Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

“Hãy cố yêu người mà sống”!


Đôi khi, trong đời, ta phải bám víu vào cái gì đó để tin, để sống. Đôi khi ta vẫn thường lặp đi lặp lại trong trí câu hát ấy của Vũ Thành An để tự nhủ mình rằng đời dù sao vẫn còn nhiều người tốt, đời vẫn còn rất nhiều điểm sáng.
Ta đâu hay, ở một nơi nào đó một bà bí thư thứ nhất đại sứ quán lại bị quay phim đang tham gia buôn lậu sừng tê giác, sau khi một tuỳ viên và một tham tán thương mại cũng ở sứ quán ấy đã bị cáo buộc có liên quan đế đường dây buôn lậu này. Là cán bộ ngoại giao, hơn bất cứ người dân thường nào, họ biết cần phải bảo vệ danh dự quốc gia, nếu không làm gì được để tăng uy tín đất nước thì cũng đừng làm gì để hình ảnh đất nước bị hoen ố; biết đất nước mình đã ký công ước quốc tế CITES về bảo vệ động vật hoang dã; biết sức mạnh của phong trào bảo vệ môi trường ở các quốc gia phát triển, vậy mà vì tiền họ vẫn không do dự làm nhục quốc thể.
Ta đâu hay, một phó giám đốc sở bị cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu đô la để tạo điều kiện cho một công ty nước ngoài trúng thầu môt loạt hợp đồng tư vấn trong các dự án vay vốn ODA. Nếu không bị lộ, hẳn là con đường hoạn lộ của ông vẫn thênh thang trong khi túi riêng vẫn nặng mà lại vẫn có thể đường hoàng rao giảng cho cấp dưới về đạo đức, về chống tham nhũng.
Mà cả hai trường hợp kể trên lại đều không phải do các cơ quan chống tham nhũng, buôn lậu trong nhà phát hiện mà do người ngoài phát hiện “giùm”!
Còn điều này thì ta hay nhưng đành bó tay: Mỗi ngày hàng triệu người dân thành phố này phải đổ ra đường để đến sở làm trong trạng thái mệt nhoài vì phải chen lấn do những lô cốt choán gần hết mặt đường ở hàng loạt con đường, từ tháng này qua tháng khác; chiều lại, lại tiếp tục chen lấn nhau trong khói bụi hoặc dưới mưa qua những đoạn đường khổ ải để về đến nhà trong trạng thái bơ phờ và căng thẳng. Báo chí có nói, dư luận có kêu thì cũng chỉ như nước đổ lá môn, dường như chẳng ai nghe thấy hoặc có nghe cũng thây kệ. Trong khi đó, một ông lãnh đạo một thành phố lớn khác để vài chục người dân phải thiệt mạng vì lụt lội, lại đổ cho dân “ỷ lại” (dù sau đó ông đã được tạo điều kiện để xin lỗi, trong khi có người lỡ lời còn không có được cái đặc ân này).
Sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và lòng tin của những con người phải một mình vật lộn với thiên tai cũng như của những con người ngày ngày bị hành hạ trên những con đường khổ ải như vậy hẳn phải bị bào mòn đi rất nhiều.
Còn trong xã hội, bao cảnh anh em chém nhau vì đất, hay nói như một nhà báo kiêm nhà văn rằng “đất lên, tình người xuống”; cháu giết bà, con đánh mẹ vì tiền; nhà giáo “chống tiêu cực” thì bị nhân viên cùng trường đang đêm tới nhà chửi bới, hành hung. Đến người trồng trọt một nắng hai sương vốn xưa nay chất phác là thế, nay cũng dám trồng thứ rau mà mình thì không dám ăn, trồng chỉ để bán cho người khác ăn…
Đôi khi ta phải tự hỏi mình có bi quan quá không? Cái nhìn có đen tối quá không? Nhưng những điều liệt kê, còn xa mới đầy đủ, ở trên đều có thực cả đấy chứ? Mà nào phải những sự thực xa xăm, lâu lắc gì! Chúng xuất hiện từ khá lâu rồi và vẫn còn lặp đi lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nhưng ta lại tự bảo mình: Hãy nhìn xung quanh mình xem, vẫn còn khối người tốt đấy chứ. Bạn bè mình, đồng nghiệp mình: anh A, anh B, cô C... vẫn tốt đấy chứ; thầy cô cũ của mình vẫn là những con người đáng kính; cả sếp của mình, ông D, bà H... cũng là những người tốt đấy chứ! Và cả những người không quen biết, chỉ gặp thoáng qua, có biết bao nhiêu người tử tế, cho mình cảm giác tin cậy! Phải, có không ít những con người như vậy xung quanh ta, và đó cũng là sự thực, nhưng sao điều đó vẫn không đủ sức xua tan cái cảm giác âu lo, bực bội, thiếu tin tưởng trong xã hội mà chỉ ai cố tình bịt mắt mới không nhìn thấy.
Vậy làm gì bây giờ? “Hãy cố yêu người mà sống” - ta vẫn thường mượn câu hát trên trong “Bài không tên số 5” của Vũ Thành An để tự nhủ đi nhủ lại với mình, như một sự bấu víu, rằng đời vẫn còn nhiều người tốt, còn nhiều điểm sáng. “Hãy cố yêu người mà sống” dù đời có qua lâu hay qua mau, bởi không yêu người, yêu đời nữa thì còn có lý do gì để sống? Biết thế, nhưng rồi mình lại phải tự “phản biện” với chính mình: Cố yêu người thì được rồi, dù người không phải lúc cũng dễ yêu, như khi ta bị một kẻ chạy xe ấu đâm ta té nhào rồi lại còn phải nghe một câu chửi thề ném lại phía sau: “Đồ mắc dịch!”, hay như khi ta cảm thấy bị phản bội.
Yêu người thì được, nhưng còn những gì đã đưa đẩy con người vào chỗ “khó yêu” đến thế - không chỉ là chuyện nhỏ nhặt đâm xe rồi buông một câu chửi rủa - liệu có yêu nổi không, có tiếp tục yêu được không?

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Trình diễn khi nước bắt đầu rút






Cũng lội nước đi thăm dân tình bị lụt khi nước đã bắt đầu rút, nhưng mặt mày Chủ tịch khá tươi cười, và có người mở đường, người dìu bước.(Ảnh: VnExpress)
Mấy ngày trước, giá có ai dìu bước cho dân, cho cô bé học sinh lớp 7 Vân Anh. Giá có ai mở đường cho dân giữa biển nước?
Giá mà Chủ tịch cứ lẳng lặng đến với dân bị lụt để xem họ thực sự xoay xở thế nào rồi về lẳng lặng ra lệnh cho cả bộ máy nhà nước dốc hết sức giúp dân, anh nào lơ mơ trừng phạt nặng thì dân sẽ âm thầm tri ân trong lòng biết mấy. Chứ đi mà tiền hô hậu ủng, phán vài ba câu rồi hình ảnh tràn ngập tivi và báo mạng như trình diễn thế này, e phản tác dụng.


Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2008

CẦN NHÀ NƯỚC MẠNH LẪN XÃ HỘI DÂN SỰ MẠNH


Để bảo vệ môi trường sống của cộng đồng cho cả hôm nay và mai sau trước những hành vi hủy hoại môi trường kiểu Vedan, Hyundai-Vinashin và cả những doanh nghiệp chưa bị phát hiện; để bảo vệ người tiêu dùng trước những mánh khóe gian lận thương mại kiểu như những cây xăng sử dụng công nghệ để móc túi người tiêu dùng và những công ty dù biết sản phẩm mình đang bán là độc hại vẫn tìm cách tuồn ra thị trường, cần cả hai cái trên - một nhà nước mạnh lẫn một xã hội dân sự (xã hội công dân) mạnh.
Một nhà nước mạnh là một nhà nước mà công chức - những công bộc của dân - có ý thức, biết và dám chủ động bảo vệ luật pháp, đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên hết. Nói có ý thức là bởi những vụ vi phạm về môi trường kéo dài và chỉ được vạch trần gần đây cũng như những vụ xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng kéo dài dường như cho thấy ý thức nói trên đang rất thiếu vắng. Nói biết là bởi, trong nhiều trường hợp, công chức có trách nhiệm cần phải cân phân giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích của số ít người và lợi ích của số đông. Nói dám là bởi trong không ít trường hợp, trong thực tế, người công chức làm đúng theo chức trách và lương tâm chưa chắc được tưởng thưởng mà lắm khi ngược lại, còn người nhắm mắt cho qua đôi khi lại thu được lợi từ những kẻ cố tình vi phạm pháp luật. Một nhà nước mạnh không cho phép công chức của mình, khi sự việc vỡ lở, có thể trốn chạy trách nhiệm bằng cách đổ thừa cho thiếu năng lực, bởi cho đến khi sự việc vỡ lở anh ta vẫn tự cho rằng mình có năng lực đảm đương nhiệm vụ, bằng không đã phải xin từ chức. Nếu không phải do năng lực mà do bị ngáng trở trong việc thực hiện nhiệm vụ, anh ta phải biết kiến nghị lên cấp trên giải quyết, nếu không được giải quyết thì vì ý thức trách nhiệm trước người dân, trước pháp luật và vì lòng tự trọng do không hoàn thành nhiệm vụ, ít nhất anh ta phải có năng lực xin từ chức. Tiếc thay, điều này còn hiếm trong bộ máy nhà nước của ta.
Tuy nhiên, cho dù bộ máy nhà nước có mạnh đến đâu vẫn không thể thay thế được những sáng kiến và hành động chủ động của các công dân, của xã hội dân sự trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Bởi hơn ai hết, là người dân bình thường, là người tiêu dùng bình thường, họ là người đầu tiên phải hứng chịu tác hại của việc hủy hoại môi trường hoặc của những hành vi, mánh khóe gian lận thương mại. Thực tế, dù thừa nhận hay không thừa nhận, trong xã hội đã hình thành những nhóm lợi ích khác nhau và những công bộc của dân, ngay cả trong trường hợp không bị một bên có thế và lực nhiều hơn chi phối hoặc mua chuộc, có lúc cũng không biết cân phân đâu là lợi ích lớn hơn của xã hội, đâu là lợi ích của chỉ một nhóm. Do vậy, thiết chế chính trị, luật pháp rất cần trao cho các hiệp hội, các nhóm … của xã hội dân sự quyền được chủ động có sáng kiến, kể cả sáng kiến lập pháp, và hành động, kể cả hành động pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu không, có nguy cơ bộ máy nhà nước, các công bộc của dân chỉ nghe thấy tiếng nói của một bên, của những nhóm lợi ích mạnh hơn, có thế và lực hơn.

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2008

Muốn đối thoại, phải hiểu đúng ý người đối thoại

Không bàn khởi nguyên sự việc đúng hay sai (và thực tế tôi cũng chẳng thích cái kiểu đòi đất như vậy), nhưng tách một số từ khỏi văn cảnh phát biểu của một người, cố ý hiểu sai tinh thần phát biểu của người ấy rồi tất cả cùng xúm lại lên án người ấy (ở đây là ông Ngô Quang Kiệt, TGM Hà Nội), hơn nữa lại về một chủ đề quá ư nhạy cảm, liệu báo chí truyền thông đã khách quan, trung thực với ngòi bút của mình? (Tất nhiên tôi hiểu, báo chí phải làm theo chỉ đạo). Ngoài ra, tấm hộ chiếu là do một nhà nước cấp, một nhà nước với một dân tộc là khác nhau, một nhà nước thì hữu hạn còn dân tộc thì trường tồn, cho nên cầm tấm hộ chiếu do một nhà nước cấp mà người ta thấy xấu hổ thì không đồng nghĩa với việc người ta xấu hổ về dân tộc mình, phản bội dân tộc mình. Ở đây tôi cũng không bàn chuyện ông Kiệt cảm thấy "nhục nhã" khi cầm tấm hộ chiếu của nhà nước Việt Nam hiện tại là đúng hay sai, tôi chỉ muốn nói phải hiểu đúng ý ngưới phát biểu, tiền đề cho mọi cuộc đối thoại. Quy chụp không phải là cách để thu phục lòng người, mà nhà nước ta hơn lúc nào hết rất cần thu phục lòng người.
Đụng tới những chuyện nhạy cảm như thế này, chỉ mong mọi người giữ được sự khách quan, để cho cảm tính và định kiến chi phối sẽ chẳng có lợi cho ai, cả cho dân tộc này.

Về vấn đề này, có blog của Vũ Hoàng Linh (http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1) mà tôi đoán chắc không phải là một người Công giáo, khá hay, thể hiện một thái độ và một phương pháp khách quan, trung thực rất đáng trọng.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2008

Hình ảnh quốc gia!!!

Hết Nhật khởi tố công ty PCI của họ đến Mỹ khởi tố công ty Nexus của họ vì đã hối lộ quan chức Việt Nam để đổi lấy hợp đồng. Việt Nam thì ngoài một vài tuyên bố yếu ớt, chẳng thấy có hành động gì nhằm điều tra sự việc. Chẳng lẽ việc nước ngoài khởi tố công dân của họ đưa hối lộ quan chức Việt Nam chưa đủ là "dấu hiệu" tham nhũng để ít nhất là tiến hành điều tra.
Hết vụ tham nhũng này đến vụ tham nhũng khác, thật "đẹp" cho hình ảnh quốc gia!

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Không còn là thì tương lai

Việc một số hãng tàu nước ngoài mới đây từ chối vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu qua sông Thị Vải đến cảng Gò Dầu cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nằm dọc đoạn sông này, vì theo họ, nước sông ô nhiễm nặng khiến vỏ tàu bị ăn mòn, đã cho thấy tác hại nghiêm trọng của nạn ô nhiễm môi trường đối với không chỉ đời sống người dân mà ngay cả đối với sản xuất. Hậu quả của ô nhiễm không còn là câu chuyện ở thì tương lai, với người phải trả giá là con cháu chúng ta theo như cách nói quen thuộc lâu nay, mà đã xảy ra nhãn tiền, ngay trước mắt người đang sống hôm nay. Điều trớ trêu là chính các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lại trở thành nạn nhân của nạn ô nhiễm do chính mình gây ra. Một câu hỏi đặt ra: với cách thức sản xuất không màng tính đến hệ quả đối với môi trường của khá đông doanh nghiệp hiện nay, liệu những gì sản xuất ra có đủ bù đắp thiệt hại gây ra cho môi trường sống và chi phí để giải quyết hậu quả ô nhiễm ?

Chưa ai tính ra một cách tương đối đầy đủ những con số này. Chưa ai tính ra con số thiệt hại từ các cơn lũ quét, lũ ống xảy ra ngày càng dày do rừng bị triệt hạ; chưa ai tính ra những con số thiệt hại về người và của do sản xuất hóa chất gây ra cho những “làng ung thư”; chưa ai tính ra những thiệt hại mà nông dân nuôi tôm cá bên những con sông, những dòng kênh bị nước thải công nghiệp giết chết, phải hứng chịu; chưa ai tính ra những chi phí chữa bệnh, phục hồi sức khỏe mà người dân nạn nhân của ô nhiễm công nghiệp và ô nhiễm đô thị phải bỏ ra. Ngay như đề xuất cứu sông Thị Vải bằng cách đào một con kênh dài 14-16 kilômét nối từ con sông này qua sông Đồng Nai của Cảng vụ Bà Rịa Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai không biết sẽ tiêu tốn hết bao nhiêu tiền và liệu có giải quyết được căn cơ tình trạng ô nhiễm hay không.

Thiết tưởng đã đến lúc phải tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu về môi trường để cả xã hội cũng như doanh nghiệp có đầy đủ thông tin và ý thức được một cách rõ ràng cái giá phải trả cho việc tăng trưởng mà hy sinh môi trường, cũng như tăng cường năng lực và quyền hạn cho Thanh tra môi trường và Cục Cảnh sát môi trường trong việc xử lý kiên quyết hơn các vi phạm. Bởi, chẳng hạn với sông Thị Vải, từ nhiều năm nay báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để báo động về mức độ ô nhiễm của con sông này nhưng mọi việc đâu vẫn hoàn đấy và tình trạng ô nhiễm chỉ ngày càng tồi tệ hơn. Cách đây ba năm, vào tháng 12- 2005, một số hộ dân thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nuôi tôm cá bên con sông này, sau một đêm thức dậy, đã trở nên trắng tay vì cá tôm chết trắng do nước sông, thiệt hại cả trăm triệu đồng mỗi hộ. Báo chí đưa tin rồi mọi việc sau đó lại rơi vào im lặng. Không thể tiếp tục duy trì tình trạng doanh nghiệp sản xuất được lợi còn nông dân và những thành phần khác phải gánh chịu hậu quả. Đó là chưa nói, đến một lúc nào đó chính những doanh nghiệp này cũng có thể phải gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra, như việc hãng tàu nước ngoài từ chối vận chuyển hàng vào cảng Gò Dầu nói ở trên.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008

Những điều khó hiểu quanh vụ PCI


Quanh vụ scandal công ty tư vấn Nhật PCI được cho là đã hối lộ quan chức Việt Nam để giành được hợp đồng tư vấn hai dự án lớn ở TPHCM, có nhiều điều khó hiểu quanh phản ứng của phía Việt Nam. Nói “được cho là” bởi tòa án Nhật cũng như tòa án Việt Nam chưa xử những người liên quan, tuy thật ra viện công tố Nhật đã khởi tố, bắt giam những người liên quan ở PCI và những người này đã thú nhận khá nhiều vi phạm (pháp luật Nhật) cũng như khai ra tên quan chức Việt Nam mà họ nói họ đã đưa hối lộ.
Điều khó hiểu về phía Việt Nam là:
1) Cho tới nay, cơ quan điều tra vẫn chưa vào cuộc mặc dù lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn tuyên bố coi chống tham nhũng là một ưu tiên hàng đầu và ban chỉ đạo chống tham nhũng có đủ ban bệ từ cấp trung ương tới tỉnh thành. Điều mà người dân mong đợi là mỗi khi nghe có nguồn tin báo xảy ra tham nhũng ở đâu đó, cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc, còn kết quả điều tra sau đó cho thấy nghi vấn đúng hay không là chuyện khác, nhưng điều mong đợi đó đã không xảy ra. Trung ương chỉ yêu cầu TPHCM kiểm tra, báo cáo, và kết quả là Sở Kế hoạch Đầu tư và Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây TPHCM – chính cái ban quản lý mà người lãnh đạo của nó bị người của công ty PCI khai là nhận 820.000 USD tiền mặt trao tay để được tạo điều kiện trúng thầu – báo cáo rằng việc tổ chức đấu thầu đã diễn ra theo đúng luật pháp Việt Nam.
2) Rất nhanh chóng, ngay từ khi những thông tin về vụ này mới lộ ra trên báo chí, lãnh đạo TPHCM đã có công văn gửi trung ương đề nghị không cho báo chí nói gì về vụ này. Tại sao lãnh đạo TPHCM phải làm như vậy? Giả sử việc nhận tiền của PCI chỉ liên quan tới một vài cá nhân tầm tầm nào đó, lãnh đạo TP sẽ hoàn toàn có lợi khi để cơ quan pháp luật điều tra tới nơi tới chốn, có mất cũng chỉ mất vài người mà TP lại ghi điểm và được tiếng kiên quyết chống tham nhũng. Nhưng xét mức độ phản ứng nhanh chóng của TP trong việc đề nghị trung ương cấm báo chí nói về vụ việc, có lẽ giả định trên là sai. Một giả định khác là lãnh đạo TPHCM sợ nếu vụ này nổ lớn ra sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm mà TP đang rất cần. Nhưng sợ như vậy e rằng là không hiểu về cơ chế làm việc của nước ngoài: với họ, ai sai thì người ấy chịu trách nhiệm, còn công việc thì vẫn cứ phải tiến hành, không phải như ở ta, một trưởng phòng đi vắng là cả phòng tê liệt; mặt khác, dù báo chí Việt Nam không đề cập (vì không được phép), liệu có thể cấm báo chí Nhật, báo chí nước ngoài đề cập, liệu có thể bịt mắt được dân Nhật là những người đóng thuế để chính phủ của họ có tiền cho vay ODA? Thế thì vì sao lãnh đạo TP phải mau chóng đề nghị trung ương bịt miệng báo chí vậy? Một câu hỏi cho tới nay chưa có câu trả lời và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời trừ phi mọi chuyện được làm sáng tỏ tới cùng.
3) Tin báo chí đưa nói là ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng ngoại giao trả lời báo chí về vụ này, nhưng thực ra đọc hết bản tin nào có thấy tờ báo nào đặt câu hỏi nào? Thực chất đó là một bài viết của ông Sơn đưa cho TTXVN đăng nhưng khoác áo một cuộc trả lời báo chí. Chuyện thường tình ở xứ ta. Bản tuyên bố của ông Sơn thể hiện quan điểm của chính phủ Việt Nam về nghi vấn PCI hối lộ quan chức Việt Nam. Ở đây thôi không bàn về các nội dung khác trong tuyên bố của ông Sơn mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều khó hiểu: là nhà ngoại giao, ông Sơn chẳng lẽ thiếu hiểu biết về thể chế chính trị và định chế báo chí của các nước phương Tây (về mặt thể chế chịnh trị Nhật cũng không khác các nước phương Tây) đến mức có thể đề nghị đại sứ Nhật tại Việt Nam và chính phủ Nhật yêu cầu báo chí Nhật thôi không đề cập đến vụ này mà đợi đến khi có kết luận cuối cùng rồi hãy đưa tin, kẻo làm tổn hạy quan hệ giữa hai nước (!?). Nhật làm gì có ban tuyên giáo và bộ thông tin “vạch lề phải cho báo chí” để ra lệnh cho báo chí làm chuyện đó. Báo chí là của tư nhân, về nguyên tắc là độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước độc giả (và tất nhiên cả luật pháp). Họ còn phê phán cả thủ tướng nữa là! Chưa nói như ở Mỹ (Bill Clinton) hay Pakistan gần bên ta (Musharaf), tổng thống của họ còn có thể bị quốc hội luận tội như chơi!

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

Bỏ công sang tư - rồi sao ?

Dư luận báo chí gần đây tỏ ra quan tâm nhiều, đôi lúc với giọng báo động, về hiện tượng hàng loạt công chức xin nghỉ việc để chuyển qua làm trong khu vực tư nhân. Trong số đó có không ít người giữ cương vị lãnh đạo của các sở, ban, ngành, là chuyên viên có năng lực, có bằng cấp. Có người đã gọi đó là sự “chảy máu chất xám”. Chưa vội bàn xem có nên gọi đó là “chảy máu chất xám” hay không khi chất xám chẳng chảy đi đâu ra ngoài Việt Nam mà chỉ dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác và vẫn đóng góp cho nền kinh tế, điều đầu tiên cần xem xét là nguyên nhân và ý nghĩa của hiện tượng này.
Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế chúng ta hiện đã là một nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực kinh tế nhà nước không còn một mình một chợ. Khu vực kinh tế tư nhân, tuy còn bị lép vế trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển, vẫn đang ngày càng lớn mạnh, hiện đóng góp đến gần 50 % tổng sản phẩm trong nước và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn dân số đến tuổi lao động hàng năm. Hàng tuần có hàng trăm doanh nghiệp cổ phần và tư nhân mới ra đời. Khu vực tư nhân cũng đang cần lao động có tay nghề, cần chuyên viên, cần chất xám; lại năng động hơn, sẵn sàng cạnh tranh hơn, cả trong sản xuất kinh doanh lẫn trong tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực.
Trong khi đó, khu vực nhà nước, bao gồm cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước, một mặt hầu như không thu hút thêm lao động, mặt khác do cơ chế chính sách lại không sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực hiện có. Lương thấp, đãi ngộ không xứng đáng; ít có điều kiện được đào tạo, được thăng tiến về nghề nghiệp; môi trường làm việc thiếu sáng tạo, ít được chủ động, đó là chưa kể nạn bè phái, kèn cựa, mất đoàn kết, đấu đá nội bộ, trù dập người có năng lực và ngay thẳng trong không ít cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước khiến người trí thức, chuyên viên có lòng tự trọng phải nản lòng.
Trong bối cảnh đó, sự dịch chuyển lao động và chất xám từ khu vực công sang khu vực tư là tất yếu và lành mạnh, đem lại sự cạnh tranh trên thị trường lao động. Nó vừa có lợi cho người lao động lại vừa là động lực để các khu vực khác nhau của nền kinh tế phải tự đổi mới, tự cải tiến mới mong thu hút được người giỏi.
Tất nhiên, đó là một thách đố đối với khu vực công vốn đang trầy trật với công cuộc cải cách hành chính, cải cách và tinh giản bộ máy, nhưng đó là một sự thách đố, một sức ép cần thiết để khu vực công phải nhanh chóng thay đổi cơ chế chính sách trong công tác tổ chức nhân sự. Làm sao để bộ máy công quyền vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả; làm sao để cơ quan công quyền không còn là nơi người ta gửi gắm con cháu không làm được việc, nơi người ta nương thân chờ thời hoặc mượn danh để chạy chọt làm ăn bên ngoài mà phải là nơi làm việc của những người có năng lực, có ý nguyện, tâm huyết phục vụ nhân dân thực sự và được trả lương tương xứng để làm việc – đó là đích đến.

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2008

"Bí cháo"

@ Tuổi Trẻ, tờ báo từng được xem là một trong những tờ đi hàng đầu trong công cuộc đổi mới. Giờ nó chỉ còn là cái bóng mờ của chính nó thời đầu đổi mới. Một cán bộ quản lý của tờ báo sáng nay nhắn tin cho biết phóng viên mất hết tinh thần, cả buổi sáng chẳng làm được việc gì cả. Chẳng là, thêm một phó tổng biên tập tờ báo vừa bị cách chức, rút thẻ nhà báo, cấm vĩnh viễn làm nghề báo. Những từ ngữ như "xã hội công bằng, dân chủ...", "nhà nước pháp quyền", "phản biện"... phải chăng chỉ là những mỹ từ? Thân phận báo chí "công cụ" là thế. "Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao", chợt nhớ câu thơ Nguyễn Du.

@ Thật ngộ: Nhật, Hàn tranh chấp nhau cái đảo Dokdo (Hàn) tức Takeshima (Nhật) bé xíu, nhìn chỉ thấy toàn đá là đá thì báo chí ta đưa ào ào, còn chuyện mình - hợp tác khai thác dầu trên lãnh hải của mình, bị kẻ khác thọc gậy bánh xe, giành giật - mà vẫn phải im thin thít. Chính sách thông tin gì lạ vậy?

@ Hết hoa hậu hoàn vũ, giờ tới "sao Brazil" Ronaldinho. Tất cả đều thành tin bài "vedette" trên hầu hết các báo. Nước mình chắc thành thiên đường rồi, chẳng còn chuyện gì đáng phải lo, phải bàn nữa nên những tin "ăn chơi nhảy múa" như thế giờ đều thành tin bài "vedette".

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2008

HOÀNH TRÁNG !


Không biết tự bao giờ hai từ “hoành tráng” từ lĩnh vực nghệ thuật, lĩnh vực của cái đẹp (cảnh tượng hoành tráng, sân khấu hoành tráng, bộ phim hay bộ sử thi hoành tráng, …) đã đi vào ngôn ngữ đời thường, kể cả ngôn ngữ nhậu nhẹt hôm nay. Nói nhậu “hoành tráng” tất nhiên là nói vui, nhưng không hẳn chỉ là vui. Nhậu hoành tráng cũng có nghĩa là thịt thà tôm cá phải ê hề, rượu bia phải chảy như suối, ăn không hết bỏ phí đầy bàn cũng chẳng sao. Thế mới hoành tráng! Thế mới là biết chơi. Thế mới không thua kém ai, không mất mặt. Đằng sau ước muốn hoành tráng có khi là sự hiếu khách nhưng cũng lắm khi là bệnh sĩ. Vì sĩ, người ta không ngại hoang phí dù sau đó có phải lấy chỗ này đắp chỗ kia.
Nhưng hoang phí trong mấy bữa nhậu dù sao cũng là chuyện nhỏ so với những thứ hoành tráng và hoang phí khác. Hoành tráng dường như đã trở thành một xu hướng không thể cưỡng nổi ở ta, trong mọi thứ, đặc biệt là trong xây dựng, trong kiến trúc. Phải chăng cũng vì bệnh sĩ, vì con gà tức nhau tiếng gáy? Nếu đúng vậy thì đây chính là vấn đề tâm lý dân tộc mà những nhà cổ xúy “bản sắc dân tộc” cần quan tâm. Ta thích cái gì cũng phải hoành tráng, phải to, phô trương về hình thức, nhưng đi vào nội dung, chi tiết, công năng, chất lượng, hiệu quả sử dụng thì cẩu thả, kém cỏi. Như một nghịch lý buồn cười: có nhiều trường học, nhiều trung tâm y tế mới xây hoành tráng ở địa phương này, địa phương khác trên đất nước này không có cả nhà vệ sinh cho học sinh, cho bệnh nhân. Như những khu đô thị tưởng như bê nguyên xi đâu đó từ bên trời Tây về đặt “hoành tráng” và hợm hĩnh giữa những thửa ruộng, những ao rau muống... Nhiều kiến trúc sư từng thấy xốn mắt trước “bầy ngựa đen trên bầu trời Thăng Long” ở một khu đô thị mới nằm ở cửa ngõ Hà Nội. Tôi cũng từng đi qua trung tâm Yên Bái, một thị xã vùng cao, và thấy ở đó những công thự như được bê nguyên xi từ một nước châu Âu mấy thế kỷ trước về cắm ở đây, chẳng ăn nhập gì với khung cảnh xung quanh. Hẳn những cơ quan, những vị lãnh đạo địa phương đã vô cùng mãn nguyện trước vẻ hoành tráng của những trụ sở cơ quan đó.
Và, không biết có nước nào như nước ta, lấy làm tự hào về thủ đô mình lớn …thứ 17 thế giới. Còn trong cái thủ đô lớn thứ 17 thế giới ấy người dân sống như thế nào, chất lượng sống ra sao, hạ tầng đô thị có tốt không, đi lại có thuận tiện không, cảnh quan môi trường có tốt cho cuộc sống cư dân hay không… dường như chẳng mấy ai quan tâm. Ở các nước, hình như người dân và lãnh đạo người ta chỉ tự hào về thành phố này thành phố nọ của họ đẹp, chưa từng thấy ai tự hào thành phố của họ to.
Bởi to chưa chắc đã đẹp. Trong xây dựng đô thị, thế giới đang đặt trọng tâm vào chất lượng sống hơn là vào diện tích, đô thị có thể nhỏ nhưng chất lượng sống phải cao. Chất lượng từ khâu quy hoạch không gian đến hạ tầng cơ sở, từ sự hợp lý, thuận tiện trong giao thông đi lại đến sự thoải mái trong cuộc sống của người dân; chất lượng từ cảnh quan môi trường đến tổ chức đời sống văn hóa… "Small is beautiful" – nhỏ là đẹp, chẳng phải ngẫu nhiên mà trên thế giới đã xuất hiện một trào lưu như vậy, cả trong xây dựng kiến trúc, cả trong thiết kế chế tạo các thiết bị, vật dụng, như ôtô con phải compact, vừa nhỏ gọn, ít choán chỗ đậu xe trong những đô thị ngày càng chật chội, vừa tiết kiệm nhiên liệu.
Phải mất nhiều năm thế giới mới nhận ra những vấn nạn của những siêu đô thị, những megacity. Thế giới đang từ bỏ bệnh đô thị to đầu, còn ta thì đang hăm hở lao vào, ôm lấy, tự hào. Thật buồn cười cho cái logic mà một vị lãnh đạo chính phủ đưa ra để thuyết phục Quốc hội thông qua chủ trương mở rộng Hà Nội, rằng thì là dân số Việt Nam đến năm ấy, năm ấy sẽ là từng ấy, từng ấy triệu dân, vì vậy thủ đô phải rộng chừng ấy, chừng ấy. Cứ theo logic đó thì Bắc Kinh và New Dehli sẽ phải là hai thủ đô lớn nhất thế giới vì dân số hai nước Trung Quốc và Ấn Độ vượt xa các nước còn lại. Bắc Kinh và New Dehli phải vượt gấp nhiều lần Tokyo hay Mexico City theo tỷ lệ so sánh dân số, mặc dù Tokyo và Mexico City đã là hai đại đô thị với bao nhiêu vấn nạn. “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” không có nghĩa là xây dựng những đại đô thị; thành phố to đẹp hơn cũng không nhất thiết hàm ý phải lớn về diện tích mà vô hồn, mà không thân thiện với cư dân của nó.
Tất nhiên, có những cái cần to, như hệ thống xa lộ hoặc các trường đại học, những thứ thể hiện trình độ phát triển của một quốc gia. Nhưng đây lại là những thứ mà ở ta ít được quan tâm, hoặc có vẻ quan tâm nhưng biện pháp thực hiện lại chẳng tới đâu.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2008

Trung Quốc lại cản trở Việt Nam hợp tác khai thác dầu

Hồi 2007 hãng BP của Anh cũng vì sức ép của TQ mà rút khỏi hợp đồng thăm dò dầu khí với VN trên vùng thềm lục địa VN ở Biển Đông. Lần này đến lượt ExxonMobil của Mỹ bị gây sức ép. Cơ sở đâu để TQ làm như vậy? Chính là dựa trên cái bản đồ Biển Đông mà họ vẽ ra với biên giới trên biển của họ như cái lưỡi bò liếm gần hết cả Biển Đông. Liệu ExxonMobil có dám hy sinh quyền lợi của họ ở thị trường TQ để hợp tác với VN ?
Xem bài trên BBC:

Cty Mỹ bị cảnh báo vì hợp tác với VN



Bắc Kinh yêu cầu công ty ExxonMobil rút khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam vì cho rằng dự án xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong dẫn các nguồn tin thân cận với công ty dầu khí Mỹ cho biết rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Washington nhiều lần lên tiếng phản đối với các lãnh đạo của ExxonMobil thời gian qua.

Họ cũng cảnh báo rằng các hoạt động kinh doanh của công ty dầu khí hàng đầu thế giới ở Trung Hoa đại lục có khả năng gặp rủi ro vì thỏa thuận này.

Một nguồn tin nói với tờ báo: “Nếu đó là vấn đề pháp lý đơn thuần, mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng sự việc còn mang tính chính trị”.

“Quan ngại của Trung Quốc khiến tình hình trở nên phức tạp hơn đối với một công ty như Exxon. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành dầu mỏ quốc tế”.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam, PetroVietnam và ExxonMobil đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc thăm dò ở vùng biển Đông ngoài khơi bờ biển miền nam và trung Việt Nam.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng không nói rõ là hai bên ký thỏa thuận này khi nào.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, ExxonMobil và PetroVietnam đã ký thỏa thuận khung về hợp tác tại khu vực biển Đông trong khuôn khổ chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ tháng trước.

‘Không thể phớt lờ’

Tờ báo của Hong Kong dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết rằng ExxonMobil tự tin về chủ quyền của Việt Nam ở một số lô mà công ty này sẽ thăm dò, nhưng cũng đồng thời không thể phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng được trích lời nói rằng mọi hợp tác của Hà Nội với các đối tác dầu khí nước ngoài là quyền của Việt Nam.

Khu biển xung quanh quần đảo Trường Sa đang được sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại đây.

Tập đoàn BP của Anh đã quyết định thôi thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam hồi tháng 6/2007 trước sức ép từ Bắc Kinh.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, từng cho BBC biết rằng Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ qua đại sứ quán tại nhiều nước phương Tây vốn có dự án dầu khí với Việt Nam nhằm buộc họ ngừng hợp tác với Hà Nội.

Theo các nhà quan sát, tranh chấp biển ở khu vực Trường Sa và Hoàng Sa khiến Bắc Kinh và Hà Nội ‘bằng mặt nhưng không bằng lòng’.

Địa chỉ trang web:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080720_exxonmobil_warning.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080722_china_exxon.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080722_arthur_waldron_interview.shtml

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2008

CẦN LIỀU THUỐC ĐẮNG!

Những con số tổn thất, lãng phí trong lĩnh vực chi tiêu công và trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do Kiểm toán nhà nước công bố hôm 1-7 vừa qua, dù chưa đầy đủ (mới chỉ là kết quả kiểm toán ở một số địa phương, một số bộ ngành, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước) và dù chẳng còn khiến ai ngạc nhiên, nhưng một lần nữa vẫn làm chúng ta đau. Đau vì năm này qua năm khác ngân sách quốc gia tiếp tục bị phung phí do sự chi tiêu vô tội vạ của không ít tổ chức, cơ quan nhà nước. Đau vì nền kinh tế và người dân tiếp tục phải trả giá cho phần lớn tài nguyên vật lực, tài sản quốc gia do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ mà kinh doanh lỗ lã và những khoản đầu tư tốn kém do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiến hành mà hiệu quả mang lại không tương xứng và lại là một trong những nhân tố gây ra nạn lạm phát hiện nay.
Thất thoát ngân sách, lạm chi, chi sai…, Nhà nước không phải không ý thức rõ thực trạng có thể nói là phổ biến này nhưng rõ ràng là cho tới nay vẫn chưa tìm ra phương sách ngăn chặn có hiệu quả, mặc bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết, bao nhiêu cuộc vận động. Phải chăng cần tìm đúng nguyên nhân và phương thuốc chữa trị ở chính cơ chế hoạt động của bộ máy?
Với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vấn đề dường như lại là sự ưu ái quá đáng, sự nương tay quá đáng, là sự tin tưởng chưa được thực tế chứng minh, là sự lưu luyến cái khả năng, cái “sức mạnh can thiệp thị trường” của những “quả đấm” này. Thực tế, như nhiếu chuyên gia kinh tế và tổ chức tư vấn đã chứng minh, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước chẳng những không đóng được vai trò đầu đàn lôi kéo các doanh nghiệp khác thâm nhập thị trường thế giới khi cơ hội mở ra với việc Việt Nam gia nhập WTO mà ngược lại còn quay ra cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa khác ngay trên sân nhà trong những lĩnh vực vốn không phải thế mạnh của họ; không chứng tỏ được sức mạnh can thiệp thị trường của mình, ngược lại còn tước đi của những doanh nghiệp khác cơ hội phát triển khi được ưu ái ban phát hầu hết tài nguyên, nguồn vốn của nền kinh tế. Chiếm nhiều tài nguyên, nhiều nguồn lực, đầu tư nhiều mà hiệu quả không tương xứng, khó khăn cho nền kinh tế mà các đơn vị này mang lại như chúng ta đang phải chứng kiến, là tất nhiên.
Như vậy, với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phương thuốc phải chăng là trước hết dứt khoát với sự vương vấn về “sức mạnh can thiệp thị trường” của chúng, sau đó là buộc chúng hoạt động theo cơ chế thị trường, phải trả chi phí thị trường cho những khoản đầu tư của mình, không ưu ái, không bảo lãnh, buộc chúng phải cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đó là một liều thuốc đắng đối với những hy vọng ấp ủ lâu nay, nhưng tình hình hiện nay đã cho thấy đó là liều thuốc cần uống để chữa trị những khuyết tật mang tính cơ cấu của nền kinh tế, để thoát khỏi cái bẫy một nền kinh tế kém hiệu quả, để phát triển bền vững và cũng chính là để các tập đoàn, tông công ty nhà nước thực sự mạnh lên qua thử thách trong cạnh tranh bình đẳng.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

Chỉ đạo bằng tin nhắn

Ban Tuyên giáo bây giờ có kiểu chỉ đạo mới với báo chí. Hễ có chuyện gì, chẳng hạn cấm đăng cái này, không được đăng cái kia... là nhắn tin vào điện thoại di động của các tổng biên tập báo. Có tổng biên tập than: nhiều lúc nhận tin nhắn mà không biết ai nhắn. Rồi phân vân: nếu không đăng tin này, lỡ ngày mai báo khác đăng thì sao? Hoặc: nếu đăng, ngày mai các báo khác đều im thì ...chết.
Làm tổng biên tập bây giờ khổ thật.

Trung Quốc -Việt Nam và đuốc Olympics

Một nguồn tin cho biết, lúc bàn thảo kế hoạch rước đuốc Olympics ở TPHCM, phía VN đưa ra yêu cầu gì TQ cũng gật. Thế nhưng lúc vào cuộc thực sự thì TQ đưa ra đủ thứ yêu cầu, đòi hỏi trịch thượng, như đòi một phó thủ tướng VN tiếp nhận đuốc từ tay đại sứ của họ; không được thì quan chức của họ gọi điện thoại cầm tay thẳng cho quan chức của ta, làm như quan chức VN là thuộc cấp của họ. Ngoại trưởng TQ gọi điện thẳng cho PTT kiêm ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm; người của lãnh sự quán của họ gọi điện thẳng cho phó giám đốc sở ngoại vụ TPHCM…

Sao có thể như thế nhỉ?

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2008

Một bài thơ 37 năm trước

Bài thơ “Lời tạ lỗi cùng thầy” này tôi làm năm 1971, lúc 21 tuổi, đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn, năm thứ hai. Đó là năm Nguyễn Văn Thiệu tổ chức bầu cử tổng thống độc diễn. Phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu của SVHS và các tầng lớp khác ở đô thị dâng cao. Chế độ buộc phải trả tự do cho một số SVHS đã bị bắt, như Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Văn Đầy, Trần Văn Long, Nguyễn Tuấn Kiệt, v.v…Tôi vừa tham gia phong trào SV ở Đại học Văn khoa, vừa đi với nhóm TNSVHS Đòi Quyền Sống Đồng Bào đốt xe Mỹ, rải truyền đơn chống Mỹ-Thiệu, vừa tham gia phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo) lúc đó cũng bị cuốn theo phong trào SVHS. Bài thơ ra đời trong bối cảnh như vậy, đầu tiên được đăng trong báo Chọn của phong trào Thanh Lao Công, sau đó được đăng lại trong tạp chí Nhà Chúa của LM Nguyễn Huy Lịch, người có cảm tình với SVHS tranh đấu.
Đi theo con đường của bài thơ, tháng 4 năm 1972 sau một cuộc xuống đường rải truyền đơn chống Mỹ - Thiệu ở Ngã Sáu Sài Gòn (xung quanh tượng Phù Đổng Thiên Vương), tối đến tôi và một số anh em phong trào Đòi Quyền Sống Đồng Bào bị cảnh sát Sài Gòn vây bắt tại trụ sở Thanh Lao Công (370 Lê Văn Duyệt, bây giờ là Cách Mạng Tháng Tám, trụ sở báo Công giáo và Dân tộc). Tôi ở tù cho đến ngày giải phóng, 30-4-1975. Sau ngày giải phóng tôi mới biết, sau khi tôi bị bắt báo Le Monde của Pháp đã đăng bản dịch bài thơ này của tôi, có lẽ là do ai đó ở tạp chí Nhà Chúa đã dịch và gửi cho họ. Sau 30-4-1975 bài thơ được chọn đăng lại trong cuốn sách truyền thống “Tiếng hát những người đi tới” của Thành Đoàn TPHCM. Và lần cuối cùng nó được đăng lại là trên báo Tuổi Trẻ ngày 28 tháng 3 năm 2005, năm kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam.

Lời tạ lỗi cùng thầy

Thưa thầy
Kỳ thi này có lẽ con sẽ rớt
Có lẽ con sẽ đi quân trường rồi có lẽ con sẽ cầm khí giới ngoại nhân bắn vào anh em con ở bên kia chiến tuyến
Nhưng thưa thầy con làm sao được
Con làm sao học được
Khi bạn bè con anh em con người người bị bắt
Bị tù đày bị tra tấn mà đôi mắt nai xoe tròn ngơ ngác vì không hiểu tại sao
Con xin tạ lỗi cùng thầy
Câu nói này con không làm sao nghe được, bài văn kia con không làm sao hiểu thấu
Khi ngoại nhân vẫn chìa súng cho anh em con hè nhau bắn giết
Khi vì những lý tưởng tự do cao đẹp họ vẫn giày xéo đất nước mình bằng gót giày sắt máu
Con xin tạ lỗi cùng thầy
Bài công dân này con không làm sao thuộc được, bài địa lý kia con không làm sao nuốt trôi
Khi con mường tượng trưa nay về nhà mẹ già con vẫn ốm o nằm đó
Và em con nheo nhóc đứa đòi cơm đứa đòi canh trong khi ba con gục đầu vào hai bàn tay rưng khóc
Con xin tạ lỗi cùng thầy
Có lẽ con chỉ còn một con đường lựa chọn
(Và con đường đó thì thầy dư biết là đầy gian lao nguy hiểm)
Thưa thầy đó là con đường Hòa Bình con đường Việt Nam.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2008

Báo chí được “chăm sóc” kỹ

Chưa bao giờ báo chí được “chăm sóc” kỹ như năm nay, mặc dù (hay chính vì?) có hai nhà báo đang phải ngồi tù vì vụ PMU 18. Từ bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đến Phó thủ tường Nguyễn Sinh Hùng trong cuộc gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí, Thủ tướng trong cuộc gặp ban biên tập Cổng thông tin điện tử Chính phủ, qua bí thư Thành ủy TPHCM khi đến thăm và chúc mừng báo SGGP và cuối cùng là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi trao giải báo chí quốc gia…tất cả đều, nhân “ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, vừa chúc mừng các nhà báo vừa “nhắc nhở” họ nhiều điều. Đó là chưa kể cuộc gặp trước đó của thường trực ban bí thư TTS với Hội nhà báo Việt Nam.
Tin tức, tường thuật về các sự kiện nói trên thì dài, ở đây chỉ cố gắng lượm lặt ra một số thông tin cụ thể và đáng chú ý :
- Hóa ra các thế lực thù địch vẫn đang âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với VN, và các nhà báo hãy coi chừng, chớ mà tiếp tay cho âm mưu ấy! Bây giờ viết gì cũng phải ngó trước ngó sau, ngó lên ngó xuống đấy!
- Hóa ra bây giờ mới biết một số cơ quan báo chí đã được chọn làm lực lượng chủ lực trên mặt trận tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và trên mặt trận đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Không biết rồi đây người dân sẽ đọc báo gì, chủ lực hay không chủ lực đây?
- Hóa ra Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người phát ngôn của Chính phủ. Vậy mà lâu nay, hình như không ai nhớ điều này nên gặp sự kiện gì lớn có liên quan đến họat động của chính phủ các nhà báo không biết bám lấy ông mà hỏi.
- Trong cuộc gặp của PTT NSH và lãnh đạo một số bộ ngành với lãnh đạo báo chí, PTT yêu cầu báo chí phải “tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận”. Cũng tại cuộc gặp này, ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ TTTT lại “đề nghị Chính phủ có hình thức nhắc nhở một số bộ, ngành chưa tiến hành họp báo định kỳ và cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời chỉ đạo phải cung cấp thông tin định kỳ hoặc trong trường hợp có những vấn đề bức xúc, phải cung cấp các thông tin đột xuất” (Vietnamnet). Còn ông Cao Viết Sinh, thứ trưởng bộ KHĐT thì “dẫn lại khuyến cáo của các tổ chức quốc tế: "Yêu cầu Chính phủ thông tin cho dân chúng nhiều hơn để tạo niềm tin". Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào Chính phủ nhiều hơn so với niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong nước” (Vietnamnet). Nếu thông tin của hai ông thứ trưởng là đúng, chính xác thì báo chí làm sao có thể đáp ứng yêu cầu của ông PTT được nhỉ? Không có thông tin, làm sao “tạo niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và định hướng dư luận” ? Và nữa, vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại tin tưởng vào Chính phủ nhiều hơn so với niềm tin của doanh nghiệp và người dân trong nước? Phải chăng vì họ được thông tin đầy đủ hơn còn doanh nghiệp và người dân trong nước thì không đáng được như vậy?
- Đồng chí Lê Thanh Hài khẳng định, “thời gian qua, báo SGGP đã có nhiều cố gắng trong việc giữ vững tôn chỉ mục đích tờ báo, không ngừng cải tiến chất lượng thông tin và chuyển tải nhanh nhất, chính xác nhất thông tin đến với bạn đọc gần xa trong cả nước”. Có một “thắc mắc biết hỏi ai”: thế còn việc đưa tin về sự qua đời của đ/c Võ Văn Kiệt thì sao nhỉ? Có "nhanh nhất, chính xác nhất" không?
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin về việc Thủ tướng làm việc với BBT công thông tin, giật tít: “Nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho nhân dân”. Lại đụng phải cái ngắc ngứ ở điểm 4 và điểm 5 trên kia. Ngoài ra, trên cổng thông tin còn có bài “Nghề báo cần “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của tác giả Mai Hồng, dẫn phát biểu của nhiều nhà báo, tổng biên tập, mà người đọc không sao biết được là được thực hiện khi nào, trong hoàn cảnh nào, trong một cuộc tọa đàm hay qua phỏng vấn ? Thông tin như vậy có thể coi là “đầy đủ, chính xác” ?

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2008

“ĐỔI MỚI TỪ BÊN TRONG”

Nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn lớn mà biểu hiện là lạm phát cao; thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại lớn; thị trường chứng khoán tuột dốc và thị trường địa ốc đóng băng; thị trường tài chính, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng có nhiều biến động …

Nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa đã được nêu ra, phân tích. Trong đó, đáng chú ý là những nguyên nhân chủ quan, sâu xa mà kết luận của Bộ Chính trị ngày 5-4 đã chỉ ra như : Những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã dồn tích từ nhiều năm nhưng chậm được xử lý, khắc phục. Cơ cấu kinh tế chậm cải thiện.Tình trạng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước vẫn còn dàn trải, không đảm bảo tiến độ, còn nhiều thất thoát, hiệu quả thấp... chậm được khắc phục. Tỉ lệ chi đầu tư từ khu vực nhà nước (ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) lớn, nhưng hiệu quả thấp. Chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn đa ngành chưa được nhận thức thống nhất để thực hiện tốt. Một số tập đoàn đã đầu tư rộng sang nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, nhất là vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... Những hoạt động đầu tư này đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tập đoàn, khó khăn cho ngân hàng nhà nước trong quản lý lưu thông tiền tệ…

Những nguyên nhân sâu xa ấy đòi hỏi, bên cạnh những biện pháp chống lạm phát trước mắt, phải tiến hành những cải cách về cơ cấu nếu muốn sớm thoát ra khỏi tình hình hiện nay. Nói cách khác, như TBKTSG từng nhiều lần đề cập, đây là dịp để tiến hành những cải cách từ bên trong cơ cấu kinh tế (đặc biệt là tình trạng nguồn lực quốc gia tập trung trong tay một số đối tượng sử dụng kém hiệu quả) và cả bộ máy, cơ chế quản lý nhà nước gắn liền với cơ cấu ấy.

Cách nay hơn một năm, vào tháng 2-2007, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, giữa không khí lạc quan bốn bề lúc ấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người từng chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế kiểu chaebol của Hàn Quốc nhưng cũng chính ông sau này, nhìn thẳng vào thực tế, đã cảnh báo: “Cần thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế” (TBKTSG 26-7-2007), trong một bài trả lời phỏng vấn của Tạp chí Cộng sản từng nói: “…trở thành thành viên WTO không có nghĩa là chúng ta đã ở đích đến cuối cùng mà thực chất chỉ là bắt đầu một hành trình mới. Hành trình, với nhiều cơ hội và không ít thách thức. Đó là những thách thức từ bên trong và của chính mình. Những điều kiện từ bên ngoài là rất quan trọng, nhưng thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, chính sự đổi mới từ bên trong mới là yếu tố quyết định để gặt hái những thành công…. Chúng ta không thể nào thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi mà ngay từ sân nhà các doanh nghiệp của chúng ta tiếp tục phải chi phí cho sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy nhà nước và tiếp tục bị hạch sách bởi tham nhũng.”

Những khó khăn hiện nay phải chăng chính là sự lặp lại lời cảnh báo đó, và giờ là lúc, không thể chậm trễ hơn, thực sự bắt tay vào nhiệm vụ khó khăn “đổi mới từ bên trong” ấy?

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2008

Quanh cái chết của ông Kiệt

Chung quanh cái chết của ông Kiệt có mấy điểm chưa ai nói tới, mặc dù tôi nghĩ có thể nhiều người cũng đã nghĩ tới.
1/ Báo chí trong nước, nói cho đúng phải gọi là báo chí quốc gia, đã bị bêu riếu, bị hạ knock-out trước báo chí bên ngoài do cái chỉ đạo không thể nào hiểu nổi là không được đưa tin, dù chỉ là đưa sự kiện, không đánh giá, không bình luận, về cái chết của ông Kiệt. Trong suốt 36 giờ từ khi tin về ông Kiệt chết xuất hiện đến khi truyền thông nhà nước được phép đưa tin thì những người có đọc internet đều biết là các hãng tin nước ngoài đã đưa cả. Thậm chí người ta cũng biết là Tổng thư ký LHQ, Bộ Ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gửi điện chia buồn với lãnh đạo Việt Nam và gia đình cố Thủ tướng. Vậy mà báo chí Việt Nam bị buộc phải nín thinh trong suốt 36 tiếng đồng hồ đó. Trong 36 tiếng đó, đủ thứ tin đồn cũng đã xuất hiện, kể cả những tin đồn liên quan đến nguyên nhân cái chết của ông .
Việc cấm báo chí đưa tin kịp thời, dù chỉ là đưa sự kiện, chẳng khác nào khuyến khích người dân chạy theo tin đồn, tìm nghe các nguồn tin bên ngoài và hạ uy tín báo chí quốc gia trước mắt người dân. Sau này, hễ có sự kiện như thế người ta sẽ lại tìm nghe tin đồn, nghe các nguồn tin khác chứ đâu thèm nghe, thèm tin báo chí trong nước?
Mặt khác, khó thể chấp nhận chuyện "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường". Nói sao với 85 triệu người dân Việt Nam khi bên ngoài người ta đã hay hết, biết hết chuyện xảy ra trong nhà mình mà mình thì mù tịt? Họp bàn, cân nhắc, đánh giá gì đó là chuyện của lãnh đạo, nhưng quyền được thông tin kịp thời về chuyện xảy ra trong nhà là quyền của 85 triệu người dân. 85 triệu người dân không thể bị "cầm tù" về mặt thông tin chỉ vì sự họp hành, cân nhắc của ai đó.
Thời buổi này là thời buổi nào, thế kỷ này là thế kỷ nào rồi mà người ta còn chỉ đạo thông tin theo kiểu như vậy ?
2/ Mục “Ý kiến chúng tôi” (xã luận) trên báo Nhân dân ngày 14-6-2008, bài: “Một chiến sĩ cách mạng trung kiên, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc chữa lại một chút thông cáo của BCH Trung ương về sự ra đi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thông cáo cuối ngày 12- 6 viết: “Ðồng chí mất đi là một tổn thất đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Bài ý kiến ngày 14-6, tức 2 ngày sau, viết: “Ðồng chí Võ Văn Kiệt mất đi là một tổn thất lớn đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Điếu văn đọc ngày 15-6 cũng cũng gọi đó là "một tổn thất lớn".
Phải chăng là một sự ngầm sửa sai ?
3/ Một vị cựu đai sứ Việt Nam gọi điện cho tôi, giọng bức xúc:"Anh đã đọc báo ND hôm nay chưa? Bài của ông DM viết về ông Kiệt kỳ quá!". Tôi tìm đọc bài ông DM viết về ông Kiệt trên số báo ND ra cùng ngày 14-6. Ngay cái tựa :”Nói về anh Võ Văn Kiệt” nghe đã thấy chói tai, đọc vào bài thì chỉ thấy khen ông Kiệt cho có lệ, bằng cái giọng hơi trịch thượng, còn lại là tự kể công, tranh công, rằng “tôi nhắc” anh Kiệt thế này, thế kia. Lại còn kể chuyện chống lạm phát cứ y như là ở làng vậy: khuyến khích người dân ra nước ngoài thì “na” hàng về, khuyến khích đi buôn vặt theo kiểu mấy anh đi Liên Xô, Đông Âu “na” quạt tai tượng, dây may so…về. Có những chủ trương ông Kiệt cũng ủng hộ thời ấy, như chuyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng rồi với thực tế và thời gian ông đã xét lại (bài :”Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế” của ông) thì ông DM vẫn còn bám lấy như là chân lý bất di bất dịch. Ông Kiệt tiến cùng với thời gian, còn với ông DM thì thời gian cứ tiến, cuộc sống cứ tiến, ông vẫn ở lại.
4/ Ông Kiệt có những câu nói được nhiều người nhớ :
- “Không ai chọn cửa mà sinh ra”
- “Có những sự kiện (như ngày 30-4), khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”
- "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả".
Trưa 14-6, ở hội trường Thống Nhất, trong số những người đến viếng ông Kiệt người ta thấy có cả Nguyễn Cao Kỳ. Phải chăng vì ông Kiệt đã chìa bàn tay ra, đã tiến một bước, chân thành, vì vậy ông Kỳ cũng đã tiến một bước, đã đưa tay bắt ? Đâu phải ai chết đi cũng có thể khiến "kẻ thù" cũ cảm phục và đến chia buồn như ông?

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

Chẳng có gì là lạ!


Hơn 92% đại biểu Quốc hội đồng ý mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Đó là điều mà ai cũng có thể đoán trước được, dù trước đó không lâu nhiều giới, nhất là giới trí thức, giới chuyên gia kiến trúc và xây dựng đã mạnh mẽ lên tiếng tỏ ý không đồng tình; dù chính Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho là đề án quá sơ sài và nhiều vị đại biểu cũng lên tiếng tỏ ý không đồng tình.
Có gì khó hiểu đâu với cơ cấu Quốc hội Việt Nam, bởi đa số đại biểu đồng thời cũng là quan chức trung ương và địa phương, và tuyệt đại đa số là đảng viên. Ở Quốc hội có đảng đoàn Quốc hội, gặp vấn đề nào thấy khó thông qua, cứ họp đảng đoàn, ra chỉ thị cho đảng viên là xong. Anh là đại biểu nhưng là đảng viên hả? Đố dám bỏ phiếu chống khi người ta đã nói đó là chủ trương của Đảng. Đó là chưa nói những chỉ thị kiểu như thế này.

Vậy là từ 1/8/2008, cái cổng làng Mông Phụ thuộc xã Đường Lâm, tỉnh Hà Tây và cái nhà nghỉ chân ngoài đồng ngay trước cái cổng đó (xem ảnh, chụp năm 2007) sẽ thuộc thủ đô. Thủ đô hoành tráng nhé!

Chỉ có điều, không biết rồi những dự án đô thị mới, những cơn sốt chia lô phân nền có tràn về và xóa sổ làng cổ Đường Lâm hay không.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2008

TỪ CÂU HỎI CỦA MỘT NÔNG DÂN

Ông Lê Văn Lam - nông dân tỉnh Đồng Tháp, người mới đây đã gửi thư cho Thủ tướng để kể về tình cảnh của người nông dân hiện nay - và những người nông dân khốn khó khác của Việt Nam hẳn sẽ chạnh lòng biết mấy nếu biết rằng vừa mới đây thôi Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua dự luật trợ cấp nông nghiệp trị giá tới 290 tỉ đô la, bao gồm trợ cấp cho nông dân Mỹ và trợ giúp lương thực cho các hộ gia đình nghèo, mặc dù cũng có tiếng nói trong chính quyền cho rằng khoản trợ cấp này là quá đắt đỏ, còn người khác ngại rằng nó đi ngược lại quy định của WTO. Trong thư gửi Thủ tướng hôm 4-5, ông Lam, 57 tuổi, hơn 40 năm làm nghề nông, viết: “Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất…Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân. Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm…”

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ sau đó, ông nói: “Ở quê tui, hầu hết nông dân đều mắc nợ ngân hàng. Hạt lúa chỉ giúp họ không đói chứ không làm họ hết nghèo. Hết vụ gặt, nông dân chen lấn nhau ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Trả xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp. Ở đây có đến 95% người dân vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau như thế… Tụi tui cực quen rồi, có gì mà than, nhưng có những điều bất công làm tui bức xúc lắm. Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai?”

Câu hỏi của ông Lam chỉ là một trong nhiều vấn nạn về chính sách đối với nông dân và nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Nông dân vẫn là thành phần được thụ hưởng ít nhất thành quả của 20 năm đổi mới, của sự chuyển đổi qua kinh tế thị trường, và gặp nhiều khó khăn nhất trong làm ăn, mặc dù sự năng động của nông dân là điều ai cũng biết. Với Việt Nam, dù có muốn thì việc trợ cấp cho nông dân và nông nghiệp theo kiểu của Mỹ là điều bất khả, nhưng những chính sách hỗ trợ để nông dân có thể sống được với thị trường, làm chủ và khai thác được thị trường - như quy hoạch đất đai và cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường, cung cấp tín dụng, hệ thống cung ứng vật tư, chính sách và hệ thống thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản có lợi nhất cho nông dân…, vì sao chúng ta không làm được?

Ngoài chuyện đầu cơ, cơn sốt giá gạo vừa qua về mặt nào đó cũng là lời cảnh báo về hậu quả khôn lường nếu không quan tâm đầy đủ đến nông dân và nông nghiệp. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, vì vậy có nói: Cần tăng mạnh đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn để vừa bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng, tăng thêm số lượng lương thực xuất khẩu, đồng thời cải thiện tốt hơn đời sống của người sản xuất lương thực. Một đề án về chiến lược phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng đang được chuẩn bị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiển nhiên là con đường tất yếu phải đi để đất nước thoát khỏi đói nghèo, để dân giàu nước mạnh. Nhưng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một đất nước mà 70% dân số còn sống bằng nông nghiệp thì không thể bỏ mặc nông dân bươn chải, huống hồ nông dân đang nuôi sống cả nước và lại còn góp phần vào xuất khẩu (gạo, thủy sản). Mỗi thành quả phát triển, nông dân cũng phải được hưởng. Bằng không, đó sẽ là mầm mống của bất ổn xã hội, như những gì chúng ta chứng kiến qua những cuộc “khiếu kiện đông người” dai dẳng của nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

MỞ RỘNG HÀ NỘI VÀ XE BA BÁNH TỰ CHẾ


Đùng, đùng, đùng, đùng. Cứ như là vừa chạy vừa xếp hàng. Cứ như là cháy nhà đến nơi. Cứ như là nước lụt đến chân. Đó là chuyện mở rộng Hà Nội. Này nhé… Theo Vietnamnet ngày 1-12-2007,sau 6 giờ làm việc không nghỉ với lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với những đề xuất quan trọng của Thủ đô, trong đó có việc mở rộng địa giới hành chính, với diện tích 3.200 km2Đề xuất quan trọng nhất của HN là Thủ tướng chỉ đạo các bộ sớm trình phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và Đề án mở rộng địa giới hành chính. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, quy hoạch này có ý nghĩa không chỉ với HN mà cả với các tỉnh lân cận. "Tỉnh ủy Hà Tây mấy chục năm không dám sửa trụ sở vì sợ xây xong lại "tặng" cho HN", ông Nghị nói vui”. Vậy là, vẫn theo VietNamnet, “Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Dứt khoát năm nay phải giải quyết xong quy hoạch HN. Có lẽ phải mời tư vấn quốc tế. Phải có chương trình kiến thiết thành phố, đầu tư hoàn thành các đường vành đai để giãn được mật độ dân cư và giao thông".Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cương quyết: "Tháng 12 này cố gắng duyệt được quy hoạch vùng Thủ đô và địa giới". Các Bộ trưởng Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Giao thông cũng chia sẻ nhu cầu của HN hiện "đang mặc tấm áo quá chật" sau gần 10 năm "chưa điều chỉnh quy hoạch" nên "khó phát triển bền vững". Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu HN và các bộ liên quan chuẩn bị ngay phương án quy hoạch để sớm trình Quốc hội. Cuối tuần này, Bộ Chính trị cũng sẽ họp với HN để quyết định”.

Thế rồi, ngày 6/3/2008, tức chỉ 3 tháng sau cuộc họp của chính phủ với Hà Nội, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội bao gồm: Thành phố Hà Nội hiện tại; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây; huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và diện tích của 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Lương Sơn - Hòa Bình). Một tốc độ kỷ lục cho đề án mở rộng một thủ đô lên gấp hơn 3 lần. Rồi cấp tập sau đó là họp bất thường (cứ như là sắp nổ ra chiến tranh!) hội đồng nhân dân ba tỉnh liên quan và thành phố Hà Nội, rồi là lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc để thông qua việc sáp nhập.

Rồi, “theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã thống nhất có Tờ trình lên Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ xem xét tờ trình và thông qua tại kỳ họp thứ 3, khai mạc ngày 6/5 tới”, theo Tiền Phong Online. Chưa hết, ông Tuấn cho biết “Nếu được Quốc hội chấp thuận, việc sáp nhập sẽ được chính thức thực hiện vào ngày 1/7/2008. Đây cũng chính là mốc thời gian để HĐND, UBND và các cơ quan, ban ngành của hai địa phương tiến hành sáp nhập, cơ cấu và kiện toàn lại tổ chức”. Ngày 6/5, trong khi Quốc hội còn chưa bàn đến vấn đề mở rộng Hà Nội (theo nghị trình thì phải đến ngày 15/5) thì bên lề phiên họp Quốc hội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã cho rằng, "chủ trương đã quyết, sao lại cần thời gian ? Việc này thành phố đã quyết rồi".

Quả thực người ta không thể hiểu nổi sự hối hả, róng riết này với một đề án ảnh hưởng tới nhiều triệu con người, tới chiều hướng phát triển cả về kinh tế, xã hội, văn hóa của một thủ đô và mấy tỉnh – một đề án mà theo nhiều người là còn quá sơ sài, chưa đủ căn cứ khoa học và sức thuyết phục. Với một đế án như thế, phải chăng chỉ cần cái gật đầu của hội đồng nhân dân mấy tỉnh và thành phố? Ngay cả Mặt trận Tổ quốc cũng chỉ là một tổ chức chính trị-xã hội và sự phản biện, nếu có, cũng chủ yếu xuất phát từ góc độ đó hơn là dựa trên nghiên cứu khoa học hẳn hoi. Ở đâu, tiếng nói của các nhà khoa học chuyên môn về kinh tế, về xã hội, văn hóa? Hay là, tiếng nói quyết định, dù không lộ diện, ở đây là tiếng nói của những nhà bất động sản như tác giả Nguyên Lâm đoán trong bài “Quốc hội và việc mở rộng Hà Nội” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ra ngày 8/5/2008?

Trong khi một chuyện “đại sự” như thế được thúc đẩy vội vã thì một chuyện”cỏn con” (nhưng có liên quan tới chuyện cơm áo của bao nhiêu con người và gia đình họ) là chuyện chuyển đổi xe ba bánh tự chế, từ khi có nghị quyết 32 của Chính phủ đến nay đã 2 năm vẫn loay hoay không có ai lo. Bộ Giao thông vận tải ở đâu? Bộ Công thương ở đâu? Bộ Khoa học công nghệ ở đâu? Liệu họ có thể mau chóng ngồi với nhau để giải quyết vấn đề này hay rồi đến hết tháng 6 này lại phải dời thời hạn áp dụng lệnh cấm một lần nữa? Hay rồi cuối cùng đành phải cho nhập xe ba bánh Trung Quốc chế ?

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

“Hành trình hòa hợp” và căn cứ tàu ngầm hạt nhân

“Hành trình hòa hợp”. Dưới khẩu hiệu đó, cuộc rước đuốc Olympic Bắc kinh đã diễn ra. Với việc đăng cai tổ chức Olympic 2008 và với khẩu hiệu đó cho cuộc rước đuốc, hẳn Trung Quốc muốn trình bày với thế giới một nước Trung Hoa chẳng những giàu mạnh (điều này thì ai cũng đã thấy) mà còn hiếu hòa, sống yên bình với thế giới, không đe dọa ai, không làm ai phải lo ngại cho an ninh của mình.

Thế nhưng, chính trong những ngày diễn ra cuộc rước đuốc mà Trung Quốc muốn coi là “hành trình hòa hợp” này, tin tức trên báo chí quốc tế lại cho biết Trung Quốc đã và đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm hạt nhân, và còn có thể là nơi chứa một phần kho vũ khí hạt nhân của họ nữa, ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 200km - nghĩa là bằng khoảng cách từ Sài Gòn đi Phan Thiết. Không chỉ xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á, báo chí quốc tế còn cho biết Trung Quốc cũng tăng cường xây dựng công trình quân sự trên một số đảo mà họ chiếm đóng trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều mỉa mai, Tam Á là nơi đầu tiên đón ngọc đuốc “hành trình hòa hợp” trên lãnh thổ Trung Quốc sau các chặng quốc tế trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Tam Á cũng là thành phố trở nên nổi tiếng vài ba năm gần đây với hình ảnh các cuộc thi Hoa hậu Thế giới và hình ảnh một thành phố du lịch.

Thật ra thì không phải đợi đến khi ngọn đuốc Olympic Bắc kinh đến Luân Đôn, Paris hay San Francisco…, dẫn đến những cuộc phản đối ở đó, nó mới cho thấy hành trình của nó chưa phải là một “hành trình hòa hợp” và ý định "đăng quang" của Trung Quốc qua Olympic như là một quốc gia vừa giàu mạnh vừa hiếu hòa chưa thành công. Mà ngay từ đầu, khi hành trình của ngọn đuốc được Ủy ban Olympic Bắc kinh vạch ra với tấm bản đồ bao gồm cả Hoàng Sa được thể hiện như một phần lãnh thổ của Trung Quốc, “hành trình hòa hợp” đã chỉ là một khẩu hiệu, không thật. Chỉ đến cuối ngày 28-4, một ngày trước cuộc rước đuốc tại TPHCM, bản đồ hành trình trên mới được sửa đổi, không còn thể hiện Hoàng Sa như một phần lãnh thổ Trung Quốc. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng người ta nói rằng đó là do có lá thư phản đối gửi Ủy ban Olympic quốc tế của du học sinh Việt Nam tại Pháp Lê Minh Phiếu, một trong những người Việt Nam được chọn rước đuốc nhưng cuối cùng đã không được cầm đuốc vì có ý kiến không đồng ý của Ủy ban Olympic Bắc kinh.

Trở lại với căn cứ tàu ngầm hạt nhân và hàng không mẫu hạm ở Tam Á, như một minh chứng cho tính chất khẩu hiệu suông của “hành trình hòa hợp” của ngọn đuốc Olympic Bắc kinh, theo tạp chí Jane’s Defence, căn cứ này thực ra đã được bắt đầu xây dựng từ 5 năm về trước như các tấm ảnh vệ tinh cho thấy. Từ đó đến nay Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng sức mạnh hải quân trên vùng Biển Đông. Theo BBC tiếng Việt, trong bài “Bí mật Tam Á - Tiết lộ về căn cứ hải quân hạt nhân mới của Trung Quốc” trên Jane’s Defence, nhà nghiên cứu Richard D Fisher đưa ra các nhận định chính như sau: “Căn cứ Tam Á có thể dùng để làm bến đỗ cho tàu ngầm hạt nhân loại mới 094 được phát triển song song với sự bành trượ́ng quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dù điều này không chứng tỏ sẽ có một cuộc xung đột trong vùng, căn cứ Tam Á là dấu hiện rõ ràng hơn về việc chuyển biến cán cân chiến lược ở châu Á và cho thấy mong muốn của Trung Quốc nhằm nắm những tuyến hải lộ ở vùng biển Nam Trung Hoa”.

Cho dù, vì những lý do địa chính trị như khoảng cách quá gần với người khổng lồ Trung Quốc hoặc những quan hệ kinh tế đan chéo mà nhà nước nào cũng không muốn để bị tổn hại, nhiếu quốc gia châu Á đã không thể tự cho phép để xảy ra những cuộc phản đối như ở châu Âu hay châu Mỹ, đã phải huy động bộ máy an ninh khổng lồ để bảo đảm chặng rước đuốc diễn ra yên ổn trên đất nước họ, điều đó không có nghĩa họ không ý thức được mối đe dọa đang lừng lững ở chân trời. Và hành trình của ngọn đuốc nhờ đó đã diễn ra có vẻ "hòa hợp".

Với Trung Quốc, nói và làm là hai chuyện khác nhau, "hành trình hòa hợp" và lẳng lặng xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân nhằm khống chế Biển Đông là hai chuyện có thể diễn ra song song. Cho nên, bốn chữ vàng “hành trình hòa hợp” hay những “chữ vàng” nào khác nữa, người ta cũng chỉ có thể tiếp nhận một cách rất ư là dè dặt.

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2008

THÁCH THỨC KHÓ THỂ CHỊU ĐỰNG

Lạm phát cao đã buộc Chính phủ phải đề nghị với Quốc hội cho giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm nay từ 8,5% xuống 7%, một tỷ lệ giảm đáng kể mặc dù cần thiết. Trong khi đó, theo một số đại biểu Quốc hội, nếu công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát được tiến hành có hiệu quả thì nguồn lực không bị mất đi ấy đã có thể được đưa vào đầu tư phát triển và làm tăng thêm 1-2% GDP, thậm chí nhiều hơn – theo một số người.

Ngay tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 22-4, những con số mà Kiểm toán nhà nước đưa ra đã cho thấy, qua các cuộc kiểm toán tiến hành năm 2007, tổng số khoản lẽ ra phải thu, nộp đầy đủ vào ngân sách lên tới 2.763 tỉ đồng; các khoản ngân sách cần phải giảm chi lên tới 1.617 tỉ đồng. Còn các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước cũng rất lớn, lên tới 6.060 tỉ đồng…Mà đó mới chỉ là kết quả kiểm toán ở một số đơn vị, một số địa phương có chọn lọc. Chủ nhiệm ủy ban Tài chính và ngân sách của quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua kiểm toán 29 tỉnh, thành phố, đã phát hiện 16 địa phương chi hỗ trợ không đúng chế độ, không thuộc nhiệm vụ phải chi số tiền 183 tỉ đồng, 16 tỉnh, thành phố đem tiền ngân sách cho vay, tạm ứng chưa thu hồi được về cho ngân sách số tiền 3.216 tỉ đồng (cho đến 31.12.2006). Tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công sai định mức, chế độ vẫn còn nặng nề. Ví dụ, hàng loạt tỉnh, thành phố vẫn mua sắm, sử dụng xe ô tô sai tiêu chuẩn, sai định mức (Sài Gòn Tiếp Thị 24-4-2008). Đó là về chi, còn trong đầu tư công, trong xây dựng, sự lãng phí, không hiệu quả là một thực trạng bày ra nhan nhản và kéo dài từ năm này qua năm khác.

Để tăng trưởng 1- 1,5% GDP/năm, nhân dân cả nước phải căng kéo, phấn đấu cật lực trong khi sự lãng phí, tham nhũng, thiếu hiệu quả của bộ máy dễ dàng tước đi của nhân dân 1-2% tăng trưởng. Đó quả là một thách thức khó có thể chịu đựng được.

Phải làm gì để giải quyết tình trạng này? Phải làm gì để đẩy lùi thách thức này? Nhà nước cũng đã nói nhiều, đã kêu gọi nhiều, đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng chưa hiệu quả. Ngoài những nguyên nhân về thiết chế bộ máy rất cần được soi xét, cái gốc của vấn đề phải chăng còn là chưa mổ xẻ đến nơi đến chốn và chưa có những biện pháp căn cơ nhằm giải quyết những yếu kém, những khiếm khuyết của nền tài chính công, của thiết chế và luật pháp về chi tiêu và đầu tư công?

Lúc này hơn bao giờ hết, cần siết chặt kỷ luật tài chính và hơn thế, cần mạnh dạn phân tích, mổ xẻ những yếu kém của nền tài chính công để không chỉ chữa cơn bệnh trước mắt là nạn lạm phát mà còn vì sự phát triển lành mạnh và hiệu quả lâu dài của nền kinh tế. Nỗ lực tăng trưởng 1-2% GDP sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa khi cùng lúc nền kinh tế lại bị mất đi 1-2% tăng trưởng bởi chính bộ máy điều hành.

NHÌN TỪ COGNAC


Bài này nói đến rượu nhưng không phải để quảng cáo cho rượu mà để nói về việc người dân vùng Cognac, Pháp đã gìn giữ nghề truyền thống làm rượu cognac của họ như thế nào …

Xe lửa cao tốc TGV từ Paris về Angoulême ở miệt Tây Nam nước Pháp bình thường mất chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ cho quãng đường tương đương từ thành phố Hồ Chí Minh đi Nha Trang. Từ đó đi xe hơi đến trung tâm vùng Cognac, vùng sản xuất ra thứ rượu mạnh làm từ nho và mang tên của vùng đất này, với nhiều nhãn hiệu được tiêu thụ mạnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chỉ mất khoảng nửa giờ. Chúng tôi đến thăm trái tim của vùng Cognac vào một ngày cuối thu trời trong xanh, nắng vàng rực. Mùa thu hoạch nho đã qua từ lâu, hai bên đường chỉ còn những vườn nho trơ gốc, chờ đến mùa xuân lại đâm chồi.

Thị trấn Cognac nằm bên con sông Charente thơ mộng và yên bình. Tương truyền, Napoleon, vị hoàng đế chinh chiến của nước Pháp, từng đôi lần ghé đến vùng này và sau thất bại ở trận Waterloo năm 1815 trước quân Anh, trên đường đi đày đền đảo Saint-Hélène còn được nhà Courvoisier, một trong những nhà sản xuất cognac có tiếng ở đây, biếu nhiều thùng cognac mang theo. Quân lính Anh canh chừng vị hoàng đế đi đày, khi được cho uống loại rượu này, đã mê mẩn và đặt cho nó cái tên “rượu của Napoleon”. Thế nên nhiều nhà sản xuất cognac sau đó đã lấy tên ông đặt cho một số nhãn hiệu cognac của mình.

Sự truyền tụng có lẽ cũng làm cho người thưởng thức cognac cảm thấy nó ngon hơn, nhưng thật ra cái chính là điều kiện khí hậu (nắng gió Đại Tây Dương) và thổ nhưỡng (dưới lớp đất mặt là lớp đá vôi mà rễ cây nho, để hút nước, phải chọc sâu qua 6-7 mét) khiến cho giống nho ở đây trở nên đặc biệt. Bên cạnh đó là quy trình chưng cất và nghệ thuật ủ, pha loại rượu này.

Vùng Cognac được chia làm 6 tiểu vùng (Grande Champagne, Petite Champagne, Borderies, Fins Bois, Bons Bois, Bois Ordinaires) với trung tâm là Grande Champagne cho loại nho ngon nhất, ngoài cùng là tiểu vùng Bois Ordinaires. Trồng nho tuyệt đối không bón phân. Sau khi thu hoạch (tháng 9-10), nho phải được ủ và chưng cất từ tháng 11 đến 31 tháng 3 hàng năm, lúc nho còn tươi. Đó là quy định của luật. Đầu tiên nho tươi được ủ để cho ra một thứ rượu vang (wine) màu trắng đục (không phải là loại rượu vang trắng hay đỏ mà ta uống, mặc dù cả hai loại đều được gọi là vang). Loại vang trắng đục này sau đó được chưng cất qua hai lần để cho ra một thứ nước trong suốt, đến 70 độ cồn, gọi là eau-de-vie (nước sự sống, hay là tinh túy, là linh hồn của rượu vang). Sau đó thứ nước sự sống này được đem ủ trong những thùng gỗ sồi lâu năm để cho nước và gỗ tác động vào nhau, nước rút lấy chất tanin trong gỗ, dần ngả sang màu vàng, độ cồn giảm dần xuống còn 40 độ. Sau đó là quá trình pha trộn (blending) của những nghệ nhân bậc thầy với bí quyết riêng để cho ra thứ rượu cognac theo ý muốn. Tùy theo số năm ủ mà ta có thứ rượu V.O., V.S.O.P., X.O. hay Extra (50 năm trở lên)…Trong những hầm rượu của nhà Hennessy có những thùng rượu từ đầu thế kỷ 19, đã qua hai thế kỷ, mà họ chỉ đưa ra thị trường vào những dịp đặc biệt và tất nhiên với cái giá cũng đặc biệt.

Vùng Cognac có khoảng 5.000 hộ gia đình với khoảng 25.000 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề trồng nho, chế biến rượu, và làm những công việc có liên quan như làm thùng, làm nhãn, hoặc chỉ hái nho, chế biến thành vang (cấp 1) hoặc thành eau-de-vie (cấp 2) rồi bán lại cho những buôn có thương hiệu đồng thời là nhà chế biến lớn để pha, ủ thành rượu cognac bán ra thị trường khắp thế giới. Bầu trời thị trấn Cognac lúc nào cũng phấp phới bay cao cờ của những thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới, đã qua 6-7 đời làm cognac như Hennessy, Remy Martin, Martell, Otard, Courvoisier…Theo người phụ trách đối ngoại của Hennessy, ở đây người ta cạnh tranh với nhau nhưng không coi nhau là đối thủ mà chỉ là “người khác”. Người nhà thương hiệu này có khi lại đi làm cho nhà khác. Phải chăng nhờ vậy và nhờ những quy định nghiêm ngặt (kể cả của nhà nước) như trồng nho tuyệt đối không dùng phân bón, phải chế biến nho khi còn tươi trong thời hạn nhất định… mà cognac đã trở thành như một quốc bảo được giữ gìn cẩn thận và chỉ 25.000 dân Cognac có thể bán rượu của họ ra khắp thế giới ?

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2008

Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Biển Đông

Phe đối lập Philippines đang cáo buộc chính phủ Arroyo bán rẻ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (mà Philippines gọi là Palawan và Phi cũng đòi chủ quyền) cho Trung Quốc qua việc ngấm ngầm ký với Trung Quốc thỏa thuận thăm dò địa chấn, thực chất là thăm dò tài nguyên dầu lửa. Arroyo đi đêm ký thỏa thuận này với TQ năm 2004. Việt Nam, vốn trước đó chống lại một thỏa thuận kiểu như vậy với TQ, bị đặt vào thế bị động, đã phản đối rồi sau đó cũng ở vào thế phải tham gia thỏa thuận trên. Philippines, một thành viên ASEAN như Việt Nam đã "đào ngũ" khỏi lập trường chung của ASEAN trong đối phó với TQ về vấn đề Biển Đông.
Dương Danh Huy, một người nghiên cứu sâu về vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, vừa có bài viết về vấn đề này trên trang web Minh Biện, kèm tư liệu về bản thỏa thuận 2 bên TQ-Phi và 3 bên TQ-Phi-Việt Nam mà chưa ở đâu công bố.
Đọc để thấy sự phức tạp của tình hình và thầy chính sách bẻ từng chiếc đũa của TQ.
Địa chỉ của liên kết là
www.minhbien.org/

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

CƠ HỘI ĐỂ CHUYỂN ĐỔI NỀN KINH TẾ?

Nền kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, một mặt do những chuệch choạc trong chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ khiến lạm phát và giá cả tăng cao; mặt khác do giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng đến chóng mặt. Nhưng nguyên nhân cơ bản, sâu xa hơn, phải nói là do nền kinh tế nước ta cho đến nay vẫn chủ yếu phát triển theo bề rộng bằng cách gia tăng các yếu tố đầu vào, thêm vào đó là lãng phí, thất thoát lớn, nên rất kém hiệu quả và rất dễ bị tổn thương do những biến động trên thị trường thế giới. Hệ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2001-2006 vừa qua (4,4) còn cao hơn cả hệ số này của Thái Lan (4,1) và Indonesia (3,7) giai đoạn 1981-1995 trong khi tỉ lệ tăng trưởng năm năm vừa qua của Việt Nam (7,6%) còn thấp hơn Thái Lan (8,1%) giai đoạn 1981-1995 (Báo cáo “Lựa chọn thành công…” của Chương trình Châu Á, Trường Chính quyền John F. Kennedy, Đại học Harvard).Giải quyết nguyên nhân gốc rễ này để tăng cường tính hiệu quả của nền kinh tế tất nhiên đòi hỏi những giải pháp căn bản chứ không thể chỉ bằng một số biện pháp ngắn hạn, trước mắt.

Nền kinh tế thế giới từng không ít lần trải qua những thời kỳ khó khăn, khủng hoảng và cũng đã từng chứng kiến không ít quốc gia thành công trong việc biến khó khăn thành cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế của họ lên một trình độ phát triển cao hơn về chất lưỡng và tính hiệu quả, như Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970. Liệu Việt Nam có thể biến những khó khăn hiện nay thành cơ hội để thực hiện một cuộc chuyển đổi tương tự? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết tâm của Chính phủ trong việc lựa chọn tính hiệu quả làm tiêu chí cao nhất trong mọi quyết định chính sách, mọi quyết định đầu tư và chi tiêu công, mọi ưu đãi hoặc hỗ trợ cho thành phần này hay thành phần khác trong nền kinh tế, cũng như quyết tâm giải quyết tận gốc mọi nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí.

Xét như thế thì có vô số việc phải làm cả trước mắt và lâu dài, trong đó có việc sớm đề ra chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, đổi mới quản lý doanh nghiệp nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng ứng phó linh hoạt với thị trường, v.v… Nhưng cấp bách trước mắt là gỉải quyết rốt ráo những doanh nghiệp nằm dưới sự chủ quản của các bộ, các cấp chính quyền mà khi vỡ lở mới hay đó là những cỗ máy ngốn tiền ngân sách, phung phí tín dụng, phá hoại nguồn lực quốc gia như vụ COSEVCO thuộc Bộ Xây dựng mới đây là một thí dụ. Còn bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước như thế chưa được đưa ra ánh sáng? Còn bao nhiêu công trình đầu tư, chi tiêu công lãng phí chưa được kiên quyết chấm dứt và ngăn chặn? Bao giờ thì phần lớn doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước được trả về với cơ chế thị trường thực sự để Nhà nước chỉ còn giữ lại một số ít doanh nghiệp thực sự cần thiết trong các lĩnh vực chiến lược?

Những khó khăn hiện nay càng cho thấy tính cấp bách của vấn đề mà lẽ ra đã phải giải quyết từ lâu. Muốn chuyển đổi nền kinh tế sang trình độ phát triển cao hơn, hiệu quả hơn cũng đòi hỏi trước hết phải giải quyết những cái ổ lãng phí đã tồn tại quá lâu.

CẨN THẬN, KẺO VỠ!

Sau những ngày say sưa với tỉ lệ tăng trưởng 8,5% để rồi chợt bừng tỉnh trước tỉ lệ lạm phát lên tới 12,63% năm 2007 so với năm trước và trước những tiếng kêu về đời sống người dân, nhất là người nghèo do giá cả tăng cao, ngay trước và sau Tết, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện cấp tập các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ: tăng lãi suất, bán tín phiếu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại… nhằm rút tiền trong lưu thông về để kiềm chế lạm phát. Những biện pháp “sốc” này ngay lập tức đã tác động mạnh đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng và khả năng vay đầu tư của doanh nghiệp, buộc các ngân hàng phải ngừng cho vay và chạy đua nâng lãi suất huy động, doanh nghiệp thì hầu như bó tay, không thể vay. Thị trường chứng khoán tụt dốc, thị trường bất động sản chững lại.

Kiềm chế lạm phát tất nhiên vô cùng cần thiết nếu không muốn thành qủa tăng trưởng bị triệt tiêu, nhất là đối với đa số dân nghèo; nó cũng cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, để nền kinh tế không rơi vào chỗ bong bóng, nhất là đối với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vốn là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, đòi hỏi phải xử lý hết sức cẩn trọng và linh hoạt để tránh đổ vỡ hệ thống, tránh dẫn tới đóng băng, bằng không nó sẽ tác động ngược trở lại toàn bộ nền kinh tế, gây nên đình đốn và tác hại đến chính sự tăng trưởng. Không có tăng trưởng thì không tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập và người nghèo cũng bị ảnh hưởng. Ai cũng biết thế, nhưng chỉ có nhà nước, với thông tin đầy đủ và với các công cụ sẵn có trong tay mới có thể quyết định xử lý thế nào là linh hoạt.

Mặt khác, như nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước đã chỉ ra, nguyên nhân của lạm phát không chỉ do lượng cung tiền trên thị trường mà còn do một số nhân tố khác, trong đó đáng kể nhất là đầu tư công và đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu quả. Thắt chặt tiền tệ mà không thắt chặt đầu tư công và đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì chẳng khác nào bịt lỗ rò mà không bịt kín hết. Kiềm chế lạm phát do đó đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ hơn là chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Một điểm nữa cũng cần đề cập: giá như trước khi tiến hành các biện pháp gây sốc cho thị trường như chúng ta đã thấy, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan chức năng xuất hiện công khai trước công luận, đưa ra lý giải của mình về tình hình và nguyên nhân lạm phát, vạch ra lộ trình và những biện pháp dự kiến áp dụng nhằm kiềm chế lạm phát, hẳn công luận và các tổ chức, các đơn vị kinh tế đã có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn để đón nhận trong tinh thần hợp tác, giảm đi đáng kể những những hoang mang không đáng có mà những liệu pháp sốc mang lại. Sự minh bạch bao giờ cũng giúp hạn chế những tác động tiêu cực, hạn chế cái giá phải trả của các chính sách.

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2008

Một tài thơ yểu mệnh tôi thích

Trong số những nhà thơ mà hồi học trung học tôi rất thích rồi bẵng đi một thời gian rất dài, hàng mấy chục năm, tôi không còn có dịp đọc lại hay tìm hiểu thêm có Phạm Hầu. Tôi hoàn toàn không còn có thể nhớ gì về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ mà riêng tôi cho là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của nền thi ca Việt Nam, ngoại trừ một khổ thơ mở đầu cho bài Vọng lâu:
Mắt theo lầu vọng buồn bên trúc
Trúc rủ buồn trên mái vọng lâu.
Tuổi tôi, mầu lá: ai sinh trước?
Hiu hắt đôi bên lúc đọ màu.
Tôi đã hầu như tuyệt vọng trong việc tìm hiểu thêm về nhà thơ tôi yêu mến và chỉ may nhờ có internet mà tôi đã tìm được thêm thông tin về nhà thơ, thân thế của ông, những tác phẩm khác của ông. Mới hay ông quê ở Điện Bàn, Quảng Nam và chỉ sống một cuộc sống ngắn ngủi, 24 năm (1920-1944). Với tôi, ông chẳng khác gì Arthur Rimbaud, dù những gì ông để lại không nhiều bằng Rimbaud. Một tài hoa mệnh bạc.
Nhờ internet, cụ thể hơn là nhờ trang web xuquang.com và bài viết của nhà báo Vân Long, tôi đã có thể tìm lại tất cả số bài thơ ít ỏi mà vô cùng hay mà ông để lại, trong đó có bài Vọng lâu. Nhiều người đánh giá cao nhất bài Vọng hải đài của nhà thơ, riêng tôi vẫn thích nhất bài Vọng lâu (có lẽ vì nó gắn với thời trẻ lãng mạn, thích văn chương của tôi chăng?). Vây chép lại đây toàn bộ bài thơ này, để khỏi quên.

Vọng Lâu


Mắt theo lầu vọng buồn bên trúc
Trúc rủ buồn trên mái vọng lâu.
Tuổi tôi, màu lá: Ai sinh trước?
Hiu hắt đôi bên lúc đọ màu.

Lầu đứng bơ vơ lầu vắng vẻ,
Lầu mơ đàn địch tiếng lầu xưa.
Thẫn thờ lá trúc rưng rưng lệ,
Như mắt đa tình lúc tiễn đưa.

Quanh tôi là mộng hay bươm bướm?
Lầu dựng buồn cao ngập giấc mơ.
Quanh tôi là mộng hay mây sớm?
Lầu dựng buồn cao ngập ý thơ.

Tôi buồn cô độc, ôi lầu vọng!
Ai biết cho lòng như thế đâu
Buồn đưa hương lúa, buồn đưa võng.
Những cảm tình tôi tựa bóng lầu.

Xưa tiếng người bay rực rỡ lầu,
Ngày nay lầu quạnh ngắm biển dâu.
Tôi buồn rưng rức bên lầu vo.ng.
Ai dựng trong lòng cảnh vọng lâu.



Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

NGHĨ TỚI DÂN

Xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có diện tích 2.000 hecta thì 1.500 hecta, bao trùm 3/5 ấp, đã bị chính quyền tỉnh quy hoạch cho 2 dự án sân golf, số dân còn lại sẽ dồn vào 2 ấp còn lại. Cả xã có 1.600 hộ thì 900 hộ nằm trong diện giải tỏa, không còn đất. Đó là riêng ở xã Long Hậu, còn trong toàn tỉnh có tới 13 dự án sân golf đã được chấp thuận đầu tư (5 dự án khác đã nộp hồ sơ nhưng chưa được chấp thuận) trước khi UBND tỉnh rút lại còn 6 dự án và Tỉnh ủy quyết định chỉ còn 3 dự án.
Bỏ qua một bên những điều khác thường khi một tỉnh mà đất đai phần lớn là đất nông nghiệp như Long An chấp thuận cho một con số nhiều đến khó tin dự án sân golf như vậy, điều đáng nói ở đây là dường như chính quyền tỉnh đã không nghĩ gì tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị giải tỏa vì những dự án kinh doanh như vậy. Hoặc là có nghĩ tới cũng chẳng có biện pháp gì để giải quyết. Việc chấp thuận cho đầu tư, kèm theo đó là giải tỏa dân đang sinh sống tại chỗ, xem ra đã được quyết định một cách quá nhẹ nhàng. Những hộ nông dân bị giải tỏa rồi sẽ đi đâu, về đâu để mưu sinh với số tiền đền bù có trong tay ? Việc giải tỏa hàng ngàn hộ dân cho hàng chục dự án sân golf ở Long An chỉ là một trong nhiều thí dụ gần đây về việc ban hành những chính sách mà ảnh hưởng của chúng đối với cuộc sống người dân đã không được tính đến hoặc không được cân nhắc một cách đầy đủ. Đặc biệt là ảnh hưởng đối với những tầng lớp dân cư nghèo nhất, ít có điều kiện cải thiện cuộc sống nhất, bị thiệt thòi nhất, như nông dân nghèo, như những người đạp xe ba gác, những người buôn thúng bán bưng (nói bán hàng rong dường như nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn ?)...
Phát triển, tăng trưởng kinh tế để nâng cao đời sống, đó là mục tiêu của chúng ta. Tổ chức cuộc sống văn minh, hiện đại, không ai không muốn. Tuy nhiên, từng chương trình, từng chính sách, từng biện pháp, dự án cụ thể không phải bao giờ cũng thuận chiều với việc cải thiện cuộc sống của mọi người, cũng tránh được những tác động phụ. Và một trong những nhiệm vụ của bất kỳ nhà nước nào chính là quan tâm tới những tầng lớp dân cư này, huống hồ dân nghèo còn chiếm đa số dân cư nước ta. Nói quan tâm là quan tâm trong thực tế chứ không phải trong khẩu hiệu, là có biện pháp cụ thể, với đầy đủ tinh thần trách nhiệm của một nhà nước đích thực, nhằm tổ chức cuộc chuyển đổi cuộc sống, sự mưu sinh của những tầng lớp dân cư bị ảnh hưởng bởi chính sách chung một cách êm thắm nhất, ít xáo trộn nhất. Muốn vậy, trước khi ban hành một chủ trương, chính sách nào có tác động tới người dân, cần tổ chức điều tra, khảo sát kỹ lưỡng những tác động tiêu cực có thể có và đề ra các giải pháp khắc phục hoặc ít ra là giảm thiểu các tác động ấy. Và đó là chỗ cho các nhà khoa học vốn còn chưa được trọng dụng, chưa có tiếng nói trong thực tế ở nước ta.