Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

NHỮNG THÔNG ĐIỆP TRÁI NGƯỢC


Như chỉ chờ có thế, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua luật biển – một việc bình thường của một quốc gia ven biển và lẽ ra phải làm từ lâu sau khi tham gia Công ước về luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS) – Trung Quốc đã cấp tập phản ứng bằng một loạt những hành động gây hấn, khiêu khích, đe doạ xem ra đã được tính toán từ trước: nâng cấp hành chính cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà họ đã thành lập từ năm 2007 bao gồm trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thành lập chính quyền để quản lý “thành phố” này, lập đơn vị quân đồn trú đặt trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, xua đội tàu đánh cá lớn xuống Trường Sa đánh bắt trái phép, gọi thầu dầu khí trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cho tàu chiến xuống biển Đông tuần tra “sẵn sàng chiến đấu”, giở giọng đe doạ không úp mở trên báo chí. Không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc trước đó cũng đã gây hấn với Philippines sau khi cho tàu bè xâm phạm vùng biển của nước này.
Với Việt Nam, những hành động ức hiếp của Trung Quốc không phải hôm nay mới diễn ra mà đã kéo dài từ nhiều năm qua. Đầu năm 2005, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn thẳng vào ngư dân Thanh Hóa đang đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc bộ, cách đường ranh giới trên biển đến 10 hải lý, làm chết 9 ngư dân và bị thương 7 người, 8 ngư dân sống sót bị bắt đưa về Hải Nam, bị vu là cướp biển. Những năm sau đó, nhất là từ sau khi Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt hàng năm trên biển Đông và cho đến tận hôm nay, ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển Việt Nam ở biển Đông liên tục bị bắt giữ, đánh đập, cướp tài sản, tịch thu tàu thuyền, đòi tiền chuộc. Năm 2011, Trung Quốc hai lần cho tàu hải giám cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ cũng nhiều lần đe doạ các công ty dầu khí nước ngoài muốn hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam khiến các công ty này phải rút lui.
Những hành động đó của Trung Quốc đã gây nên nỗi bức xúc lớn nơi người dân Việt Nam và gây nên nỗi lo ngại về chủ quyền đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe doạ. Chính vì vậy, người dân đã rất vui mừng khi Quốc hội thông qua luật biển, trong đó khẳng định lại Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhưng càng vui mừng trước quyết định của Quốc hội bao nhiêu, người dân lại càng âu lo, thấp thỏm, bối rối bấy nhiêu trước những tín hiệu, những thông điệp không rõ ràng hoặc theo chiều hướng ngược lại với xác quyết của Quốc hội, với mối lo hiển hiện trên biển Đông. Khi tình hình biển Đông đã căng như dây đàn sau hàng loạt hành động gây hấn cấp tập, khi nhiều người cảm nhận mối đe doạ đối với chủ quyền đất nước đã ở trước ngõ, khi giới truyền thông và các nhà sử học, luật gia trong nước đang ra sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa bằng cách vạch rõ sự vô căn cứ về mặt pháp lý và lịch sử của “đường lưỡi bò” trên biển Đông thì người ta lại tổ chức những hội nghị rình rang bày tỏ lòng biết ơn với nước láng giềng và tình cảm thắm thiết giữa hai nước, hai quân đội. Với truyền thống tốt đẹp của người Việt, ơn thì phải nhớ, phải trả, tất nhiên, nhưng giờ có phải là lúc thích hợp để nói chuyện ơn nghĩa khi người “làm ơn” đã lật lọng, công khai gây hấn mà lại giở giọng vu khống ta, khiêu khích, đe doạ ta, và lộ mặt là kẻ xâm lấn? Những tín hiệu, những thông điệp trái ngược đó khiến người dân bối rối, không biết nên hiểu thế nào, nên tin vào đâu. Dư luận nước ngoài, vốn gần như thống nhất phê phán sự sai trái của Trung Quốc qua những hành động hung hăng vừa qua, chắc cũng phải tự hỏi Việt Nam đang muốn gì?
Tháng 11 năm ngoái, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Thủ tướng có đề cập đến quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Trong một dịp gặp gỡ cử tri, ông Tổng bí thư cũng có nói mấy câu hiếm hoi gì đó về việc bảo vệ chủ quyền. Nhưng, sau những hành động mới nhất của Trung Quốc, tình hình đã khác. Nhiều người ước muốn, giá như có ai đó ở cấp nguyên thủ quốc gia đĩnh đạc xuất hiện trên truyền hình hoặc trước Quốc hội để trình bày một cách rõ ràng, rành mạch trước quốc dân về điều gì đã và đang diễn ra, quan điểm và lập trường của nhà nước ta ra sao, ta sẽ làm gì để bảo vệ biên cương và ích lợi của mình ở biển Đông. Một việc cần thiết như thế để đoàn kết lòng người, để gửi đến người dân một thông điệp rõ ràng, không thể mơ hồ, vậy mà xem ra quá khó. Thay vào đó người dân chỉ được thông tin về việc hai bộ ngoại giao và quốc phòng “trả lời kiến nghị” của cử tri liên quan đến những vấn đề trên. Sao lại chỉ là một sự “trả lời kiến nghị” thay vì giải trình trách nhiệm và trình bày đường hướng xử lý vấn đề ở cấp cao nhất?
Và như thế, trước những tín hiệu, những thông điệp trái ngược, không nhất quán, lòng người vẫn khó thể yên.

RẠN VỠ TỪ BÊN TRONG


Từ ngày con lộ chạy qua làng, nối làng với tỉnh lộ, quốc lộ được nâng cấp, tráng nhựa phẳng lì, người chết vì tai nạn giao thông trong làng bỗng nhiên tăng vọt.
Phần lớn là thanh niên trai tráng nhậu xỉn hoặc không nhậu xỉn phóng xe ào ào, bạt mạng đâm vào nhau hoặc đâm vào cột điện.
Thế là người già chôn cất người trẻ. Con lộ phẳng lì giúp dân làng đi lại thuận tiện hơn, lên thành phố nhanh hơn, rút ngắn thời gian chuyển viện khi bị bệnh nặng, hàng hóa buôn bán vận chuyển dễ dàng hơn, nhưng nó cũng làm cho đám thanh niên, thiếu niên rời bỏ làng lên thành phố nhiều hơn để đi học, kiếm việc làm hoặc chơi bời lêu lổng chẳng làm gì. Nhiều đứa lúc còn ở làng học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, sau một thời gian lên thành phố thì đàn đúm, bỏ học, trở về quê mang theo những thói hư tật xấu tiêm nhiễm chốn thị thành.
Những thanh niên còn lại ở làng giờ cũng chẳng còn mấy người làm nông. Con đường nhựa mở ra, hai bên đường giờ mọc đầy cửa hàng buôn bán, quán cà phê, quán karaoke, quán nhậu. Nói chung, thành phố có dịch vụ gì, những thứ giải trí gì, ở làng giờ hầu như đều có cả, chỉ chưa có dancing, massage. Và thanh niên nhiều người suốt ngày la cà ở quán.
Thế hệ này bắt đầu ngán làm nông, ngán nhúng chân xuống ruộng, ngán vun đất trồng rau, ngán làm cỏ, tưới nước cho cây tiêu, cây điều, cây cà phê vốn trước đây là thế mạnh của vùng đất đỏ Đông Nam bộ này. Trồng lúa, trồng rau màu, trồng tiêu, điều, cà phê, chăn nuôi heo gà giờ chủ yếu là lớp trung niên và người già trong làng mà vì ràng buộc gia đình hoặc vì không còn đủ sức nên không đi đâu được, đành chấp nhận ở tại chỗ.
Mà người ta ngán làm nông cũng phải. Làm nông thuần túy chỉ đủ ăn là may, không sao ngóc đầu lên được. Từ vài chục năm nay, nông dân vừa phải đánh vật với sản xuất (nước, phân, cần, giống) vừa phải đánh vật với thị trường đầy rủi may. Tiêu, điều, cà phê nay mới được giá, mai đã rớt giá, chưa kể dịch bệnh làm cây chết. Heo, gà, vịt... hết đợt này đến đợt khác, nếu không bị dịch bệnh thì cũng bị ảnh hưởng từ tin tức về dịch bệnh ở nơi khác khiến thương lái dựa vào đó dìm giá.
Tin tức mới đây về việc sử dụng chất tạo nạc trong nuôi heo ở đâu đó cũng khiến những người nuôi heo ở đây điêu đứng. Thịt bán trên thị trường vẫn cao, cao gấp đôi giá heo hơi mua tại chuồng, vậy mà thương lái vẫn còn muốn ép giá phía người nuôi xuống nữa. Trồng trọt, chăn nuôi như cánh đồng bị bão liên tục chà đi xát lại. Nông dân, vì sự sống, vẫn làm nhưng mù mịt tương lai. Bảo sao con cháu họ không muốn bỏ đi?
Trên cái nền sản xuất như vậy, cuộc sống không khỏi bấp bênh và xã hội khó mà ổn định. Tuy vậy, trai tráng trong làng bỏ đi thì lại có những người từ những vùng quê khác ở rất xa và có lẽ còn nghèo khó hơn kéo tới. Có những người chí thú làm ăn ở vùng đất mới nhưng cũng có người không.
Trong làng bắt đầu xảy ra nạn trộm cắp, từ con chó tới đồ đạc trong nhà, từ tiêu, điều, cà phê cho tới cái máy bơm đặt dưới giếng sâu. Trong làng cũng bắt đầu có những con nghiện ma túy, cả ở nơi khác tới lẫn trong thanh niên xưa nay ở làng. Làng không còn yên bình như mấy chục năm trước.
Ngay trong thời chiến tranh, người ta chết vì chiến tranh, vì bom rơi đạn lạc, nhưng quan hệ giữa người với người trong làng, trong xóm ít xao xác hơn bây giờ. Người ta tin nhau và tin vào điều thiện hơn bây giờ. Có cái gì đó như là sự rạn vỡ từ bên trong.
Các nhà lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo tôn giáo trong làng nhận ra sự xói mòn của những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức xưa nay vẫn được thừa nhận nơi dân làng. Họ cố gắng làm điều gì đó để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, nhưng dường như vẫn chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu trước những xu hướng mới của xã hội. Vả chăng, những nỗ lực tinh thần chỉ hữu hiệu khi được hỗ trợ bởi những thiết chế xã hội phù hợp, mà các thiết chế xã hội thì đang xơ cứng.
Ngôi làng tôi đang nói tới là ngôi làng của tuổi thơ tôi, nơi thỉnh thoảng tôi vẫn trở về. Còn có thể có bao nhiêu ngôi làng như thế, những ngôi làng đang lung lay gốc rễ, những ngôi làng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ từ bên trong, từ trong mỗi người làng, mỗi gia đình, từ trong từng tế bào xã hội của làng xóm. Chẳng thế mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe về những tội ác ghê rợn xảy ra nơi chốn thôn quê, nơi bình yên một thuở, nơi tá túc cho những con người mệt mỏi với cuộc sống chốn thị thành nhưng giờ chính nó cũng đang phải đi tìm lại sự bình yên.


AI CANH GIẤC CHO DÂN ?