Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

CHO NHỮNG MÙA XUÂN BỚT ĐẮNG ĐAU

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”
Có lẽ trong tất cả những ca khúc rộn ràng vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp thôn xóm mỗi dịp xuân về, bài Xuân và tuổi trẻ này của nhạc sĩ La Hối mang lại cho người nghe cái cảm giác lâng lâng say men xuân hơn cả. Nó rộn ràng, tươi vui, say đắm bởi vị men được tạo ra do sự hòa quyện giữa mùa xuân đất trời với cuộc sống đầy “nguồn vui sống” của con người, của xã hội. Nó tạo cho con người cảm giác lạc quan, yêu đời, ham sống, muốn sống bên một “đời xuân mới” có thực.
Nhưng liệu “đời xuân mới” đã đến thật với mọi người hoặc tuyệt đại đa số người Việt hôm nay? Xuân này, cũng như nhiều xuân qua, hẳn nhiều người sẽ say men xuân, sẽ có điều kiện để thấy ngày quả thực thắm tươi . Nhưng không phải tất cả. Đó đây, những người cảm thấy đắng, đau trong lòng khi xuân về hẳn không phải là ít, không hề ít. Những cảnh đời đắng, đau khi xuân về kể ra thì vô cùng đa dạng. Đó là những người nông dân chưa gắn được với thị trường, với doanh nghiệp; phải chặt bỏ, đổ bỏ sản phẩm mình làm ra vì không tiêu thụ được, vì sản xuất mà thiếu thông tin về thị trường như những nông dân phải đổ bỏ thanh long cho bò ăn, nuôi bò sữa thì phải đổ bỏ sữa như vừa qua ở Lâm Đồng. Đó là những công nhân vắt kiệt sức trong nhà máy để đổi lấy đồng lương nhiều khi không đủ tái tạo sức lao động và là nạn nhân khá thường xuyên của những vụ ngộ độc tập thể sau những bữa ăn nghèo nàn dinh dưỡng ở nhà máy. Đó là những người mẹ vì quá nghèo, không lối thoát, phải tự tử để cho con sống hoặc những thiếu niên tự tử để đỡ gánh nặng cho mẹ cha đang bế tắc trong cuộc mưu sinh cho gia đình. Là những phụ nữ hoặc tự mình hoặc bị lừa bởi những đường dây buôn người để bán thân đổi lấy đồng tiền trong những tụ điểm mại dâm trá hình ở xứ người như vụ 136 phụ nữ Việt bị cảnh sát bắt “xỏ xâu” (chữ của tờ Petro Times) ở Malaysia mới đây, hay những cô dâu bị đánh dập, bị giết hại ở Hàn Quốc, Đài Loan hoặc mất tích một cách bí ẩn như vụ 100 cô dâu Việt biến mất không dấu vết ở Trung Quốc… Và còn nhiều cảnh đời u tối khác nữa. Với họ và người thân, mùa xuân hẳn không về hoặc có về đấy nhưng không trọn vẹn, và “đời xuân mới” hẳn còn xa.
Nông dân Việt Nam vốn được coi là cần cù, lam lũ; nông dân nhiều vùng như miền Tây còn được tiếng là nhạy bén với thị trường, với cái mới, vậy mà bao nhiêu năm nay vẫn loay hoay với bài toán thị trường tiêu thụ, với đầu ra cho sản phẩm, được mùa thì rớt giá, mất mùa giá lên  thì hàng hóa cũng không còn để bán, cứ thế năm này qua năm khác. Lỗi có phải ở họ hay ở nền sản xuất nông nghiệp nói chung chưa thích ứng tốt với cơ chế thị trường, sản xuất đứt rời với tiêu thụ, trong đó có lỗi của những chính sách còn bất cập, những kế hoạch tái cơ cấu sản xuất và thị trường nông nghiệp chậm chạp khiến nông dân mãi không cất cánh lên được, mãi là con tin của những lực lượng làm giàu trên lưng họ, dù họ nuôi sống cả nước và còn góp phần không nhỏ vào thành tích xuất khẩu? Cũng chính do nền kinh tế nông nghiệp quẩn quanh chưa tìm ra lối đi mới ấy đã đẩy không ít hộ nông dân vào hoàn cảnh bi đát, gây không ít bi kịch mẹ chết cho con, con chết cho mẹ cha được sống mà ai cũng biết.
Với công nhân, nhất là công nhân khu vực đầu tư nước ngoài, chính sách thu hút đầu tư bằng lao động rẻ được duy trì quá lâu, vô hình trung đã trói chặt họ vào mức sống chỉ đủ để tồn tại, nói chi nghĩ đến tương lai, đến tích lũy, đến chất lượng sống ngày càng phải được nâng cao.
Và những phụ nữ Việt phải mưu sinh bằng cách bán thân ở xứ người - không ít trong số đó hẳn ra đi từ những gia đình không thể tìm ra sinh kế ở nông thôn hoặc từ những gia đình rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn ở đô thị - phải chăng không là một vấn đề kinh tế-xã hội gây ra nỗi đau âm thầm cho mọi người Việt? Bởi có ai không muốn sống cuộc đời tử tế, có ai không muốn được tiếng sạch sẽ, thơm tho? Nhưng cơ hội đã không đến với họ, đã bay đi đâu mất khi những đồng tiền ngân khố quốc gia thay vì được dùng để mở mang giáo dục, việc làm, nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe cho nông dân, cho người nghèo đô thị thì đã chui tọt vào những cái túi nhũng lạm.

Mùa xuân là mùa của hy vọng. Liệu có thể hy vọng trong chương trình nghị sự đất nước những năm tới đây, những phận người bèo bọt, những vấn đề kinh tế-xã hội cụ thể sẽ được lưu tâm hơn giữa những khái niệm cao xa và những con số đẹp đẽ. Để những mùa xuân sau ngày càng ngọt ngào, bớt đắng đau…  

Không có nhận xét nào: