Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

NƠI THỜI GIAN THÔI NGỪNG TRÔI


Nói đến Myanmar, người ta hay nhắc đến hình ảnh một xứ sở mà ở đó thời gian như ngừng trôi. Năm  năm trước, lần đầu tiên đến thăm đất nước này, tôi cũng có ấn tượng như vậy. Nhưng thăm Myanmar lần này, cuối năm 2010, mọi sự đã rất khác. Có thể nói, ở đất nước này, thời gian đã bắt đầu chuyển động, ít ra là về kinh tế, trong khi văn hoá của họ tỏ ra có gốc rễ rất sâu.

Tỷ phú mới
Năm năm trước, lỡ dại dột khai nghề nghiệp là nhà báo khi xin visa nhập cảnh tại sứ quán Myanmar ở Hà Nội, tôi đã bị từ chối. Để bắt kịp nhóm cùng đoàn đã bay sang Myanmar trước, tôi phải tức tốc bay qua Bangkok, tới sứ quán Myanmar ở đó xin visa, lần này khai nghề nghiệp tự do, tôi mới được cấp thị thực nhập cảnh, rồi lấy vé máy bay Bangkok – Yangon, đến khách sạn lúc gần khuya để nhập chung với nhóm đã đến trước. Lúc ấy, nhân viên cấp visa còn viết tay điền vào những thông tin cần thiết trên mẫu visa. Lần này công ty du lịch xin visa cho đoàn đã dễ dàng hơn nhiều. Các thông tin trên visa cũng được in chữ điện tử chứ không còn viết tay như trước nữa.
Đập vào mắt tôi lần này khi đặt chân xuống đất nước Myanmar là sân bay quốc tế Yangon mới xây, lớn và  hiện đại không thua kém sân bay quốc tế Tân Sơn Nhứt mới là bao. Chẳng bù với lần trước, đặt chân xuống sân bay vào buổi tối, đèn đóm vàng vọt, tù mù, nhà ga hàng không cổ lỗ, bé xíu, mọi thủ tục đều làm thủ công, chậm chạp trong khi khách đến chỉ có mấy chục người trên một chiếc máy bay  nhỏ. Nhà ga cũ ấy nay vẫn còn nhưng đã được mở rộng, nâng cấp và được sử dụng làm sân bay nội địa, bên cạnh sân bay quốc tế mới.
Năm năm trước,  trên đường từ Yangon đi Bago, chúng tôi còn thấy rất ít xe hơi và đa phần là những chiếc xe cũ kỹ, thỉnh thoảng còn bắt gặp những chiếc xe chạy bằng than như thời bao cấp ở ta. Lần này thì không còn thấy xe chạy than, xe hơi đã nhiều lên gấp bội, những chiếc xe second hand vẫn còn chiếm đa số nhưng đã thấy xuất hiện khá nhiều xe hơi mới. Lần trước, ngoài thủ đô Yangon, công ty du lịch bên Myanmar chỉ có thể bố trí cho chúng tôi tham quan thêm Bago vì phương tiện đi lại lúc ấy cực khó ở một đất nước có diện tích rộng gấp đôi Việt Nam; lần này, ngay từ ở Việt Nam chúng tôi đã có thể mua vé máy bay nội địa Myanmar để bay từ Yangon lên phía bắc tham quan Bagan và Mandalay, hai trong số nhiều cố đô của đất nước này, vì ngoài hãng hàng không quốc gia MAI (Myanmar Airways International) còn có thêm hai hãng hàng không khác cùng cạnh tranh là Air Bagan và Air Mandalay. Air Bagan thuộc sở hữu của một người con rể của tướng Than Swe, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar. Người con rể này - một thời từng tham gia phong trào sinh viên đòi dân chủ, nay được biết đến như một tỷ phú mới ở Myanmar - còn làm chủ một ngân hàng và nhiều khách sạn, khu resort.
Khác với lần trước, ở đâu cũng nhuốm một vẻ buồn tẻ đặc trưng của một đất nước đóng cửa, khép kín, lần này, ngay trong nhà ga sân bay quốc tế Yangon, cửa ngõ của đât nước này, có trang trí nhiều cây thông cùng dòng chữ “Merry Christmas” vì đang là dịp Noel, chứng tỏ khách du lịch phương Tây đổ vào ngày càng nhiều. Nằm đối diện với một công viên lớn và ngôi chùa vàng nổi tiếng Shwedagon, khách sạn 3 sao nơi chúng tôi ở, mà tiện nghi chẳng kém so với nhiều khách sạn 4 sao ở Việt Nam, cũng trưng bày cây thông Noel nơi sảnh, lại còn có một hang đá ngoài sân cỏ, và nườm nượp du khách, phương Tây có, châu Á có. Chúng tôi sẽ còn gặp họ trong bar của khách sạn này và tại nhiều điểm tham quan đền chùa về sau ở Bagan, Mandalay…
Cùng bay chung chuyến bay với đoàn du lịch chúng tôi đến Yangon là một đoàn quan chức và doanh nhân gần trăm người từ thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sang Myanmar để khảo sát thị trường. Không rõ đoàn thu được kết quả ra sao, dù đã thấy Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở văn phòng đại diện ở Yangon không biết tự lúc nào. Chỉ biết, trong những ngày đoàn khảo sát thị trường của Việt Nam có mặt ở Yangon thì tại đây cũng đang diễn ra một triển lãm hàng công nghiệp Trung Quốc khá hoành tráng. Anh hướng dẫn viên du lịch người Myanmar cho chúng tôi hay, tại Mandalay và các tỉnh phia Bắc nước này, hàng Trung Quốc, đặc biệt là xe gắn máy và hàng điện tử, được tiêu thụ rất nhiều. Mandalay cách Yangon ở phía Nam gần 1.000 cây số và chính quyền Myanmar đang cho xây dựng một con đường bộ cao tốc nối liền hai thành phố này. Khi con đường này hoàn thành, kinh tế, vận tải, du lịch Myanmar hẳn sẽ phát triển thuận lợi hơn và hàng Trung Quốc từ Mandalay và các tỉnh biên giới đông bắc giáp Trung Quốc hẳn sẽ đổ vào nhiều hơn.
Hiện tại, Myanmar vẫn còn nghèo, đời sống của đa số người dân vẫn còn cơ cực do nền kinh tế bị cô lập với thế giới bên ngoài dù đất nước này rất giàu về tài nguyên rừng, nông nghiệp, đá quý, khoáng sản. Những ngày chúng tôi tham quan đất nước này, đến đâu cũng gặp cảnh người dân rồng rắn xếp hàng chờ mua xăng, y như thời bao cấp ở ta. Ở nhiều điểm tham quan du lịch, du khách cũng không ít khi bị quấy rầy bởi những người kỳ kèo bán hàng lưu niệm. Nhưng xem ra những chuyển động về kinh tế đang tăng tốc. Khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào dù cho môi trường chính trị vẫn là điều khó đoán định, do cuộc bầu cử mới đây đã dẫn đến việc thành lập một quốc hội lưỡng viện và trao quyền cho một chính phủ dân sự nhưng vẫn do quân đội kiểm soát. Dù sao, lúc rời sân bay quốc tế Yangon chúng tôi đã có thể mua tại cửa hàng miễn thuế những chai rượu vang sản xuất tại Myanmar bởi một nhà đầu tư Đức, với bao bì và chất lượng không kém vang châu Âu là bao. 

Chùa tháp và văn hoá
Nếu Campuchia được gọi là “đất nước chùa tháp” thì danh hiệu này còn xứng hơn với Myanmar, bởi lẽ số lượng chùa tháp ở Myanmar nhiều hơn gấp bội, đặc biệt là ở vùng Bagan, nơi dày đặc các chùa tháp. Lý do vì sao như vậy vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải mã. Chỉ biết, giai thoại kể rằng vào thời hoàng kim của vương quốc Bagan cổ (847-1287), vương quốc đầu tiên thống nhất những vùng sau này hợp thành nước Myanmar, dân chúng đào được rất nhiều vàng và trở nên cực kỳ giàu có. Rồi họ đâm ra hư hỏng, chỉ biết ăn chơi mà không lo làm lụng gì cả. Nhà vua thấy vậy lo lắng hỏi vị quốc sư nên làm gi. Nhà sư cố vấn cho nhà vua nên khuyến khích dân chúng xây chùa tháp cúng Phật, vì vậy mà ở vùng Bagan có vô số chùa tháp, nhiều tháp dát vàng, xây san sát nhau.
Dù sao, giai thoại vẫn chỉ là giai thoại. Điều đáng nói là người Myanmar, dù đa số còn nghèo, vẫn không hề xâm hại các di tích lịch sử,  văn hoá, đền chùa của họ và luôn giữ gìn chúng sạch sẽ, tươm tất, với một thái độ sùng kính chân thành. Điều này khác hẳn với những gì có thể thấy nơi nhiều dí tích lịch sử, văn hoá, đền chùa, nơi các lễ hội ở nước ta mà báo chí đã phản ảnh nhiều và khiến những người quan tâm đến chiều sâu văn hoá và đời sống tâm linh thực sự cảm thấy lo lắng. Thái độ tôn trọng các di tích lịch sử, văn hoá và lòng sùng kính trước những địa điểm thiêng liêng nơi người Myanmar thực sự phản ánh chiều sâu văn hoá và lòng tự trọng dân tộc của họ, bởi xâm hại các di tích lịch sử văn hoá, xâm hại những nơi chốn thiêng liêng có khác gì chà đạp lên chính lòng tự trọng dân tộc? Chính vì thế mà, để leo lên những bậc đá đến chân tháp đền Shwesandaw ở Bagan để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp từ dây, một điều mà không du khách nào muốn bỏ qua, mọi du khách bản xứ hay nước ngoài đều phải cởi bỏ giày dép ngay từ dưới chân bệ tháp. Ở tất cả các đền chùa khác, khi đến thăm, khách cũng đều phải tỏ thái độ nghiêm cẩn như vậy khi bước qua cổng đền chùa.
Cũng cần nói thêm là trong khi ở ta mới chỉ vài địa phương đang vận động không dùng túi nylon thì ở khu trung tâm hành chính Bagan chính quyền đã ra lệnh cấm xả túi rác nylon ngoài đường. Còn tại Mandalay, bao quanh bốn bề khu hoàng thành cũ rất rộng vốn đã bị tàn phá trong các cuộc chiến và hiện đang được phục chế lại toàn bộ, là một hào nước rộng và sạch bóng như gương, không hề thấy một cọng rác cả dưới hào lẫn trên đường cạnh hào.
Cùng với lòng tự trọng dân tộc, người Myanmar nói chung là những con người thân thiện, ngay cả  với khách lạ. Đi trên các con đường, nhất là ở vùng nông thôn Myanmar, thỉnh thoảng du khách có thể bắt gặp ở phía trước các ngôi nhà bên vệ đường những lu nước mà chủ nhà dành cho những người lỡ bước đi qua, uống giải khát. Đó là một tập quán đẹp, một nếp văn hoá mà người Myanmar vẫn còn giữ được.
Mai này, khi kinh tế sớm muộn sẽ phát triển, đô thị hoá tăng tốc, dân số gia tăng, liệu người dân Myanmar có giữ được những nét đẹp văn hoá của họ? Khó mà biết trước, nhưng cứ xem cách mà người dân Myanmar đối xử với các di tích lịch sử, văn hoá của họ hiện tại, có thể tin họ sẽ không bán tất cả vì tiền.

QUYỀN LỰC VÀ PHÁP LUẬT

     
            Cựu Tổng thống Israel Moshe Katsav vừa bị tòa án nước này kết án bảy năm tù giam về tội hiếp dâm, quấy nhiễu tình dục nữ nhân viên. Chính quyền Israel, dù biết scandal này làm tổn hại uy tín tầng lớp lãnh đạo, phải thừa nhận rằng bản án chứng tỏ nguyên tắc bình đẳng  trước pháp luật của mọi công dân. Và đó chính là điều mang lại uy tín cho đất nước.
Viện công tố Ukraina mới đây cũng đã khởi tố, mở cuộc điều tra về nghi án cựu Tổng thống Leonid Kouchma, khi còn nắm quyền, dính líu tới vụ sát hại nhà báo Georgy Gongadze, người sáng lập báo mạng Ukrainska Pravda - sự kiện từng gây chấn động đất nước này. Ông Leonid Kouchma còn bị cấm xuất ngoại để phục vụ công việc điều tra.
Trước đó, cựu Tổng thống Jacques Chirac, chính trị gia kỳ cựu trên chính trường Pháp đã trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên từ sau Thế chiến II đến nay của nước này bị đưa ra xét xử vì bị cáo buộc đã sử dụng lạm dụng công quĩ khi còn là thị trưởng Paris từ năm 1977 đến năm 1995. Vị cựu tổng thống 78 tuổi cũng bị cáo buộc đã sử dụng ngân sách thành phố để trả tiền cho các phụ tá chính trị của ông. Trước đó, khi còn là tổng thống từ năm 1995-2007, ông đã được miễn tố. Nếu bị kết tội, ông Chirac sẽ phải đối mặt với án tù 10 năm và một khoản tiền phạt tương đương 210.000 đôla.
Những điều đó cho thấy, trong một nhà nước pháp quyền, luật pháp là tối thượng và không ai có thể đứng trên pháp luật.
Đó là chuyện ở xứ người. Tất nhiên, mỗi đất nước có một thể chế riêng, hệ thống pháp luật riêng. Nhưng dù thế nào, trong một nhà nước tự nhận là pháp quyền thì thượng tôn pháp luật phải là nguyên tắc đầu tiên, phổ biến, chung nhất. Và ai vi phạm pháp luật thì phải bị trừng phạt theo đúng quy định của pháp luật.

                                      ***
Ông Bùi Minh Thắng là cảnh sát. Nhưng ông không phải là cảnh sát thường. Ông là thiếu tá, phó phòng cảnh sát giao thông của một tỉnh, tức cũng thuộc hàng lãnh đạo. Cha ông lại là giám đốc công an tỉnh. Nhưng ông không những không chấp hành luật giao thông mà lẽ ra, hơn ai hết, ông phải chấp hành và ra sức bảo vệ; ngược lại ông còn buộc người khác phải phạm luật vượt đèn đỏ và khi người ta, ở đây là một tài xế taxi chở ông, không chịu phạm luật thì ông hành hung. Chẳng những thế, theo tường thuật của báo chi, khi những cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại chỗ, trên địa bàn một tỉnh khác, can thiệp, ông còn chửi bới, làm nhục bằng cách bắt phải quỳ gối xin lỗi và dọa bắn khi người cảnh sát giao thông kém ông mấy cấp bậc kia không chịu xin lỗi.
          Có nhiều câu hỏi có thể đặt ra từ vụ việc này. Như, dựa vào đâu mà ông Thắng có thể tự cho phép mình đứng trên, xem thường pháp luật và hành xử hống hách như vậy? Hoặc, quy trình đào tạo, tuyển dụng, cất nhắc thế nào mà lại để cho một người có lối hành xử như vậy leo lên đến chức phó phòng một cơ quan bảo vệ pháp luật. v.v…? Nhưng câu hỏi cốt lõi là những người như ông Thắng quan niệm thế nào về quyền lực được trao vào tay họ, bởi chính quan niệm về quyền lực công này chi phối cách họ hành xử quyền lực ấy. Khi ông Thắng buộc tài xế phải vượt đèn đỏ và hành hung tài xế không người này không nghe theo và không chịu chở ông chạy tiếp, cũng như khi ông làm nhục và dọa bắn viên cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, ông Thắng đang say xỉn nhưng rõ ràng cách ông hành xử, cách ông chứng tỏ uy quyền cho thấy ông rất có ý thức về quyền lực của mình. Một người bình thường, đố ai dám làm thế, trừ khi là cướp. Cách hành xử của ông Thắng phải chăng cho thấy, trong suy nghĩ của ông, quyền lực mà ông nắm trong tay không phải là do nhân dân trao cho để phục vụ nhân dân, mà do anh Ba, chú Tư hay bác Năm … nào đó trao cho và ông muốn hành xử thế nào tùy ý, miễn không làm phật lòng cấp trên hoặc những người gửi gắm ông.
           Chính cái kiểu hành xử quyền lực tùy tiện như vậy, và không chỉ trong lĩnh vực luật giao thông, là cú đấm vào luật pháp, làm suy yếu hiệu lực của pháp luật. Người dân có quyền nghĩ và sẽ nghĩ: những người đại diện cho pháp luật, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật mà còn làm như vậy nữa là… Cho nên, đừng vội trách người dân không có “văn hóa” giao thông. Trước hết hãy xem lại “văn hóa” hành xử quyền lực kiểu như ông Thắng. Chính lối hành xử “thượng bất chính” ấy sẽ vô hiệu hóa mọi chiến dịch tuyên truyền “văn hóa” giao thông trong dân và lâu dần tạo nên hiệu ứng xem thường pháp luật nơi người dân.
          Cũng như vậy là hiện tượng “làm luật” ở nhiều trạm kiểm soát giao thông, là việc những chiếc xe tải chở vật liệu được gọi là “xe vua”, “xe hung thần” vì có ai đó đứng sau bảo kê, tự cho phép mình chạy bừa, bất chấp luật lệ giao thông, gây ra không ít tai nạn thương tâm.
Không ít nghị quyết, văn kiện của Đảng và nhà nước khẳng định việc xây dựng nhà nước pháp quyền (xã hội chủ nghĩa). Có thể nào xây dựng nhà nước pháp quyền nếu những hiện tượng tự cho phép mình dựa vào mối quan hệ với ai đó mà đứng trên, xem thường pháp luật tiếp tục kéo dài?
Rốt cuộc thì ông Thắng chỉ bị phạt hành chính với số tiền phạt 2,2 triệu đồng. Với cách hành xử quyền lực công như ông đã làm, lấy gì bảo đảm ông sẽ không lặp lại điều đó trong một hoàn cảnh khác, một khi ông vẫn tiếp tục ở trong ngành?