Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

NGƯỜI THẦY TIẾNG VIỆT CỦA TÔI


Đó là thầy Vũ Tất Thắng. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt vừa nghiêm nghị vừa thanh tú, với đôi mắt to, sáng và sống mũi cao, mái tóc húi cao của thầy; nhớ chiếc áo dài the đen mà thầy mặc mỗi khi vào lớp, trong khi những người thầy khác hồi học đại học sau này tôi lại không còn nhớ nổi một gương mặt nào.
Năm 1961, sau khi thi đậu tiểu học ở Phước Tuy (Bà Rịa bây giờ), tôi bắt đầu vô học trường dòng Phanxicô ở Thủ Đức, theo chương trình Pháp, bắt đầu từ lớp huitième (lớp 8). Tiếng Việt được coi như một sinh ngữ, cùng với tiếng Anh (khi học lên cinquième - lớp 5). Tôi chỉ học tiếng Việt với thầy Thắng đâu 2-3 năm gì đó từ lớp 8, nhưng nhờ thầy mà tôi yêu tiếng Việt, học tốt ngữ pháp tiếng Việt, yêu thơ văn Việt Nam, mặc dù tôi cũng rất thích thơ văn tiếng Pháp. Cùng với Stendhal, Flaubert, Maupassant, Baudelaire, Alain Fournier, G. Apollinaire, J. Prévert…tôi yêu Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, yêu văn chương Tự lực Văn đoàn, yêu Thơ mới, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bích Khê… Hồi ấy chúng tôi ở nội trú trong trường, chỉ đến chiều thứ bảy là được ra ngoài đi chơi, và thường là lấy xe lam từ Thủ Đức về Sài Gòn chơi. Mỗi lần như vậy tôi thường la cà ở các hàng sách báo trên lề đường Lê Lợi và tìm mua sách báo, tạp chí cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Tôi nhớ hồi ấy tôi đã mê và bỏ tiền mua những tuyển tập thơ tiền chiến của Xuân Diệu (Thơ thơ), Huy Cận (Lửa thiêng), Chế Lan Viên (Điêu tàn)…cũng như tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tất cả in trên giấy hoa tiên rất đẹp, rất trang trọng. Tất nhiên tôi cũng mua và đọc cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam thời ấy cũng như các nhà văn nước ngoài khác, ngoài Pháp, qua loại sách Livre de poche được nhập khẩu và bán ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Trở lại với thầy Thắng. Chính chiếc áo dài the đen thầy mặc và giọng giảng bài truyền cảm của thầy đã truyền cho tôi tình yêu tiếng Việt và văn chương Việt Nam. Cho đến một ngày, thầy xuất hiện trong lớp trong bộ quân phục để từ giã chúng tôi. Thầy phải đi quân dịch. Từ đó tôi không còn biết tin tức gì về thầy nữa mà trong lòng bao giờ cũng thầm cảm ơn thầy đã dạy cho tôi biết yêu tiếng Việt. Sau 30-4-1975, tôi cố nghe ngóng tin tức về thầy mà không nắm được gì, không biết thầy còn sống hay đã mất. Lâu lâu rồi, tôi lại nghe một bạn học cũ nói thầy còn sống nhưng gặp chuyện đau buồn về gia đình. Tôi nghe mà thương cho thầy, nhưng vẫn không biết thầy ở đâu.
Có ai tình cờ đọc được những dòng này và biết thầy ở đâu, làm ơn chỉ giùm tôi, tôi vô cùng biết ơn.

VỀ HƯU !


Vậy là mình về hưu. Bảy tháng trước khi đến hạn nghỉ hưu chính thức. Là theo đề nghị của chính minh, bởi nếu muốn tiếp tục làm nhiệm vụ tổng thư ký tòa soạn cho đến đầu 2010 thì cũng được. Nhưng bỗng dưng tới tuổi này lại cảm thấy ham chơi quá nên xin hưu sớm quách cho khỏe, để còn đi chơi đi bời ! Dường như về già người ta ham chơi hơn thì phải !
Có mấy anh em, nhất là mấy em gái trong tòa soạn, nghe mình nghỉ hưu tỏ vẻ ngạc nhiên. « Còn trẻ sao hưu sớm thế? Anh mà ra đường còn khối cô mê ! » Trời đất, không biết nói đùa hay nói thật, nghe thì cũng thấy sướng thầm trong bụng nhưng mà đã 60 cái xuân xanh rồi, tóc đã lốm đốm bạc rồi, xương cốt đã bắt đầu rơ, bắt đầu ê ẩm rồi, còn trẻ cái nỗi gì ! Nhưng mà kể cũng lạ, hồi còn trẻ, nhất là lúc còn học trung học, mình toàn bị tụi bạn gọi là « ông già », đến giờ già thiệt thì hầu như ai cũng bảo còn trẻ (so với cái tuổi 60 của mình, và so với một số anh em khác tuổi thực trẻ hơn) !
Về hưu có cảm giác gì ? Cảm giác đầu tiên là nhẹ nhõm, lâng lâng. Như cất được một cái gánh nặng gì đó ! Từ đây khỏi phải lo kế hoạch, kế hiếc, khỏi phải lo để xảy ra sai sót gì cho cơ quan nhé ! Từ đây có nhiều thì giờ đi du lịch, du hí hơn nhé ! Không sướng sao được. Chợt nhớ lại bài tạp văn « Buổi sáng thật thà » của Nguyễn Ngọc Tư nói về cái cảm giác luyến tiếc chiếc ghế, luyến tiếc quyền hành của một ông già về hưu, bèn thành khẩn soát xét lại trong từng đường tơ kẽ tóc, từng tế bào xem mình có cái cảm giác luyến tiếc ấy không. Phải thành thật mà nhận rằng không hề có. Vậy là vui.
Tất nhiên mình cũng dè chừng chuyện chơi bời một hồi có khi rồi cũng chán. Mấy anh bạn về hưu trước mình truyền lại kinh nghiệm như vậy. Nên chơi thì chơi, mình cũng chuẩn bị kế hoạch để « sống tích cực », như người ta nói, để trí óc khỏi mụ đi, để khỏi rơi vào chỗ trầm cảm do biếng nhác, không làm gì. Này nhé, mình sẽ ký họp đồng với tờ báo hiện tại làm một chân biên tập gì đó, nếu còn rảnh và thấy thích hợp thì sẽ hợp đồng làm công việc gì khác nữa với một tờ báo khác. Lại còn có vài công ty muốn mình làm việc cho họ. Chỉ sợ không có sức, và công việc không biết có thú vị không thôi. Ngoài ra còn phải để thì giờ viết blog và đi chơi nữa chứ. Càng về già càng ham chơi mà !
Chợt nghĩ, không hiểu sao nhiều người ham bám ghế dữ vậy (tất nhiên cái ghế tổng thư ký tòa soạn một tờ báo thì không thể so với những cái ghế to hơn, béo bở hơn ở những ngành nghề khác, nhưng dù sao thì cũng là một cái ghế !). Có lẽ quyền lực, quyền hành là thứ gì đó có sức quyến rũ ghê gớm nên có khi cái ghế cũng không béo bở gì cho lắm mà người ta cũng không dễ từ bỏ. Lại có những người tuy không hám địa vị hay quyền lợi nhưng thành thật tin rằng, không có họ ngồi ở cái ghế họ đang ngồi thì thế giới sẽ sụp đổ, mọi thứ sẽ đảo lộn, sẽ hỏng bét. Họ không bao giờ nghĩ rằng, không có họ ở đó, mọi thứ có khi còn tốt đẹp hơn, chưa biết chừng.
Mình thì tự bản chất, mình nhận thấy vậy, đã không ham địa vị, quyền hành (năm 1997, đang làm tổng thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ, vì bất đồng, mình đã xin nghỉ ngang, chuyển qua TBKTSG, thời gian đầu chỉ làm thư ký tòa soạn), có lẽ vì vậy mà về hưu trước thời hạn, với mình cũng là chuyện rất ư bình thường.
Nhớ lại, những năm ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết, mình từng nghĩ, thậm chí ước sống đến 45, chết là đẹp. Vậy mà bây giờ đã sống đến 60, hưu là vừa.