Thứ Ba, 17 tháng 6, 2008

“ĐỔI MỚI TỪ BÊN TRONG”

Nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn lớn mà biểu hiện là lạm phát cao; thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại lớn; thị trường chứng khoán tuột dốc và thị trường địa ốc đóng băng; thị trường tài chính, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng có nhiều biến động …

Nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa đã được nêu ra, phân tích. Trong đó, đáng chú ý là những nguyên nhân chủ quan, sâu xa mà kết luận của Bộ Chính trị ngày 5-4 đã chỉ ra như : Những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã dồn tích từ nhiều năm nhưng chậm được xử lý, khắc phục. Cơ cấu kinh tế chậm cải thiện.Tình trạng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước vẫn còn dàn trải, không đảm bảo tiến độ, còn nhiều thất thoát, hiệu quả thấp... chậm được khắc phục. Tỉ lệ chi đầu tư từ khu vực nhà nước (ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) lớn, nhưng hiệu quả thấp. Chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn đa ngành chưa được nhận thức thống nhất để thực hiện tốt. Một số tập đoàn đã đầu tư rộng sang nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, nhất là vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... Những hoạt động đầu tư này đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tập đoàn, khó khăn cho ngân hàng nhà nước trong quản lý lưu thông tiền tệ…

Những nguyên nhân sâu xa ấy đòi hỏi, bên cạnh những biện pháp chống lạm phát trước mắt, phải tiến hành những cải cách về cơ cấu nếu muốn sớm thoát ra khỏi tình hình hiện nay. Nói cách khác, như TBKTSG từng nhiều lần đề cập, đây là dịp để tiến hành những cải cách từ bên trong cơ cấu kinh tế (đặc biệt là tình trạng nguồn lực quốc gia tập trung trong tay một số đối tượng sử dụng kém hiệu quả) và cả bộ máy, cơ chế quản lý nhà nước gắn liền với cơ cấu ấy.

Cách nay hơn một năm, vào tháng 2-2007, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, giữa không khí lạc quan bốn bề lúc ấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người từng chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế kiểu chaebol của Hàn Quốc nhưng cũng chính ông sau này, nhìn thẳng vào thực tế, đã cảnh báo: “Cần thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế” (TBKTSG 26-7-2007), trong một bài trả lời phỏng vấn của Tạp chí Cộng sản từng nói: “…trở thành thành viên WTO không có nghĩa là chúng ta đã ở đích đến cuối cùng mà thực chất chỉ là bắt đầu một hành trình mới. Hành trình, với nhiều cơ hội và không ít thách thức. Đó là những thách thức từ bên trong và của chính mình. Những điều kiện từ bên ngoài là rất quan trọng, nhưng thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, chính sự đổi mới từ bên trong mới là yếu tố quyết định để gặt hái những thành công…. Chúng ta không thể nào thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi mà ngay từ sân nhà các doanh nghiệp của chúng ta tiếp tục phải chi phí cho sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy nhà nước và tiếp tục bị hạch sách bởi tham nhũng.”

Những khó khăn hiện nay phải chăng chính là sự lặp lại lời cảnh báo đó, và giờ là lúc, không thể chậm trễ hơn, thực sự bắt tay vào nhiệm vụ khó khăn “đổi mới từ bên trong” ấy?

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2008

Quanh cái chết của ông Kiệt

Chung quanh cái chết của ông Kiệt có mấy điểm chưa ai nói tới, mặc dù tôi nghĩ có thể nhiều người cũng đã nghĩ tới.
1/ Báo chí trong nước, nói cho đúng phải gọi là báo chí quốc gia, đã bị bêu riếu, bị hạ knock-out trước báo chí bên ngoài do cái chỉ đạo không thể nào hiểu nổi là không được đưa tin, dù chỉ là đưa sự kiện, không đánh giá, không bình luận, về cái chết của ông Kiệt. Trong suốt 36 giờ từ khi tin về ông Kiệt chết xuất hiện đến khi truyền thông nhà nước được phép đưa tin thì những người có đọc internet đều biết là các hãng tin nước ngoài đã đưa cả. Thậm chí người ta cũng biết là Tổng thư ký LHQ, Bộ Ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gửi điện chia buồn với lãnh đạo Việt Nam và gia đình cố Thủ tướng. Vậy mà báo chí Việt Nam bị buộc phải nín thinh trong suốt 36 tiếng đồng hồ đó. Trong 36 tiếng đó, đủ thứ tin đồn cũng đã xuất hiện, kể cả những tin đồn liên quan đến nguyên nhân cái chết của ông .
Việc cấm báo chí đưa tin kịp thời, dù chỉ là đưa sự kiện, chẳng khác nào khuyến khích người dân chạy theo tin đồn, tìm nghe các nguồn tin bên ngoài và hạ uy tín báo chí quốc gia trước mắt người dân. Sau này, hễ có sự kiện như thế người ta sẽ lại tìm nghe tin đồn, nghe các nguồn tin khác chứ đâu thèm nghe, thèm tin báo chí trong nước?
Mặt khác, khó thể chấp nhận chuyện "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Nói sao với 85 triệu người dân Việt Nam khi bên ngoài người ta đã hay hết, biết hết chuyện xảy ra trong nhà mình mà mình thì mù tịt? Họp bàn, cân nhắc, đánh giá gì đó là chuyện của lãnh đạo, nhưng quyền được thông tin kịp thời về chuyện xảy ra trong nhà là quyền của 85 triệu người dân. 85 triệu người dân không thể bị "cầm tù" về mặt thông tin chỉ vì sự họp hành, cân nhắc của ai đó.
Thời buổi này là thời buổi nào, thế kỷ này là thế kỷ nào rồi mà người ta còn chỉ đạo thông tin theo kiểu như vậy ?
2/ Mục “Ý kiến chúng tôi” (xã luận) trên báo Nhân dân ngày 14-6-2008, bài: “Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc chữa lại một chút thông cáo của BCH Trung ương về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thông cáo cuối ngày 12- 6 viết: “Ðồng chí mất đi là một tổn thất đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Bài ý kiến ngày 14-6, tức 2 ngày sau, viết: “Ðồng chí Võ Văn Kiệt mất đi là một tổn thất lớn đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Điếu văn đọc ngày 15-6 cũng cũng gọi đó là "một tổn thất lớn".
Phải chăng là một sự ngầm sửa sai ?
3/ Một vị cựu đai sứ Việt Nam gọi điện cho tôi, giọng bức xúc:"Anh đã đọc báo ND hôm nay chưa? Bài của ông DM viết về ông Kiệt kỳ quá!". Tôi tìm đọc bài ông DM viết về ông Kiệt trên số báo ND ra cùng ngày 14-6. Ngay cái tựa :”Nói về anh Võ Văn Kiệt” nghe đã thấy chói tai, đọc vào bài thì chỉ thấy khen ông Kiệt cho có lệ, bằng cái giọng hơi trịch thượng, còn lại là tự kể công, tranh công, rằng “tôi nhắc” anh Kiệt thế này, thế kia. Lại còn kể chuyện chống lạm phát cứ y như là ở làng vậy: khuyến khích người dân ra nước ngoài thì “na” hàng về, khuyến khích đi buôn vặt theo kiểu mấy anh đi Liên Xô, Đông Âu “na” quạt tai tượng, dây may so…về. Có những chủ trương ông Kiệt cũng ủng hộ thời ấy, như chuyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng rồi với thực tế và thời gian ông đã xét lại (bài :”Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế” của ông) thì ông DM vẫn còn bám lấy như là chân lý bất di bất dịch. Ông Kiệt tiến cùng với thời gian, còn với ông DM thì thời gian cứ tiến, cuộc sống cứ tiến, ông vẫn ở lại.
4/ Ông Kiệt có những câu nói được nhiều người nhớ :
- “Không ai chọn cửa mà sinh ra”
- “Có những sự kiện (như ngày 30-4), khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”
- "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".
Trưa 14-6, ở hội trường Thống Nhất, trong số những người đến viếng ông Kiệt người ta thấy có cả Nguyễn Cao Kỳ. Phải chăng vì ông Kiệt đã chìa bàn tay ra, đã tiến một bước, chân thành, vì vậy ông Kỳ cũng đã tiến một bước, đã đưa tay bắt ? Đâu phải ai chết đi cũng có thể khiến "kẻ thù" cũ cảm phục và đến chia buồn như ông?