Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

CƠ HỘI ĐỂ CHUYỂN ĐỔI NỀN KINH TẾ?

Nền kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, một mặt do những chuệch choạc trong chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ khiến lạm phát và giá cả tăng cao; mặt khác do giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng đến chóng mặt. Nhưng nguyên nhân cơ bản, sâu xa hơn, phải nói là do nền kinh tế nước ta cho đến nay vẫn chủ yếu phát triển theo bề rộng bằng cách gia tăng các yếu tố đầu vào, thêm vào đó là lãng phí, thất thoát lớn, nên rất kém hiệu quả và rất dễ bị tổn thương do những biến động trên thị trường thế giới. Hệ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2001-2006 vừa qua (4,4) còn cao hơn cả hệ số này của Thái Lan (4,1) và Indonesia (3,7) giai đoạn 1981-1995 trong khi tỉ lệ tăng trưởng năm năm vừa qua của Việt Nam (7,6%) còn thấp hơn Thái Lan (8,1%) giai đoạn 1981-1995 (Báo cáo “Lựa chọn thành công…” của Chương trình Châu Á, Trường Chính quyền John F. Kennedy, Đại học Harvard).Giải quyết nguyên nhân gốc rễ này để tăng cường tính hiệu quả của nền kinh tế tất nhiên đòi hỏi những giải pháp căn bản chứ không thể chỉ bằng một số biện pháp ngắn hạn, trước mắt.

Nền kinh tế thế giới từng không ít lần trải qua những thời kỳ khó khăn, khủng hoảng và cũng đã từng chứng kiến không ít quốc gia thành công trong việc biến khó khăn thành cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế của họ lên một trình độ phát triển cao hơn về chất lưỡng và tính hiệu quả, như Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970. Liệu Việt Nam có thể biến những khó khăn hiện nay thành cơ hội để thực hiện một cuộc chuyển đổi tương tự? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết tâm của Chính phủ trong việc lựa chọn tính hiệu quả làm tiêu chí cao nhất trong mọi quyết định chính sách, mọi quyết định đầu tư và chi tiêu công, mọi ưu đãi hoặc hỗ trợ cho thành phần này hay thành phần khác trong nền kinh tế, cũng như quyết tâm giải quyết tận gốc mọi nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí.

Xét như thế thì có vô số việc phải làm cả trước mắt và lâu dài, trong đó có việc sớm đề ra chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, đổi mới quản lý doanh nghiệp nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng ứng phó linh hoạt với thị trường, v.v… Nhưng cấp bách trước mắt là gỉải quyết rốt ráo những doanh nghiệp nằm dưới sự chủ quản của các bộ, các cấp chính quyền mà khi vỡ lở mới hay đó là những cỗ máy ngốn tiền ngân sách, phung phí tín dụng, phá hoại nguồn lực quốc gia như vụ COSEVCO thuộc Bộ Xây dựng mới đây là một thí dụ. Còn bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước như thế chưa được đưa ra ánh sáng? Còn bao nhiêu công trình đầu tư, chi tiêu công lãng phí chưa được kiên quyết chấm dứt và ngăn chặn? Bao giờ thì phần lớn doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước được trả về với cơ chế thị trường thực sự để Nhà nước chỉ còn giữ lại một số ít doanh nghiệp thực sự cần thiết trong các lĩnh vực chiến lược?

Những khó khăn hiện nay càng cho thấy tính cấp bách của vấn đề mà lẽ ra đã phải giải quyết từ lâu. Muốn chuyển đổi nền kinh tế sang trình độ phát triển cao hơn, hiệu quả hơn cũng đòi hỏi trước hết phải giải quyết những cái ổ lãng phí đã tồn tại quá lâu.

Không có nhận xét nào: