6 tỉ đồng (khoảng 26,3 triệu USD), bằng khoảng 70% giá đóng ụ nổi mới. Bên cạnh đó còn là những khoản chi mờ ám như chi cho tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng cảng trung chuyển vịnh Vân Phong đến 4,1 tỉ đồng, vượt quy định hơn 4 tỉ đồng; chi hơn 2,4 tỉ đồng cho một đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự án nhà máy sửa chữa tàu biển trong một cuộc đấu thầu có dấu hiệu thông thầu…Không ai hiểu nổi tại sao, với bao nhiêu ưu đãi về vốn, về mặt bằng dành cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, những người lãnh đạo, quản lý Vinashin và Vinalines vốn không phải là những người mới vào nghề lại thích mua đồ cũ để rồi kinh doanh lỗ lã, tiêu tan cả vốn chẳng khác nào những đứa con “phá gia chi tử” như vậy!
Ấy vậy mà, trong đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành mà Bộ GTVT đưa ra mới đây, trong tổng số gần 224.000 tỷ đồng đầu tư cho nhiều mục tiêu như hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin,… bộ này vẫn đề ra mục tiêu đầu tư 30.000 tỷ đồng để có đội tàu 67 chiếc cho Vinalines để đạt tổng tải trọng xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015, và đến năm 2030, cần thêm 70.000 tỷ đồng để có 95 tàu các loại. Liệu với “thành tích” làm ăn như vậy, Vinalines có thể “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” hay hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng rót cho tổng công ty này (và những tập đoàn, tổng công ty tương tự) rồi cũng sẽ như rót vào cái thùng không đáy? Nói rộng hơn, với kiểu đầu tư, làm ăn như Vinalines, Vinashin, nếu không có cơ chế hiệu quả để kiểm soát đồng vốn nhà nước và nếu không đoạn tuyệt với tư duy dùng tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mọi nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế sẽ chẳng đi tới đâu, đồng vốn chắt mót của cả nền kinh tế sẽ tiếp tục tiêu tán và ước mơ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế sẽ vẫn là ước mơ xa vời, nếu không nói là vô vọng.
   (*) Trong vụ án Vinashin, các bị cáo chỉ bị cáo buộc về năm vụ việc gây thiệt hại trực tiếp trên 900 tỉ đồng gồm mua tàu Hoa Sen, dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, dự án nhà máy nhiệt điện Cái Lân, dự án đầu tư tàu Bình Định Star và việc xẻ thịt bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, nhưng không xét đến khoản nợ trên 80.000 tỉ đồng mà Vinashin gây ra.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Nghĩ từ những đám cưới “khủng”

Họ có tiền thì họ xài, xài ra sao là quyền của họ. Những người khác, ngược lại,  nhiều lúc thấy chối mắt khi nhìn xung quanh thấy còn biết bao cảnh đời chật vật, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm, chạy ăn từng bữa. Đó cũng là quyền của số đông chưa được chia sẻ miếng bánh mà tự do hóa kinh tế mang lại. Nhưng biết sao được, muốn người mới giàu có xài tiền mà không vô tình làm đau những người còn thiếu thốn trăm bề, có khi phải đợi họ đi qua cơn say xài cho thật thỏa thích đồng tiền mà họ phải vất vả (hoặc không vất vả) mới kiếm được, cũng không loại trừ cơn say khoe của mới làm ra mà trước đây chưa lâu hẳn không ai dám khoe. Đợi một đời, có khi vài ba đời – cho đến khi họ giật mình nhìn lại, suy nghĩ về nguồn gốc đồng tiền của họ, và nếu không có gì phải áy náy lương tâm, lúc ấy họ sẽ nghĩ về cách xài sao cho hữu ích hơn, nếu không muốn nói là sao cho có “văn hóa” hơn, trước hết là cho chính bản thân họ, con cái họ, sau nữa là cho xã hội. Văn hóa không thể đến trong ngày một ngày hai, nó là chuyện tích lũy một đời, vài đời. Tích lũy tài sản đã khó, tích lũy văn hóa còn đòi hỏi thời gian nhiều hơn. Vậy nên người viết ở đây không muốn nhìn những đám cưới “khủng” được nói đến nhiều trong thời gian qua dưới góc nhìn “văn hóa”. Thế nhưng, nhìn dưới góc độ quản lý xã hội, quản trị quốc gia, rõ ràng ở đây đang có vấn đề. Vấn đề không phải ở bản thân các đám cưới “khủng” chi phí hàng chục tỉ đồng, mà vấn đề đằng sau các đám cưới ấy. Chúng tôi muốn nói đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đang ngày một gia tăng, ngày một lồ lộ, và vai trò của những nhà hoạch định chính sách trước sự phân hóa ấy.
Nguyên đại biểu Quốc hội, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân trong bài viết “Bàn thêm về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam” (Vietnamnet 24.5.2010) cho biết: “Theo số liệu thống kê, hệ số chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất trong cả nước năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7,0 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần và năm 2004 là 8,4 lần. Trong 14 năm, hệ số chênh lệch tăng lên 2,05 lần. Một chỉ số khác về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là tỷ trọng tổng thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm 1 và nhóm 2) trong tổng thu nhập (của cả 5 nhóm). Theo quy ước mà Bộ Tài chính sử dụng, nếu tỷ trọng này nhỏ hơn hay bằng 12% thì bất bình đẳng  cao; nằm trong khoảng 12 - 17%,  bất bình đẳng vừa; nếu lớn hơn hay bằng 17% là tương đối bình đẳng. Số liệu thống kê cho kết quả: tỷ trọng này của Việt Nam năm 1995 là 21,1%; năm 1996 là 21%; năm 1999 là 18,7%; năm 2002 là 18%, năm 2004 là 17,4%. Trong 9 năm, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm hộ từ tương đối bình đẳng đang tiến dần về bất bình đẳng vừa”.
Còn chuyên gia về đói nghèo của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiên Phong nhận định: “Bất bình đẳng ở Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất. Chính sự gia tăng khoảng cách về thu nhập trung bình của hộ gia đình giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất (từ 8,34 lần năm 2006 lên 9,24 lần năm 2010) là nguyên nhân gia tăng của hệ số Gini (chỉ số đo sự bất bình đẳng về thu nhập của xã hội) từ 0,42 năm 2004 lên 0,43 năm 2010”. Ông nói tiếp: “So với các nước khác, trong giai đoạn 2005-2008, Việt Nam là nước có khoảng cách thu nhập giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất cao thứ nhì châu Á (8,9 lần), chỉ sau Philippines, cao hơn cả Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Campuchia. Đáng lưu ý là hệ số Gini của Việt Nam ngang bằng hoặc cao hơn so với hệ số Gini của nhiều nước có GDP/đầu người cao hơn nhiều so với của Việt Nam. Và trong khi hệ số Gini của một số nước trong khu vực (như Thái Lan và Malaysia) giảm thì của Việt Nam lại tiếp tục tăng (hệ số Gini bằng 1 là mức bất bình đẳng cao nhất)” - (Giàu nghèo do số hay chính sách chưa đủ? - TBKTSG 6.10.2011).
Đó là thực trạng. Thế còn phản ứng chính sách ở những cơ quan quyền lực cao nhất? GSTS Nguyễn Ngọc Trân khi còn là đại biểu Quốc hội từng nhận xét: “Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung của Ủy ban Kinh tế tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đề cập đến vấn đề giảm nghèo nhưng không có một thông tin nào về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội”. Tình hình đến nay chắc cũng không có gì thay đổi. Vì sao như vậy? Ông Nguyễn Tiên Phong đưa ra một lý giải: Có thể nhận thấy rằng Nhà nước luôn có hai dòng chính sách: chính và phụ. Dòng chính nhằm phục vụ tăng trưởng theo kinh tế thị trường và dòng thứ hai (các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, yếu thế, thu nhập thấp) được áp dụng với mong muốn bù đắp lại sự bất công, thiếu hụt nảy sinh trong quá trình phát triển. Câu hỏi là liệu những chính sách dòng chính có thể làm tốt hơn việc giảm sự bất bình đẳng hay không? Dòng chính sách phụ có đủ để “trám, vá” những “lỗ hổng” mà dòng chính chưa xử lý được (hoặc trong vài trường hợp là gây ra) hay không? Tôi phải nói, nếu cứ làm như hiện nay thì không đủ (…) Cái đáng nói ở đây là Nhà nước/Chính phủ, thông qua luật lệ và chính sách, có tạo ra được cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội hay không?... Tên đúng của những “lý do” bất bình đẳng đó là thất bại chính sách.”
Vấn đề là người dân, xuất phát từ tình cảm đạo đức, có thể mong mỏi, trông đợi lòng hảo tâm, hành động từ thiện của người giàu; nhưng Nhà nước, với tư cách là Nhà nước, người đảm bảo phúc lợi cho tất cả công dân, không thể trông đợi lòng tốt của người giàu mà phải thiết kế được những chính sách hữu hiệu để điều tiết thu nhập của người giàu nhằm san sẻ cho người nghèo, đảm bảo công bằng xã hội; những chính sách khuyến khích đồng tiền của người giàu chảy vào những công trình có ích cho cộng đồng (như tài trợ cho giáo dục, phát triển cộng đồng, làm từ thiện) thay vì đổ vào những chi tiêu phô trương, hợm hĩnh. Nhưng, với nền kinh tế chủ yếu là tiền mặt, với bộ phận kinh tế ngầm không nhỏ, liệu Nhà nước có nắm được thu nhập thật của người giàu để điều tiết? Với sự thực thi pháp luật yếu kém, liệu Nhà nước có ngăn được nhà giàu trốn lậu thuế, chưa nói đánh thuế vào tài sản của họ? Với chính sách thuế không khuyến khích người có thu nhập cao bỏ tiền làm từ thiện, đóng góp cho cộng đồng, bằng cách không tính các khoản đóng góp đó vào thu nhập chịu thuế, liệu Nhà nước có đang khuyến khích người giàu chi xài xả láng?
Nếu tất cả những chính sách, biện pháp trên được thực hiện, có lý do để tin rằng những đám cưới “khủng”, những chi xài phô trương của người giàu, của những đại gia sẽ giảm đi rất nhiều. 

Nếu 62 tỉnh thành khác cũng làm như Đà Nẵng !?

Vậy là cuối cùng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVBQPPL) của bộ Tư pháp - sau khi tập hợp ý kiến của các cơ quan liên quan gồm ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vụ pháp luật của Văn phòng Quốc hội, vụ pháp luật của Văn phòng Chính phủ, tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội – bộ Công an và nhiều cục, vụ liên quan - đã có văn bản báo cáo lên bộ trưởng bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra tính hợp pháp của một số nội dung trong nghị quyết 23 của HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 23.12.2011. Theo đó, có ít nhất 4 quy định trong nghị quyết nói trên là trái luật, trái thẩm quyền. Đó là: Tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án tiền sự; tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; cấm chuyển nhượng căn hộ chung cư, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi; phạt nặng và tạm giữ phương tiện 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe gắn máy.
Được nhiều người quan tâm hơn cả vì động chạm tới một trong những quyền tự do căn bản của công dân là quyền tự do cư trú, quy định tạm dừng cho đăng ký thường trú trong khu vực nội thành của nghị quyết 23 được báo cáo của cục KTVBQPPL kết luận là “không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú”. Đại diện vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cho rằng, các quy định về thẩm quyền “phân bổ dân cư” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư” của HĐND là quy định chung, khi HĐND đưa ra nghị quyết để quy định cụ thể một nội dung nào đó thì phải tuân theo luật ban hành sau và các quy định pháp luật trong từng lĩnh vực. Ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, còn cho rằng, có nhiều biện pháp để phân bổ dân cư nhưng bất cứ biện pháp nào cũng phải tuân thủ luật Cư trú. Như vậy, có thể nói, việc HĐND TP Đà Nẵng đặt ra quy định nói trên là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Quy định đó đã “treo”, đã “tạm dừng” một trong các quyền tự do căn bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, luật Cư trú và nghị định hướng dẫn thi hành luật. Hai quy định khác của nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng liên quan tới dịch vụ cầm đồ và chuyển nhượng căn hộ chung cư cũng “tạm dừng” các quyền của công dân như vậy.
Lý giải việc đưa ra quy định “tạm dừng” cho đăng ký thường trú vào các quận nội thành, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư  pháp TP Đà Nẵng cho rằng, các đại biểu HĐND đã thảo luận và biểu quyết thông qua nội dung này xuất phát từ tình hình thực tế những năm qua một bộ phận lớn dân nhập cư là người không nghề nghiệp, không nhà cửa, không có chỗ ở ổn định hoặc có tiền án, tiền sự, làm cho sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải. Thêm vào đó, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự trên địa bàn diễn biến phức tạp, trật tự an toàn bị đe dọa. Một số mục tiêu thành phố đã đạt được trong 15 năm qua hoặc mục tiêu đặt ra trong những năm tới có nguy cơ bị phá vỡ hoặc không thể thực hiện.
Tuy nhiên, những thực tế, khó khăn, vấn nạn nói trên không phải là vấn đề của riêng Đà Nẵng mà có thể bắt gặp ở bất kỳ thành phố lớn nào. Những mục tiêu mà Đà Nẵng đặt ra, các địa phương khác cũng có thể đặt ra, bởi ai cũng muốn địa phương mình lập được thành tích. Tuy nhiên, nếu tất cả các thành phố lớn hoặc 62 tỉnh thành khác cũng làm như Đà Nẵng với lý do đặc thù của địa phương thì hẳn luật lệ của nhà nước Việt Nam sẽ không còn là một thể thống nhất mà như một tấm mền, mạnh ai nấy cũng có thể căng kéo theo nhu cầu, ý thích riêng của địa phương. Vô hình chung, luật bị vô hiệu hóa. Đó là điều xa lạ với một nhà nước pháp quyền hiện đại, trong đó mọi tổ chức, đơn vị, cá nhân nhà chức trách khi muốn đưa ra một quyết định nào đều trước hết phải soát xét xem nó có phù hợp với Hiến pháp và pháp luật không, chứ không thể dựa trước hết trên cái gọi là đặc thù địa phương. Tư duy và biện pháp quản lý nhà nước, nếu dựa trước hết trên đặc thù địa phương, thì cũng giống như quản trị trong doanh nghiệp gia đình, dựa trên sự thuận tiện cho chủ doanh nghiệp nhưng không phù hợp với quản trị trong doanh nghiệp đại chúng, vốn phải được quản trị chính quy theo điều lệ, quy chế hẳn hoi. Đó cũng là thứ tư duy lệ làng chỉ hợp lý trong bối cảnh nhà nước phong kiến, khi làng xã tìm cách giành lấy chút quyền tự chủ khỏi nhà nước trung ương tập quyền hà khắc. Mặt khác, Việt Nam cũng không phải là một nhà nước liên bang với 63 tỉnh thành là 63 tiểu bang có quyền đề ra luật lệ nội trị riêng.
Tất cả điều đó không có nghĩa từng địa phương không có quyền năng động, chủ động trong quản lý điều hành. Nhưng mọi sự năng động, mọi nỗ lực chủ động trước hết phải soi vào Hiến pháp và pháp luật xem nó có phù hợp, bằng không nó sẽ bào mòn nền tảng của nhà nước pháp quyền. Nếu pháp luật tỏ ra bất cập, không còn phù hợp với thực tế, chẳng hạn như quyền hạn dành cho chính quyền đô thị vốn khác xa chính quyền ở nông thôn nhưng chưa được pháp luật quy định, thì quyền và nhiệm vụ của chính quyền địa phương là đấu tranh trong vòng pháp luật để sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với thực tiễn chứ không phải là bỏ qua Hiến pháp và pháp luật.