Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Ghi ở Lumbini


Ngày 27-11-2009, trong chuyến đi Ấn Độ- Nepal, tôi đến thăm đền Maya Devi (ảnh 1), nằm trong khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) ở Nepal, mà theo sử sách là nơi Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời cách nay 2553 năm. Bên ngoài ngôi đền, các tín đồ Phật giáo Tây Tạng giăng đầy cờ trên có in các bài kinh. Khách hành hương và du lịch đông kìn kịt. Dưới cội cây bồ đề, một nhà sư đang ngồi tham thiền nhập định (ảnh 2). Bên trong đền, giữa bệ gạch với chiếc cầu cạn để tín đồ tới viếng là nơi được tin là chỗ mà hoàng hậu Maya hạ sanh thái tử Tất Đạt Đa (hình 3). Cây vô ưu mà hoàng hậu níu lấy lúc sắp hạ sanh thái tử nay không thấy nữa.
Bên ngoài, giữa dòng người tiến về phía cửa đền, một cô gái trẻ người Âu, chân trần, tay cầm đôi giày, vừa đi vừa nhún nhảy phơi phới, nhẹ nhàng như vừa tự giải thoát khỏi chốn trầm luân. Đến bên cột đá của vua Asokha (A Dục) cạnh ngôi đền, cô quỳ xuống, đốt hương. Giữa bốn bề hương khói  cô gái trông thật thanh thoát. Tôi bấm máy ghi lại hình ảnh này mà lòng cũng thấy vui vui, nhẹ nhàng.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Thủ tướng sửa lưng Phó thủ tướng!

Tuần rồi, ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trả lời báo chí về vụ các hồ thuỷ điện miền Trung xả lũ đang khi có lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản người dân ở hạ lưu, đã khiến dư luận, trong đó có các nhà khoa học, các chuyên gia thuỷ lợi, quan chức các địa phương liên quan, một phen thất vọng và phẫn nộ vì sự vô cảm trong giọng điệu và sự thiếu tinh thần trách nhiệm trước tính mạng, tài sản của dân của một quan chức cấp cao như ông. Nói chung, ông cho rằng các hồ thuỷ điện chẳng có tội gì cả, tất cả đều "đúng quy hoạch", vận hành đúng quy trình v.v... Có người nói, bởi trước khi lên làm phó thủ tướng ông từng phụ trách ngành điện mà! Nhưng hôm nay, Vietnamnet vừa đưa tin:

Thủ tướng yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện

Cập nhật lúc 20:10, Thứ Ba, 17/11/2009 (GMT+7)
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các tỉnh rà soát lại quy hoạch thuỷ điện nhỏ, lập quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông có nhà máy thủy điện.

Theo đó, Bộ TN&MT chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh có dự án thủy điện phải tăng cường kiểm tra, đảm bảo chủ đầu tư  dự án thủy điện thực hiện đúng quy định theo báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt.
Bộ Công Thương, UBND các tỉnh có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ xem xét, rà soát lại quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, trong đó đánh giá tác động môi trường.
Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, quản lý môi trường các dự án thuỷ điện; phối hợp và hỗ trợ các chủ đầu tư tổ chức tốt công tác di dân, tái định cư, đảm bảo ổn định và phát triển lâu dài của các hộ dân bị ảnh hưởng do xây dựng các dự án thuỷ điện.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương khẩn trương lập quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông.
Việc sau bão số 9 và số 11, các nhà máy thủy điện miền Trung (đặc biệt thủy điện A Vương) thi nhau xả lũ khiến tình hình lũ lụt thêm căng thẳng được tranh luận trong nhiều ngày qua nhưng chưa ngã ngũ.
Nhiều ĐBQH đã gửi chất vấn đến Thủ tướng và các bộ Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để làm rõ các vấn đề liên quan đến quy hoạch thủy điện và quy trình vận hành liên hồ.

Vậy là ông Thủ tướng đã sửa lưng ông Phó thủ tướng. Chỉ đạo của Thủ tướng cũng đặt nặng vai trò của Bộ Tài nguyên Môi trường trong vấn đề này: "Bộ TN&MT chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước, sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh có dự án thủy điện phải tăng cường kiểm tra, đảm bảo chủ đầu tư  dự án thủy điện thực hiện đúng quy định theo báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt."
Mấy tuần trước, viết cho SGTT bài "Đừng để đắc tội với mai sau" (đăng lại trên blog này), mình cũng chẳng có ý gì khác hơn thế.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Nghe như ở thời Trung cổ

BBC Vietnamese ngày 8/11/2009 đưa cái tin mà nội dung nghe như ta còn ở thời Trung cổ. (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/11/091107_somaliastonedeath.shtml)


Ngoại tình bị ném đá đến chết

Những người Hồi giáo cực đoan ở miền nam Somalia đã ném đá một người đàn ông vì tội ngoại tình nhưng tạm tha cho bạn gái đang mang thai với ông.
Abas Hussein Abdirahman, 33 tuổi, bị ném đá đến chết trước đám đông khoảng 300 người ở thị trấn cảng Merka.
Một viên chức của nhóm al-Shabab nói bạn gái của ông cũng sẽ bị ném đá sau khi sanh con.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan kiểm soát phần lớn miền Nam Somalia, trong khi chính phủ được Liên Hiệp Quốc hậu thuẩn chỉ nắm quyền ở thủ đô.
Đây là lần thứ ba trong một năm qua những người Hồi giáo cực đoan áp dụng hình phạt ném đá đối với tội ngoại tình.
Quan chức của Al-Shabab, Sheikh Suldan Aala Mohamed nói ông Abdirahman đã nhận tội ngoại tình trước tòa án Hồi giáo.
Một nhân chứng kể lại cho BBC: "Ông ta la hét, máu từ đầu tuôn ra xối xả khi bị ném đá. Chừng bảy phút sau thì ông ta không còn cử động nữa.''
Phóng viên BBC ở thủ đô Mogadishu, Mohammed Olad Hassan nói nếu người bạn gái cũng bị ném đá chết thì đứa con sẽ được giao lại cho thân nhân nuôi.
Tổng thống Somalia, Sheikh Sharif Sheikh Ahmed lên án nhóm al-Shabab là làm ô uế hình ảnh của Hồi giáo khi giết người và hiếp đáp phụ nữ.

Tổng thống Sheikh Sharif Ahmed phản đối hình phạt ném đá
"Hành động của họ không phải là Hồi giáo," ông nói với một cử tọa trung dung tại buổi lễ tiến cử ủy ban hành chính mới cho thủ đô Mogadishu.
"Họ bắt phụ nữ phải mặc quần áo dày, họ nói để che đậy cơ thể cho kín đáo, nhưng chúng ta biết họ có động cơ kinh tế vì họ sản xuất loại áo quần đó và ép mọi người phải mua."
Năm ngoái một thiếu nữ 13 tuổi bị ném đá chết ở thị trấn Kismayo vì tội ngoại tình. Các tổ chức nhân quyền cáo buộc cô ta thực ra bị hãm hiếp.
Một người đàn ông khác cũng bị ném đá vì tội tương tự ở khu vực hạ Shabelle.
Tháng trước hai phụ nữ trong cùng thị trấn Merka bị ném đá chết vì tố cáo làm gián điệp.
Ông Sharif, một cựu lãnh đạo phiến quân, tuyên thệ nhậm chức tổng thống hồi đầu năm sau hòa ước do LHQ làm trung gian được ký kết.
Ông nói ông cũng muốn áp dụng luật Hồi giáo Sharia, nhưng nhóm al-Shabab nói kiểu luật của ông quá nhẹ tay.
Somalia không có chính phủ điều hành trong 18 năm qua.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Sốt ruột


“Đọc báo cáo năm 2008 và năm 2009, chúng tôi thấy có nhiều đoạn hoàn toàn trùng khớp với nhau, đều ghi ngày 19.10. Có nhiều số liệu rất đáng buồn”, một đại biểu Quốc hội nhận xét khi thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình và phương hướng kinh tế xã hội tại kỳ họp đang diễn ra.
Một đại biểu khác nêu: “Nhiều việc, nhiều sự kiện nêu ra cứ giống nhau từ năm này qua năm khác. Ta phân tích cho an lòng nhau chứ thực sự chưa phải cái Quốc hội cần”.
Một đại biểu khác đặt vấn đề: nói về thành tích lo cho dân nghèo, Chính phủ khẳng định tổng số chi cho an sinh xã hội năm 2009 này ước khoảng 22.470 tỉ đồng, tăng 62% so với 2008, “nhưng khi đọc lại tài liệu năm 2008 cho thấy, bốn tháng đầu năm chi cho an sinh xã hội 16 ngàn tỉ, như vậy chỉ tăng mấy phần trăm. Rõ ràng có nhiều con số, số liệu không đúng, không chính xác”. Có đại biểu tỏ ý nghi ngờ: báo cáo Chính phủ nói “triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn” thì làm sao có thể thực hiện trong năm 2010 được?” Một đại biểu khác phàn nàn về những con số “màu hồng” trong thành tích chống tham nhũng hoặc tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tới hơn 80% trong khi thực tế, theo ông, khác xa, và một số đại biểu còn đặt vấn đề phải xem lại hiệu quả của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề vì sao kế hoạch tái cơ cấu kinh tế phải đợi đến năm 2011 mới triển khai mà không phải là ngay từ năm 2010, khi thách thức do suy giảm kinh tế đặt ra đã không nhanh chóng được biến thành cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế như báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, khi kinh tế trong nước và thế giới có thể vừa thoát khỏi suy giảm và giá cả hàng hoá nguyên liệu trên thế giới chưa tăng quá cao,…
Có lẽ chưa bao giờ như ở kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội lại thẳng thắn bày tỏ sự sốt ruột như vậy về một số vấn đề lớn trong nhận định tình hình và phương hướng phát triển kinh tế xã hội hiện nay và sắp tới.
Sốt ruột cũng phải, bởi lấy thí dụ vấn đề tái cơ cấu kinh tế hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vấn đề đã được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra từ một số năm trước chứ không phải đợi đến khi kinh tế thế giới và trong nước suy giảm như hiện nay. Chỉ cần nhìn hệ số ICOR tăng đều đặn từ năm này qua năm khác trong khi ta vẫn vui mừng trước con số tăng trưởng; chỉ cần nghe nguồn than đá, nguồn dầu lửa sắp cạn kiệt, trong khi phát triển thuỷ điện ồ ạt như hiện nay dẫn đến hậu quả là rừng bị tàn phá ngày càng nhiều, lũ dữ ngày càng dữ hơn, sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ lưu các con sông ngày càng bất trắc hơn, và ngay cả một việc tưởng chừng đơn giản như ồ ạt móc cát dưới các lòng sông lên đem xuất khẩu cũng mang lại những hậu quả khôn lường… thì ai cũng có thể nhận thấy: mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên, gia tăng đầu vào để đạt con số tăng trưởng cao đã đến giới hạn cuối cùng của nó. Tiếp tục tăng trưởng theo mô hình này sẽ không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia giàu tài nguyên nhưng chọn con đường phát triển sai lầm ở nhiều châu lục cũng đã chứng minh điều đó.
Vậy thì tại sao một nỗ lực thực sự nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn bị trì hoãn từ năm này sang năm khác? Tại sao nền kinh tế vẫn cứ tiếp tục tăng trưởng theo bề rộng, như một quán tính? Lực kéo nào đã kìm hãm nền kinh tế, không cho nó bước vào một giai đoạn phát triển cao hơn, chất lượng hơn? Mặt khác, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể tách rời các lĩnh vực, thiết chế khác như giáo dục, bởi chính nền giáo dục chất lượng cao sẽ cung cấp cho nền kinh tế nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với công nghệ, đó là cơ sở cho chất lượng tăng trưởng, cho hàm lượng chất xám cao trong mỗi sản phẩm làm ra, nhờ đó mà nền kinh tế từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc gia tăng đầu vào và bán tài nguyên thô để tăng trưởng. Nhưng nhìn vào chất lượng nền giáo dục hiện tại, không thể không buồn.
Vì thế, để không phải tiếp tục sốt ruột qua nhiều kỳ họp nữa, các đại biểu Quốc hội đang đứng trước nhiệm vụ và thách thức tìm cho ra nguyên nhân mấu chốt của sự trì hoãn chuyển đổi mô hình tăng trưởng và mối liên hệ của nó với các thiết chế khác.

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

ĐỪNG ĐỂ ĐẮC TỘI VỚI MAI SAU


Hai cơn bão số 9 và 11 năm 2009 sẽ phải được ghi nhận trong lịch sử thời tiết nước ta như là những cơn bão kèm theo lũ dữ gây thiệt hại nặng nề về người và của. Hiện tượng mới chưa từng thấy là lũ đến ngay, cấp tập cùng với bão, và thiệt hại do lũ gây ra thậm chí còn nặng nề hơn thiệt hại do bão. Riêng thiệt hại về sinh mạng, mỗi cơn bão lũ đã cướp đi hơn 100 người, cả chết và mất tích, dù trước khi đổ bộ vào nước ta bão đã di chuyển qua Biển Đông hết mấy ngày.
Lũ đến nhanh, cấp tập không chỉ do mưa từ đầu nguồn đổ xuống nhanh vì rừng bị đốn hạ nhiều mà còn vì các hồ thuỷ điện, thay vì tích nước, lại xả lũ đúng vào lúc lũ bên ngoài dâng cao. Ở Quảng Nam, trong cơn bão số 9, là hồ thuỷ điện A Vương; ở Phú Yên, trong cơn bão số 11, là hồ thuỷ điện sông Ba Hạ. Nếu ở Quảng Nam lũ chủ yếu nhấn chìm những vùng quê thì ở Phú Yên lũ nhấn chìm ngay chính thành phố thủ phủ Tuy Hoà. Phải nói thiệt hại này do thiên nhiên gây ra chỉ một phần, phần còn lại là do chính con người, do chính chúng ta gây ra.
Sau cơn bão số 9 và lũ đi kèm, dư luận và các nhà khoa học còn chưa hết báo động về nguy cơ từ hệ thống thuỷ điện dày đặc trên các con sông ở miền Trung và Tây nguyên thì cơn bão số 11 và lũ đi kèm lại ập đến. Và cả hai lần, người ta chỉ được nghe những lời giải thích, phân trần từ những đơn vị xây dựng và khai thác thuỷ điện. Nhưng nước cũng là một loại tài nguyên, giống như các loại tài nguyên khác như than, khoáng sản… và nó phải được quy hoạch và quản lý nhằm sử dụng, khai thác một cách hợp lý và hiệu quả nhất trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác như sản xuất nông nghiệp, dân sinh và sự bền vững về môi trường. Ở đây ta thấy ngành điện chỉ biết đến ngành điện, do đó mà thả sức phát triển thuỷ điện mặc cho tác hại gây ra cho sự cân bằng sinh thái, cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cũng không thể đổ lỗi cho sự phân cấp, vì phân cấp không đồng nghĩa với chia cắt, mặc cấp nào biết cấp đó, mà phân cấp bao giờ cũng được đặt trong một hệ thống thống nhất và khi sự cố xảy ra ở một cấp tác động tới cả hệ thống thì tổ chức, cá nhân đứng đầu hệ thống phải có ngay giải pháp cho cả hệ thống. Vả chăng, một con sông, dù chảy qua nhiều địa phương, làm gì có chịu phân cấp? Nước sông dù chảy qua đâu cũng chỉ một. Cho nên quy hoạch và sử dụng các dòng sông phải đặt trong một hệ thống thống nhất và trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác như đã nói ở trên.
Thuỷ điện không thể chỉ biết đến thuỷ điện. Khai thác than không thể chỉ biết moi than lên bán. Than, khoáng sản hay nước, rừng đều là những tài nguyên có hạn và việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm đòi hỏi một sự quy hoạch, quản lý thống nhất, dù thực tế hiện nay mỗi loại tài nguyên lại do một bộ chuyên ngành quản lý và chịu trách nhiệm tổ chức khai thác mà thiếu sự phối hợp chung, khiến khi tai hoạ xảy ra không biết ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Theo chúng tôi, chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên cũng như về sự phối hợp giữa các ngành, không ai khác hơn là bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thiên nhiên, cũng như con người, có giới hạn chịu đựng của nó. Khai thác bừa bãi thì thiên nhiên cạn kiệt hoặc quay trở lại trả đũa con người, không chỉ trong hiện tại như ta đã thấy. Vì vậy, để không di hại cho đời sau, để không đắc tội với mai sau, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, bền vững các loại tài nguyên, trong đó có nước.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

NỖI NIỀM LÝ SƠN


Đánh cá và trồng tỏi, hành - hai nghề chính của dân đảo Lý Sơn


Chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ để đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi ra đảo Lý Sơn. Đảo nằm cách đất liền chỉ khoảng 15 hải lý (gần 28km), chưa bằng khoảng cách đường bộ Sài Gòn – Biên Hoà, nhưng với người không quen đi biển vẫn có cảm giác thật xa, trong khi dân Lý Sơn, với những con thuyền gỗ mong manh, vượt khoảng cách gầp mười lần để ra khơi đánh cá.
Đảo Lý Sơn vốn là một núi lửa đã tắt từ xa xưa, ít cây cối, tháng 8 khi chúng tôi ra đảo, trời nóng nực, không một hụt gió. Lý Sơn gồm hai đảo, hòn Lớn và hòn Bé, diện tích tổng cộng chỉ khoảng 10 km2 nhưng dân số lên đến trên 20.000 người, đa số tập trung ở hai xã An Vĩnh và An Hải trên hòn Lớn; xã An Bình nằm trên hòn Bé, dân chỉ mấy trăm người, trên đảo không có nước ngọt. Hòn Lớn, nơi đặt các cơ quan hành chính được xây dựng khá hoành tráng so với diện tích đảo, đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, mỗi ngày chỉ chạy máy phát điện từ 5 giờ chiếu đến 11 giờ đêm, ưu tiên cho cơ quan nhà nước, khu vực dân cư bữa có điện bữa không. Một nhà máy nhiệt điện mới làm lễ khởi công hồi tháng 7, ít ra cũng phải đến năm 2011 mới phát điện.
Lý Sơn được coi là một trong những đảo tiền tiêu của Tố quốc. Chính từ đây, khoảng 400 năm về trước chúa Nguyễn đã tuyển binh, phu cho các Đội Hoàng Sa để ra quần đảo Hoàng Sa khai thác sản vật và đánh dấu chủ quyền quốc gia. Chính nơi đây có đình làng An Hải, có Âm Linh Tự ở xã An Vĩnh và những ngôi mộ gió - chứng tích về công cuộc khai thác Hoàng Sa từ xa xưa trong lịch sử của người dân Lý Sơn và về những con người bỏ thân trên biển cả hoặc bỏ mình trên đảo xa vì chủ quyền đất nước và vì công cuộc khai thác ấy.
Ấy vậy nhưng người dân Lý Sơn đang có nhiều nỗi niềm. Thiếu điện khiến đời sống khó khăn, nhiều dịch vụ như hậu cần nghề cá, du lịch, rồi đời sống văn hoá… không phát triển đã đành. Cái lớn nhất là công cuộc mưu sinh chủ yếu dựa vào biển và một phần dựa vào nghề trồng tỏi, hành, mè ngày càng khó khăn hơn. Tỏi, hành Lý Sơn trồng trên cát biển lấy từ dưới biển lên, nổi tiếng thơm ngon. Nhưng dân số tăng mà đất đai trên đảo không thể nở thêm, nghề trồng tỏi, trồng hành có phát triển cũng chỉ đến vậy là cùng. Chỉ còn trông vào biển. Nhưng biển gần thì ngày càng cạn kiệt cá, mực. đã Đi vòng quanh đảo một buổi sáng, chúng tôi thấy người dân kéo lưới, dùng những thanh cao su đập vào lưới cho cá cơm rơi xuống, nhìn vào lưới thấy cá chẳng bao nhiêu. Một buổi sáng khác, ngay tại cầu tàu, cũng cảnh tượng tương tự, lần này thấy cá còn ít hơn. Vậy là chỉ còn trông cậy vào biển xa.
Nhưng biển xa đang ngày càng trở thành biển dữ. Chúng tôi đã gặp những gia đình có người đi đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng đánh bắt truyền thống của ngư dân Lý Sơn và ngư dân nhiều vùng khác của Việt Nam. Có người bị lính Trung Quốc đang chiếm giữ đảo bắn bị thương khi tới gần đảo. Có người bị bắt, được thả nhưng bị tịch thu phương tiện hành nghề, vẫn nói mạnh như tính cách rất “lỳ” của dân đi biển :” Bắt thì bắt. làm thì làm”. Nhưng phương tiện đánh bắt không còn, có “làm” chăng chỉ còn là “đi bạn”, tức đi làm công cho những người còn phương tiện đánh bắt. Có ngư dân lớn tuổi, từng bị bắt, được thả nhưng phương tiện đánh bắt không còn, con trai thì vẫn còn bị giữ, phải chạy vạy vay tiền nhiều đợt đóng tiền chuộc con nhưng đến nay con vẫn chưa về. Gia đình đông con, không còn phương tiện, vốn liếng đi biển, nay ông phải chuyển qua trồng tỏi, hành, mè nhưng đất có được chẳng bao nhiêu. Chiếc tủ chè trong gian nhà khách nhìn thẳng ra biển, nơi những gia đình giàu có thường chưng những bộ đồ trà quý giá, ông chưng toàn những vỏ ốc to, đẹp lấy từ vùng biển Hoàng Sa trong những chuyến ra khơi trước đây. Như chứng tích về một thời đi biển hào hùng và về sự hào phóng của vùng biển vốn thuộc chủ quyền đất nước mà nay hiểm nguy rình rập.

Một ngư dân không còn phương tiện đi biển, và tủ chè của ông

Biển của mình, vùng đánh bắt lịch sử của mình, nay đang trở thành biển dữ. Không gian sinh tồn của ngư dân Lý Sơn, của ngư dân Việt Nam nói chung đang bị thu hẹp. Ngư dân Lý Sơn sẽ dựa vào đâu để bám biển, để mưu sinh, và để giúp quốc gia khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình? Trong những ngày này, khi một số ngư dân bị bắt, được thả, nhưng phương tiện đánh bắt không còn, câu hỏi ấy không chỉ là nỗi niềm riêng của dân đảo Lý Sơn mà là câu hỏi ám ảnh mọi người.
Còn một nỗi niềm nữa của dân Lý Sơn. Hôm chúng tôi đến nhà thờ tộc họ Đặng ở xã An Hải - tộc họ đã hiến cho Nhà nước bản gốc một văn bản thời vua Minh Mạng được lưu giữ nguyên vẹn suốt 175 năm qua, theo đó vua cử ba chiếc thuyền, giao cho ông Đặng Văn Siểm thuộc tộc họ Đặng và hai người khác thuộc tộc họ Võ tuyển phu binh ra Hoàng Sa canh giữ đảo - người nhà nói với vẻ trách móc :” Mấy ổng đến lấy bản gốc tài liệu, hứa hẹn sẽ đưa bản dịch để chúng tôi treo trong nhà thờ, ai đến thì đọc còn biết nghĩa, nhưng đến nay vẫn biệt tăm, chỉ cho chúng tôi bản chụp và cái giấy khen. Hiến tặng tài liệu quý cho Nhà nước, nhưng chúng tôi cũng chẳng được gì, con cái kiếm việc làm cũng không ra”. Chúng tôi chẳng biết nói sao trước những lời trách móc đó. Chỉ cầu mong sao cho những người có công lao với việc khẳng định chủ quyền đất nước như vậy đừng bị bỏ rơi sau khi cơ quan nhà nước đã được việc của mình.

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

TỪ ISRAEL NGHĨ VỀ VIỆT NAM

“Bên bờ sông Babylon, ta ngồi ta khóc ta nhớ Zion”.
Đó là lời ca ai oán của dân Do Thái thuở bị lưu đày sang Babylon. Zion là một ngọn núi nằm bên ngoài thành Jerusalem và được xem như một biểu tượng của đất nước Do Thái (cũng từ đó phong trào phục quốc của người Do Thái cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có tên là phong trào Zion, chủ nghĩa Zion).
Nhưng kiếp nạn của dân Do Thái chưa phải đã hết sau khi trở về từ Babylon. Từ thế kỷ thứ II sau CN, sau khi cuộc nổi dậy cuối cùng chống đế quốc La Mã bị đè bẹp, dân Do Thái bắt đầu thời kỳ gọi là Diaspora, bị lưu tán khắp nơi trong gần 2000 năm, cho đến tận năm 1948 khi họ tái lập được nhà nước của mình. Trong thời kỳ Diaspora dài dằng dặc ấy, người Do Thái sống cảnh lưu đày, bị cô lập trong những khu ghetto khép kín ở các đô thị khắp châu Âu, nhưng vẫn cố gắng duy trì cộng đồng tôn giáo, văn hóa, lối sống, tập quán của mình và nuôi hy vọng một ngày trở về Đất hứa, trở về núi Zion. Cuối cùng, nương theo thời thế và cục diện thế giới sau chiến tranh thế giới thứ II, với phong trào phục quốc Zion làm nòng cốt, ước mơ trở về quê hương của họ đã trở thành hiện thực. Các đế quốc từng chinh phục mảnh đất Israel hưng thịnh rồi suy tàn, các triều đại đến rồi đi, chỉ có khát vọng tái lập quốc của dân tộc Do Thái là vẫn dai dẳng qua bao nhiêu thế kỷ dù họ bị lưu tán, bị tàn sát như 6 triệu người Do Thái đã bị tàn sát trong các trại tập trung của Đức quốc xã, 15 triệu trẻ em Do Thái bị chết trong những cuộc tàn sát (pogroms) khắp châu Âu. Như vậy, xét về mặt bị đọa đày và khổ đau vì bị mất nước, bị bắt làm nô lệ cho người ngoài, giữa dân tộc Do Thái và dân tộc Việt Nam, xem ra chưa biết ai bị đày đọa, khổ đau hơn ai.

Ngoài ra, trong lịch sử và Kinh thánh của người Do Thái cũng có nhiều câu chuyện khá gần với lịch sử và truyền thuyết của dân tộc Việt Nam: câu chuyện chàng David nhỏ bé nhưng thông minh đánh bại người khổng lồ Goliath khiến ta liên tưởng đến câu chuyện Phù Đổng từ một cậu bé vươn vai thành một dũng sĩ đánh bại giặc Ân xâm lược nước ta; hay câu chuyện tình bi thảm giữa Samson, người hùng của dân Do Thái và Delilah, một phụ nữ ngoại tộc (người đã ăn cắp được bí mật về sức mạnh phi thường của Samson trong cuộc chiến chống bộ tộc Philistines thù địch khiến cuối cùng Samson phải trả giá bằng chính mạng sống của mình còn dân Do Thái thì bị ngoại nhân thống trị) có cái gì đó giống như câu chuyện tình Trọng Thủy – Mỵ Châu và bí mật về chiếc nỏ thần bị Trọng Thủy đánh cắp, dẫn đến việc An Dương Vương mất nước và Mỵ Châu bị vua cha chém (*).

Samson và Delilah, của danh họa Rubens

Nếu Việt Nam từng bị mất nước, bị rơi vào vòng nô lệ trong 1.000 năm Bắc thuộc và 100 năm bị Pháp đô hộ, hai lần bị chia cắt lâu dài và trải qua nhiều cuộc kháng chiến gian khổ chống xâm lược thì dân Do Thái nhiều lần bị bắt làm nô lệ không phải ngay trên đất nước mình mà bị lưu đày khỏi quê hương đến những đất nước xa lạ. Nếu dân tộc Việt Nam có thể tự hào vì nhiều lần kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của mình thì người Do Thái cũng từng kiên cường chống xâm lược La Mã cho đến khi nhà nước của họ bị diệt vong, nhưng họ vẫn bền bỉ nuôi dưỡng ý chí phục quốc cho đến ngày thành công.

Gần hơn, nếu Việt Nam giành lại được độc lập năm 1945 từ tay thực dân Pháp thì Israel cũng tuyên bố độc lập vào năm 1948,sau khi nổi dậy chống chính quyền ủy trị của Anh. Cái khác là, trong khi Việt Nam phải tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước thì Israel, bị bao vây giữa những nước Ả rập thù địch, đã buộc phải dựa vào cái ô che chắn của cường quốc mạnh nhất thế giới và sự ủng hộ về nhân lực, tài chính, chất xám của cộng đồng Do Thái ở khắp nơi trên thế giới để tập trung xây dựng tiềm lực quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật để trở thành một quốc gia phát triển như ngày nay, với thu nhập bình quân đầu người trên 27.000 đôla (năm 2008), đứng hàng thứ 25 trên thế giới, theo World Bank.

Israel hằng năm vẫn nhận được 3 tỉ đôla viện trợ Mỹ và 500 triệu đôla của nước Đức như một sự đền bù cho những khổ đau mà Đức quốc xã đã gây ra cho người Do Thái trong Thế chiến II. Tuy vậy, đó không phải là tất cả. Dù lúc nào cũng phải căng mình ra đối phó với các quốc gia Ả rập láng giềng, gần như ở trong trạng thái chiến tranh thường trực, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi chứ không có “rừng vàng biển bạc” như Việt Nam (trước đây), kinh tế Israel vẫn phát triển với những ngành mũi nhọn như công nghệ viễn thông liên lạc, công nghệ máy tính, chế tác kim cương, nông nghiệp công nghệ cao. Viện công nghệ Technion ở thành phố cảng Haifa là một viện nghiên cứu công nghệ cao nổi tiếng quốc tế của Israel với hai giáo sư của trường từng đoạt giải Nobel hóa học, được thành lập từ năm 1912, tức 36 năm trước ngày nhà nước Israel được thành lập. Còn Đại học Hebrew ở Jerusalem đã được những người Do Thái theo phong trào Zion thai nghén từ năm 1884, đặt viên đá đầu tiên vào năm 1918 và khai trương năm 1925, tức 23 năm trước khi thành lập nhà nước Israel. Trong hội đồng quản lý đầu tiên của trường có tên của những nhà khoa học lừng danh như Albert Einstein, Sigmund Freud, Martin Buber… Trường có hai người đoạt giải Noel kinh tế, hai người tốt nghiệp từ trường này đoạt giải Nobel hóa học,một người đoạt Nobel vật lý.

Điều đó cho thấy tầm nhìn của người Do Thái và việc họ đặt trọng tâm phát triển vào đâu trong một đất nước ít tài nguyên thiên nhiên lại nằm trong vòng vây của những láng giềng thù địch. Cũng cần nói thêm, dù ở trong tình trạng chiến tranh thường trực và phải thường xuyên đối phó với những cuộc tấn công khủng bố, Israel vẫn là một nước dân chủ đại nghị.


(*) Theo Cựu ước (Kinh thánh của người Do Thái), Samson được Chúa ban cho sức mạnh phi thường nhằm giải thoát dân Do Thái khỏi ách thống trị của người Philistines. Sức mạnh của Samson nằm ở bảy mớ tóc trên đầu mà Samson đã hứa với Chúa sẽ không bao giờ cắt. Nhưng vì chiều lòng Delilah, Samson đã tiết lộ bí quyết sức mạnh của mình cho vợ, bị vợ lén cắt bảy mớ tóc lúc ngủ và vì thế mất hết sức mạnh và bị quân địch bắt. Cuối cùng, khi bị giải ra trước công đường, Samson, lúc này tóc đã bắt đầu mọc lại, đã giật sập công đường, giết nhiều quân địch và cùng chết dưới đống đổ nát. Câu chuyện tình Samson – Delilah đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật ở phương Tây và đã hai lần được dựng thành phim.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

ĐẾN ISRAEL, NGHE SÓNG LỚP PHẾ HƯNG CỦA LỊCH SỬ

Bài này đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 6/8/2009. Nhưng cái chú thích ở cuối bài, do sơ suất của biên tập viên vào giờ chót, có sai một chữ. Đó là tên bài thơ của Bà Huyện Thành Quan, “Chùa Trấn Bắc” đã bị in sai  thành “Chùa Trấn Quốc”.
Tôi cũng sẽ viết thêm một phần tiếp theo: "Từ Israel nghĩ về Việt Nam", do lịch sử hai nước có quá nhiều điểm tương đồng nhưng trình độ phát triển thì quá chênh lệch.

ĐẾN ISRAEL, NGHE SÓNG LỚP PHẾ HƯNG CỦA LỊCH SỬ

Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
(Bà Huyện Thanh Quan – Chùa Trấn Bắc)

Có nhiều cách đi du lịch Israel: đi để nhìn, thấy và cảm nhận những điều mới lạ; đi để tìm hiểu những thế mạnh kinh tế-kỹ thuật của đất nước này, chẳng hạn nền nông nghiệp công nghệ cao hay công nghiệp chế tác kim cương của họ; đi như một tín đồ hành hương về Đất thánh. Tôi chọn cách đi như một người muốn hiểu về lịch sử đầy biến động của miền đất này…

Có lẽ không đâu như ở Israel, một mảnh đất nhỏ hẹp, khô cằn ven Địa Trung Hải và ở rìa của bán đảo Ả rập, diện tích chỉ 20.330km2 (bằng khoảng 1/16 diện tích Việt Nam), khách tham quan lại có cảm nhận đậm đặc đến thế - đậm đặc như nước muối Biển Chết mà người ta có thể thả người trên đó, không sợ bị chìm - về lớp lớp thời gian và lịch sử, về sóng lớp phế hưng của những đế quốc, những nền văn minh, những triều đại chen lấn nhau, xô đẩy nhau, giành giật lẫn nhau, chồng chất lên nhau, đến rồi đi mà dấu tích để lại vẫn còn đó đến nay. Trên mảnh đất nhỏ hẹp này, hầu như đi đến đâu, đụng vào đâu ta cũng gặp phải lịch sử, một lịch sử mà ta có cảm giác rất rõ rệt vẫn còn cất tiếng thì thầm, vang vọng từ nhiều ngàn năm trước.

Nói đến những sóng lớp phế hưng của lịch sử, đầu tiên phải kể đến Jerusalem mà cả nhà nước Israel và Palestine hiện đều coi là thủ đô của mình. Có một Jerusalem mới đang được xây dựng và mở rộng ở phía Tây thành cổ. Và một Jerusalem cổ, một bảo tàng sống về những thời đại đã qua mà vẫn còn để lại ảnh hưởng, chi phối ở tầng sâu những biến động hiện tại trên mảnh đất này. Từ khoảng năm 1000 trước Công nguyên (CN), sau cuộc hành trình đằng đẵng 40 năm từ chốn lưu đày ở Ai Cập trở về, người Do Thái đã thành lập nhà nước của họ và chính David, người hùng đánh bại Goliath của bộ tộc Philistines, đã đánh chiếm Jerusalem để lập nên kinh đô của 12 bộ tộc Do Thái. Nhưng rồi họ lại phân liệt thành hai nhà nước, nhà nước phía Bắc với tên gọi Israel và nhà nước phía Nam với tên gọi Judah, cả hai lần lượt bị tiêu diệt vào năm 722 trước CN và năm 586 trước CN, dân Do Thái một lần nữa bị lưu đày, phân tán. Jerusalem qua tay nhiều đế quốc, nhiều thế lực khác nhau, từ Babylone, Ba Tư đến Hy Lạp, La Mã, Hồi giáo Ả rập rồi các đoàn quân Thập tự chinh Thiên Chúa giáo…, cuối cùng là đế quốc Ottoman-Thổ từ cuối thế kỷ XVI đến tận năm 1917, khi đế quốc Anh được Hội Quốc liên ủy trị vùng đất này. Những bức tường thành cao ngất và hoành tráng bao quanh thành cổ Jerusalem ngày nay là tác phẩm của quốc vương Suleiman (biệt danh The Magnificent) của đế quốc Ottoman-Thổ vào nửa sau thế kỷ XVI. Trước đền thờ Dome of the Rock

Trong thành cổ, trên đỉnh Núi Đền thờ (The Temple Mount), tâm điểm của Jerusalem, là ngôi đền Hồi giáo Golden Dome với cái mái vòm bằng nhôm giát vàng nổi bật trên nền trời Jerusalem và nổi tiếng với sự tích Tiên tri Mohammed cưỡi ngựa bay lên trời từ một tảng đá nay nằm bên trong đền thờ (từ đó nó còn có tên là đền thờ Dome of the Rock), còn người Do Thái thì lại tin là trên tảng đá đó tổ phụ Abraham của họ đã trói và đặt con trai mình là Isaac để sẵn sàng giết và hiến tế cho Thượng đế của họ. Đền thờ được xây dựng vào năm 709 sau CN bởi một quốc vương Hồi giáo trên chính cái nền của ngôi đền thờ thiêng liêng và là biểu tượng của Do Thái giáo và nhà nước Do Thái cổ. Ngôi đền này hai lần được xây dựng rồi bị phá hủy, đầu tiên do Solomon, một minh quân kế tục vua David, cho xây dựng vào thế kỷ thứ X trước CN và bị đế quốc Babylone phá hủy vào năm 586 trước CN. Ngôi đền thứ hai được những người Do Thái trở về từ nơi lưu đày ở Babylone xây dựng cũng tại vị trí cũ vào năm 516 trước CN để rồi lại bị đế quốc La Mã san bằng vào năm 70 sau CN. Ngày nay, những gì còn lại của đền thờ Jerusalem của người Do Thái chỉ là một bức tường nằm dười chân Núi Đền thờ mà du khách thường đi đến đó sau khi đi qua giáo đường Hồi giáo Dome of the Rock. Đó chính là Bức tường phía Tây hay Bức tường Than khóc (Wailing Wall) mà người theo Do Thái giáo xem là nơi thiêng liêng nhất và là nơi họ đến để than khóc cho ngôi đền thờ bị phá hủy, cho sự mất nước và lưu đày, cũng như để cầu xin cả những lợi lộc vật chất cho cuộc sống trần gian của họ. Trước Bức tường Than khóc

Trong khi đó, ngôi đền Hồi giáo Dome of the Rock được xây dựng trên nền ngôi đên thờ của Do Thái giáo và tồn tại đến nay cũng từng bị biến thành nhà thờ và nơi trú đóng của các đạo quân Thập tự chinh vào thế kỷ XI-XII. Kết cục của lớp lớp biến động lịch sử này là thành cổ Jerusalem hiện được chia thành bốn khu vực do người Hồi giáo, người Do thái giáo, người Thiên chúa giáo và người Armenia (đến đây từ thời đế quốc Byzantine thống trị vùng đất này) kiểm soát.

Ngoài ngôi đền Dome of the Rock và Bức tường Than khóc, trong thành cổ, nằm kề bên nhau, sát vách nhau, hoặc cái trên cái dưới là vô số những di tích, những địa điểm lịch sử mà cái này thì thuộc Thiên chúa giáo, cái kia thuộc Chính thống giáo, cái này của Hồi giáo, cái kia của Do thái giáo. Như những chặng đường Via Dolorosa, con đường khổ nạn mà người ta tin là Jesus đã vác thập giá đi qua để đến chỗ bị đóng đinh trên núi Sọ, nay phải ngoằn ngoèo xuyên qua những con phố dốc, nhỏ hẹp, với san sát hai bên là những cửa hàng buôn bán mà đa số là của người Ả rập theo đạo Hồi. Hay như nhà thờ Mộ Thánh (Holy Sepulcher) ở cuối con đường khổ nạn, trên đồi Golgotha (tức núi Sọ), nơi mà người ta tin là địa điểm dựng cây thập giá và có ngôi mộ táng Jesus, năm tôn giáo cùng chia nhau cai quản năm phần trong đó, phần thì do Chính thống giáo Hy Lạp quản lý, phần sát bên lại do Công giáo La Mã hoặc Chính thống giáo Armenia quản lý… Bản thân nhà thờ được xây dựng lần đầu từ thế kỷ thứ IV sau CN, dưới thời đế quốc La Mã, nhưng sau đó bị phá hủy nhiều lần và chỉ được xây dựng lại từ thế kỷ XII, khi quân Thập tự chinh chiếm Jerusalem, và tồn tại đến nay.

Tương tự như vậy, với những địa danh, di tích khác như Bethlehem, nơi có nhà thờ Giáng sinh xây dựng bên trên hang đá nơi Jesus ra đời, nay nằm dưới sự kiểm soát của người Palestine. Muốn đến Bethlehem để thăm nhà thờ Giáng sinh rồi từ đó trở về khu vực do Israel kiểm soát, người ta phải vượt qua chốt kiểm soát nghiêm ngặt đặt tại một cửa ngõ của bức tường cao ngất và dài cả trăm cây số, mà nghe nói phía Israel dựng lên chỉ trong một đêm, nhằm ngăn các phần tử khủng bố từ khu vực của người Palestine xâm nhập vào khu vực do Israel kiểm soát. Hay Jericho, đô thị cổ xưa nhất trên thế giới,nơi Jesus từng đến rao giảng, nay chỉ còn lại ít phế tích bên cạnh đô thị mới, cũng nằm dưới sự cai quản của người Palestine. Cả Bethlehem và Jericho đều nằm ở bờ Tây sông Jordan, khu vực tranh chấp giữa Israel và nước láng giềng Jordan, dù thực tế Israel đang kiểm soát về mặt quân sự vùng đất này từ sau cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1967.
Bức tường ngăn cách khu vực do Israel kiểm soát với khu vực do người Palestine kiểm soát, trên đường đi Bethlehem

Nhưng nói đến sóng lớp phế hưng, không thể không nhắc đến thành cổ Akko (hay Acre), cảng cổ Jaffa (hay Yafo), Masada - cứ điểm cuối cùng của những người Do Thái kháng chiến chống đế quốc La Mã, hay Caesarea – một thành cổ ven Địa Trung Hải do vua Herod the Great của Do Thái xây dựng dưới thời đế quốc La Mã đô hộ.

Nằm ở phía bắc thành phố cảng Haifa, Akko là một trong những cảng thị cổ xưa nhất có cư dân ở liên tục từ 1500 năm trước Công nguyên (CN) cho đến nay. Akko đầu tiên là một cảng thị của người Phoenicians, sau đó đã qua tay nhiều đế quốc, nhiều thế lực, nhiều triều đại. Người Assyrians chiếm đóng cảng thị này vào khoảng năm 700 trước CN. Vào năm 332 trước CN, nó bị Alexander đại đế sáp nhập vào đế quốc Hy Lạp. Kế đến bị Ptolemy của Ai Cập chiếm đóng và đổi tên thành Ptolemais, để sau đó lại trở thành một thuộc địa của đế quốc La Mã khi La Mã thống trị cả vùng Địa Trung Hải. Đến năm 395 sau CN, khi đế quốc La Mã phân liệt thành đế quốc phía Tây với Rome là trung tâm và đế quốc phía Đông với Bysance (nay là Istanbul, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) là trung tâm, Akko về tay đế quốc Đông La Mã. Đến năm 638 Akko rơi vào tay người Ả rập và nằm dưới sự cai trị của người Ả rập cho đến thế kỷ XII. Tiếp đó là các đoàn quân Thập tự chinh, những người xây dựng nên cả một thành lũy kiên cố và rộng lớn mà người ta thấy còn tồn tại đến nay. Ngay cả Napoléon vào năm 1799 cũng tìm cách đặt chân lên Akko nhưng cuối cùng bị đẩy lùi. Năm 1917 Akko cũng như toàn bộ vùng đất bấy giờ được gọi là Palestine nằm dưới quyền ủy trị của nước Anh và chỉ được giao lại cho Israel khi nhà nước này được thành lập vào năm 1948. Akko nay được xếp hạng là di sản văn hóa của nhân loại.Bao lơn cầu Bridge of Wishes ở Jaffa có 12 cung hoàng đạo theo tử vi phương Tây, đúc bằng đồng, tuyệt đẹp. Trong ảnh là phù điêu Xử nữ. Người ta thường đến cầu này để cầu may mắn. Ai thuộc tuổi nào thì đến chỗ có phù điêu tượng trưng cho tuổi ấy để cầu xin.

Cũng là một cảng thị sầm uất như Akko trước đây nhưng ra đời trước cả Akko, cảng cổ Jaffa nằm ở phía nam Tel-Aviv và là một phần của Tel-Aviv ngày nay. Jaffa gắn liền với truyền thuyết trong Kinh thánh về trận Đại hồng thủy, khi một người con của Noah, người sống sót qua trận hồng thủy, quyết định định cư tại đây, và với truyền thuyết Hy Lạp về câu chuyện tình giữa Perseus và nàng Andromeda xinh đẹp, theo đó chàng Perseus trên con ngựa trắng có cánh đã từ trên trời bay xuống cứu nàng Andromeda, con gái của nhà vua thành Jaffa đang bị vua cha trói vào một tảng đá trên cảng để tế thủy thần. Là cửa ngõ chính nhập khẩu hàng hóa cho thủ đô Jerusalem xưa kia, Jaffa từng bị đánh chiếm, phá hủy rồi xây dựng lại ít nhất 15 lần trong lịch sử 4.000 năm tồn tại của mình bởi những thế lực, những đế quốc muốn làm chủ vùng đất ven biển Địa Trung Hải này, từ Ai Cập đến đế quốc Ottoman-Thổ, từ Napoleon đến quân Anh. Ngày nay Jaffa là một thành phố du lịch nổi bật với những ngôi nhà cổ xây bằng đá màu vàng như mật ong, những biển số nhà bằng gốm xanh da trời tuyệt đẹp, những con tàu sơn nhiều màu sắc thả neo ngoài cảng và những xưởng sáng tác của các nghệ sĩ.
Một bảng hiệu bằng gốm tại cảng cổ Jaffa

Còn Masada gần Biển Chết, nay là một di sản văn hóa nhân loại, là chứng tích của một thời Herod The Great, vua Do Thái, với lối sống xa hoa và ưa thích hoành tráng, đã cho xây dựng cả một lâu đài nguy nga với đầy đủ những tiện nghi đế vương trên một đỉnh núi giữa sa mạc khô cằn. Masada cũng là nơi những người Do Thái chống đế quốc La Mã dùng làm điểm kháng cự cuối cùng để rồi tự sát tập thể trước khi nó rơi vào tay quân La Mã vào năm 73 sau CN. Ngày nay, Masada trở thành một biểu tượng của ý chí bảo vệ lãnh thổ của người Israel, nơi mà các tân binh nam nữ Israel đến luyện tập và hô vang lời thề: “Chúng ta sẽ không để Masada thất thủ một lần nữa”. Trong khi đó, Caesarea bên bờ Địa Trung Hải từng là một đô thị sầm uất được Herod xây dựng nhằm tôn vinh hoàng đế La Mã Augustus Caesar. Chính tại đây đã xảy ra cuộc thảm sát hàng chục ngàn người Do Thái và khơi mào cho cuộc nổi dậy chống quân La Mã chiếm đóng. Đến năm 639 Caesarea rơi vào tay quân Ả rập để đến đầu thế kỷ XII lại vào tay quân Thập tự chinh và cuối cùng bị người Hồi giáo phá hủy. Những gì còn lại hiện nay là một đường dẫn nước đồ sộ trên cao (aqueduct) và một hí trường kiểu La Mã…

Hai nữ quân nhân Israel. Rất xinh.


Còn nhiều nữa những chứng tích về sự hưng phế của các đế quốc, các triều đại xô đẩy nhau trên mảnh đất này, mảnh đất mà du khách nhìn thấy chủ yếu là sỏi đá khô cằn nhưng người Do Thái coi là miền Đất hứa, “miền đất chảy sữa và mật ong”. Phải chăng vì vị trí địa chiến lược của nó, nằm ven Địa Trung Hải, giữa Bắc Phi và Nam Âu, giữa thế giới phương Tây và thế giới Ả rập, mà vùng đất này đã trở thành sân khấu cho sự giành giật qua lại giữa tất cả các đế quốc nổi lên trong và ngoài vùng? Nhìn những chứng tích của những thời đã qua trên mảnh đất nhỏ hẹp này rồi nhìn sóng biển Địa Trung Hải vỗ vào bờ như hàng ngàn năm nay sóng vẫn vỗ, du khách không rứt khỏi được ý nghĩ: những đế quốc ấy, những triều đại ấy, những thế lực ấy, trong thời hưng thịnh của mình đã không bao giờ nghĩ sẽ có ngày diệt vong, nhưng rồi chúng đã bị lịch sử, như sóng biển hết lớp này đến lớp khác cuốn đi. Đế quốc nào, triều đại nào rồi cũng có lúc suy tàn, chỉ khác là chúng đi vào lịch sử như thế nào mà thôi. Chỉ có Địa Trung Hải ngàn năm nay vẫn thế; biển Chết ngàn năm nay vẫn thế, dù gần đây nó có co lại mỗi năm khoảng 1 mét vuông do nước từ sông Jordan đổ vào ít hơn. Hay biển Galilee (thực ra là một hồ nước ngọt) ngàn năm nay vẫn thế, chỉ khác là ven hồ, những thành phố mới, những khu nghỉ mát mới đua nhau mọc lên.


(*) Tour du lịch Israel do công ty du lịch Hương Băng Travel tổ chức thường xuyên, vừa mang tính hành hương vừa mang tính lịch sử-văn hóa.
Địa chỉ công ty: 48/46 Hồ Biểu Chánh, phường 11, quận Phú Nhuận. Văn phòng giao dịch công ty: 402/9A Lê Văn Sỹ, phường 14 quận 3, TPHCM.
ĐT: 399.733.69 – Email:
huongbang-td@vnn.vn
Web: http://www.huongbangtravel.com

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

MỘT NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Linh mục Trương Bá Cần, Tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc, nguyên tổng tuyên úy (tức người hướng dẫn tinh thần) phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo) miền Nam trước 30-4-1975 đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 10-7-2009. Trưa 10-7, tôi nhận được cú điện thoại từ tòa soạn báo Tuổi Trẻ khẩn khoản đề nghị tôi viết một bài ngắn dài gì cũng được về Lm Cần. Tôi lưỡng lự vì cả đêm trước mất ngủ tới sáng, chiều nay lại phải đi viếng linh cữu Lm Cần, người đặt bài lại nằn nì phải giao bài trước 5 giờ chiều, quá căng thẳng. Nhưng nghĩ lại, giữa Lm Cần và mình có mối duyên nợ đặc biệt (hồi mới lên đại học, do tình cờ mà tôi đến tá túc ở 370 Lê Văn Duyệt – CMT8 bây giờ, rồi trở thành đoàn viên phong trào TLC, được làm việc với ông, rồi bị cuốn hút vào phong trào SVHS Sài Gòn lúc nào không hay) đành không chợp mắt cả buổi trưa, viết xong bài này kịp mail cho tòa soạn TT trước 4giờ chiều. Kịp lên đường đi viếng Lm.
Bài viết đăng trên TT 11-7-2009 có tựa khác. Ở đây tôi lấy tựa có tính riêng tư hơn.

MỘT NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Linh mục Trương Bá Cần đã ra đi.

Nhớ đến ông, người ta nhớ đến một giai đoạn sôi nổi của phong trào đô thị chống chiến tranh xâm lược Mỹ, đòi hòa bình, đòi dân sinh dân chủ ở Sài Gòn trước 30-4-1975, một phong trào qui tụ nhiều tầng lớp khác nhau, từ trí thức, sinh viên học sinh đến công nhân lao động, chức sắc các tôn giáo trong đó có ông, một người luôn muốn nối kết Công giáo với Dân tộc, muốn người Công giáo trong khi vẫn là mình thì vẫn luôn sống trong lòng dân tộc.

Nhớ đến ông, người ta nhớ đến loạt bài báo mang tính chất nghiên cứu “25 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miến Bắc” đăng 3 kỳ lần đầu tiên trên tạp chí Đối Diện vào năm 1971 mà vì nó tác giả và chủ nhiệm báo phải “vác chiếu ra tòa” và lãnh án 9 tháng tù giam. Là tiến sĩ sử học Sorbonne, trong điều kiện tư liệu hiếm hoi về miền Bắc ở Sài Gòn lúc bấy giờ, ông đã cố gắng để trình bày một bức tranh chân thực hơn những gì người dân miền Nam được biết về quá trình tái thiết sau chiến tranh và sản xuất dưới bom đạn Mỹ ở miền Bắc. Loạt bài báo có thể nói đã gây một cơn sốt tìm đọc trong giới trí thức và sinh viên học sinh ở miền Nam lúc bấy giờ.

Nhớ đến ông, người ta nhớ đến việc ông cùng với các linh mục Phan Khắc Từ, Trần Thế Luân cùng tham gia cuộc đấu tranh của công nhân hang Pin Con Ó, bị bắt rồi bị thả ngoài và ngồi tuyệt thực trên lề đường Nguyễn Trãi; nhớ đến cuộc vận động đốt thẻ cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 10-1971; nhớ đến cuộc tuyệt thực của ông và một số linh mục khác để đòi trả tự do cho công nhân và sinh viên học sinh bị bắt. Mặc dù sau 30-4-1975 ông có 33 năm liên tục làm Tổng biên tập tuần báo Công giáo và Dân tộc, có những công trình nghiên cứu lịch sử đáng chú ý như về Nguyễn Trường Tộ… nhớ đến ông, người ta vẫn nhớ nhất những tháng ngày ông cùng với các đồng đạo của mình hòa mình vào cuộc đấu tranh chung của người dân các đô thị miền Nam vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, không phân biệt Công giáo, Phật giáo hay không tôn giáo.

Với tôi và một số người khác, những thanh niên mới bước chân vào đại học, mới bước những bước đầu tiên vào đời trong những năm tháng ấy, trong một môi trường sống không thiếu điều kiện để hư hỏng nếu muốn hư hỏng, phải nói, được biết ông và làm việc với ông là một may mắn. Ông là người thầy của chúng tôi trong giai đoạn đầi tiên, một người thầy vừa giản dị vừa nghiêm khắc, người đầu tiên gieo vào đầu óc chúng tôi tình tự dân tộc, luôn hướng chúng tôi đến những điều tốt đẹp và không chấp nhận cho chúng tôi sống không có lý tưởng. Trong cuốn sách tự thuật “50 năm nhìn lại” mới xuất bản năm 2008, ông kể: Tháng 10-1971, nhằm phản đối cuộc bầu cử độc diễn củ Nguyễn Văn Thiệu, một số sinh viên, học sinh công giáo đã tham gia xuống đường đốt xe Mỹ. Một số lén sử dụng căn phòng của ông trong giáo xứ Vườn Xoài (trên đường Lê Văn Sỹ hiện nay) để chế tạo bom xăng lúc ông không có mặt, cảnh sát phát hiện, kéo đến lập biên bản, người ta gọi ông về để chứng kiến. Có người tỏ vẻ trách móc ông, ông đã nói như quát: “Anh em thanh niên làm bom xăng đốt xe Mỹ, để đuổi Mỹ về nước cho đất nước hòa bình, cho nhân dân khỏi khỏ. Điều chúng ta không dám làm, anh em trẻ dám làm, sao gọi là xấu hổ?”. Ông là vậy, không ồn ào, nhưng không kém quyết liệt khi cần.

Trên con đường đến với dân tộc và góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc, tất nhiên có người đi xa, có người đi gần, nhưng tôi nghĩ, dù không phải lúc nào cũng đồng ý với ông, trong lớp chúng tôi, sẽ chẳng ai quên được ông, người giúp chúng tôi biết giữ “đạo làm người”, như ông hay nói mỗi khi đối diện với cảnh sát chế độ Sài Gòn trong các cuộc đấu tranh.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

650 chữ sao mà khó!

Mục “Ý kiến” trên TBKTSG chỉ khoảng 650 chữ, dài hơn thì không lọt vô khung, ngắn hơn thì thừa diện tích, trình bày không đẹp. Chỉ 650 chữ hàng tuần, nhưng sao mà khó!

Cái khó đầu tiên là đề tài. Viết cái gì tuần này cho mục “Ý kiến” lắm khi là một cơn ác mộng nho nhỏ đối với ba, bốn cây “bỉnh bút” trong toà soạn (mục này ký tên chung là Thời báo Kinh tế Sài Gòn nhưng do ba, bốn người luân phiên viết). Viết cái gì để đáp ứng đúng điều mà độc giả đang trông đợi được đọc tuần này (chứ không phải điều gì khác, cũng không phải tuần nào khác, lúc nào khác)? Nói cách khác, vấn đề đặt ra phải “rơi” đúng thời điểm. Và tìm cho ra vấn đề không phải là dễ. Nó đòi hỏi người viết và cả toà soạn phải bắt mạch được tâm lý, nhu cầu, sự mong đợi hay bức xúc của người đọc ở từng thời điểm cụ thể. “Nhạy” hay không là ở chỗ đó. “Ăn” hay không là ở chỗ đó. Người đọc, hay xã hội nói chung, đang băn khoăn, mong đợi một tiếng nói góp phần lý giải một hiện tượng nào đó, thúc đẩy giải quyết một vấn đề nào đó mà bài báo lại đi nói chuyện đâu đâu thì đó là cách làm cho người đọc sớm xa rời tờ báo.

Có đề tài rồi, viết như thế nào là cái khó thứ hai. Chính ở chỗ này thể hiện quan điểm, chính kiến đúng đắn hay sai lạc, sâu sắc hay hời hợt của một tờ báo trước những vấn đề đang đặt ra, trước những câu hỏi chưa có lời giải đáp, những ý kiến còn trái chiều, những luồng suy nghĩ còn phân vân. Cũng chính vì thế mà mục xã luận hay ý kiến của các tờ báo thường được nhiều người tìm đọc tuy không phải là loại bài hấp dẫn nhất, và nó cũng góp phần tạo nên uy tín của một tờ báo. Cái khó ở đây là trước một sự kiện, một hiện tượng hay vấn đề đặt ra, phải nắm được bản chất sâu xa của nó để có thể đề xuất với người đọc một cách nhìn, cách lý giải hợp lý, hợp quy luật khách quan, góp phần thúc đẩy sự việc chuyển biến, xã hội phát triển. Điều này càng khó khi nền kinh tế, và xã hội nói chung, đang chuyển đổi từ hình thái này sang hình thái khác, từ cơ chế vận hành này sang cơ chế vận hành khác, từ bao cấp, phi thị trường sang thị trường, từ thị trường hoang dã sang thị trường văn minh hơn.

Cái khó tiếp theo là cách thể hiện. Có quan điểm đúng rồi, còn phải lập luận sao cho thuyết phục. Lôgich, chặt chẽ, cô đọng, ngắn gọn nhưng đầy đủ, đó là những yêu cầu của mục xã luận hay ý kiến. Ở đây đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối của thông tin, sự chuẩn xác của ngôn ngữ, của từng từ “đặt xuống”. Chính vì vậy mà để viết ra 650 chữ có khi phải suy nghĩ lao lung, phải kiểm tra lại từng nguồn tin, nguồn tư liệu liên quan đến đề tài, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Về hành văn, ở đây không có chỗ cho sự dông dài, sự màu mè. Những chi tiết đắt giá, thường rất cần ở những thể loại khác, ở đây lại chỉ được sử dụng hết sức chọn lọc, khi nó góp phần gia tăng sức nặng của lập luận. Nhiều phóng viên có sở trường viết những thể loại khác như phóng sự, tường thuật, kể cả phân tích, bình luận dài, khi được đề nghị tham gia viết mục “Ý kiến” cũng không khỏi cảm thấy khó khăn, lúng túng.

Nhiều độc giả phản hồi cho biết họ thích mục “Ý kiến” trên TBKTSG. Phải nói rằng, dù hết sức cố gắng, toà soạn biết không phải lúc nào mình cũng đáp ứng được mong đợi của bạn đọc. Có nhiều đề tài chưa được đề cập, vì lý do này hoặc lý do khác. Có nhiều ý kiến “chưa tới”, chưa thật thấu đáo, sâu sắc, thuyết phục. Có nhiều ý tưởng, vì nhiều lý do, chưa được triển khai đến cùng. Có điều, toà soạn vẫn luôn tâm niệm: 650 chữ hàng tuần của mục “Ý kiến” phải luôn nhắm đúng điều mà bạn đọc mong đợi và phải góp phần thúc đẩy cuộc sống, thúc đẩy hiện thực tốt hơn lên.

Bài này viết về cái khó của 650 chữ, nhưng đã dài hơn 800 chữ. Vì vậy, xin phép độc giả được khép lại tại đây.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Ngoại giao? Ngoại giao cho ai?


Không biết ai là người đầu tiên nảy ra cái ý gọi đoạn đường Nguyễn Văn trỗi-Nam kỳ khởi nghĩa là “con đường ngoại giao”, ý muốn nói đây là đoạn đường “bộ mặt” của TPHCM dưới mắt du khách từ sân bay Tân Sơn Nhứt đi vào trung tâm thành phố. Đoạn đường dài chỉ 3,8 km, từ ngã tư Nguyễn Văn Trỗi-Hoàng Văn Thụ đến ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa-Võ Thị Sáu, khởi công mở rộng, nâng cấp từ tháng 12-2005 đến nay, sau ba năm rưỡi vẫn ngổn ngang lô cốt, đất đá, ổ gà, bụi mù mỗi sáng mỗi chiều. “Con đường ngoại giao”, mỉa mai thay, đã trở thành con đường phản ngoại giao, bôi bác ngoại giao bậc nhất.
Năm 2007, trước sự kêu ca của dư luận, một quan chức Sở Giao thông vận tải hứa đầu năm 2009 sẽ hoàn thành đoạn đường 3,8km này. Lúc ấy, nghĩ đến thời hạn đầu 2009 mới xong, mọi người đã thấy quá đỗi bực bội. Nhưng rồi, trước những lời giải thích, biện minh về những nguyên nhân chậm trễ, nào là giải phóng mặt bắng chậm, nào là cac ngành chậm di dời công trình ngầm, nào là tiến độ nâng cấp đoạn đường phụ thuộc vào tiến độ công trình đặt cống thuộc dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dư luận cũng chẳng còn cách nào hơn là chấp nhận và chờ đợi. Vậy mà bây giờ năm 2009 đã qua được một nửa, đoạn đường ngắn vẫn ngổn ngang, nhếch nhác và không ai biết bao giờ sẽ xong. Quan chức chịu trách nhiệm lại giải thích. Vẫn chừng ấy lý do, không có gì mới.
“Con đường ngoại giao”! Tại sao phải là “ngoại giao”? Tại sao phải là “bộ mặt”? Chẳng lẽ những con đường không phải là « ngoại giao », không phải là « bộ mặt » thì chất lượng được phép kém hơn, được chăng hay chớ ? Còn nếu hiểu ngoại giao là lịch sự với người khác thì tại sao không « lịch sự » trước hết với dân cho dân nhờ, bằng cách thi công chóng vánh, đạt chất lượng ? Bao giờ thì các quan chức bỏ được cái tư duy, cái tâm lý « ngoại giao », « bộ mặt » đó để mỗi công trình phục vụ người dân phải là một công trình với chất lượng cao nhất, cả về mặt thi công lẫn sử dụng ? Và với một « con đường ngoại giao » mà chất lượng thi công như thế thì người dân có thể trông đợi gì ở những con đường không phải là « ngoại giao », là « bộ mặt » ?
Hơn 800 tỉ đồng đầu tư và ba năm rưỡi (cho tới nay) cho việc mở rộng một đoạn đường đã có sẵn nền đường, dài chưa đến 4 cây số, cái mà người dân có được cho tới nay là một đoạn đường lởm chởm, là những lô cốt choán gần hết mặt đường ở nhiều đoạn, không biết còn tồn tại đến bao giờ, là những lề đường cao một cách khó hiểu, là một chiếc cầu Công lý xây không thể nào xấu hơn, là đất đá bụi bặm tung toé...Và khi hoàn tất chưa chắc đã bớt nạn kẹt xe.
Dư luận kêu ca thì cũng đã kêu ca hết mức rồi. Giải thích thì quanh đi quẩn lại cũng ngần ấy lý do. Chỉ một vấn đề chưa được đặt ra là vì sao các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chịu trách nhiệm không hề có một cam kết nào với người dân về thời hạn thi công công trình, về chất lượng thi công và chất lượng công trình. Người dân khi quan hệ với nhà nước để thực hiện các dịnh vụ công, trong rất nhiều lĩnh vực đều phải cam kết thực hiện một số điều kiện, và nếu người dân không thực hiện đúng sẽ bị trừng phạt ngay. Người sản xuất kinh doanh ngay thẳng thử mà không đóng thuế đúng hạn cho nhà nước xem, sẽ bị hỏi « hỏi thăm » ngay. Ấy vậy mà ở đây người ta đang dùng tiền đóng thuế của dân (có vay ODA rồi người dân cũng sẽ phải đóng thuế để trả thôi) để thi công các công trình mà không hề có một cam kết nào với người dân. Người dân thì chịu đựng thiệt hại ngày này qua ngày khác (ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất cơ hội buôn bán), cón quan chức liên quan thì làm như không thấy, không nghe, không hay biết. Bao giờ người ta biết cam kết và giữ đúng cam kết với dân ?

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

NGƯỜI THẦY TIẾNG VIỆT CỦA TÔI


Đó là thầy Vũ Tất Thắng. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt vừa nghiêm nghị vừa thanh tú, với đôi mắt to, sáng và sống mũi cao, mái tóc húi cao của thầy; nhớ chiếc áo dài the đen mà thầy mặc mỗi khi vào lớp, trong khi những người thầy khác hồi học đại học sau này tôi lại không còn nhớ nổi một gương mặt nào.
Năm 1961, sau khi thi đậu tiểu học ở Phước Tuy (Bà Rịa bây giờ), tôi bắt đầu vô học trường dòng Phanxicô ở Thủ Đức, theo chương trình Pháp, bắt đầu từ lớp huitième (lớp 8). Tiếng Việt được coi như một sinh ngữ, cùng với tiếng Anh (khi học lên cinquième - lớp 5). Tôi chỉ học tiếng Việt với thầy Thắng đâu 2-3 năm gì đó từ lớp 8, nhưng nhờ thầy mà tôi yêu tiếng Việt, học tốt ngữ pháp tiếng Việt, yêu thơ văn Việt Nam, mặc dù tôi cũng rất thích thơ văn tiếng Pháp. Cùng với Stendhal, Flaubert, Maupassant, Baudelaire, Alain Fournier, G. Apollinaire, J. Prévert…tôi yêu Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, yêu văn chương Tự lực Văn đoàn, yêu Thơ mới, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bích Khê… Hồi ấy chúng tôi ở nội trú trong trường, chỉ đến chiều thứ bảy là được ra ngoài đi chơi, và thường là lấy xe lam từ Thủ Đức về Sài Gòn chơi. Mỗi lần như vậy tôi thường la cà ở các hàng sách báo trên lề đường Lê Lợi và tìm mua sách báo, tạp chí cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Tôi nhớ hồi ấy tôi đã mê và bỏ tiền mua những tuyển tập thơ tiền chiến của Xuân Diệu (Thơ thơ), Huy Cận (Lửa thiêng), Chế Lan Viên (Điêu tàn)…cũng như tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tất cả in trên giấy hoa tiên rất đẹp, rất trang trọng. Tất nhiên tôi cũng mua và đọc cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam thời ấy cũng như các nhà văn nước ngoài khác, ngoài Pháp, qua loại sách Livre de poche được nhập khẩu và bán ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Trở lại với thầy Thắng. Chính chiếc áo dài the đen thầy mặc và giọng giảng bài truyền cảm của thầy đã truyền cho tôi tình yêu tiếng Việt và văn chương Việt Nam. Cho đến một ngày, thầy xuất hiện trong lớp trong bộ quân phục để từ giã chúng tôi. Thầy phải đi quân dịch. Từ đó tôi không còn biết tin tức gì về thầy nữa mà trong lòng bao giờ cũng thầm cảm ơn thầy đã dạy cho tôi biết yêu tiếng Việt. Sau 30-4-1975, tôi cố nghe ngóng tin tức về thầy mà không nắm được gì, không biết thầy còn sống hay đã mất. Lâu lâu rồi, tôi lại nghe một bạn học cũ nói thầy còn sống nhưng gặp chuyện đau buồn về gia đình. Tôi nghe mà thương cho thầy, nhưng vẫn không biết thầy ở đâu.
Có ai tình cờ đọc được những dòng này và biết thầy ở đâu, làm ơn chỉ giùm tôi, tôi vô cùng biết ơn.

VỀ HƯU !


Vậy là mình về hưu. Bảy tháng trước khi đến hạn nghỉ hưu chính thức. Là theo đề nghị của chính minh, bởi nếu muốn tiếp tục làm nhiệm vụ tổng thư ký tòa soạn cho đến đầu 2010 thì cũng được. Nhưng bỗng dưng tới tuổi này lại cảm thấy ham chơi quá nên xin hưu sớm quách cho khỏe, để còn đi chơi đi bời ! Dường như về già người ta ham chơi hơn thì phải !
Có mấy anh em, nhất là mấy em gái trong tòa soạn, nghe mình nghỉ hưu tỏ vẻ ngạc nhiên. « Còn trẻ sao hưu sớm thế? Anh mà ra đường còn khối cô mê ! » Trời đất, không biết nói đùa hay nói thật, nghe thì cũng thấy sướng thầm trong bụng nhưng mà đã 60 cái xuân xanh rồi, tóc đã lốm đốm bạc rồi, xương cốt đã bắt đầu rơ, bắt đầu ê ẩm rồi, còn trẻ cái nỗi gì ! Nhưng mà kể cũng lạ, hồi còn trẻ, nhất là lúc còn học trung học, mình toàn bị tụi bạn gọi là « ông già », đến giờ già thiệt thì hầu như ai cũng bảo còn trẻ (so với cái tuổi 60 của mình, và so với một số anh em khác tuổi thực trẻ hơn) !
Về hưu có cảm giác gì ? Cảm giác đầu tiên là nhẹ nhõm, lâng lâng. Như cất được một cái gánh nặng gì đó ! Từ đây khỏi phải lo kế hoạch, kế hiếc, khỏi phải lo để xảy ra sai sót gì cho cơ quan nhé ! Từ đây có nhiều thì giờ đi du lịch, du hí hơn nhé ! Không sướng sao được. Chợt nhớ lại bài tạp văn « Buổi sáng thật thà » của Nguyễn Ngọc Tư nói về cái cảm giác luyến tiếc chiếc ghế, luyến tiếc quyền hành của một ông già về hưu, bèn thành khẩn soát xét lại trong từng đường tơ kẽ tóc, từng tế bào xem mình có cái cảm giác luyến tiếc ấy không. Phải thành thật mà nhận rằng không hề có. Vậy là vui.
Tất nhiên mình cũng dè chừng chuyện chơi bời một hồi có khi rồi cũng chán. Mấy anh bạn về hưu trước mình truyền lại kinh nghiệm như vậy. Nên chơi thì chơi, mình cũng chuẩn bị kế hoạch để « sống tích cực », như người ta nói, để trí óc khỏi mụ đi, để khỏi rơi vào chỗ trầm cảm do biếng nhác, không làm gì. Này nhé, mình sẽ ký họp đồng với tờ báo hiện tại làm một chân biên tập gì đó, nếu còn rảnh và thấy thích hợp thì sẽ hợp đồng làm công việc gì khác nữa với một tờ báo khác. Lại còn có vài công ty muốn mình làm việc cho họ. Chỉ sợ không có sức, và công việc không biết có thú vị không thôi. Ngoài ra còn phải để thì giờ viết blog và đi chơi nữa chứ. Càng về già càng ham chơi mà !
Chợt nghĩ, không hiểu sao nhiều người ham bám ghế dữ vậy (tất nhiên cái ghế tổng thư ký tòa soạn một tờ báo thì không thể so với những cái ghế to hơn, béo bở hơn ở những ngành nghề khác, nhưng dù sao thì cũng là một cái ghế !). Có lẽ quyền lực, quyền hành là thứ gì đó có sức quyến rũ ghê gớm nên có khi cái ghế cũng không béo bở gì cho lắm mà người ta cũng không dễ từ bỏ. Lại có những người tuy không hám địa vị hay quyền lợi nhưng thành thật tin rằng, không có họ ngồi ở cái ghế họ đang ngồi thì thế giới sẽ sụp đổ, mọi thứ sẽ đảo lộn, sẽ hỏng bét. Họ không bao giờ nghĩ rằng, không có họ ở đó, mọi thứ có khi còn tốt đẹp hơn, chưa biết chừng.
Mình thì tự bản chất, mình nhận thấy vậy, đã không ham địa vị, quyền hành (năm 1997, đang làm tổng thư ký tòa soạn Tuổi Trẻ, vì bất đồng, mình đã xin nghỉ ngang, chuyển qua TBKTSG, thời gian đầu chỉ làm thư ký tòa soạn), có lẽ vì vậy mà về hưu trước thời hạn, với mình cũng là chuyện rất ư bình thường.
Nhớ lại, những năm ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết, mình từng nghĩ, thậm chí ước sống đến 45, chết là đẹp. Vậy mà bây giờ đã sống đến 60, hưu là vừa.

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

The Age và Tuổi Trẻ

'Vì sao họ trả nhiều tiền như thế?' Đó là tựa đề bài phỏng vấn của BBC với Nick McKenzie, một trong hai phóng viên chính của tờ The Age tham gia điều tra vụ công ty Úc Securency lại quả cho công ty CFTD của Việt Nam để giành được hợp đồng in tiền polymer, mà Banktech của Lê Đức Minh, con ông cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, là một công ty con thành viên. Tiền trả cho CFTD, khoảng 10 triệu đô Úc, đã được gửi vào tài khoản của CFTD ở một ngân hàng Thụy Sĩ. Xem:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090526_nick_mckenzie_interview.shtml
Trông Nick McKenzie còn khá trẻ và chỉ mới gia nhập The Age từ 2006, vậy mà đã làm được cuộc điều tra này và buộc cơ quan điều tra Úc phải vào cuộc. Vậy là giỏi. Nhưng cũng đừng quên là nhà báo này và đồng nghiệp của họ được luật pháp Úc bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ của họ. Báo chí nước ta thì khác (trong bài anh phóng viên này cũng có nhận xét một câu về báo chí Việt Nam). Mấy năm trước Tuổi Trẻ từng làm quyết liệt vụ này, thanh tra vào cuộc, cũng có kết luận. Nhưng rồi sau đó TT cũng như các báo khác buộc phải im. Sự khác nhau là ở chỗ đó. Và có lẽ chính sự khác nhau đó làm cho công cuộc chống tham nhũng ở ta xem ra không có mấy kết quả. Hết PCI, giờ đến Securency.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

NGUYỄN TRUNG DÂN, NGUYỄN THANH HƯNG VÀ PHÉP THỬ VỀ THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CHỦ QUYỀN QUỐC GIA.


Nguyễn Trung Dân, Phó tổng biên tập phụ trách tờ báo Du lịch của Tổng cục Du lịch, chỉ vì cho đăng bài báo “Tản mạn cho đảo xa” và bài “Ải Nam quan” trong số báo xuân Kỷ sửu, đã bị cách chức và rút thẻ nhà báo. Hai bài báo ấy chẳng qua phản ánh lòng yêu nước, sự lo âu và nỗi bức xúc của người dân trước việc nước ta bị anh chàng khổng lồ phương Bắc liên tục o ép, dù chúng ta vẫn cứ lặp đi lặp lại phương châm “16 chữ vàng” như một câu thần chú. Những sự kiện tự nó nói lên tất cả, chẳng cần phải nói thêm hay bình luận gì thêm: từ việc cưỡng chiếm Hoàng sa năm 1974, đánh Việt Nam trên toàn tuyến biên giới năm 1979, dùng vũ lực chiếm một số đảo của Việt Nam trong quần đảo Trường sa năm 1988, đến vu cáo ngư dân Thanh Hóa là ăn cướp để bắn giết, bắt họ đem ra tòa xử ở Trung Quốc năm 2005, thành lập thành phố Tam sa thuộc Hải nam để quản lý hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam và Trung sa (tin không được Trung Quốc xác nhận hay phủ nhận), gây áp lực buộc các công ty dầu khí phương Tây không được hợp tác với VN để thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và gần đây nhất là cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân nhật báo chính thức của Đảng Cộng sản TQ, mới đây còn kêu gọi thành lập thành phố Hải Cương để quản lý Tây sa, Nam sa (tức Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam) và Trung sa. Trung bình, cứ 5-10 năm một lần, TQ lại có hành động o ép, gây hấn, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt nam. Có họa là tự bịt mắt mình mới không thấy mối nguy đối với đất nước và không bức xúc trước những hành động ngang ngược, trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam của TQ trong khi miệng họ vẫn “láng giềng hữu nghị, đối tác chiến lược”, v.v…
Ấy vậy mà một tờ báo phản ánh lòng yêu nước của người dân và nỗi bức xúc của họ thì bị đình bản, người phụ trách thì bị kỷ luật nặng (rút thẻ nhà báo). Nếu, như các quan chức thường nói, có kẻ lợi dụng tình cảm yêu nước bộc phát của người dân để chống phá nhà nước, nhà nước chỉ cần cô lập, vô hiệu hóa, trừng phạt những kẻ ấy chứ sao lại cấm người dân biểu tỏ lòng yêu nước và nỗi bức xúc của mình, cớ sao lại cấm báo chí phản ánh tình cảm yêu nước và tinh hần trách nhiệm với tiền đồ đất nước?
Trong khi đó, với việc làm vô trách nhiệm với quyền lợi đất nước như việc các quan chức ở Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để cho phía Trung Quốc lợi dụng trang web hợp tác nhưng mang tên miền quốc gia vietnamchina.gov.vn để tuyên truyền cho quan điểm của TQ và gây thiệt hại cho chủ quyền lãnh hải Việt Nam thì việc xử lý cho tới nay nhìn chung là lấp liếm, che đậy, cố làm giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của sai phạm. Người ta gọi việc làm của hai cục trên là “lơ là”, mặc dù sự lơ là đó chẳng khác nào là sự nối giáo cho giặc nếu ta nhớ lại rằng cứ mỗi lần TQ giở trò ở Biển Đông thì người phát ngôn Bộ Ngoai giao Lê Dũng cũng chỉ dám lặp đi lặp lại như một cái máy :”Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…” mà không một lần dám nói thẳng, khẳng định mạnh mẽ rằng cho đến trước ngày 20-1-1974 Hoàng Sa vẫn nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam và cho tới trước ngày 14-3-1988, đảo Gạc Ma và một số đảo khác trong quần đảo Trường sa cũng vậy.
Tuy cho tới nay người ta đã không còn có thể truy cập vào phần tiếng Việt (đuôi .vn) của trang web “hợp tác” này, nhưng phần tiếng Hoa thì vẫn còn đó, trong khi lẽ ra, với sự lợi dụng rõ ràng của phía TQ cần phải chấm dứt sự “hợp tác” về trang web này. Vậy mà, cho tới ngày thứ ba 19-5, ông Lưu Văn Kiền, Cục phó Cục báo chí Bộ 4T thì nói rằng tên miền vietnamchina.gov.vn đã được thu hồi còn ông thứ trưởng Doãn của bộ này lại nói rằng :”Động tác đầu tiên là ta đã bỏ thông tin (tiếng Việt) này. Ngừng trang này hoạt động để thực hiện những việc trên chứ không phải là thu hồi tên miền. Các báo chúng ta đã quá ồn ào về vấn đề này. Chúng ta rất dễ mắc vào sự kích động, đôi khi không tỉnh táo.” Có lẽ cũng vì suy nghĩ như vậy, coi việc để cho phía TQ lợi dụng một trang web thuộc chính phủ Việt Nam (gov.vn) để thoải mái xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng sa, Trường sa là “chuyện không có gì phải ầm ĩ” nên tới nay hai quan chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ việc này là ông cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT của Bộ Công thương, Nguyễn Thanh Hưng, vẫn bình chân như vại, chưa hề hấn gì, mặc dù trước đó ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết đang yêu cầu lãnh đạo cục này giải trình và sẽ kiểm điểm trách nhiệm. Bộ Công thương có thể sẽ đề nghị ngừng, không hợp tác tại website trên (Tuổi Trẻ 16-5). Chưa biết chừng rồi một thời gian sau, khi biển êm sóng lặng, ông này sẽ lại leo lên chức vụ cao hơn như ông Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng của Bộ Công thương.
Nguyễn Trung Dân, Nguyễn Thanh Hưng, ai bảo vệ quyền lợi của đất nước, ai nói lên tình cảm của người dân với biển đảo quê hương, và ai giúp cho TQ phóng to cái loa của họ về cái gọi là chủ quyền của họ đối với phần lớn Biển Đông, chuyện đã rõ. Nguyễn Trung Dân thì đã bị “xử lý” rồi. Còn việc ông Nguyễn Thanh Hưng và những người có trách nhiệm khác về vụ trang web đi ngược lại quyền lợi đất nước có bị xử lý hay không sẽ là phép thử về thái độ của bộ máy nhà nước đối với việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.
Nhưng mà rất lo, như phân tích của nhà văn Bảo Ninh trong “Đọc Ma Chiến hữu” : “Hồi đó chẳng hiểu thế nào mà tôi lại dự vào cái vinh dự chấm kịch bản phim phục vụ lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Đạo diễn Hải Ninh ưu ái bảo tôi dự vào, trong khi có vẻ như chính bản thân ông lại không hề muốn can dự vì biết trước và biết quá rõ rằng nó sẽ lình xình đủ chuyện. Quả nhiên. Kịch bản Hội Thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân xuất sắc nhất, tất cả những người dự chấm đều nhất trí như thế. Có nghĩa là Hội Thề sẽ thành phim để chiếu vào đại lễ năm 2010 ? Tôi tưởng điều ấy là dĩ nhiên, cuộc thi không phải là đã được mở ra nhằm mục đích đó hay sao? Khi nhất định muốn biết vì sao lại không như vậy thì tôi được một người trong ngành văn hoá cho biết rằng, có nhiều lý do lắm ạ, mà lý do thấy rõ nhất là "tính nhậy cảm". Hội Thề, tuy là hội thề để đem lại hoà bình, nhưng vẫn liên quan đến đại thắng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, mà như thế thì... không có lợi.”

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

THẦM LẶNG MÀ KHÔNG THỂ THIẾU

Trên mạng, tôi đọc thấy nhiều đồng nghiệp ở một số báo mới được phân công làm thư ký tòa soạn nêu lên sự lúng túng của mình khi đảm nhận công việc này, không biết phải bắt đầu công việc từ đâu, làm công tác tòa soạn là làm những gì. Ở các lớp dạy vế báo chí ở Việt Nam, hình như công việc này cũng không hoặc ít được nói tới. Là người có ít nhiều kinh nghiệm về công việc này, tôi muốn chia sẻ với các bạn đồng nghiệp và cũng mong được chỉ giáo nếu có gì chưa đúng, chưa đầy đủ.


Làm toà soạn một tờ báo, như người ta thường nói, là làm công việc “bếp núc”. Công việc “bếp núc” là công việc thầm lặng - nhưng không thể thiếu - để cho ra đời những tác phẩm báo chí hoàn chỉnh, với chất lượng cao nhât có thể, để khi tờ báo đến tay người đọc, họ sẽ cảm thấy sản phẩm được chăm chút như khi ta ngồi trước một món ăn ngon lại được trình bày đẹp đẽ, tươm tất trên bàn ăn. Khác với viết văn, nhà văn một mình đối diện với trang giấy (hoặc chiếc máy vi tính) và thấp thoáng xa xa là người đọc, một bài báo là một công trình tập thể đúng nghĩa, bởi bên cạnh phóng viên luôn có bộ máy toà soạn giúp sức, từ khâu biên tập, hoàn chỉnh bản thảo, bổ sung tư liệu khi cần và nâng chất lượng bài báo cho đến khâu trình bày, in ấn sao cho tạo được hiệu quả cao nhất nơi người đọc.

Chính vì vậy mà William G.Connolly, một biên tập viên có tiếng của tờ New York Times, nói: “ Không thể có một tờ báo tuyệt vời nếu không có những phóng viên tuyệt vời. Nhưng cũng không thể có một tờ báo tuyệt vời nếu không có những biên tập viên chuyên nghiệp, giỏi nghề và dày dạn kinh nghiệm”.

Ở đây chúng tôi không muốn bàn về những khía cạnh kỹ thuật của công việc biên tập mà người đọc có thể tìm thấy ở nhiều cuốn sách và tài liệu khác về báo chí mà chỉ muốn nêu lên vài đúc kết từ thực tiễn, về công tác toà soạn nói chung, về những chức năng và hoạt động của một toà soạn, cũng như những đòi hỏi về phẩm chất, năng lực chuyên môn đối với người làm việc ở bộ phận không thể thiếu này của một toà báo.

Làm toà soạn là làm gì, hay chức năng của một toà soạn

Tuỳ tờ báo lớn hay nhỏ, toà soạn có những hình thức tổ chức khác nhau. Nếu một tờ báo hay tạp chí quá nhỏ (theo nghĩa ít nhân viên), có khi nhóm chủ trương tờ báo hay tạp chí vừa là người đề ra chủ trương biên tập, đề ra đề tài từng số báo, tự mình viết và đặt cộng tác viên viết bài, vừa làm công tác toà soạn, biên tập và trình bày, đưa đi in. Một tờ báo quy mô trung bình trở lên thường tách toà soạn thành bộ phận riêng, chuyên nghiệp. Và có những tờ báo lớn (hiểu theo nghĩa đông nhân viên), ngoài toà soạn với nhiều biên tập viên và nhiều thư ký toà soạn được phân công phụ trách những mảng khác nhau dưới sự điều động của một tổng thư ký, còn có các ban chuyên môn về nội dung như chính trị-xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hoá-văn nghệ, thể thao, quốc tế… Ở những tờ báo như vậy, toà soạn thường họp với các trưởng ban mỗi ngày (nếu là nhật báo) hoặc hàng tuần (nếu là tuần báo) để quyết định nội dung số báo sắp ra và rút kinh nghiệm về số báo vừa ra. Nhưng dù tổ chức theo mô hình nào, toà soạn cũng phải đảm đương các chức năng chính sau đây:

- Là gạch nối giữa bộ phận chủ trương biên tập (ban biên tập) với các bộ phận còn lại của tờ báo:

Toà soạn là người triển khai ý tưởng, chỉ đạo của bộ phận chủ trương biên tập cho phóng viên; tìm kiếm, gợi ý và chấp nhận hoặc bác bỏ những đề tài do phóng viên đề xuất trên cơ sở nó phù hợp hay không với chủ trương biên tập, có đáp ứng hay không sự chờ đợi của người đọc. Toà soạn còn là người đôn đốc phóng viên săn tìm trong thực tế cuộc sống những đề tài hay, mới, phù hợp với chủ trương của tờ báo. Toà soạn còn là gạch nối, là người phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trong quy trình sản xuất một tờ báo: bộ phận trình bày, tư liệu, quảng cáo...

- Là cầu nối giữa tờ báo với độc giả:

Là người có khả năng nắm bắt nhu cầu, khẩu vị của người đọc, biết người đọc cần gì, toà soạn là người trình bày bộ mặt của tờ báo cho bạn đọc, dọn đúng món ăn người đọc đang cần, những thông tin mà đa số người đọc đang tìm kiếm, trông đợi để người đọc mỗi ngày hay mỗi tuần, mỗi tháng giở tờ báo ra như tìm thấy người tri âm tri kỷ, không cần nói mà hiểu được mình, “gãi đúng chỗ ngứa” của mình. Toà soạn còn phải là người thường xuyên lắng nghe phản hồi từ độc giả để điều chỉnh nội dung và hình thức tờ báo nếu xét thấy cần, để đính chính, sửa chữa những sai sót, để tờ báo ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người đọc, nhất là những bạn đọc trung thành của tờ báo.

- Là trung tâm thu nhận và xử lý thông tin của tờ báo:

Toà soạn là nơi thu nhận và xử lý mọi nguồn thông tin. Phóng viên là người “đi chợ”, mang thông tin về cho toà soạn “chế biến”. Nhưng ngoài thông tin do phóng viên mang về, toà soạn còn phải có cách “đi chợ” của riêng mình. Bằng những nguồn tin khác nhau, những kênh thông tin khác nhau (phản hồi của bạn đọc, thông tin từ các cơ quan chức năng, từ cộng tác viên, từ các nguồn tư liệu), toà soạn phải nắm được tình hình tổng quát để vừa có thể kiểm tra lại thông tin từ phóng viên, tránh cho phóng viên lỗi chủ quan, phiến diện, vừa bổ sung những gì phóng viên còn thiếu và nâng chất lượng tin tức, bài viết của phóng viên sao cho đạt tới cái đích mà toà soạn cho rằng tin tức hoặc bài báo phải đạt tới.

- Là người hoàn thiện, nâng cao chất lượng, giá trị bài viết:

Là khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất một tờ báo, toà soạn là nút chặn cuối cùng đối với mọi sai sót có thể xảy ra trong suốt cả quy trình. Bằng kiến thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ của mình, toà soạn và các biên tập viên phải làm tròn trách nhiệm chính này của mình. Muốn làm được như vậy, phải đặt tinh thần trách nhiệm đối với người đọc, đối với tờ báo lên trên hết. Phải đề cao tính nguyên tắc và không nhân nhượng trước bất kỳ một nghi vấn hay “lợn cợn” nào. Không chỉ là nút chặn cuối cùng đối với mọi sai sót, toà soạn còn là người nâng cao chất lượng tờ báo bằng cách sửa chữa, thêm bớt, cắt gọt nếu bài quá dài dòng, bổ sung tư liệu, số liệu, hình ảnh, bảng biểu, đồ thị,đặt lại tít tựa, kể cả viết lại tin, bài nếu thấy cần thiết. Tất cả nhằm làm cho tin, bài rõ ràng, mạch lạc, hấp dẫn đối với người đọc.

- Là người làm công tác cộng tác viên và xây dựng những

cây bút cho tờ báo:

Hơn ai hết, toà soạn phải là người nắm được nhu cầu của người đọc và hiểu được tờ báo của mình cần gì để có thể đáp ứng nhu cầu của người đọc. Và nếu chỉ dựa vào lực lượng phóng viên của mình, một tờ báo sẽ khó lòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người đọc, nhất là khi gặp phải những đề tài đòi hỏi kiến thức và sự phân tích chuyên sâu. Một toà soạn giỏi phải là một toà soạn tổ chức được lực lượng cộng tác viên hùng hậu để khi cần là có thể nhờ cậy. Hơn nữa, sự đóng góp của cộng tác viên còn mang lại cho tờ báo sự phong phú trong giọng điệu, tính đáng tin cậy trong phân tích khi đó là phân tích của chuyên gia trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Do đó, toà soạn phải bỏ thời gian, công sức để tập hợp, chăm sóc lực lượng cộng tác viên của mình.

Bên cạnh đó toà soạn còn là người góp phần xây dựng những cây bút, những tên tuổi cho một tờ báo bằng chính công việc nâng cao chất lượng bản thảo phóng viên; trên cơ sở biết thế mạnh, sở trường của từng phóng viên mà xây dựng, phát huy những cây bút có uy tín trong từng lĩnh vực và biết giới thiệu, “lăng-xê” đúng lúc tên tuổi của các cây bút của tờ báo cùng với những sản phẩm tốt nhất của họ. Thực tế là nhiều người đọc chủ yếu đọc một bài báo hoặc một tờ báo chỉ vì tên tuổi của một vài tác giả mà họ thích hoặc họ tin cậy, và một toà soạn giỏi là một toà soạn biết phát huy các cây bút tên tuổi của mình.

Như vậy, toà soạn không chỉ là người lo “đầu ra” (khâu biên tập, trình bày) của một tờ báo, càng không phải là người chỉ làm công việc biên tập kỹ thuật (cắt gọn, sửa chữa chính tả, câu chữ) như nhiều người lầm tưởng. Toà soạn là người lo từ “đầu vào” đến “đầu ra” của một tờ báo, là người vạch kế hoạch nội dung, đế tài, chỉ đạo, giúp sức cho phóng viên thực hiện và cuối cùng là hoàn chỉnh sản phẩm của phóng viên, cộng tác viên trước khi đưa nó đến tay bạn đọc.

Bốn trong một, hay những yêu cầu đối với người làm toà soạn

Người làm toà soạn có thể nói là bốn con người trong một con người. Cụ thể, họ phải là:

- Nhà tâm lý xã hội:

Người làm báo nói chung luôn phải nhạy cảm với nhu cầu, tâm lý của người đọc, do đó có thể nói người làm báo phải là một nhà tâm lý xã hội, nhà tâm lý trong truyền thông. Nhưng hơn ai hết, là người đứng ở khâu cuối của quy trình sản xuất một tờ báo đồng thời lại là người đầu tiên đọc tờ báo trước khi nó đến tay độc giả, người làm toà soạn càng phải là một nhà tâm lý truyền thông để biết người đọc cần gì, muốn gì, và cố gắng đưa đến cho họ “món ăn” mà họ cần.

Tất nhiên, trong điều kiện xã hội Việt Nam, nơi mà ý kiến của người này người nọ chứ không phải luật pháp thường có tiếng nói cuối cùng; nơi mà báo chí chưa được đóng vai trò như nó vốn phải có trong những xã hội phát triển; nơi mà ảnh hưởng phong kiến trong nếp nghĩ, tập quán, cách hành xử còn nặng nề thì báo chí không phải lúc nào cũng có thể làm tròn thiên chức của mình là phục vụ người đọc. Ngược lại báo chí cũng bị ảnh hưởng bởi những tập tính xấu của xã hội, chẳng hạn:

- Sự cảm tính, chủ quan, nói lấy được, bất chấp sự hợp lý hay không hợp lý (đối nghịch với tính khách quan, duy lý, khoa học).

- Dễ bị cuốn theo dư luận và/hoặc ý kiến quan phương (đối

nghịch với đầu óc độc lập và tinh thần thượng tôn pháp luật).

- Vừa tự tôn dân tộc ( điển hình là khi phỏng vấn người nước

ngoài, nhiều phóng viên thường hỏi những câu mớm ý để người ta ca tụng dân tộc mình, đất nước mình, con người Việt Nam mình), nhưng lại vừa tự ti dân tộc, thường thấy ai đó có tiếng thì luôn muốn họ phải có “dây mơ rễ má” gì đó với Việt Nam.

- Thiếu phân biệt đời sống công cộng và đời sống riêng tư, dẫn

đến tình trạng xâm phạm đời sống riêng tư cá nhân; thậm chí đôi lúc tỏ ra nhỏ nhen khi bươi móc chuyện đời tư, đặc biệt nếu người được đề cập bị tình nghi vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án.

- Vừa bỏ rơi những nhu cầu thông tin chính đáng của người đọc

(không loại trừ do chỉ đạo không được đưa cái này, cái kia vì lý do “nhạy cảm”), lại vừa chạy theo cái dễ dãi, thương mại hóa rẻ tiền.

Trong một môi trường xã hội, môi trường văn hoá, môi trường

báo chí như vậy, toà soạn rất dễ bị áp lực chiều theo não trạng đang chi phối trong xã hội, và giữ cho một tờ báo được “đàng hoàng” theo những tiêu chuẩn phổ biến của báo chí hiện đại là điều không dễ. Tuy vậy thực tế đã chỉ ra rằng độc giả rất tinh tường, có thể qua mắt được một số ít người chứ không thể qua mắt được hàng triệu độc giả, trong đó có những độc giả có thể là bậc thầy của người làm báo.về mặt này hoặc mặt khác. Muốn giữ cho tờ báo có được tính khả tín của mình, toà soạn phải luôn đặt mình dưới cái nhìn nghiêm khắc của người đọc để luôn giữ mình, không rơi vào chỗ dễ dãi với chính mình và để luôn tự hỏi: Người đọc cần gì? Người đọc được lợi ích gì khi đưa (hoặc không đưa) tin, bài này. Nếu một tin, bài đáng lẽ phải đưa vì nó có lợi cho người đọc mà lại không đưa vì một lý do nào đó, phải nhớ rằng mình đang mắc nợ với người đọc.

- Nhà ngôn ngữ:

Một hiện tượng ngôn ngữ thường thấy là một tít báo hay có khi được cả xã hội dùng lại sau đó, khi người ta đứng trước một sự kiện hay một hiện tượng tương tự. Điều đó cho thấy sức mạnh của ngôn ngữ. Một từ dùng hay, dùng ‘đắt” trong một bài báo có tác dụng làm cho

người đọc thấm thía và nhớ đến bài báo rất lâu. Ngược lại, một bài báo dù chứa đựng nhiều thông tin hay nhưng viết dở, lủng củng, cẩu thả, sử dụng ngôn ngữ không “đắt”, sẽ khiến người đọc chóng quên. Chính vì vậy mà người làm toà soạn (nhất là thư ký toà soạn) không chỉ là người phải biết viết đúng tiếng Việt mà còn phải là người nắm vững kho tàng tiếng Việt, những cái tinh tế của tiếng Việt để sử dụng sao cho vừa chuẩn, vừa “đắt”, nhờ đó mà nâng cao giá trị một bài báo. Đó là cả một nghệ thuật. Ở khía cạnh này, có thể nói người làm toà soạn cũng là một nhà ngôn ngữ trong tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng xu hướng ngược lại, xu hướng “văn học hoá” báo chí, hy sinh tính chính xác, tính sáng sủa, rõ ràng của văn phong báo chí cho sự “làm dáng” văn học. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, thà cứ viết một cách rõ ràng, dễ hiểu còn hơn là cố làm cho ra vẻ “văn học”.

- Nhà mỹ thuật:

Người làm toà soạn cũng là người trình bày bộ mặt tờ báo với

độc giả. Một bộ mặt đẹp hay một bộ mặt xấu xí, nhem nhuốc phụ thuộc vào khâu trình bày và in ấn. Do đó thư ký toà soạn phải làm việc rất chặt chẽ với hoạ sĩ trình bày (hay giám đốc mỹ thuật). Ở nhiều tờ báo nước ngoài, với sự giúp đỡ của máy tính, thư ký toà soạn có xu hướng làm luôn cả công việc trình bày, ít ra là trên đại thể. Ở ta thì bộ phận trình bày hay mỹ thuật nói chung vẫn còn tách khỏi bộ phận biên tập mặc dù vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của thư ký toà soạn, do đó việc thư ký toà soạn làm việc chặt chẽ với bộ phận trình bày là hết sức cần thiết để bảo đảm tính hợp lý trong việc sắp xếp vị trí các tin bài theo một trật tự thông tin nhất định dựa trên tầm quan trọng của mỗi tin, bài; đảm bảo tính mỹ thuật của từng bài báo, từng trang báo, từng cái tít, từng tấm ảnh, và tổng thể tờ báo. Điều này đòi hỏi thư ký toà soạn phải là người có con mắt mỹ thuật. Tất nhiên, mỹ thuật trong trình bày báo khác với mỹ thuật trong hội hoạ. Muốn gì thì muốn vẫn phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, sáng sủa, tính hợp lý trong sắp xếp tin bài nào ở vị trí nào. Cần tránh một hiện tượng thường thấy là lạm dụng màu sắc, font chữ, cỡ chữ khiến người đọc bị rối mắt, tờ báo nhìn tưởng đẹp mà khó đọc, và vô hình trung gây hiệu ứng ngược.

- Luật gia:

Người làm toà soạn còn phải là người có kiến thức pháp luật và

những vấn đề pháp lý ở mức độ nhất định để tránh cho tờ báo và cả cho chính phóng viên phải đối diện với luật pháp, với những vụ kiện tụng và những rắc rối pháp lý nảy sinh khi đưa tin không chính xác do không kiểm tra kỹ sự việc hoặc do ham chi tiết giựt gân mà rơi vào chỗ vu khống, xúc phạm danh dự, đời tư cá nhân. Muốn vậy, thư ký toà soạn và biên tập viên phải luôn nhớ những quy định pháp luật liên quan đến ngành nghề và luôn phải kiểm tra tính hợp lý của các sự kiện.Chỉ riêng việc kiểm tra tính hợp lý của sự kiện nhiều khi cũng đã có thể giúp phóng viên và tờ báo tránh được những rắc rối có thể nảy sinh. Về một khía cạnh nào đó, vì vậy, có thể coi người làm toà soạn cũng phải là một luật gia.

Ngoài ra, báo chí nước ngoài còn thường yêu cầu người làm toà soạn phải là những “nhà ngoại giao”, vừa mềm mỏng vừa kiên quyết khi phải cắt gọt, sửa chữa, thậm chí gác, không đăng bài của phóng viên hoặc cộng tác viên. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng không nên quá nhấn mạnh điều này mà cần nhấn mạnh đến bản lĩnh của toà soạn để có thể bảo vệ được chủ kiến của mình khi xử lý một tin, bài nào đó.

Phẩm chất của người làm toà soạn

Ngoài những phẩm chất chung của một người làm báo, theo chúng tôi, người làm công tác toà soạn, làm biên tập viên còn cần có những phẩm chất, đức tính sau:

- Biết đặt yêu cầu của người đọc và trách nhiệm với người đọc

lên trên hết:

Cần thường xuyên tự hỏi: Độc giả đang cần gì? Cái này độc giả có cần không? Nó mang lại lợi ích gì cho độc giả? Từ đó mà quyết định đăng hay không đăng một bài báo. Và khi đã quyết định đăng thì không quản công sức, khó nhọc để một bài báo đạt chất lượng cao nhất có thể, trước khi đến tay người đọc. Cũng từ đó mà điều động phóng viên, liên hệ với cộng tác viên để làm sao có được tin, bài mà toà soạn đánh giá là cần thiết cho độc giả.

- Biết đặt mình vào vị trí của người đọc để tự phản biện:

Tự đặt mình vào vị trí người đọc để tự phản biện sẽ giúp ta phát hiện ra những cái sai, cái bất hợp lý, mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu rõ ràng, mạch lạc trong từng bài báo, từng câu chữ. Điều đó đòi hỏi người làm toà soạn phải rèn luyện đức tính cẩn trọng, chặt chẽ, tỉ mỉ.

Thường xuyên căng thẳng vì phải ứng phó với biến động thời sự, nhất là vào những phút chót, trước thời hạn giao bài cho nhà in, người làm toà soạn thường cảm thấy mệt mỏi và dễ bị cám dỗ buông xuôi, làm cho qua, được chăng hay chớ. Phải thường xuyên chống lại sự cám dỗ này, vì nếu không, chất lượng bài báo, tờ báo lập tức sẽ bị ảnh hưởng. Vì lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, vì trách nhiệm trước người đọc, và cũng vì uy tín của chính tờ báo, làm sao có thể chấp nhận cho xuất bản một cái tin, một bài báo với đầy những hạt sạn? Làm như vậy có khác nào bán một món hàng kém chất lượng!?

- Biết hy sinh “cái tôi”:

Người làm toà soạn, làm biên tập viên phải là người biết hy sinh “cái tôi”, không tìm kiếm vinh quang cá nhân để tìm thấy niềm vui và niềm tự hào khi cả tờ báo được độc giả đánh giá cao, có uy tín trong lòng người đọc. Khi đó người làm toà soạn có thể mỉm cười tự nhủ: “À, mình cũng có đóng góp trong đó” và nhận ra công việc toà soạn cũng không phải là công việc “bạc bẽo” như người ta vẫn nghĩ.

Toà soạn và phóng viên: không thể thiếu nhau

“Công việc bạc bẽo” - nhiều người làm công tác toà soạn thường có cái cảm giác đó. Quả vậy, đọc một tờ báo, thường người đọc chỉ biết đến tên tuổi phóng viên chứ ít ai nghĩ đến, nhận ra công sức của toà soạn, của các biên tập viên, người trình bày… dù công việc của họ là không thể thiếu. Người đọc suýt soa trước một bài báo hay và thầm khen ngợi, ghi nhớ tên tuổi phóng viên chứ đâu biết, trong không ít trường hợp, bản thảo đã bị sửa chữa gần như toàn bộ và bài báo đến tay họ có công sức đóng góp mang tính quyết định của đội ngũ biên tập viên mà họ không được biết tên. Ngay chính phóng viên, nhiều người khi báo in ra rồi cũng chẳng thèm đọc lại để xem bài viết của mình đã được toà soạn sửa chữa, nâng cấp ra sao, những lỗi ngô nghê nào đã được gạt bỏ. Chính vì coi công việc toà soạn là công việc bếp núc thầm lặng, thiếu “vinh quang”, nên nhiều người làm báo thường chỉ thích làm phóng viên, vừa tự do về giờ giấc, không phải ngồi chết gí tại toà soạn, vừa có dịp đi đây đi đó nhiều hơn và dễ gặt hái vinh quang cá nhân hơn.

“Bạc bẽo” còn bởi, giữa tòa soạn, biên tập viên với phóng viên hầu như có một thứ mâu thuẫn muôn thuở. “Văn mình, vợ người”, dân gian nói vậy. Không bàn đến vế thứ hai, với vế thứ nhất, “văn mình”, hầu hết phóng viên, nhất là những người đã vào nghề lâu năm hoặc có chút tên tuổi thì bài viết của họ đúng là “số một” và họ không muốn cho ai đụng tới. Trong các toà soạn thường xảy ra cảnh phóng viên gây gổ với biên tập viên và thư ký toà soạn: Bài tôi hay thế, tại sao anh gác, không đăng? Tại sao anh cắt mất chi tiết đắt giá này của tôi? Anh cắt gọt khiến bài báo của tôi không còn là của tôi nữa! Biên tập gì mà bài báo không còn “phong cách riêng” của tôi, bài nào cũng giống bài nào! Phải công nhận rằng đôi lúc toà soạn (nhất là những người mới vào nghề) cũng phạm sai lầm (ai mà chẳng có lúc phạm sai lầm?) do không đủ tỉnh táo, do sự thúc ép của thời hạn giao bài cho nhà in. Nhưng chính vì ở chỗ đứng của mình (vừa là người đọc cuối cùng trong dây chuyền sản xuất tờ báo, vừa là người đọc như một độc giả đầu tiên trước tất cả các độc giả khác) người làm toà soạn có khả năng nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn, tỉnh táo hơn để biết điều gì cần cho độc giả, điều gì không. Những “chi tiết đắt giá” nhiều khi là thừa và khiến độc giả không tập trung theo dõi được ý chính của bài báo. Một bài báo dài dòng sẽ khiến độc giả mỏi mệt và lắm lúc rút lại còn một nửa vẫn nói được đủ ý phóng viên muốn nói. “Phong cách riêng” lắm lúc lại là sự rối rắm trong diễn đạt khiến người đọc khó hiểu, khó nắm được ý của người viết. Một bài báo mà phóng viên cho là hay đôi khi chỉ là theo sự đánh giá chủ quan của người viết. Đứng ở vị trí của người đọc để phản biện, toà soạn có khả năng phát hiện và xử lý những cái sai, cái dở trong cả tờ báo và từng tin, bài để sao cho sản phẩm đến tay người đọc là một sản phẩm hoàn chỉnh nhất.

Thật ra, như đã nói ở đầu, một tờ báo, một bài báo đúng là một công trình tập thể, vì thế toà soạn và phóng viên luôn cần nhau. Bởi, nếu không có phóng viên, toà soạn lấy gì để “làm bếp”, để “chế biến”? Ngược lại, nếu không có toà soạn, những phát hiện của phóng viên chưa chắc đã đúng, sự đánh giá nhu cầu của người đọc từng lúc chưa chắc đã chính xác, bài viết chưa chắc đã đạt đến cái tầm cần có, diễn đạt chưa chắc đã suôn sẻ, hấp dẫn. Nhưng mâu thuẫn giữa hai bên vẫn luôn luôn tồn tại, và đó là thứ mâu thuẫn tất yếu giúp hai bên tiếp cận gần hơn với sự thật và giúp cho một bài báo đúng hơn, hay hơn. Không có sự phản biện của toà soạn, phóng viên dễ rơi vào chỗ chủ quan, phiến diện. Ngược lại, không có thực tế ngồn ngộn, cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà phóng viên mang về, những người làm toà soạn rất dễ rơi vào chỗ xơ cứng, đi theo lối mòn trong tư duy, xa rời thực tế.

Cuối cùng, trong một toà báo, phóng viên càng giỏi giang, càng chủ động thì toà soạn càng đỡ khó nhọc; ngược lại toà soạn càng có tay nghề, có kinh nghiệm thì phóng viên càng được nhờ cậy.