Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

THẦM LẶNG MÀ KHÔNG THỂ THIẾU

Trên mạng, tôi đọc thấy nhiều đồng nghiệp ở một số báo mới được phân công làm thư ký tòa soạn nêu lên sự lúng túng của mình khi đảm nhận công việc này, không biết phải bắt đầu công việc từ đâu, làm công tác tòa soạn là làm những gì. Ở các lớp dạy vế báo chí ở Việt Nam, hình như công việc này cũng không hoặc ít được nói tới. Là người có ít nhiều kinh nghiệm về công việc này, tôi muốn chia sẻ với các bạn đồng nghiệp và cũng mong được chỉ giáo nếu có gì chưa đúng, chưa đầy đủ.


Làm toà soạn một tờ báo, như người ta thường nói, là làm công việc “bếp núc”. Công việc “bếp núc” là công việc thầm lặng - nhưng không thể thiếu - để cho ra đời những tác phẩm báo chí hoàn chỉnh, với chất lượng cao nhât có thể, để khi tờ báo đến tay người đọc, họ sẽ cảm thấy sản phẩm được chăm chút như khi ta ngồi trước một món ăn ngon lại được trình bày đẹp đẽ, tươm tất trên bàn ăn. Khác với viết văn, nhà văn một mình đối diện với trang giấy (hoặc chiếc máy vi tính) và thấp thoáng xa xa là người đọc, một bài báo là một công trình tập thể đúng nghĩa, bởi bên cạnh phóng viên luôn có bộ máy toà soạn giúp sức, từ khâu biên tập, hoàn chỉnh bản thảo, bổ sung tư liệu khi cần và nâng chất lượng bài báo cho đến khâu trình bày, in ấn sao cho tạo được hiệu quả cao nhất nơi người đọc.

Chính vì vậy mà William G.Connolly, một biên tập viên có tiếng của tờ New York Times, nói: “ Không thể có một tờ báo tuyệt vời nếu không có những phóng viên tuyệt vời. Nhưng cũng không thể có một tờ báo tuyệt vời nếu không có những biên tập viên chuyên nghiệp, giỏi nghề và dày dạn kinh nghiệm”.

Ở đây chúng tôi không muốn bàn về những khía cạnh kỹ thuật của công việc biên tập mà người đọc có thể tìm thấy ở nhiều cuốn sách và tài liệu khác về báo chí mà chỉ muốn nêu lên vài đúc kết từ thực tiễn, về công tác toà soạn nói chung, về những chức năng và hoạt động của một toà soạn, cũng như những đòi hỏi về phẩm chất, năng lực chuyên môn đối với người làm việc ở bộ phận không thể thiếu này của một toà báo.

Làm toà soạn là làm gì, hay chức năng của một toà soạn

Tuỳ tờ báo lớn hay nhỏ, toà soạn có những hình thức tổ chức khác nhau. Nếu một tờ báo hay tạp chí quá nhỏ (theo nghĩa ít nhân viên), có khi nhóm chủ trương tờ báo hay tạp chí vừa là người đề ra chủ trương biên tập, đề ra đề tài từng số báo, tự mình viết và đặt cộng tác viên viết bài, vừa làm công tác toà soạn, biên tập và trình bày, đưa đi in. Một tờ báo quy mô trung bình trở lên thường tách toà soạn thành bộ phận riêng, chuyên nghiệp. Và có những tờ báo lớn (hiểu theo nghĩa đông nhân viên), ngoài toà soạn với nhiều biên tập viên và nhiều thư ký toà soạn được phân công phụ trách những mảng khác nhau dưới sự điều động của một tổng thư ký, còn có các ban chuyên môn về nội dung như chính trị-xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hoá-văn nghệ, thể thao, quốc tế… Ở những tờ báo như vậy, toà soạn thường họp với các trưởng ban mỗi ngày (nếu là nhật báo) hoặc hàng tuần (nếu là tuần báo) để quyết định nội dung số báo sắp ra và rút kinh nghiệm về số báo vừa ra. Nhưng dù tổ chức theo mô hình nào, toà soạn cũng phải đảm đương các chức năng chính sau đây:

- Là gạch nối giữa bộ phận chủ trương biên tập (ban biên tập) với các bộ phận còn lại của tờ báo:

Toà soạn là người triển khai ý tưởng, chỉ đạo của bộ phận chủ trương biên tập cho phóng viên; tìm kiếm, gợi ý và chấp nhận hoặc bác bỏ những đề tài do phóng viên đề xuất trên cơ sở nó phù hợp hay không với chủ trương biên tập, có đáp ứng hay không sự chờ đợi của người đọc. Toà soạn còn là người đôn đốc phóng viên săn tìm trong thực tế cuộc sống những đề tài hay, mới, phù hợp với chủ trương của tờ báo. Toà soạn còn là gạch nối, là người phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trong quy trình sản xuất một tờ báo: bộ phận trình bày, tư liệu, quảng cáo...

- Là cầu nối giữa tờ báo với độc giả:

Là người có khả năng nắm bắt nhu cầu, khẩu vị của người đọc, biết người đọc cần gì, toà soạn là người trình bày bộ mặt của tờ báo cho bạn đọc, dọn đúng món ăn người đọc đang cần, những thông tin mà đa số người đọc đang tìm kiếm, trông đợi để người đọc mỗi ngày hay mỗi tuần, mỗi tháng giở tờ báo ra như tìm thấy người tri âm tri kỷ, không cần nói mà hiểu được mình, “gãi đúng chỗ ngứa” của mình. Toà soạn còn phải là người thường xuyên lắng nghe phản hồi từ độc giả để điều chỉnh nội dung và hình thức tờ báo nếu xét thấy cần, để đính chính, sửa chữa những sai sót, để tờ báo ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người đọc, nhất là những bạn đọc trung thành của tờ báo.

- Là trung tâm thu nhận và xử lý thông tin của tờ báo:

Toà soạn là nơi thu nhận và xử lý mọi nguồn thông tin. Phóng viên là người “đi chợ”, mang thông tin về cho toà soạn “chế biến”. Nhưng ngoài thông tin do phóng viên mang về, toà soạn còn phải có cách “đi chợ” của riêng mình. Bằng những nguồn tin khác nhau, những kênh thông tin khác nhau (phản hồi của bạn đọc, thông tin từ các cơ quan chức năng, từ cộng tác viên, từ các nguồn tư liệu), toà soạn phải nắm được tình hình tổng quát để vừa có thể kiểm tra lại thông tin từ phóng viên, tránh cho phóng viên lỗi chủ quan, phiến diện, vừa bổ sung những gì phóng viên còn thiếu và nâng chất lượng tin tức, bài viết của phóng viên sao cho đạt tới cái đích mà toà soạn cho rằng tin tức hoặc bài báo phải đạt tới.

- Là người hoàn thiện, nâng cao chất lượng, giá trị bài viết:

Là khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất một tờ báo, toà soạn là nút chặn cuối cùng đối với mọi sai sót có thể xảy ra trong suốt cả quy trình. Bằng kiến thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ của mình, toà soạn và các biên tập viên phải làm tròn trách nhiệm chính này của mình. Muốn làm được như vậy, phải đặt tinh thần trách nhiệm đối với người đọc, đối với tờ báo lên trên hết. Phải đề cao tính nguyên tắc và không nhân nhượng trước bất kỳ một nghi vấn hay “lợn cợn” nào. Không chỉ là nút chặn cuối cùng đối với mọi sai sót, toà soạn còn là người nâng cao chất lượng tờ báo bằng cách sửa chữa, thêm bớt, cắt gọt nếu bài quá dài dòng, bổ sung tư liệu, số liệu, hình ảnh, bảng biểu, đồ thị,đặt lại tít tựa, kể cả viết lại tin, bài nếu thấy cần thiết. Tất cả nhằm làm cho tin, bài rõ ràng, mạch lạc, hấp dẫn đối với người đọc.

- Là người làm công tác cộng tác viên và xây dựng những

cây bút cho tờ báo:

Hơn ai hết, toà soạn phải là người nắm được nhu cầu của người đọc và hiểu được tờ báo của mình cần gì để có thể đáp ứng nhu cầu của người đọc. Và nếu chỉ dựa vào lực lượng phóng viên của mình, một tờ báo sẽ khó lòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người đọc, nhất là khi gặp phải những đề tài đòi hỏi kiến thức và sự phân tích chuyên sâu. Một toà soạn giỏi phải là một toà soạn tổ chức được lực lượng cộng tác viên hùng hậu để khi cần là có thể nhờ cậy. Hơn nữa, sự đóng góp của cộng tác viên còn mang lại cho tờ báo sự phong phú trong giọng điệu, tính đáng tin cậy trong phân tích khi đó là phân tích của chuyên gia trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Do đó, toà soạn phải bỏ thời gian, công sức để tập hợp, chăm sóc lực lượng cộng tác viên của mình.

Bên cạnh đó toà soạn còn là người góp phần xây dựng những cây bút, những tên tuổi cho một tờ báo bằng chính công việc nâng cao chất lượng bản thảo phóng viên; trên cơ sở biết thế mạnh, sở trường của từng phóng viên mà xây dựng, phát huy những cây bút có uy tín trong từng lĩnh vực và biết giới thiệu, “lăng-xê” đúng lúc tên tuổi của các cây bút của tờ báo cùng với những sản phẩm tốt nhất của họ. Thực tế là nhiều người đọc chủ yếu đọc một bài báo hoặc một tờ báo chỉ vì tên tuổi của một vài tác giả mà họ thích hoặc họ tin cậy, và một toà soạn giỏi là một toà soạn biết phát huy các cây bút tên tuổi của mình.

Như vậy, toà soạn không chỉ là người lo “đầu ra” (khâu biên tập, trình bày) của một tờ báo, càng không phải là người chỉ làm công việc biên tập kỹ thuật (cắt gọn, sửa chữa chính tả, câu chữ) như nhiều người lầm tưởng. Toà soạn là người lo từ “đầu vào” đến “đầu ra” của một tờ báo, là người vạch kế hoạch nội dung, đế tài, chỉ đạo, giúp sức cho phóng viên thực hiện và cuối cùng là hoàn chỉnh sản phẩm của phóng viên, cộng tác viên trước khi đưa nó đến tay bạn đọc.

Bốn trong một, hay những yêu cầu đối với người làm toà soạn

Người làm toà soạn có thể nói là bốn con người trong một con người. Cụ thể, họ phải là:

- Nhà tâm lý xã hội:

Người làm báo nói chung luôn phải nhạy cảm với nhu cầu, tâm lý của người đọc, do đó có thể nói người làm báo phải là một nhà tâm lý xã hội, nhà tâm lý trong truyền thông. Nhưng hơn ai hết, là người đứng ở khâu cuối của quy trình sản xuất một tờ báo đồng thời lại là người đầu tiên đọc tờ báo trước khi nó đến tay độc giả, người làm toà soạn càng phải là một nhà tâm lý truyền thông để biết người đọc cần gì, muốn gì, và cố gắng đưa đến cho họ “món ăn” mà họ cần.

Tất nhiên, trong điều kiện xã hội Việt Nam, nơi mà ý kiến của người này người nọ chứ không phải luật pháp thường có tiếng nói cuối cùng; nơi mà báo chí chưa được đóng vai trò như nó vốn phải có trong những xã hội phát triển; nơi mà ảnh hưởng phong kiến trong nếp nghĩ, tập quán, cách hành xử còn nặng nề thì báo chí không phải lúc nào cũng có thể làm tròn thiên chức của mình là phục vụ người đọc. Ngược lại báo chí cũng bị ảnh hưởng bởi những tập tính xấu của xã hội, chẳng hạn:

- Sự cảm tính, chủ quan, nói lấy được, bất chấp sự hợp lý hay không hợp lý (đối nghịch với tính khách quan, duy lý, khoa học).

- Dễ bị cuốn theo dư luận và/hoặc ý kiến quan phương (đối

nghịch với đầu óc độc lập và tinh thần thượng tôn pháp luật).

- Vừa tự tôn dân tộc ( điển hình là khi phỏng vấn người nước

ngoài, nhiều phóng viên thường hỏi những câu mớm ý để người ta ca tụng dân tộc mình, đất nước mình, con người Việt Nam mình), nhưng lại vừa tự ti dân tộc, thường thấy ai đó có tiếng thì luôn muốn họ phải có “dây mơ rễ má” gì đó với Việt Nam.

- Thiếu phân biệt đời sống công cộng và đời sống riêng tư, dẫn

đến tình trạng xâm phạm đời sống riêng tư cá nhân; thậm chí đôi lúc tỏ ra nhỏ nhen khi bươi móc chuyện đời tư, đặc biệt nếu người được đề cập bị tình nghi vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án.

- Vừa bỏ rơi những nhu cầu thông tin chính đáng của người đọc

(không loại trừ do chỉ đạo không được đưa cái này, cái kia vì lý do “nhạy cảm”), lại vừa chạy theo cái dễ dãi, thương mại hóa rẻ tiền.

Trong một môi trường xã hội, môi trường văn hoá, môi trường

báo chí như vậy, toà soạn rất dễ bị áp lực chiều theo não trạng đang chi phối trong xã hội, và giữ cho một tờ báo được “đàng hoàng” theo những tiêu chuẩn phổ biến của báo chí hiện đại là điều không dễ. Tuy vậy thực tế đã chỉ ra rằng độc giả rất tinh tường, có thể qua mắt được một số ít người chứ không thể qua mắt được hàng triệu độc giả, trong đó có những độc giả có thể là bậc thầy của người làm báo.về mặt này hoặc mặt khác. Muốn giữ cho tờ báo có được tính khả tín của mình, toà soạn phải luôn đặt mình dưới cái nhìn nghiêm khắc của người đọc để luôn giữ mình, không rơi vào chỗ dễ dãi với chính mình và để luôn tự hỏi: Người đọc cần gì? Người đọc được lợi ích gì khi đưa (hoặc không đưa) tin, bài này. Nếu một tin, bài đáng lẽ phải đưa vì nó có lợi cho người đọc mà lại không đưa vì một lý do nào đó, phải nhớ rằng mình đang mắc nợ với người đọc.

- Nhà ngôn ngữ:

Một hiện tượng ngôn ngữ thường thấy là một tít báo hay có khi được cả xã hội dùng lại sau đó, khi người ta đứng trước một sự kiện hay một hiện tượng tương tự. Điều đó cho thấy sức mạnh của ngôn ngữ. Một từ dùng hay, dùng ‘đắt” trong một bài báo có tác dụng làm cho

người đọc thấm thía và nhớ đến bài báo rất lâu. Ngược lại, một bài báo dù chứa đựng nhiều thông tin hay nhưng viết dở, lủng củng, cẩu thả, sử dụng ngôn ngữ không “đắt”, sẽ khiến người đọc chóng quên. Chính vì vậy mà người làm toà soạn (nhất là thư ký toà soạn) không chỉ là người phải biết viết đúng tiếng Việt mà còn phải là người nắm vững kho tàng tiếng Việt, những cái tinh tế của tiếng Việt để sử dụng sao cho vừa chuẩn, vừa “đắt”, nhờ đó mà nâng cao giá trị một bài báo. Đó là cả một nghệ thuật. Ở khía cạnh này, có thể nói người làm toà soạn cũng là một nhà ngôn ngữ trong tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng xu hướng ngược lại, xu hướng “văn học hoá” báo chí, hy sinh tính chính xác, tính sáng sủa, rõ ràng của văn phong báo chí cho sự “làm dáng” văn học. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, thà cứ viết một cách rõ ràng, dễ hiểu còn hơn là cố làm cho ra vẻ “văn học”.

- Nhà mỹ thuật:

Người làm toà soạn cũng là người trình bày bộ mặt tờ báo với

độc giả. Một bộ mặt đẹp hay một bộ mặt xấu xí, nhem nhuốc phụ thuộc vào khâu trình bày và in ấn. Do đó thư ký toà soạn phải làm việc rất chặt chẽ với hoạ sĩ trình bày (hay giám đốc mỹ thuật). Ở nhiều tờ báo nước ngoài, với sự giúp đỡ của máy tính, thư ký toà soạn có xu hướng làm luôn cả công việc trình bày, ít ra là trên đại thể. Ở ta thì bộ phận trình bày hay mỹ thuật nói chung vẫn còn tách khỏi bộ phận biên tập mặc dù vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của thư ký toà soạn, do đó việc thư ký toà soạn làm việc chặt chẽ với bộ phận trình bày là hết sức cần thiết để bảo đảm tính hợp lý trong việc sắp xếp vị trí các tin bài theo một trật tự thông tin nhất định dựa trên tầm quan trọng của mỗi tin, bài; đảm bảo tính mỹ thuật của từng bài báo, từng trang báo, từng cái tít, từng tấm ảnh, và tổng thể tờ báo. Điều này đòi hỏi thư ký toà soạn phải là người có con mắt mỹ thuật. Tất nhiên, mỹ thuật trong trình bày báo khác với mỹ thuật trong hội hoạ. Muốn gì thì muốn vẫn phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, sáng sủa, tính hợp lý trong sắp xếp tin bài nào ở vị trí nào. Cần tránh một hiện tượng thường thấy là lạm dụng màu sắc, font chữ, cỡ chữ khiến người đọc bị rối mắt, tờ báo nhìn tưởng đẹp mà khó đọc, và vô hình trung gây hiệu ứng ngược.

- Luật gia:

Người làm toà soạn còn phải là người có kiến thức pháp luật và

những vấn đề pháp lý ở mức độ nhất định để tránh cho tờ báo và cả cho chính phóng viên phải đối diện với luật pháp, với những vụ kiện tụng và những rắc rối pháp lý nảy sinh khi đưa tin không chính xác do không kiểm tra kỹ sự việc hoặc do ham chi tiết giựt gân mà rơi vào chỗ vu khống, xúc phạm danh dự, đời tư cá nhân. Muốn vậy, thư ký toà soạn và biên tập viên phải luôn nhớ những quy định pháp luật liên quan đến ngành nghề và luôn phải kiểm tra tính hợp lý của các sự kiện.Chỉ riêng việc kiểm tra tính hợp lý của sự kiện nhiều khi cũng đã có thể giúp phóng viên và tờ báo tránh được những rắc rối có thể nảy sinh. Về một khía cạnh nào đó, vì vậy, có thể coi người làm toà soạn cũng phải là một luật gia.

Ngoài ra, báo chí nước ngoài còn thường yêu cầu người làm toà soạn phải là những “nhà ngoại giao”, vừa mềm mỏng vừa kiên quyết khi phải cắt gọt, sửa chữa, thậm chí gác, không đăng bài của phóng viên hoặc cộng tác viên. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng không nên quá nhấn mạnh điều này mà cần nhấn mạnh đến bản lĩnh của toà soạn để có thể bảo vệ được chủ kiến của mình khi xử lý một tin, bài nào đó.

Phẩm chất của người làm toà soạn

Ngoài những phẩm chất chung của một người làm báo, theo chúng tôi, người làm công tác toà soạn, làm biên tập viên còn cần có những phẩm chất, đức tính sau:

- Biết đặt yêu cầu của người đọc và trách nhiệm với người đọc

lên trên hết:

Cần thường xuyên tự hỏi: Độc giả đang cần gì? Cái này độc giả có cần không? Nó mang lại lợi ích gì cho độc giả? Từ đó mà quyết định đăng hay không đăng một bài báo. Và khi đã quyết định đăng thì không quản công sức, khó nhọc để một bài báo đạt chất lượng cao nhất có thể, trước khi đến tay người đọc. Cũng từ đó mà điều động phóng viên, liên hệ với cộng tác viên để làm sao có được tin, bài mà toà soạn đánh giá là cần thiết cho độc giả.

- Biết đặt mình vào vị trí của người đọc để tự phản biện:

Tự đặt mình vào vị trí người đọc để tự phản biện sẽ giúp ta phát hiện ra những cái sai, cái bất hợp lý, mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu rõ ràng, mạch lạc trong từng bài báo, từng câu chữ. Điều đó đòi hỏi người làm toà soạn phải rèn luyện đức tính cẩn trọng, chặt chẽ, tỉ mỉ.

Thường xuyên căng thẳng vì phải ứng phó với biến động thời sự, nhất là vào những phút chót, trước thời hạn giao bài cho nhà in, người làm toà soạn thường cảm thấy mệt mỏi và dễ bị cám dỗ buông xuôi, làm cho qua, được chăng hay chớ. Phải thường xuyên chống lại sự cám dỗ này, vì nếu không, chất lượng bài báo, tờ báo lập tức sẽ bị ảnh hưởng. Vì lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, vì trách nhiệm trước người đọc, và cũng vì uy tín của chính tờ báo, làm sao có thể chấp nhận cho xuất bản một cái tin, một bài báo với đầy những hạt sạn? Làm như vậy có khác nào bán một món hàng kém chất lượng!?

- Biết hy sinh “cái tôi”:

Người làm toà soạn, làm biên tập viên phải là người biết hy sinh “cái tôi”, không tìm kiếm vinh quang cá nhân để tìm thấy niềm vui và niềm tự hào khi cả tờ báo được độc giả đánh giá cao, có uy tín trong lòng người đọc. Khi đó người làm toà soạn có thể mỉm cười tự nhủ: “À, mình cũng có đóng góp trong đó” và nhận ra công việc toà soạn cũng không phải là công việc “bạc bẽo” như người ta vẫn nghĩ.

Toà soạn và phóng viên: không thể thiếu nhau

“Công việc bạc bẽo” - nhiều người làm công tác toà soạn thường có cái cảm giác đó. Quả vậy, đọc một tờ báo, thường người đọc chỉ biết đến tên tuổi phóng viên chứ ít ai nghĩ đến, nhận ra công sức của toà soạn, của các biên tập viên, người trình bày… dù công việc của họ là không thể thiếu. Người đọc suýt soa trước một bài báo hay và thầm khen ngợi, ghi nhớ tên tuổi phóng viên chứ đâu biết, trong không ít trường hợp, bản thảo đã bị sửa chữa gần như toàn bộ và bài báo đến tay họ có công sức đóng góp mang tính quyết định của đội ngũ biên tập viên mà họ không được biết tên. Ngay chính phóng viên, nhiều người khi báo in ra rồi cũng chẳng thèm đọc lại để xem bài viết của mình đã được toà soạn sửa chữa, nâng cấp ra sao, những lỗi ngô nghê nào đã được gạt bỏ. Chính vì coi công việc toà soạn là công việc bếp núc thầm lặng, thiếu “vinh quang”, nên nhiều người làm báo thường chỉ thích làm phóng viên, vừa tự do về giờ giấc, không phải ngồi chết gí tại toà soạn, vừa có dịp đi đây đi đó nhiều hơn và dễ gặt hái vinh quang cá nhân hơn.

“Bạc bẽo” còn bởi, giữa tòa soạn, biên tập viên với phóng viên hầu như có một thứ mâu thuẫn muôn thuở. “Văn mình, vợ người”, dân gian nói vậy. Không bàn đến vế thứ hai, với vế thứ nhất, “văn mình”, hầu hết phóng viên, nhất là những người đã vào nghề lâu năm hoặc có chút tên tuổi thì bài viết của họ đúng là “số một” và họ không muốn cho ai đụng tới. Trong các toà soạn thường xảy ra cảnh phóng viên gây gổ với biên tập viên và thư ký toà soạn: Bài tôi hay thế, tại sao anh gác, không đăng? Tại sao anh cắt mất chi tiết đắt giá này của tôi? Anh cắt gọt khiến bài báo của tôi không còn là của tôi nữa! Biên tập gì mà bài báo không còn “phong cách riêng” của tôi, bài nào cũng giống bài nào! Phải công nhận rằng đôi lúc toà soạn (nhất là những người mới vào nghề) cũng phạm sai lầm (ai mà chẳng có lúc phạm sai lầm?) do không đủ tỉnh táo, do sự thúc ép của thời hạn giao bài cho nhà in. Nhưng chính vì ở chỗ đứng của mình (vừa là người đọc cuối cùng trong dây chuyền sản xuất tờ báo, vừa là người đọc như một độc giả đầu tiên trước tất cả các độc giả khác) người làm toà soạn có khả năng nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn, tỉnh táo hơn để biết điều gì cần cho độc giả, điều gì không. Những “chi tiết đắt giá” nhiều khi là thừa và khiến độc giả không tập trung theo dõi được ý chính của bài báo. Một bài báo dài dòng sẽ khiến độc giả mỏi mệt và lắm lúc rút lại còn một nửa vẫn nói được đủ ý phóng viên muốn nói. “Phong cách riêng” lắm lúc lại là sự rối rắm trong diễn đạt khiến người đọc khó hiểu, khó nắm được ý của người viết. Một bài báo mà phóng viên cho là hay đôi khi chỉ là theo sự đánh giá chủ quan của người viết. Đứng ở vị trí của người đọc để phản biện, toà soạn có khả năng phát hiện và xử lý những cái sai, cái dở trong cả tờ báo và từng tin, bài để sao cho sản phẩm đến tay người đọc là một sản phẩm hoàn chỉnh nhất.

Thật ra, như đã nói ở đầu, một tờ báo, một bài báo đúng là một công trình tập thể, vì thế toà soạn và phóng viên luôn cần nhau. Bởi, nếu không có phóng viên, toà soạn lấy gì để “làm bếp”, để “chế biến”? Ngược lại, nếu không có toà soạn, những phát hiện của phóng viên chưa chắc đã đúng, sự đánh giá nhu cầu của người đọc từng lúc chưa chắc đã chính xác, bài viết chưa chắc đã đạt đến cái tầm cần có, diễn đạt chưa chắc đã suôn sẻ, hấp dẫn. Nhưng mâu thuẫn giữa hai bên vẫn luôn luôn tồn tại, và đó là thứ mâu thuẫn tất yếu giúp hai bên tiếp cận gần hơn với sự thật và giúp cho một bài báo đúng hơn, hay hơn. Không có sự phản biện của toà soạn, phóng viên dễ rơi vào chỗ chủ quan, phiến diện. Ngược lại, không có thực tế ngồn ngộn, cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà phóng viên mang về, những người làm toà soạn rất dễ rơi vào chỗ xơ cứng, đi theo lối mòn trong tư duy, xa rời thực tế.

Cuối cùng, trong một toà báo, phóng viên càng giỏi giang, càng chủ động thì toà soạn càng đỡ khó nhọc; ngược lại toà soạn càng có tay nghề, có kinh nghiệm thì phóng viên càng được nhờ cậy.

BÁO CHÍ VÀ DOANH NGHIỆP: AI ĐI BƯỚC TRƯỚC?

Vấn đề quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, nhà báo và doanh nhân cũng được đặt ra ở các nước khác, với những nền báo chí khác, nhưng đặt ra một cách bình thường trong phạm trù đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ đưa tin về kinh doanh; còn ở ta, do bối cảnh lịch sử, vấn đề còn có thêm ý nghĩa khác, hệ luỵ khác. Đây là chuyện đặt ra không riêng cho một toà soạn nào.

Những năm gần đây, cùng với đà phát triển kinh tế, sự lớn lên cả về số lượng lẫn chất lượng và tính chất đa sở hữu của doanh nghiệp trong nước; đồng thời là sự gia tăng về số lượng báo, tạp chí thuộc đủ loại hình và sự bùng phát ngày càng thường xuyên hơn những “vấn đề” của bản thân báo chí, trong dư luận cả hai phía - doanh nghiệp và báo chí, nhà báo và doanh nhân - đã xuất hiện ý muốn đặt lại khuôn khổ cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa báo chí và doanh nghiệp trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng và tin cậy nhau hơn. Một bên là những người làm cái nghiệp kinh doanh, một thành phần quan trọng làm ra của cải cho xã hội, góp phần làm nên sự giàu mạnh của đất nước; một bên là những người làm cái nghiệp đưa tin, qua đó góp phần tạo nên sự minh bạch trong xã hội, góp phần vào sự dân chủ hoá và lớn mạnh của đất nước thông qua việc đưa thứ của cải tinh thần là thông tin đến mọi thành phần trong xã hội. Về mặt lợi ích, hai bên hoàn toàn có thể là đối tác của nhau: doanh nghiệp cần báo chí để thông tin cho công chúng, cho người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của mình; ngược lại báo chí cần doanh nghiệp vừa như là đối tượng, đề tài thông tin, phản ánh, vừa là nguồn thu nhập qua quảng cáo (nếu báo không được bao cấp), nhờ đó báo chí có thể tồn tại và làm chức năng người đưa tin của mình.

Ấy vậy mà giữa hai bên đang tồn tại một sự thiếu hiểu biết, thiếu tin tưởng, đôi khi thiếu tôn trọng lẫn nhau. Một số ít mang danh nghĩa nhà báo coi doanh nghiệp như đối tượng để moi tiền, làm tiền bằng nhiều cách; một số nhà báo do thiếu khách quan, thiếu cẩn trọng trong khi viết hoặc đơn giản là do thiếu kiến thức đã gây khó khăn, thậm chí thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hoặc có khó khăn tạm thời nhưng làm ăn ngay thẳng. Ngược lại, một số doanh nhân vừa coi báo chí là đối tượng để lợi dụng hòng đánh bóng trái sự thật hoặc quá sự thật cá nhân mình, doanh nghiệp mình, lại vừa sợ nhà báo, không muốn tiếp xúc, không muốn thông tin cho nhà báo. Tất cả đều bắt nguồn từ những thực tế khó bề phủ nhận từ cả hai phía. Trên báo chí, nhiều người cũng đã bàn nhiều về những nguyên nhân này, ở đây xin không lặp lại, không đi sâu thêm. Tuy nhiên có một nguyên nhân lịch sử khách quan còn chưa được bàn tới, đó là xuất phát điểm, và từ đó là đặc điểm của doanh nghiệp cũng như của báo chí nước ta.

Thời bao cấp, doanh nghiệp quốc doanh và báo chí có thể nói như ở chung một nhà, một bên làm nhiệm vụ sản xuất, một bên làm nhiệm vụ đưa tin, tuyên truyền (chủ yếu là biểu dương, tô hồng) về doanh nghiệp (quốc doanh), quan hệ hai bên phần lớn là tốt đẹp dưới cùng một bàn tay chỉ đạo và bảo trợ bằng ngân sách của nhà nước. Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế đã trở thành nền kinh tế đa sở hữu, nhiều doanh nghiệp tư nhân ra đời. Đó là một sự ra đời sau cơn quặn đau của cải tổ cơ chế và thực sự phải đến năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, doanh nghiệp tư nhân như một thành phần kinh tế chính thức mới có chỗ đứng đường đường chính chính dưới ánh mặt trời. Tuy vậy, với họ, bất trắc rủi ro chưa phải đã hết và môi trường kinh doanh vẫn còn lắm nhiêu khê. Điều đó khiến họ luôn phải ở trong tư thế phòng thủ, dẫn đến xu hướng càng ít công khai thông tin càng tốt vì công khai có thể chuốc lấy rắc rối, và nếu kiếm tìm được chỗ dựa trong giới công quyền và giới báo chí (để làm chỗ che chắn) càng hay. Cho tới nay, chuyện thông tin, chuyện minh bạch vẫn là điểm yếu trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Còn với hàng trăm tờ báo, tạp chí mới ra đời mà nhà nước không còn có thể bao cấp và buộc phải sống với thị trường, không ít tờ phải bươn chải, phóng viên có khi kiêm luôn cả việc đi lấy quảng cáo, nhiều lạm dụng nảy ra từ đó. Mặt khác, chính giai đoạn đầu chuyển đổi kinh tế lại trùng hợp với giai đoạn mà chủ trương “chống tiêu cực” được phát động mạnh mẽ, dựa vào đó một số ít nhà báo tiêu cực, biến chất, dưới cái cớ “chống tiêu cực” đã bươi móc, o ép doanh nghiệp (dù một số trong đó quả có tì vết) hòng moi tiền. Chưa kể một số nhà báo khác, hoặc do ấu trĩ hoặc do cả tin vào một nguồn thông tin có ý đồ riêng mà vô tình gây hại cho doanh nghiệp. Đó là giai đoạn mà giám đốc doanh nghiệp thường được mô tả như những kẻ bụng phệ ăn chơi, hám tiền, hám gái, qua những nguồn thông tin, tư liệu từ cơ quan điều tra nhưng được nguỵ trang như là điều tra riêng của phóng viên, nghị án, kết án những người bị tình nghi mà chính toà án chưa xét xử, kết án. Bên cạnh đó, trong khi nền kinh tế đã bắt đầu chuyển đổi theo cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã ra đời thì nhà báo lại chưa nâng được trình độ hiểu biết về sự vận hành của nền kinh tế thị trường, về thực tế và tập quán kinh doanh, nói gì đến những kiến thức sâu hơn về tài chính, thị trường chứng khoán… Sâu xa trong nếp nghĩ, nhà báo nhiều khi vẫn còn bị trói buộc bởi ảnh hưởng của tư duy bao cấp và phong kiến, coi rẻ doanh nhân, xem doanh nhân như tầng lớp thấp kém, chỉ biết đồng tiền, chỉ biết chạy theo lợi nhuận. Trong không ít bài báo, ta thường gặp những từ ngữ như “đầu nậu”, “tư thương trục lợi”… và kết thúc bằng những câu hỏi đại loại như “vai trò nhà nước ở đâu?”, v.v…Ngược lại, cũng có nhà báo tự biến mình thành công cụ, thành cái loa của doanh nghiệp này hoặc doanh nghiệp khác, và thường là những doanh nghiệp có thế lực, để trục lợi. Mãi đến thời gian gần đây một số phóng viên chuyên về kinh tế mới được cho đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về viết báo kinh tế, tài chính, chủ yếu với sự giúp đỡ của các trường, viện báo chí nước ngoài.

Như vậy, mối quan hệ chưa được suôn sẻ, tốt đẹp giữa doanh nghiệp và báo chí bắt nguồn từ cả hai phía và từ những nguyên nhân có tính lịch sử, từ sự non yếu trong bước đầu phát triển của cả hai lĩnh vực, doanh nghiệp và báo chí. Vậy để xây dựng mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai bên, cần phải làm gì? Ở nhiều hội thảo, bàn tròn về chủ đề này, nhiều đề nghị đã được đưa ra. Tuy nhiên, theo chúng tôi, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó có chuyện minh bạch thông tin về doanh nghiệp, chuyện doanh nghiệp nhìn nhận đúng về báo chí và chức năng của báo chí (báo chí viết về doanh nghiệp, doanh nhân như một đối tượng phản ánh nhưng không phải là công cụ làm PR, đánh bóng, tô hồng doanh nghiệp hay doanh nhân mà trước hết phải phục vụ nhu cầu người đọc và không phải thông điệp nào của doanh nghiệp cũng đáp ứng yêu cầu ấy) là một vấn đề lâu dài và chỉ có thể phát triển từng bước theo sự hoàn thiện từng bước của nền kinh tế thị trường và văn hoá doanh nghiệp ở nước ta. Trong khi đó, với tư cách là người đưa tin, người mang lại món ăn tinh thần cho xã hội, góp phần nâng cao dân trí, báo chí phải là người trước tiên nắm rõ về đối tượng mà mình phản ánh - ở đây là doanh nghiệp và đời sống kinh doanh, là sự vận hành và những quy luật của nền kinh tế thị trường - nên theo chúng tôi, báo chí cần đi trước một bước, tự sửa mình, nâng mình lên, tự trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức cơ bản về kinh tế và kinh tế thị trường, về đời sống kinh doanh, về doanh nhân và vai trò của họ trong xã hội, về đặc điểm lịch sử của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Cần đặt mình vào vị trí doanh nhân để thấu hiểu nỗi khó khăn và những trở lực họ phải vượt qua để đạt được những thành quả xứng đáng chứ đừng chỉ nhìn vào thành quả họ đang hưởng. Mặt khác cần giữ được tính độc lập và sự tỉnh táo khi đưa tin về doanh nghiệp và doanh nhân, không để mình bị chi phối bởi tư lợi đã đành, mà cả bởi chính nguồn tin có ý đồ riêng hoặc những “chỉ đạo” từ đâu đó không phù hợp với chức năng người đưa tin trung thực, vô tư, khách quan của báo chí.

Tôi tin thiện chí và sự tin cậy sẽ được đền đáp lại bằng sự tin cậy và thiện chí.

Nhà báo và tiếng mẹ đẻ

“Tỷ giá Việt Nam đồng/đô la Mỹ hôm qua là…”. Không ít bản tin tài chính trên các báo viết như vậy. Quái lạ! Tại sao đồng tiền Việt Nam lại viết đảo thứ tự (Việt Nam đồng) như trong ngữ pháp tiếng Anh hoặc tiếng Hoa, còn đô la Mỹ thì lại viết đúng theo ngữ pháp tiếng Việt mà không phải là “Mỹ đô la”? Và hai cụm từ đó đi liền nhau mà người ta chẳng buồn thắc mắc, chẳng thấy chướng tai. Cả trên truyền hình cũng thường xuyên nói theo cách đó. Tại sao không thể nói “đồng Việt Nam” một cách bình thường (và đúng ngữ pháp) ? Hay nói đảo ngược như thế mới sang, mới chứng tỏ mình biết tiếng Anh hoặc biết đọc thống kê, bảng biểu tài chính? Bởi kiểu viết “VND” (từ đó, viết hoặc đọc là “Việt Nam đồng”) để chỉ đồng tiền Việt Nam thường chỉ dùng trong thống kê, bảng biểu, trong các bản thông tin tài chính - tiền tệ vì mục đích ngắn gọn và để thống nhất với cách viết tên các loại đồng tiền khác theo tiếng Anh (USD, CAD, AUD, SGD…). Nhưng viết trong bài báo và đọc trên truyền hình, phát thanh như thế liệu có ổn ? Thật tội nghiệp cho tiếng Việt, người ta muốn nói, muốn viết thế nào thì nói, viết, bất chấp quy tắc ngữ pháp.

Một ví dụ khác về việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt, không sai nhưng không được chuẩn xác: “đổ trộm” (vụ Hyundai Vinashin lén đổ chất thải nix và bị phát hiện) ? Lẽ ra phải viết là “lén đổ” hoặc “lén lút đổ”. Bởi “trộm” khác với “lén”. “Trộm” là lấy đi của ai vật gì đó mà không để chủ nhân của nó biết. Còn “lén” hoặc “lén lút” là làm điều gì đó mà không để cho ai biết. Ở đây Hyundai Vinashin không lấy đi của ai vật gì cả, nên không thể nói là “trộm”, mà lén lút đổ thứ chất thải nguy hại cho môi trường, không để cho ai hay biết. Từ chỗ một tờ báo đầu tiên dùng từ “đổ trộm” (có lẽ tòa soạn quá vội vì đến giờ đưa đi in nên không kịp nghĩ ra từ chính xác chăng ?), tất cả các báo lẫn một số quan chức phát biểu sau đó cũng đều dùng chữ “đổ trộm”.

Rồi “tối ưu nhất”, “”giảm... tối đa”. Lại thêm những lỗi sơ đẳng thuộc về logic, rất thường gặp trong bản thảo phóng viên. “Tối” đương nhiên là nhất, vậy tại sao còn phải thêm “nhất” ? Chẳng lẽ có nhiều cái tối ưu nên có cái “tối ưu nhất” ? Nếu có nhiều cái tối ưu thì làm gì còn cái tối ưu theo nghĩa có ưu điểm nhất ? Và nói “giảm tối đa” là nói điều mâu thuẫn, bởi “giảm” làm sao có thể đi với “tối đa” ? Tất nhiên người đọc hiểu được ý người viết nhưng viết như vậy là hoàn toàn mâu thuẫn, bởi hai khái niệm “giảm” và “tối đa” là đối nghịch. Nói đúng phải là “giảm đến mức tối thiểu”, “giảm đến mức thấp nhất” - dù có phải dài dòng một tí.

Một lỗi khác rất thường bắt gặp trên báo chí là một mặt ưa viết tắt vô tội vạ, có khi viết tắt từ đầu đến cuối bài một từ mà không một lần mở ngoặc viết đấy đủ từ đó để người đọc không phải mất thì giờ bóp đầu bóp trán phỏng đoán từ đó là gì; mặt khác lại viết rất thừa những cụm từ lẽ ra có thể viết, nói rất gọn mà người đọc, người nghe còn dễ hiểu hơn, kiểu như: “thực hiện cắt giảm”, “thực hiện chống lãng phí”, “điều chỉnh tăng”, “điều chỉnh giảm”, “phối hợp tác” (ví dụ trong phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn về nghi án PCI hối lộ một quan chức Việt Nam),v.v…Những từ “thực hiện”, “điều chỉnh”, “phối” trong các cụm từ trên là thừa và chỉ khiến người đọc phải tốn thêm thời gian để đi đến thông tin chính. Hoặc đã nói “công bố”, liệu có cần phải thêm “công khai” ? Bởi “công bố” đã bao hàm nghĩa “công khai”, là thông báo cho công chúng, cho mọi người được biết. Có “công bố” nào lại bí mật, để phải thêm từ “công khai” vào sau từ “công bố” ? Vậy mà nhiều phóng viên cứ viết “công bố công khai”. Thậm chí cả trong một số văn bản của cơ quan công quyền cũng phạm lỗi này.

Nếu “bắt lỗi” ngữ pháp tiếng Việt trên báo chí thì có thể nói, đếm không hết, như câu sau trên một tờ báo ra ngày 21- 6 - 2008: “Câu chuyện của cậu học trò bỏ quê vào Sài Gòn kiếm tiền học phí đã được Bí thư Thành ủy (…) cảm động, ông dừng lại khá lâu bên Duy...” Thật buồn. Trường học, kể cả đại học, của chúng ta đào tạo ra những người cầm bút viết tiếng mẹ đẻ như thế sao ?

Một dạng “phá phách” tiếng Việt thô bạo khác là mang những từ lóng của một giới nào đó hoặc mang ngôn ngữ nói sống sượng từ đường phố vào sử dụng thoải mái trong báo chí. Những “khủng”, những “đỉnh”, những “cháy”… cứ thế “vô tư” đi vào trong văn báo chí ngày càng nhiều, thậm chí đôi khi với vẻ khoái trá của người viết, như một thứ mốt thời thượng, như để chứng tỏ mình “sành điệu”.

Một cách khác chứng tỏ ta đây “sành điệu” là sử dụng từ tiếng nước ngoài một cách không cần thiết, thậm chí còn sử dụng sai. Tôi từng đọc trên báo mạng một bản tin về một mặt hàng áo ngực mới vừa được tung ra ở nước ngoài. Sau khi kể tên mặt hàng mới, hãng sản xuất, đặc điểm, giá cả…, tác giả thản nhiên viết áo ngực có “size” thế này thế khác, làm như từ “cỡ” trong tiếng Việt không đủ để diễn tả kích cỡ của mặt hàng “sang trọng” đó. Hoặc nhan nhản trên các báo mỗi khi xuất hiện một đợt dịch bệnh, là từ “tuýp”, chẳng hạn “virus tuýp A/ H5N1”. Tôi dám chắc nhiều phóng viên sử dụng từ “tuýp” này chỉ chép lại nguyên xi từ trong văn bản hoặc phát biểu của các quan chức và chỉ hiểu mang máng nghĩa của nó mà không biết trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp từ đó được viết và đọc như thế nào, bằng không đã không viết như vậy. Nếu là tiếng Anh, từ đó là “type” (kiểu, loại, chủng loại) và phải đọc là “tai-pơ”; nếu là tiếng Pháp, viết cũng như thế và nghĩa chính cũng vậy, nhưng phải đọc là “tip”. Còn đọc là “tuýp” thì trong tiếng Anh không có từ nào, trong tiếng Pháp thì chỉ có thể là từ “tube”, nhưng nghĩa chính là “ống” (như ống sắt hoặc ống đèn (néon), ống kem (đáng răng), ống thuốc (mỡ, kem) mà người ta bóp để nặn thuốc ra).

Điều đáng nói là những người thích khoe mẽ, làm dáng, thích tỏ ra biết tiếng nước ngoài nhiều khi lại chỉ biết bập bõm, trong khi những chuyên gia, những nhà khoa học người Việt sống ở nước ngoài lâu năm hoặc hiểu biết thâm sâu cả tiếng nước ngoài lẫn tiếng Việt lại rất hạn chế chêm tiếng nước ngoài vào trong bài viết tiếng Việt của họ. Họ thường chỉ sử dụng tiếng nước ngoài trong trường hợp bị buộc phải chua thêm cho thật rõ nghĩa một từ nào đó mà tiếng Việt không có từ tương đương hoặc có nhưng không thể lột tả hết ý nghĩa. Tôi nghĩ đó là vì họ yêu tiếng Việt, họ tôn trọng tiếng mẹ đẻ, cũng là tôn trọng dân tộc mình. Và đó cũng là sự tự trọng. Người tự trọng thì không “phá phách” tiếng mẹ đẻ của mình mà phải sử dụng nó với tất cả sự tôn trọng và yêu mến. Không tôn trọng tiếng mẹ đẻ cũng có nghĩa là không tôn trọng chính mình, là đánh mất sự tự trọng.

Ngôn ngữ, cũng như chính cuộc sống, luôn luôn phát triển, luôn luôn tự bổ sung, nhưng không phải một cách vô tội vạ, vô nguyên tắc.

Tiếng Việt, cũng như các ngôn ngữ khác vẫn luôn phát triển, luôn được bổ sung những từ mới để chỉ những thực thể mới, những khái niệm mới vốn trước đó chưa có trong ngôn ngữ dân tộc. Như những từ “xà phòng” (xà bông), “phanh” (thắng), “cà phê”, hoặc “luận lý” (logique), “kinh tế”…đã được bổ sung vào tiếng Việt khi nước ta tiếp xúc với văn minh, văn hoá Pháp và phương Tây nói chung, vì trước đó ta chưa có những thực thể hoặc khái niệm đó. Một số nhà xuất bản từ điển tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Pháp cũng thường định kỳ tuyển chọn, san định và đưa vào từ điển những từ mới xuất hiện trong cuộc sống và đã được sử dụng tương đối phổ biến, nhưng họ phải cân nhắc rất kỹ. Với tiếng Việt, cần nhất là nghiên cứu, san định, bổ sung những từ ngữ khoa học như nhà bác học Hoàng Xuân Hãn trước đây từng làm và tiếc là từ đó tới nay không ai làm được như vậy. Ngược lại, với cái cớ cuộc sống phát triển nên ngôn ngữ cũng phải phát triển theo, phải “sáng tạo”, người ta đang “ phá phách”, làm méo mó tiếng Việt, biến tiếng Việt từ chỗ như một cô gái đẹp trở thành như một cô gái làng chơi diêm dúa, lai căng.

Cú lừa thượng đỉnh

Trang web hợp tác kinh tế vietnamchina.gov.vn mà lại đưa toàn tin tức về Trung Quốc, quan điểm của Trung Quốc đã rõ là một cú lừa thượng đỉnh, một cú lừa ở tầm quốc gia. Xem lại hình ảnh buổi nhấn nút khai trương trang web này hồi năm 2006 với Hồ cẩm Đào đứng giữa, hai bên là hai nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam mới thấy chua xót đến mức nào, mới thấy chính quyền Trung Quốc thâm đến mức nào và ta thì ngây thơ đến mức nào.
Không biết vụ này có đủ làm sáng mắt cho những ai còn nhẹ dạ cả tin vào thiện chí hợp tác thật lòng của anh láng giềng phương Bắc, vào những "chữ vàng" đường mật ?
Giữ hòa khí, tránh xung đột, tránh chiến tranh đương nhiên là cần thiết để xây dựng đất nước, nhưng có lẽ nào cứ nhẹ dạ cả tin để anh láng giềng phương Bắc xỏ mũi dắt đi, đến khi giật mình nhìn lại thì sự mất mát có khi vô phương cứu chữa.
Từ trang web này, nghĩ lại vụ hợp tác khai thác bauxite càng thêm lo.
Và thật lạ lùng là phản ứng lúng túng như gà mắc tóc của các cơ quan liên quan của Việt Nam. Bình thường, một trang web của các tờ báo trong nước đăng bài gì người ta không vừa ý, tổng biên tập báo đó ngay lập tức nhận được điện thoại, ra lệnh phải gỡ ngay bài xuống. Còn vụ việc này xảy ra đã mấy ngày nay, các quan chức liên quan vẫn cứ ú ớ. Xem bài trên BBC (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090515_vnwebsite_china_update.shtml) và một số blog trong nước thì rõ.

TRỞ LẠI CÔN ĐẢO

Noel 1972, từ nhà lao Tân Hiệp ở Biên Hòa tôi bị đưa ra bến tàu Tân Cảng Sài Gòn rồi đưa xuống tàu, chiếc HQ 404 hay 405 gì đó, bị cùm chân dưới hầm tàu cùng hàng trăm tù nhân chính trị khác, ra Côn Đảo. Tàu khởi hành buổi chiếu, sáng hôm sau thì đến cầu tàu 914 Côn Đảo. Từ đó đi qua các trại 2 (Phú Hải), trại 7 (chuồng cọp mới), trại 8, cuối cùng là Lò Vôi, trước khi được đưa trở về đất liền vào tháng 6-1973, mấy tháng sau hiệp định Paris, nhưng không phải để trả tự do mà bị đưa trở lại nhà tù Chí Hòa, nơi tôi đã ở trước khi bị đưa qua Tân Hiệp rồi sau đó là Côn Đảo. Từ Chí Hòa tôi bị đưa vào Trung tâm 3 nhập ngũ bắt đi lính. Không chịu mặc áo lính, lại bị đưa ra tòa quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật, kêu án tù 5 năm rồi bị đưa xuống nhà lao Gò Công (cùng với Bửu Chỉ, họa sĩ phong trào SVHS Huế, và Thọ, một học sinh Đà Nẵng), ở đó cho đến 30-4-1975 thì cùng với những tù nhân khác tự phá nhà lao ra vì lính gác khi ấy đã bỏ chạy hết. Từ Gò Công, tự bắt xe đò trở về Sài Gòn.
Vậy là ở tù đúng 3 năm, từ 30-4-1972, giữa “mùa hè đỏ lửa”, đến 30-4-1975, trong đó có 6 tháng ở Côn Đảo. Chỉ 6 tháng nhưng bị đưa qua đến 4 trại giam khác nhau. Mặc dù vậy, tất nhiên tôi chẳng biết gì về Côn Đảo ngoài bốn bức tường các phòng giam đã đi qua.
Tôi trở lại Côn Đảo năm 1994 hay 1995 gì đấy, cùng với một đoàn cựu tù Côn Đảo của TPHCM. Lần này cũng đi bằng tàu hải quân từ Tân Cảng, chiều lên tàu, sáng tới, nhưng lẽ tất nhiên không bị cùm chân dưới hầm tàu mà tự do đi lại trên boong tàu. Lần này mới biết thêm một chút về Côn Đảo: thăm miếu bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh tức Gia Long tương lai đang bôn ba chạy trốn Tây Sơn ra tận đây, thăm Bến Đầm, nghĩa trang Hàng Dương, cầu Ma Thiên Lãnh, leo núi qua bãi Ông Đụng, tắm biển ở bãi tắm cát trắng mịn tuyệt vời trước sở Lò Vôi nằm bên kia đường. Nhưng cảnh vật Côn Đảo lúc này vẫn còn u ám lắm, không khí vẫn còn nặng mùi lao tù, tử khí, chưa thành ra một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Lần thứ hai trở lại Côn Đảo từ ngày 9 đến 12-4-2009. Giờ, bay máy bay ATR72 chỉ mất 40 phút, giá vé 1.650.000 đồng khứ hồi. So với một chiều một đêm đi tàu, sóng gió, có người ói ra mật xanh mật vàng, thì 40 phút bay quả là thần tiên. Trở lại Côn Đảo lần này, tôi có điều kiện ngắm Côn Đảo kỹ hơn, dù buổi sáng đón mặt trời lên để chụp ảnh cảnh bình minh từ mũi Cá Mập không thành, do hôm ấy trời mây vần vũ quá.
Phải nói Côn Đảo là một báu vật trời cho, xét về mặt cảnh vật, với biển, núi, rừng còn giữ được nét nguyên sơ, với màu trời mùa này xanh biếc như ngọc bích phản chiếu xuống mặt nước biển và xuống hồ chứa nước ngọt cung cấp cho Côn Đảo (ảnh 1). Cảnh vật Côn Đảo giờ khác hẳn năm xưa. Sân bay Cỏ Ống hơi giống sân bay Phú Quốc, nhỏ nhắn nhưng khá xinh xắn, sạch sẽ. Thị trấn Côn Sơn cũng nhỏ nhắn, trung tâm thị trấn quy hoạch vuông vức như bàn cờ, đường sá trải nhựa sạch sẽ, kể cả mấy con đường từ trung tâm thị trấn đi Bến Đầm qua mũi Cá Mập, khoảng 12 cây số; hoặc từ thị trấn đi sân bay Cỏ Ống, dài 14 cây số bây giờ cũng đã trải nhựa ngon lành. Dọc hai bên các con đường mới trong thị trấn người ta trồng cây bằng lăng hoa nở tím ngắt; còn dọc các con đường cũ ở khu trung tâm, những cây bàng cổ thụ từng chứng kiến những đoàn tù nhân đi qua xưa kia giờ vẫn đứng đó trầm ngâm. Con đường Tôn Đức Thắng nằm ở mặt tiền thị trấn, nhìn ra vịnh Côn Sơn, đối diện với cầu tàu lịch sử 914 (cái tên bắt nguồn từ câu chuyện có tới 914 tù nhân đã bỏ mạng trong khi xây dựng chiếc cầu tàu này) và cầu tàu du lịch ở bên cạnh mới xây dựng sau này, là một con đường đẹp. Dọc con đường này đã mọc lên hai khách sạn lớn: khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo của Saigontourist và Côn Đảo Resort của Liên đoàn Lao đông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nằm sát biển, với bãi tắm cực đẹp và sạch. Trên con đường từ thị trấn đi sân bay Cỏ Ông, khu du lịch hạng sang Six Senses Hideaway do Indochina Land đầu tư (ảnh mô hình) đang được xây dựng, dự kiến khai trương cuối năm nay. Con đường từ thị trấn đi sân bay nhiều đoạn men theo biển, đứng ven đường nhìn xuống biển, nhiều chỗ thấy nước biển đập vào bờ đá, vỡ ra thành những mảng nước xanh một màu ngọc bích tuyệt đẹp.
Từ thị trấn đi về hướng ngược lại với hướng đi sân bay, ta đến mũi Cá Mập rồi từ đó đi cảng Bến Đầm. Cảng bây giờ khá tấp nập với cơ sở dịch vụ hậu cần cho ghe tàu đánh cá, với một câu lạc bộ thủy thủ…
Trở lại Côn Đảo lần này, ngoài mấy điểm tham quan cũ, tôi còn đi thăm miếu Cậu, tức miếu thờ (và cả mộ) hoàng tử Cải, con Nguyễn Ánh, nằm bên một con đường đất nhỏ đi bãi Đầm Trầu, gần sân bay Cỏ Ống. Người dân nơi đây kể rằng hoàng tử Cải đã bị cha mình ném xuống biển vì khóc lóc, van xin cho mẹ là thứ phi Phi Yến đi cùng khi quân Tây Sơn tấn công lên đảo, buộc Nguyễn Ánh phải chạy trốn. Thứ phi Phi Yến lúc ấy đang bị giam trong một hang đá vì đã dám khuyên can Nguyễn Ánh không nên dựa vào người Pháp khi Nguyễn Ánh gửi hoàng tử Cảnh sang Pháp với giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine).
Côn Đảo giớ có khoảng 6.000 dân, trong đó hết 4.000 là bộ đội và công chức. Còn lại khoảng 2.000 dân thường, là thân nhân của 4.000 người nói trên, dân từ nơi khác trôi giạt đến đây làm ăn như mấy cô gái miền tây Nam bộ mà tôi đã gặp ở gần Câu lạc bộ thủy thủ cảng Bến Đầm, và cư dân tại chỗ không biết đã đến sinh sống ở hòn đảo này từ bao giờ. Có một ngôi làng nhỏ gọi là làng Cỏ Ống, dân cư trồng lúa, hoa màu trên một thung lũng hẹp; một ngôi làng nhỏ khác nằm sát sân bay, cư dân sống bằng nghề đi biển và trồng rau. Tuy vậy phần lớn hàng tiêu dùng, kể cả nhiều loại rau, vẫn phải đưa từ đất liền ra, nên giá cả nhiều thứ cao hơn trong đất liền. Hàng quán còn ít, nhưng người dân cũng đã bắt đầu biết làm dịch vụ, như mở khách sạn mini, giá rẻ hơn ở hai khách sạn lớn kia nhiều mà cũng sạch sẽ. Có một nhà ăn dành cho công nhân viên các cơ quan của thị trấn, nằm ngay trong trụ sở ủy ban nhân dân thị trấn, nấu ăn khá ngon mà giá cũng rẻ, cả du khách nước ngoài cũng vào ăn. Nhà hàng đặc sản thì có Tri Kỷ nổi tiếng nấu ăn ngon ở đây.


***
Ngoài ngắm cảnh, tôi cũng thăm nghĩa trang Hàng Dương và trở lại thăm những nơi mình đã bị giam trước đây. Đến Hàng Dương, đập vào mắt tôi lần này là ngoài mộ chị Võ Thị Sáu, tuy không lớn nhưng có tạc hình, có ghi tên tuổi, có nhiều hoa và lúc nào cũng đầy nhang khói, trong những dãy dài các mộ xung quanh có nhiều mộ không tên không tuổi, không có hoa và lác đác mới thấy cắm một cây nhang (ảnh). Đứng trước mộ họ, tôi bỗng suy nghĩ vẩn vơ: nếu không hy sinh, nếu còn sống đến ngày hôm nay họ sẽ nghĩ gì, có hài lòng với sự phát triển ngày hôm nay của đất nước mà vì nó họ đã hy sinh không? Không thể nào biết được, nhưng câu hỏi đó vẫn cứ bám lấy đầu óc tôi, không chịu rời xa.
Muốn đi thăm các trại giam cũ, không thể tự đi mà phải liên hệ với bộ phận bảo tàng, mua vé 20.000 đồng/người, có nhân viên bảo tàng dẫn đi. Vì các trại nằm cách xa nhau, phải đi xe gắn máy, tôi và ba người bạn mượn được hai chiếc xe, nhân viên hướng dẫn của bảo tàng đòi khách tham quan phải trả tiền đổ xăng cho xe họ. Tôi ngạc nhiên trước cách tổ chức du lịch truyền thống kiểu này nhưng rồi cũng đồng ý vì không có cách nào khác. Trại Phú Hải vẫn như xưa, nhưng phòng giam lớn số 1 nơi tôi bị giam trước đây giờ thành như nhà kho, còn phía đối diện, cách một khoảng sân, trong phòng giam những người tù tên tuổi trước đây mà sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp, bây giờ người ta làm mô hình những tù nhân bị cùm chân thành dãy dài. Có một điều trước đây tôi không biết là ở phía cuối trại giam này có một cái cổng dẫn ra nơi trước đây là nơi đập đá của tù khổ sai. Phan Chu Trinh đã từng đập đá ở đó. Giờ, hai bên cổng người ta gắn hai tấm biển, tấm bên phải cho biết đây là khu đập đá và Phan Chu trinh đã từng phải lao động khổ sai tại đây, tấm bên trái ghi bài thơ “Đâp đá Côn Lôn” của cụ Phan (ảnh).
Sau trại 2 (Phú Hải), tôi trở lại trại 7, nơi tôi đã bị biệt giam ở phòng số 8 khu G (trại có hai khu là G và H). Vẫn như xưa, chỉ khác là xung quanh cái giếng nước ở giữa sân khu G, sau này người ta đã láng xi măng, lúc tôi ở thì chưa. Chính ở phòng số 8 khu G này, một bữa có ai đó đã ném cho tôi qua mấy song sắt phía trên phòng biệt giam một cái lọ thuốc bằng nhôm mà khi mở nắp ra tôi mới thấy là đựng cà phê. Cà phê đen còn nóng. Đó là ngụm cà phê ngon nhất trong đời đối với tôi. Tôi không biết người ném lọ thuốc cà phê là ai, một bạn tù được ra ngoài lao động, mua rồi lén ném cho tôi hay là một nhân viên trật tự (thường là tù thường phạm). Dù là ai thì người đó hẳn cũng biết tôi ghiền cà phê nặng từ lúc còn là sinh viên.
Sau trại 7 đến trại 8. Trại này nằm xa trung tâm nhất và tương đối tách biệt với các trại còn lại. Trại bây giờ bỏ hoang, phòng số 6 nơi tôi bị nhốt cùng nhiều người khác đầy phân bò. Chính ở trại giam này hồi đó tôi bị mắc bệnh kiết lỵ, không có thuốc uống, tưởng đã “đi đời”. May mà đúng lúc đó lại có lệnh chuyển tôi qua Lò Vôi, chuẩn bị đưa về đất liền. Ở đó, ban ngày tù nhân được đi ra ngoài lao động chứ không bị giam suốt ngày như ở các trại khác và tôi đã được anh em ra ngoài lao động tìm cho thứ lá cây có tác dụng cầm kiết lỵ để uống, nhờ đó mà qua khỏi.
Cuối buổi thăm các trại tù cũ, tôi đưa tiền xăng và tiền bồi dưỡng cho cô hướng dẫn viên nhưng không hiểu sao, trái với đòi hỏi trước lúc đi, bây giờ cô lại nhất định không chịu nhận tiền và quày quả bỏ đi dù tôi cố giúi tiền vào tay cô.