Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

MUỐN GIÁM SÁT, PHẢI CÓ NĂNG LỰC GIÁM SÁT

TBKTSG số 28-2007 đăng chuyền đề “Để nâng cao chất lượng làm luật”. Dựa vào ý kiến của nhiều luật sư và chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau và dựa trên thực tế nhiều luật ban hành thiếu tính khả thi hoặc thiên vị lợi ích của cơ quan hành pháp, cũng là người soạn thảo luật, mà xem nhẹ lợi ích của xã hội (ví dụ cụ thể và mới nhất là dự thảo luật về hội), chuyên đề đã đặt vấn đề giới hạn độc quyền soạn thảo luật của cơ quan hành pháp và tăng cường năng lực soạn thảo luật của cơ quan lập pháp cũng như trao quyền soạn thảo dự án luật cho các tổ chức và đoàn thể xã hội.

Sau khi báo ra, chuyên đề đã lập tức nhận được sự phản hồi từ nhiều chuyên gia luật pháp, chứng tỏ nó đã “gãi đúng chỗ ngứa”, đặt đúng vấn đề bức xúc và vẫn đang có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau lâu nay. Tất nhiên, hai ba bài viết trong một chuyên đề và những bài trao đổi lại sau đó chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề đặt ra cũng như chưa thể đưa đến sự đồng thuận. Dù sao nó cũng cho thấy tầm mức quan trọng của vấn đề và đào sâu thêm được những khía cạnh có liên quan. Với số báo này, chúng tôi tạm kết thúc cuộc trao đổi ở đây và mong rằng nó sẽ còn được tiếp tục ở những diễn đàn khác để có thể đi đến một sự thống nhất nào đó, một sự thống nhất rất quan trọng để phát triển hệ thống pháp luật và nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Để tạm đúc kết, phải nói rằng trong các ý kiến phát biểu trực tiếp hoặc được trích dẫn trong chuyên đề, không có ý kiến nào đòi xóa bỏ quyền soạn thảo và trình dự án luật của cơ quan hành pháp mà chỉ đặt vấn đề, để nâng cao chất lượng làm luật, cần hạn chế bớt độc quyền này đồng thời tăng cường khả năng soạn thảo và trình dự án luật của các đại biểu Quốc hội cũng như của các tổ chức, đoàn thể xã hội. Điểm thứ hai: có sự thừa nhận chung về những sự bất cập trong quy trình làm luật hiện nay, vì độc quyền soạn thảo luật của cơ quan hành pháp khó tránh khỏi dẫn đến chỗ soạn thảo luật chỉ nhắm thuận tiện cho công việc quản lý nhà nước mà không chú ý thích đáng đến lợi ích của các tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, đến giải pháp thì các ý kiến lại có sự khác biệt. Có ý kiến cho rằng, cơ quan hành pháp vẫn phải là nơi soạn thảo luật chủ yếu và có thể ngăn ngừa sư lạm quyền của cơ quan soạn thảo bằng các chốt chặn trong quy trình soạn thảo và thông qua một dự luật, nhất là bằng vai trò phản biện và giám sát của Quốc hội. Có ý kiến ngược lại, cho rằng cần tăng cường khả năng và quyền soạn thảo luật của các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, đoàn thể xã hội.

Xét thực tiễn làm luật ở nước ta, chúng tôi cho rằng vẫn cần mở rộng quyền và khả năng soạn thảo luật của các đại biểu Quốc hội cũng như của các tổ chức và đoàn thể xã hội, tuy nhiên điều quan trọng nhất không phải là ai soạn thảo luật mà là quy trình soạn thảo như thế nào để thu hút được sự đóng góp có giá trị của xã hội; và quy trình giám sát, phản biện và thông qua tại Quốc hội như thế nào để luật được thông qua thật sự có chất lượng. Nhưng muốn Quốc hội đóng được vai trò giám sát, phản biện và quyết định với đầy đủ sự thông hiểu thì mỗi đại biểu phải có đủ năng lực làm việc đó. Câu hỏi đặt ra là: với đa số đại biểu không phải là chuyên trách, mọi đại biểu dân cử của ta phải chăng đã có đầy đủ khả năng này, và làm thế nào để đạt tới đó?

“Không có Thánh Gióng”!

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã nói một cách hình ảnh như vậy khi đề cập đến các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết WTO hiện nay (Hậu WTO: Doanh nghiệp “xung kích trong bị động” - VietnamNet 21-8-2007).

Bà cho rằng 95% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, rất ít doanh nghiệp vừa. Các doanh nghiệp nhỏ, đa số mới thành lập, thiếu và yếu đủ mặt, từ vốn, nhân lực, công nghệ, kỹ năng quản trị đến cơ hội tiếp cận thị trường. Sau khi đất nước đã gia nhập WTO, môi trường cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện là bao, vì vậy mà theo bà, sau hơn 20 năm đổi mới hầu như không có doanh nghiệp nhỏ nào vươn lên thành doanh nghiệp lớn được. Không có “doanh nghiệp Thánh Gióng”! Mà môi trường cạnh tranh, theo bà, phụ thuộc vào Nhà nước. “Không thể bảo doanh nghiệp cạnh tranh đi, khi không cho họ môi trường”, bà nói. Dẫn con số chỉ 8% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại sau 12 năm đất nước hội nhập khu vực và thế giới, bà đặt dấu hỏi liệu sau 12 năm Việt nam trở thành thành viên WTO, tình hình có lặp lại như vậy ?

Qủa thật, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ra đời trong quá trình đổi mới, sinh sau đẻ muộn nên không có các lợi thế về đất đai mặt bằng, cơ hội tiếp cận tín dụng, cơ hội kinh doanh hoặc cả những lợi thế vô hình như các mối quan hệ mà những doanh nghiệp nhà nước lớn đã nắm từ trước. Tuy nhiên, nếu như có được môi trường kinh doanh bình đẳng và thông thoáng, một số doanh nghiệp đi sau vẫn có thể làm nên chuyện. Đáng tiếc, về môi trường cạnh tranh, có ai không giật mình, chẳng hạn, trước con số gây sốc mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đưa ra mới đây về lượng thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thành các thủ tục về thuế: 245 ngày/năm ? Hoặc như việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp về các chính sách, quy định liên quan đến kinh doanh mà bà Lan cho rằng còn rất hạn chế: “Hỏi nhiều, nghe ít, tiếp nhận càng ít hơn nữa”.

Dễ hiểu là trong điều kiện như vậy làm sao có được những “doanh nghiệp Thánh Gióng”, những doanh nghiệp làm ta ít nhiều liên tưởng đến những Microsoft, những Yahoo!, những Google – dù là ở quy mô nhỏ hơn ?

Thế nên, trở lại vấn đề doanh nghiệp và WTO, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào Nhà nước với tư cách là người tạo lập sân chơi bằng phẳng, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng. Và các cam kết WTO, do đó, cần phải trở thành một sức ép không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với bộ máy quản lý, buộc nó phải chuyển đổi cung cách quản lý nhanh hơn, mới hơn, mở hơn.

Mà không riêng trong lĩnh vực kinh doanh, trong tất cả các lĩnh vực khác từ quản lý giáo dục đến quản lý văn hóa, quản lý báo chí... cam kết WTO phải trở thành ngọn roi thúc bộ máy quản lý nhanh chóng chuyển đổi cho phù hợp với qúa trình hội nhập.

HAI VẤN NẠN TỪ VỤ PMU 18

Vụ tham nhũng tại Ban Quản lý dự án (PMU) 18 cho thấy ít nhất có hai vấn nạn lớn đang đặt ra: một là sự quản lý yếu kém của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với đồng tiền quốc gia; hai là chính sách, cơ chế, tuyển dụng, đánh giá, đề bạt cán bộ, sử dụng con người của hệ thống tổ chức Đảng có vấn đề.

Với vấn nạn thứ nhất, như Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, ông Tào Hữu Phùng, nhận xét: cả Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đều buông lỏng quản lý, giám sát, để xảy ra tình trạng trong thời gian dài vốn ODA bị thất thoát lớn và nếu không do tình cờ phát hiện ra vụ đánh bạc của Bùi Tiến Dũng thì không biết tình trạng lãng phí nguồn vốn này còn kéo dài đến bao giờ, với quy mô nào. Ông Tào Hữu Phùng còn đi đến chỗ nhận xét: “Ngoài các bộ, cả Chính phủ, Quốc hội đều buông lỏng quản lý, xem vốn ODA là nguồn vốn ngoài ngân sách nên không ai quan tâm”. (Tuổi Trẻ, 10-4-2006). Phải nói thẳng, đó là sự vô trách nhiệm trước đồng tiền mà người dân đã giao cho Nhà nước quản lý. Hai tỉ đô la trả nợ nước ngoài mỗi năm kể từ năm 2006 sẽ lấy từ đâu nếu không phải từ tiền đóng thuế của người dân, của doanh nghiệp?

Nhưng vấn nạn thứ hai mới là nguyên nhân căn bản dẫn đến vấn nạn đầu. Vì sao những con người như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến và những người khác liên quan trong vụ án này lại có thể leo cao đến thế để gây hại đến thế cho đất nước và cho cả Đảng mà lúc nào họ cũng được xếp là đảng viên A1 trong những tổ chức Đảng luôn được đánh giá là “trong sạch, vững mạnh” cho đến ngày họ bị bắt, thậm chí nếu không bị bắt có người trong số họ còn có thể được đề bạt lên cao hơn? Dường như cái gốc là ở cơ chế, chính sách, quan niệm dùng người của Đảng: với những vị trí nhất định, ngay trong kinh tế chứ chưa nói đến những lĩnh vực khác, chỉ có đảng viên được tin dùng. Và đó là điều kiện, là môi trường cho những kẻ mà cả tài năng lẫn phẩm chất con người có khi còn thua xa những người không có mác đảng viên, có thể lợi dụng để leo cao hòng tác oai tác quái. Chính sách tưởng chặt mà hóa ra lỏng, tưởng có ích cho Đảng mà hóa ra làm hại cho Đảng. Sự hẹp hòi trong chính sách sử dụng con người cuối cùng không chỉ làm thui chột những tài năng vốn cần cho phát triển đất nước mà còn khiến hình ảnh của Đảng bị ảnh hưởng bởi những đảng viên như Bùi Tiến Dũng, như Nguyễn Việt Tiến... Tin vào cái vỏ bên ngoài, vào lý lịch, vào những danh hiệu không thực chất mà không muốn hay không có khả năng nhìn ra bản chất con người, chuyện trả giá là dễ hiểu.

Cho nên, để không còn những PMU 18 khác, không chỉ cần thắt chặt việc quản lý và sử dụng đồng tiền quốc gia, đồng tiền tích cóp của dân sao cho hiệu quả mà còn rất cần xem lại cơ chế, chính sách, quan niệm sử dụng con người của Đảng.

TỪ CHUYỆN CHIẾC MŨ BẢO HIỂM

Chuyện chiếc mũ bảo hiểm tưởng nhỏ hoá ra không nhỏ. Nó liên quan đến năng lực và sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước. Chuyện chiếc mủ bảo hiểm và những rối rắm phát sinh hiện nay về chất lượng mũ bán trên thị trường mà có ý kiến đánh giá đến 75% (một con số quá lớn) không đạt tiêu chuẩn, về việc tổ chức kiểm định chất lượng mũ, …cho thấy có ít nhất hai điều chưa ổn trong quản lý nhà nước, cụ thể hơn là trong hoạt động của các bộ.

Thứ nhất, sẽ chẳng có gì phải nói nếu trước khi ban hành Nghị quyết 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ mà mục đích là nhằm kiềm chế tai nạn giao thông nhưng có quan hệ đến hàng triệu triệu người dân, các bộ Công thương (trước đây là bộ Công nghiệp và bộ Thương mại) và bộ Khoa học-Công nghệ ngồi lại để rà soát lại toàn bộ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm trong nước để có kế hoạch tổ chức sản xuất sao cho đáp ứng đủ nhu cầu (cả về số lượng và chất lượng), hoặc trong trường hợp doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu thì cho nhập khẩu mũ bảo hiểm từ đâu, với những tiêu chuẩn bắt buộc như thế nào, và chỉ định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về chất lượng mũ sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu được phép lưu hành trên thị trường. Vấn đề ở đây là một khi đề ra chính sách, bộ máy quản lý phải bảo đảm các điều kiện để chính sách đó được thực thi nghiêm chỉnh, thông suốt trong thực tế.

Thứ hai, sau nhiều phản ảnh của báo chí, của công luận về chất lượng cũng như giá cả mũ bảo hiểm, sau khi nhiều người dân đã phí tiền mua phải những loại mũ giả, mũ dỏm không đạt tiêu chuẩn, các bộ có liên quan hầu như vẫn không có phản ứng gì. Có cảm tưởng bộ máy quản lý nhà nước cấp bộ bận bịu với những vấn đề của chính nó, với sức ỳ của nó hơn là nhanh chóng, chủ động phản ứng vì lợi ích của hàng triệu người dân. Trong cải cách hành chính, người ta đang nói đến việc chuyển bộ máy nhà nước từ chỗ là bộ máy cai trị sang bộ máy phục vụ người dân. Đáng tiếc, trong trường hợp này điều đó đã không xảy ra. Và khi sáp nhập một số bộ, Thủ tướng cũng đề ra một nguyên tắc quản lý là mỗi đầu việc chỉ do một đầu mối chịu trách nhiệm. Nhưng trong trường hợp này, không rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính và sự phối hợp giữa các bộ rõ là quá kém. Để đến bây giờ, nhiều tháng sau khi Nghị quyết 32 được ban hành, khi thời hạn áp dụng nghị quyết đã gần kề, Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu các bộ Khoa học-Công nghệ và Công thương phối hợp để quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và công bố danh sách những loại mũ đạt tiêu chuẩn; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại mũ giả, mụ dỏm; yêu cầu bộ Tài chính tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá mũ bảo hiểm và bán đúng giá niêm yết, không để xảy ra việc tùy tiện nâng giá làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng.

Chuyện chiếc mũ bảo hiểm như vậy đã cho thấy những vấn đề lớn hơn trong chức năng, tính chất và sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước. Công cuộc cải cách hành chính của chúng ta bao giờ mới đến nơi ?

Minh bạch, lại chuyện minh bạch

Cuối cùng thì vào thứ năm tuần trước, 21-6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chính thức thông báo ngưng đề án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện (Bv) Bình Dân sau khi công luận bày tỏ sự không đồng tình với đề án, cả về mục tiêu, tính khả thi lẫn tác động của việc cổ phần hóa bệnh viện xét về mặt công bằng xã hội.
Tại cuộc họp báo nhằm thông báo quyết định nói trên của lãnh đạo thành phố, trả lời phỏng vấn của báo chí, Phó chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Tài cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm, tổ chức lấy ý kiến của các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các nhà chuyên môn, nhà kinh tế về đề án cổ phần hóa một bệnh viện khác sau này.
Việc rút kinh nghiệm này quả thực cần thiết, bởi đến bây giờ nhiều người mới biết UBNDTP đã chỉ đạo chuẩn bị xây dựng đề án thí điểm cổ phần hóa Bv Bình Dân từ ba năm trước, đã kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành thí điểm từ hai năm trước và đã được Chính phủ cho phép xây dựng đề án thí điểm trình Chính phủ xem xét từ tháng 9-2005. Thế nhưng mãi đến tháng 5-tháng 6 năm 2007, khi dư luận, qua báo chí, hay biết và tỏ ra bức xúc về đề án thì một số cuộc hội thảo về chủ đề này mới được tổ chức, và cũng không phải do chính quyền thành phố chủ động. Ngoài ra, cũng qua báo chí người ta mới biết trong đề án cổ phần hóa, Bv Bình Dân đã được định giá quá thấp, chỉ bằng khoảng 1/12 giá trị thực – theo một số chuyên gia. Chính vì vậy, và trong bối cảnh không hề có thông tin chính thức về đề án cổ phần hóa bệnh viện, một số người đã nhảy vào trục lợi, mua bán quyền mua cổ phiếu và đẩy giá lên cao khi bệnh viện chưa hề có quyết định cho phép cổ phần hóa. Ngay cả trong tình hình đó, tình hình mà không thể nói cơ quan chức năng không hay biết, thành phố vẫn không hề có thông báo hay cảnh báo chính thức nào. Để rồi bây giờ, khi thành phố chính thức thông báo ngưng đề án thí điểm cổ phần hóa Bv Bình Dân, cả người mua lẫn người bán “cổ phiếu” ảo đều lâm vào tình cảnh khó khăn.
Y tế là một dịch vụ công động chạm đến đông đảo người dân, nhất là đa số người có thu nhập trung bình và nghèo. Lẽ ra, với một đề án động chạm đến đông đảo người dân như vậy, như ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nói tại hội thảo quốc gia về cổ phần hóa bệnh viên công ngày 17-5, “UBNDTPHCM cần công bố đề án công khai để người dân được đóng góp ý kiến, từ đó lãnh đạo thành phố có thể cân nhắc điều hay lẽ thiệt.” Nếu làm như vậy ngay từ đầu, thành phố đã có thể tiết kiệm được thời gian, công sức dốc vào việc xây dựng đề án. Nếu minh bạch ngay từ đầu, có lẽ đã tránh được việc nhiều người bây giờ rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi nắm trong tay những “cổ phiếu” ảo do tom góp tiền chạy mua quyền mua cổ phiếu của cán bộ công nhân viên Bv Bình Dân.

BIỆN PHÁP ĐẦU TIÊN

(Lại một bài báo cũ, nhưng vấn đề thì vẫn chưa hề cũ).

Trong tất cả các biện pháp chống tham nhũng, chống lãng phí thì công khai hoá phải là biện pháp đầu tiên. Bởi, như mọi người đều biết, mọi lời hô hào chung chung, mọi sự kêu gọi tu dưỡng đạo đức, thậm chí mọi sự lên án mạnh mẽ nhất mà không kèm theo địa chỉ, danh tính cụ thể của những đơn vị, cá nhân vi phạm, cho đến nay đều tỏ ra không có hiệu quả. Tham nhũng, lãng phí vẫn lan tràn, và như tổng kết mới đây của ngành công an cho thấy, càng ngày những kẻ tham nhũng bị phát hiện có chức vụ càng cao.
Cũng chính vì thế, trong những ngày qua, trong khi các đại biểu Quốc hội đang thảo luận với nhiều ý kiến chưa ngã ngũ về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng thì việc Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng cho nổ “quả bom” liên quan đến việc một doanh nghiệp nhà nước dự chi đến hơn 847 triệu đồng để đón nhận huân chương Lao động hạng 3 (mặc dù sau đó doanh nghiệp này cho rằng dự toán chỉ có 460 triệu đồng) đã gây nên một tác động lớn. Tác động càng mạnh khi báo Tuổi Trẻ TPHCM và kênh truyền hình VTV1 nêu đích danh đơn vị mà Phó chủ nhiệm ủy ban Kinh tế-ngân sách còn ngại công khai hóa : đó là Công ty gốm xây dựng Hạ Long thuộc Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng - Bộ Xây dựng.
Chỉ khi bị đưa ra ánh sáng, chỉ đích danh, thì những thủ phạm lãng phí, tham nhũng mới thật sự cảm thấy nao núng và luật pháp mới phát huy tác dụng răn đe của nó.
Cũng vậy, việc báo chí công khai hóa những đơn vị, cá nhân liên quan đến việc nhập 150 xe mô tô công vụ trị giá 750.000 đô-la Mỹ cho cảnh sát giao thông TPHCM và nhiều xe ôtô, mô tô trị giá gần nửa triệu đô-la Mỹ cho cảnh sát giao thông Hà Nội trong dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị, nhưng xe nhập lại không sử dụng được do không đúng quy cách, gây lãng phí lớn tiền vay của Ngân hàng Thế giới, cũng đã khiến công luận hết sức bức xúc và buộc những kẻ có liên quan phải đối diện với trách nhiệm của mình.
Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, nếu tất cả các vụ việc vi phạm đều được công khai hoá như vậy thì những kẻ có ý định tham nhũng hoặc chi xài phung phí ngân sách nhà nước mới cảm thấy chùn tay, không dám phạm tội. Công khai hoá, bên cạnh sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật,chính là cách duy trì sức ép thường xuyên lên mọi mưu toan tham nhũng, chi xài phung phí đồng tiền ngân sách.

TA MUỐN GÌ?

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện...”.

Một mục tiêu như vậy, theo chúng tôi, hẳn sẽ được nhiều người đồng tình. Với điều kiện, chẳng hạn, dân chủ phải thực sự là dân chủ chứ không phải là dân chủ hình thức, bị cắt xén. Công bằng phải thực sự là công bằng cho cả những người dân thấp cổ bé miệng nhất chứ không chỉ giữa những người có quyền thế. Nhân dân phải thực sự làm chủ thông qua những định chế cụ thể và hữu hiệu, chứ không chỉ là khẩu hiệu để trong thực tế chỉ có cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước làm chủ. Người dân được giải phóng khỏi áp bức, bất công, được tự do thực sự chứ không phải khúm núm như người đi xin khi có việc phải tiếp xúc với cơ quan công quyền. Con người được phát triển toàn diện, được tự do sáng tạo và đóng góp thực sự, được tìm kiếm những lối đi mới mẻ cho mình và cho xã hội mà không phải lo sợ bất cứ điều gì... Thực tâm làm được như vậy, theo chúng tôi, Đảng không lo không thu phục được nhân tâm.

Thế nên, trước những ý kiến nhiều chiều về những vấn đề quan trọng đang được đặt ra trong cuộc thảo luận góp ý cho Đại hội Đảng lần thứ X, theo chúng tôi, cần đặt ra câu hỏi: Ta muốn gì? Nói cách khác: Mục tiêu của ta là gì? Ta muốn đất nước đi về đâu? Tiếp tục phát triển, hội nhập và sánh vai với các nước trên thế giới hay dừng lại, thậm chí lùi lại (so với những gì mà 20 năm đổi mới đã làm sáng tỏ) với những giáo điều, những tư tưởng, những mô hình đã chứng tỏ là bất cập, cản trở sự phát triển vì không có hiệu quả, không có sức sống, không theo kịp thời đại? Hỏi tức là đã trả lời.

Vậy, nếu điều mà ta muốn, nếu mục tiêu mà Đảng đề ra và có thể đoan chắc là không người Việt Nam bình thường nào ở trong và ngoài nước không đồng tình là “xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thực sự, thì những vấn đề đang được đặt ra cần phải được giải quyết phù hợp với mục tiêu ấy. Chẳng hạn vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, vấn đề kinh tế quốc doanh và sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, việc sử dụng người giỏi bất kể là trong hay ngoài Đảng ở mọi nấc thang của bộ máy hành chính, việc cải tổ hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội, phát triển xã hội dân sự...

Phải giải quyết những vấn đề ấy phù hợp với mục tiêu đề ra, phù hợp với mong mỏi của người dân mà đa số góp ý trong thời gian qua đã cho thấy, và phù hợp với sự phát triển, dứt khoát không đi ngược lại sự phát triển.

VỐN XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM, NHÌN TỪ THỰC TẾ HÔM NAY

Lại một bài báo cũ từ tháng 6/2006 của tôi. Đây là bài ghi nhận từ cuộc hội thảo “Vốn xã hội trong phát triển” do Tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 24-6 -2006 tại Hà Nội. Hội thảo đã không tốn nhiều thì giờ cho các vấn đề lý thuyết, đi từ cách hiểu của R. Putnam, F. Fukuyama đến J. Coleman, C. Bourdieu hay xa hơn như L.J. Hanifan - dù vốn xã hội là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Những bức xúc nóng bỏng từ thực tế đã “đổ bộ” vào hội thảo.

Một cách khái quát, vốn xã hội nhằm chỉ những mối liên kết, những “mạng lưới xã hội” hình thành trên cơ sở lòng tin hay sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên của “mạng lưới”, của cộng đồng vốn cùng nhau chấp nhận những quy tắc, những chuẩn mực xã hội chung. Những mối liên kết ấy, sự tin cậy lẫn nhau ấy, những chuẩn mực cùng được chấp nhận ấy có thể giúp làm giảm các chi phí giao dịch giữa các thực thể trong xã hội, làm tăng hiệu quả của các hoạt động xã hội bằng cách thúc đẩy sự hợp tác, và tăng hiệu quả của các thiết chế xã hội mà không cần đến sự can thiệp của luật pháp. Tạm đồng ý với nhau về cách hiểu vốn xã hội như vậy, những người tham dự hội thảo đã tập trung phân tích về thực trạng của vốn xã hội ở Việt Nam và giải pháp để phát triển nguồn vốn này.

Nghịch lý: kinh tế tăng trưởng, vốn xã hội suy giảm

Không gửi tham luận trước mà phát biểu trực tiếp tại hội thảo, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng vốn xã hội phát triển hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội và thể chế chính trị. Theo ông, về hạ tầng tâm lý xã hội, đã đến lúc nói đến những nhược điểm, những khuyết tật trong tâm lý xã hội của dân tộc. Nổi cộm nhất hiện nay trong hạ tầng tâm lý xã hội, theo ông, là sự gian dối, không chỉ trong thi cử hay các vụ tham nhũng mà còn ở những cái lớn hơn, như nói trị tham nhũng không trừ ai nhưng việc xử lý những vụ tham nhũng gần đây chưa chứng tỏ được điều ấy. Một khuyết nhược khác trong hạ tầng tâm lý xã hội của dân tộc là sự thiếu óc tưởng tượng, óc sáng tạo, ngay từ trong giáo dục. Về thể chế chính trị, ông cho rằng đang có những “lỗi hệ thống” và cơ chế lựa chọn lãnh đạo đang có những bất cập. Muốn phát triển vốn xã hội của Việt Nam cần sửa đổi những yếu tố trên.
Tiếp nối ý tưởng trên, GS Nguyễn Văn Chiển cho rằng ở Việt Nam đang thiếu cơ chế để người dân có thể vạch trần sự gian dối. Ông cũng cho rằng có nhiều thứ đang mai một trong vốn xã hội của Việt Nam như truyền thống đoàn kết đang suy yếu, thay vào đó là sự tranh giành quyền lợi.
Diễn giả Nguyễn Trung cho rằng trong khi đời sống vật chất được cải thiện thì vốn xã hội lại đang sút giảm nghiêm trọng và so với thế giới, đặt trong bối cảnh cạnh tranh, vốn xã hội của ta đang rất thấp. Ông nói ông không hình dung được vốn xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp như thế này thì làm sao Việt Nam có thể trở thành một xã hội công nghiệp hiện đại, một quốc gia công nghiệp vào năm 2020?
Ngược dòng thời gian, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tham luận của mình, phân tích: từ sau năm 1953, chính sách đại đoàn kết dân tộc bị thay thế bằng một loạt chính sách rất xa lạ với truyền thống của dân tộc (thay đại đoàn kết dân tộc bằng đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất với đấu tố, xử lý oan sai hàng loạt cán bộ, sử dụng nhục hình, kích động con tố cha, vợ tố chồng…) đã phá hoại nặng nề vốn xã hội ở nông thôn và để lại những di chứng lâu dài. Cải tạo xã hội chủ nghiã ở thành phố cũng gây ra tác hại tương tự về vốn xã hội trong quan hệ giữa người và người, sự tàn phá vốn văn hoá, vốn đạo đức cũng cực kỳ nghiêm trọng và để lại những hệ qủa lâu dài. Việc áp dụng triệt để quan niệm thành phần chủ nghiã trong chính sách cán bộ đã bóp méo nghiêm trọng vốn xã hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gây ra rất nhiều tác động tiêu cực nhiều mặt đối với xã hội. Con người không còn được quyết định bởi năng lực và đóng góp của bản thân mình mà bởi “thành phần” của cha mẹ, ông bà để lại. Theo ông, trong quá trình đổi mới, một số những cách làm quá thô bạo và phi lý đã được lặng lẽ điều chỉnh nhưng chưa bao giờ được chính thức thừa nhận là sai. Song chừng nào việc quyết định cán bộ còn thiếu công khai minh bạch, được quyết định bởi những yếu tố không liên quan gì đến năng lực, phẩm chất thì vốn con người và vốn xã hội vẫn còn bị hạn chế và bị bóp méo.
Diễn giả Trần Hữu Quang phân tích thêm: chính não trạng coi trọng chính trị hơn đạo đức trong bối cảnh các thiết chế xã hội bị nhà nước hoá, chính trị hoá đã khiến cho người ta có xu hướng quan tâm tới mục đích hơn là phương tiện, coi trọng thành tích hơn là nỗ lực, phương pháp và con đường đạt tới mục tiêu - từ đó dẫn tới một thứ tâm lý thực dụng hiểu theo nghiã tiêu cực trong xã hội. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thì nhấn mạnh tới tác hại của chủ nghiã thành tích: chủ nghiã thành tích phá hủy tương lai, vì thành quả hiện tại mà nó đề cao là không thật. Khi cá nhân chạy theo thành tích, họ phải loại trừ người khác, phải đứng trên người khác, nếu không họ sẽ bị lu mờ. Cách thức người ta dùng để thực hiện óc tư lợi không tạo nên sự hợp tác tự nguyện, không góp vào mà còn làm giảm đi vốn xã hội.

Vốn xã hội – Nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự

Vậy làm thế nào để phục hồi và phát triển vốn xã hội của Việt Nam?
Hầu như tất cả các diễn giả đều chỉ ra mối liên hệ giữa việc phát triển vốn xã hội với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, bởi vốn xã hội không tách rời mà luôn có sự tương tác với môi trường các thiết chế nhà nước và xã hội.
Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng trong xã hội có những mối liên kết dọc (tiêu biểu là các quan hệ thứ bậc trong trật tự hành chính, quan hệ giữa nhà nước và công dân) và những mối liên kết ngang (liên kết tự nguyện và bình đẳng giữa các cá nhân, không có quan hệ tùy thuộc, trên dưới). Xét theo quan điểm vốn xã hội, chính các mối liên kết ngang vốn rất đa dạng, phong phú mới có nhiều khả năng đóng góp những ý tưởng, những giải pháp thiết thực, có hiệu quả cho những bài toán phức tạp của cuộc sống muôn màu muôn vẻ khó lường trước được. Loại liên kết ngang này chủ yếu là các liên kết trong các tổ chức của xã hội dân sự, độc lập và bổ khuyết cho Nhà nước pháp quyền trong một xã hội dân chủ. Như vậy vốn xã hội chỉ có thể phát triển trong điều kiện xã hội dân sự được phát triển. Một khi xã hội dân sự chưa được phát triển thì vốn xã hội còn nghèo nàn và chưa đóng góp được gì đáng kể cho phát triển kinh tế, thậm chí còn chưa được coi là một nhân tố phát triển.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhấn mạnh: nói đến vốn xã hội là nói đến xã hội dân sự, nói đến dân chủ theo nghiã là sự tham gia trực tiếp của người dân (không phải dân chủ qua bỏ phiếu). Cái gì người dân làm được hãy để cho dân làm. Nếu Nhà nước nhúng tay vào tổ chức mọi hoạt động, có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đối với vốn xã hội, người dân sẽ quen ỷ lại và đánh mất những khả năng vốn có trong các haọt động chung. Ở Việt Nam, vướng mắc lớn nhất trong các năm qua là vấn đề cơ chế: quyền lực thì tập trung cao độ mà Nhà nước lại quản lý kém.
Diễn giả Nguyễn Trung cũng cho rằng không thể tránh né hai vấn đề cơ bản để phát huy vốn xã hội, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển xã hội dân sự, trong đó, theo ông, hai yếu tố dân tộc và dân chủ là không thể thiếu. Theo ông, việc phát triển vốn xã hội trên cơ sở Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự là bảo đảm tốt nhất loại trừ những hiện tượng hoang dã trên con đường hướng tới tương lai, là cách trả giá ít nhất những cái giá phải trả trong quá trình này, và là cách sử dụng tối ưu, tiết kiệm nhất mọi nguồn lực có thể huy động được.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng trong thời bao cấp chính vốn xã hội tự có của người Việt Nam đã cứu được xã hội, thể hiện qua việc đổi mới là từ dưới lên; trong thời đổi mới, vốn xã hội tự có đã làm cho kinh tế xã hội phát triển. Nhưng có một nghịch lý là vốn xã hội tích cực ngày càng suy giảm trong khi những liên kết xã hội xấu, “ma qủy” lại phát triển mạnh. Do đó vấn đề đặt ra là vừa phải khôi phục vốn xã hội tốt, vừa phải khắc phục những liên kết xấu. Muốn làm được như vậy, theo ông, cần phát triển dân chủ. Những luật cụ thể nhằm triển khai những quyền tự do cơ bản được ghi trong Hiến pháp không thể nằm trên Hiến pháp, giới hạn Hiến pháp mà ngược lại. Chẳng hạn, theo ông và một số diễn giả khác, Luật về hội, Luật báo chí nên là Luật về quyền tự do lập hội, Luật về quyền tự do báo chí. Có như vậy mới khắc phục được tư duy nhà nước hoá tất cả. Có như vậy xã hội dân sự mới có thể phát triển và vốn xã hội tăng lên.

BERLIN – NĂM THỨ MƯỜI MỘT

Theo lời mời của Văn phòng Thông tin-báo chí liên bamg Đức, năm 2000 tôi có sang thăm Đức. Sau đây là ghi nhận của tôi về Berlin lúc ấy, năm thứ 11 sau ngày nước Đức thống nhất.

Bức tường

Berlin, nhất là phía Đông, đập vào mắt du khách như một công trường xây dựng khổng lồ. Lô nhô khắp nơi những giàn giáo, cần cẩu. Nhiều công trình xây dựng mới như dinh Thủ tướng hoặc phục chế qui mô như tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag) nổi tiếng vừa hoàn tất chưa lâu, kể từ khi Berlin trở lại là thủ đô của nước Đức thống nhất. Trên dải đất thuộc Đông Berlin tiếp giáp với Tây Berlin trước đây, mà người dân gọi là "vùng đất hoang", đã và đang mọc lên nhiều trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn…. Nhiều đền đài, cung điện, bảo tàng vẫn đang tiếp tục được trùng tu hoặc vận động xây dựng lại nhằm trả lại cho Berlin tất cả vẻ vàng son xưa, từ thời nó còn là thủ đô của nước Phổ. Một nhà ga trung tâm mới đang được xây dựng thay thế nhà ga cũ vốn chỉ đủ phục vụ cư dân Tây Berlin trước đây. Chính quyền thành phố cũng đang có kế hoạch hiện đại hóa, mở rộng gấp nhiều lần sân bay quốc tế Schonefeld nằm ở phía Đông, thay cho sân bay Brandenburg nhỏ hẹp ở phía Tây hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của một Berlin 3,5 triệu dân, không còn chia cắt, và sẽ nằm ở ngay tâm điểm của châu Âu khi Liên hiệp châu Au ngày càng mở rộng về phía đông.
Hơn mười năm rồi Berlin không còn chia cắt. Bức tường ngăn cách Đông và Tây giờ chỉ còn lại chừng 300 mét được rào chắn kỹ lưỡng , xem như chứng tích của một thời đã qua. Ơ một số đoạn mà bức tường chạy qua trước đây, dưới mặt đường, người ta gắn những tấm đan bằng sắt đúc nổi dòng chữ :"Bức tường 1961 – 1989". Đông đảo khách du lịch thường đến chụp ảnh lưu niệm tại những nơi đó và tại Nhà bảo tàng Bức tường (Mauer-museum Haus) nằm tại Checkpoint Charlie, điểm tiếp giáp giữa khu vực do Mỹ kiểm soát và khu vực do Liên Xô kiểm soát khi Berlin bị chia thành bốn khu vực do bốn cường quốc Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh kiểm soát sau Thế chiến 2. Đó là những gì còn lại của bức tường. Không thấy có những đổ vỡ hay đảo lộn khác. Những di tích như tượng đài kỷ niệm Hồng quân Liên Xô, tượng Mác-Angghen trên quảng trường Marx-Engels-Forum vẫn còn nguyên đó, kể cả một bức ảnh " O du kích nhỏ giương cao súng…" in trên một cột thép đối diện với tượng Mác-Angghen.
Thế còn những "bức tường" khác ? Tôi thắc mắc hỏi khi nhận thấy, đi ra ngoại ô phía Đông Berlin, sự cách biệt so với phía Tây còn khá rõ. Cô gái hướng dẫn chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở Đông Đức, nay vừa làm việc cho Viện Goethe, vừa tiếp tục học Đại học Humboldt ở Berlin, biết ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và kiếm tiền thêm bằng cách làm hướng dẫn viên cho khách của Trung tâm thông tin-báo chí Liên bang, kể chuyện gia đình cô : bố mẹ cô vẫn ở Đông Đức, nay đã về hưu; mẹ cô rất vui vì vừa sắm chiếc máy vi tính mới, cha cô đi làm từ lúc 14 tuổi, tính thâm niên hơn 45 năm, nay lãnh lương hưu nhiều hơn trước đây. Cô nói : trước đây có tiền cũng chỉ được mua xe Trabant (loại xe hơi phổ biến ở Đông Đức cũ), nay ai muốn mua xe gì thì mua, tất nhiên nếu có đủ tiền, và người ta hài lòng được như vậy.
Nước Đức vừa kỷ niệm 10 năm thống nhất. Một báo cáo mới nhất của chính phủ liên bang cho thấy thu nhập của người lao động ở các bang phía Đông đã tăng từ chỗ bằng 49% thu nhập của các bang phía Tây vào năm 1991, một năm sau khi thống nhất, lên bằng 77% vào năm 2000. Thu nhập ròng của cư dân ở phía Đông hiện nay đã bằng 90% ở phía Tây. Từ tháng 7-2000, lương hưu tiêu chuẩn trả cho một người hưởng lương hưu trung bình từ quỹ lương hưu nhà nước sau 45 năm làm việc là 2020 mác/tháng ở các bang phía Tây và 1754 mác/tháng ở phía Đông, tức bằng 87% của phía Tây. Phụ nữ ở phía Đông, do mức nhân dụng cao hơn và công việc làm trước đây thường ổn định hơn, còn lãnh lương hưu cao hơn phụ nữ ở phía Tây : 1502 mác so với 1308 mác. Theo một cuộc điều tra tiến hành 5 năm một lần của Văn phòng Thống kê Liên bang, thu nhập bình quân của hộ gia đình năm 1998 là 5448 mác/tháng ở phía Tây và 4130 mác ở phía Đông, tức bằng 76%. Một cuộc thăm dò vào mùa xuân năm nay cho thấy 54% những người dân phía Đông được hỏi cho biết tình hình tài chính của họ khá lên từ ngày thống nhất, 17% cho là tệ hơn trước ngày thống nhất. Đánh giá của người dân Đức nói chung về tình hình tài chính của họ chẳng khác nhau là mấy : 53% người dân phía Tây và 47% người dân phía Đông cho rằng tình hình tài chính của họ là tốt, 33% phía Tây và 35% phía Đông cho rằng có tốt có xấu, và 12% phía Tây và 14% phía Đông cho là xấu.
Tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp ở phía Đông vẫn còn cao hơn gấp đôi phía Tây do kinh tế phía Đông đang trong quá trình cơ cấu lại nhằm hiện đại hóa, tăng tính cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp. Nhằm mục đích ấy, chính phủ Đức đã khuyến khích đầu tư tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết qủa là đến nay đã có trên 500.000 doanh nghiệp mới thành lập, tạo ra trên 3 triệu việc làm mới ở phía Đông. Trong kế hoạch lần thứ hai dự kiến kéo dài từ năm 2005 đến 2019 nhằm phục hồi kinh tế phía Đông, chính phủ liên bang còn dự định sẽ bỏ vào đây 306 tỉ mác (khoảng hơn 150 tỉ USD) nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, khuyến khích đầu tư theo một hiệp ước với các bang phía Đông, gọi là Hiệp ước Đoàn kết II.
Có lẽ ai cũng hiểu, sớm san bằng sự cách biệt về kinh tế và mức sống giữa hai miền là vì lợi ích của nước Đức thống nhất và của bất kỳ đảng cầm quyền nào ở Đức muốn ổn định xã hội và được lòng dân.

Mở

Người hướng dẫn chúng tôi ở Frankfurt, lại cũng là một người của Viện Goethe, nói : nước Đức, người Đức bây giờ đã "mở". "Mở" theo ý ông có nghĩa là quốc tế hóa, không phải chỉ biết có dân tộc mình. Qủa vậy, những người đứng tuổi như ông trước đây biết nói tiếng Pháp, giờ nói thêm tiếng Anh. Cô hướng dẫn viên ở Berlin, tuổi cỡ 30, thì nói thông thạo tiếng Anh, thêm tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Giới trẻ bây giờ hầu hết có thể nói tiếng Anh. Đó chỉ mới là một biểu hiện "mở". Hôm chúng tôi đến thăm Ngân hàng Trung ương châu Au (ECB) đóng tại Frankfurt, thủ đô tài chính của châu Au, tiếp chúng tôi để giới thiệu về việc chuẩn bị phát hành đồng tiền chung châu Au Euro ra dân chúng từ đầu năm 2002 là một thanh niên Tây Ban Nha còn rất trẻ, nói lúc tiếng Anh, lúc tiếng Pháp. Một cái gì đó của châu Au nhất thể hóa trên đất Đức.
Ở Berlin, cô hướng dẫn viên hào hứng đưa chúng tôi đi tham quan Trung tâm Sony do hãng Sony của Nhật đầu tư xây dựng, một công trình kiến trúc tân kỳ toàn bằng kính, nổi bật giữa trung tâm thành phố. Ơ đó những sản phẩm công nghệ cao mới nhất của Sony được trưng bày, giới thiệu. Cũng nhiệt tình như vậy, cô đã hướng dẫn chúng tôi đi tham quan Bảo tàng Do Thái, một công trình kiến trúc vừa khánh thành trước đó không lâu, trên cái nền của Bảo tàng Berlin cũ.Phải bỏ cả một buổi để hiểu cuộc sống của người Do Thái từ những thế kỷ xa xưa ở Đức và châu Au, nguồn gốc những thành kiến sai lệch của nhiều người châu Au đối với họ, và những đóng góp của họ cho nền văn minh phương Tây. Bảo tàng nằm giữa Berlin, nơi từng chứng kiến sự ra đời của chủ nghĩa quốc xã, như một lời tạ lỗi – tôi nghĩ.
"Mở" còn ở chỗ, như ông Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu khoa học Liên bang Bulmahn nói, Đức nhận thấy mình đang tụt hậu so với trình độ thế giới trong một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhất là về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, công nghệ gen, và đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi quốc tế về nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học. Chính phủ Đức còn đi xa hơn với một kế hoạch gọi là "thẻ xanh", cho phép các công ty bù đắp sự thiếu hụt chuyên gia công nghệ thông tin bằng cách thuê chuyên gia công nghệ thông tin nước ngoài. Cho đến nay đã có 5678 chuyên gia nước ngoài được cấp thẻ xanh (đông nhất là An Độ với 872 người; Nga, Ucraina, Belarus và các nước Baltic tổng cọng 660 người; ít như Pakistan cũng có 94 người; Rumani 4 người; không thấy có người Việt Nam).
Dù sao, khi đến thăm trường Đại học Kỹ thuật Berlin, một trường có lịch sử trên 200 năm, chúng tôi cũng được biết trong số gần 6000 sinh viên nước ngoài (20%) đang học tại đây có 70 sinh viên Việt Nam đang theo học. Đông nhất là người Thổ Nhĩ Kỳ, kế đến là người Trung Quốc đại lục. Vị đại diện của trường tiếp chúng tôi cho biết tuy trường có số lượng sinh viên nước ngoài theo học đông nhất ở Đức nhưng đến nay trường vẫn chĩ sử dụng tiếng Đức và đó là một trở ngại cho việc quốc tế hóa giảng dạy, nghiên cứu. Ong cho hay sắp tới trường sẽ cho sử dụng thêm tiếng Anh trong giảng dạy, qua đó có thể thu hút thêm sinh viên nước ngoài.

Nhà đầu tư Đức và Việt Nam : mới có mặt vài cái antenne nhỏ

Tiếp chúng tôi hai ngày trước chuyến thăm Đức của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tiến sĩ Gunter Gruber, Vụ trưởng Vụ Đông Nam A - Úc - New Zealand và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức nói ông mong đợi Thủ tướng Việt Nam sẽ phát đi một thông điệp rõ ràng tới các doanh nghiệp Đức, rằng Việt Nam sẽ tạo khung khổ tốt cho kinh doanh và đầu tưqua cải cách kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng, qua việc đặt pháp luật lên trên hết. Ong nhắc lại, doanh nghiệp Đức đã làm ăn là làm ăn lâu dài chứ không ăn xổi. Năm 1994-1995 doanh nghiệp Đức hồ hởi tới Việt Nam nhưng sau đó đã mất dần hồ hởi vì thực tế không như họ nghĩ. Họ so sánh môi trường đầu tư ở Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, An Độ. Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng các nước khác cũng có những lợi thế của họ, cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam không chỉ có Trung Quốc mà còn nhiều nước khác. Ong cho rằng cần thay đổi từ từ nhưng phải có ý chí thay đổi.
Ong cũng cho biết 80% số doanh nghiệp Đức là doanh nghiệp nhỏ và vừa (1-5000 công nhân). Phải thu hút số doanh nghiệp này đầu tư, điều mà đến nay Việt Nam vẫn chưa làm được.
Cùng một suy nghĩ như Tiến sĩ Gruber, Luật sư Philipp Graf von Walderdorff, phụ trách quan hệ quốc tế, chính trị và lễ tân của Hiệp hội các Phòng Thương mại và công nghiệp Đức (DIHK) là một người thích nói thẳng. Ong cho rằng Việt Nam chưa hấp dẫn được nhà đầu tư Đức, chưa cạnh tranh được với Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc. Doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam mới chỉ là "vài cái antenne nhỏ của vài công ty lớn" (như Siemens, Mercedes, Deutsche Bank), có rủi ro cũng không hề hấn gì, trong khi 80% doanh nghiệp Đức là nhỏ và vừa nhưng rất năng động. Họ cần một mội trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật, không có sự can thiệp của những quyết định hành chính nhất thời hoặc theo ý muốn chủ quan của ai đó.
Theo ông, cần phải biết nắm lấy cơ hội, nhưng Việt Nam chưa nắm được một nửa cơ hội.
Tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Đức Schroeder với giới báo chí hai ngày sau đó, Thủ tướng Đức có nói là ông muốn các doanh nghiệp Đức hãy nhanh chân vào Việt Nam. Sự ủng hộ của nhà nước đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhưng đồng tiền là của họ và họ sẽ chỉ đầu tư khi nào thấy có lợi, có thể làm ăn được. Mặt khác, việc tiếp thị, định vị hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài như một đối tác làm ăn lâu dài, hiểu biết luật chơi, đáng tin cậy- theo cảm nhận của chúng tôi - còn xa mới có thể coi là đã có kết quả. Mặc dù Đức và Việt Nam có đại sứ quán ở mỗi nước và DIHK có mở một văn phòng ở Hà Nội nhưng, theo Luật sư von Walderdorff, thông tin về Việt Nam ở Đức vẫn rất thiếu.

MỘT THOÁNG Ý

Rời thành Vienne, rời dòng Danube nhắc nhớ điệu valse của Johann Strauss, bỏ lại sau lưng xứ sở của Mozart, bỏ lại cung điện mùa hè tráng lệ Schonbrunn hao hao giống Versailles của Pháp với 1441 sảnh và phòng mà thời gian một buổi chỉ đủ cho chúng tôi tham quan 7- 8 phòng trong đó có gian phòng lớn nơi Mozart đã so tài với nhạc sĩ cung đình Salieri, phòng Trung Quốc, phòng Nhật Bản bài trí theo phong cách Trung Hoa và Nhật Bản, bỏ lại Nhà hát opera quốc gia nơi diễn ra những cuộc hòa nhạc quốc tế nổi tiếng đầu mỗi năm mới, rời những quán café ấm cúng, dễ thương của Vienne cũng nổi tiếng không kém gì những quán café Paris, chúng tôi băng ngang nước Áo từ đông sang tây để qua Ý. Hai bên đường, nông thôn Áo trải dài trên những núi đồi thoai thoải, xanh mượt, yên bình, thỉnh thoảng điểm xuyết những thành phố nho nhỏ ngăn nắp, sạch sẽ, đẹp như một bức tranh.

1. Xe đến biên giới Áo -Ý,băng vào nước Ý mà chúng tôi không biết là đã vào một quốc gia khác. Chẳng có ai xét hỏi, chẳng thấy một bóng người, xe chẳng phải dừng. Chỉ đến khi trông thấy bên đường tấm biển lớn sơn màu xanh lá cây như màu trên lá cờ Ý,chúng tôi mới biết là mình đã vào đất Ý. Áo và Ýđều là thành viên của hiệp ước Schengen do đó từ nước này có thể tự do đi qua nước kia mà chẳng cần trình giấy tờ gì. Thật khác xa với lúc đặt chân xuống sân bay Vienne, cảnh sát cửa khẩu săm soi từng chữ trong hộ chiếu, lật đi lật lại, cho vào máy kiểm tra, lại săm soi mãi đến sốt ruột rồi mới cho qua, bởi đó là cửa khẩu đầu tiên của chúng tôi vào các quốc gia tham gia hiệp ước Schengen. Nhưng một khi đã vào rồi thì có quyền tự do đi bất cứ đâu trong phạm vi các nước đó.

2. Venise, điểm dừng chân đầu tiên... Venise với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trên bờ biển Adriatique đón những cư dân đầu tiên đến sinh sống từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên rồi nhờ biết khai thác vị trí địa lý thuận lợi trên con đường buôn bán với phương Đông mà đã trở thành một thương cảng sầm uất và một cường quốc hải quân hùng mạnh, trở thành Cộng hòa Venise từ thế kỷ thứ 10, nổi tiếng với những nhà buôn và nhà hàng hải, nhà thám hiểm (nổi tiếng nhất trong số đó là Marco Polo) có máu phiêu lưu, làm giàu. Chỉ đến khi bị Napoléon chinh phục (1797) rồi sau đó bị sáp nhập vào Áo, Cộng hòa Venise mới chấm dứt sự tồn tại và, cùng với việc phát hiện ra Tân thế giới, trọng tâm buôn bán từ Địa Trung Hải chuyển sang Đại Tây Dương, thời vàng son của Venise mới kết thúc. Từng đi chinh chiến và ngược lại cũng bị chiếm đoạt, bị trao từ tay đế quốc này qua đế quốc khác, vậy mà du khách đến thăm Venise hôm nay vẫn không thể không ngạc nhiên vì sự giàu có của kho tàng kiến trúc và nghệ thuật rực rỡ mà Venise vẫn gìn giữ được và rất biết cách khai thác để làm giàu cho cuộc sống người dân hôm nay. Một ngày cũng chỉ đủ để rảo bước quanh quảng trường trung tâm San Marco nườm nượp du khách, nhà thờ San Marco xây dựng từ thế kỷ 11,tháp đồng hồ đang tu bổ, cây "Cầu Thở than" nổi tiếng mà ngày xưa các tù nhân thường bị giải qua trước khi vào nhà tù, tượng đài chiến thắng hải quân, tận mắt xem nhữg người thợ thủ công lành nghề biểu diễn thổi pha lê trong một xưởng làm ra thứ pha lê Murano nổi tiếng, len lỏi trong một vài lối đi nhỏ quanh co, yên tĩnh và nhìn những chiếc gondola-ngày nay chủ yếu dùng để chở khách đi tham quan-lướt qua các con kênh. Venise đẹp cổ kính và mông lung giữa sắc trời và sắc nước. Dừng chân ở Venise chỉ từ sáng đến chiều và cũng chỉ loanh quanh ở một góc của hòn đảo trung tâm,chúng tôi ước lượng có không dưới mấy chục ngàn du khách ghé đây mỗi ngày. Giả dụ mỗi người chỉ tiêu pha lặt vặt, mua quà tặng cỡ 100 đôla, Venise mỗi ngày, mỗi năm thu nhập về du lịch sẽ là bao nhiêu ?

Nếu Venise đẹp cổ kính, hoành tráng thì Florence, một trong những cái nôi của thời Phục hưng lại đẹp rực rỡ và thanh thoát hơn với các kiến trúc gothic. Đây là cái nôi của những bậc thầy nghệ thuật và khoa học của thời Phục hưng: Michelangelo, Rafael, Galileo, Leonardo da Vinci, Giotto, Botticelli...Và trước đó là Dante của "Thần khúc"(thế kỷ 13-14). Sử sách chép lại rằng từ năm 1434 nhà nước-đô thị này đã có hiến pháp riêng dưới quyền cai trị khôn ngoan suốt 30 năm của Cosimo de Mediciê, người đã giữ cho Florence ở cái thế cân bằng giữa các nhà nước phong kiến gây chiến tranh liên miên thời ấy. Người cháu của ông là Lorenzo vẫn tiếp tục chính sách ấy và đã tạo điều kiện cho văn học và nghệ thuật nảy nở. Chủ nghĩa nhân văn và cùng với nó là trào lưu Phục hưng đề cao cái đẹp trí tuệ và tinh thần phát triển mạnh mẽ ở Florence và trên khắp đất Ý, làm nảy sinh những tư tưởng mới và trở thành động lực cho ra đời những thiên tài nghệ thuật và khoa học của thời kỳ ấy.

Chúng tôi đến Florence vào một buổi chiều.Và cũng như ở Venise, du khách nườm nượp trên khắp các quảng trường, các nẻo đường, trước các giáo đường, đua nhau chụp ảnh trước bức tượng David của Michelangelo và những tượng đài khác, xếp hàng dài cho đến tận chiều tối để vào các bảo tàng nghệ thuật. Hòa vào dòng người chen chúc nhau, chúng tôi đã rảo qua con đường chính cổ nhất Florence với nhũng tiệm kim hoàn nho nhỏ (Florence nổi tiếng từ thời Trung cổ với các phường thợ kim hoàn, len, tơ lụa bên cạnh kiến trúc và hội hoa) vẫn còn cho đến nay và buôn bán tấp nập,đứng trên chiếc cầu Vecchio cỗ xưa bắc qua sông Arno chia đôi thành phố. Nhưng Florence không chỉ có công trình kiến trúc và nghệ thuật cổ, Florence còn là một trong những trung tâm thời trang của cả Ý lẫn châu Âu với những tên tuổi Gucci, Bally, Fendi...nằm san sát nhau trên những con đường trung tâm.

Và Rome, "kinh thành muôn thuở". Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một thành phố chìm trong bóng cây xanh. Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật và tất cả đều hài hòa-nói như vậy e thừa với La Mã và chắc cũng không đủ thì giờ để mô tả.

3. Chỉ xin nói gọn: Venise, Florence, Pise, Rome... Này là thành quách, pháo đài, lâu đài, cung điện. Này là giáo đường uy nghiêm, tượng đài, tháp chuông cổ kính, quảng trường bao la với những phiến đá nhẵn thín vì thời gian và gót chân người, này là những đấu trường cổ xưa nay chỉ còn là phế tích làm chứng cho một thời vàng son đã qua, này là bảo tàng với những tác phẩm nghê thuật vô giá, rồi thư viện, nhà hát... Họ thừa hưởng một gia sản văn minh vật chất quá giàu của cha ông để lại.Và họ rất biết cách gìn giữ trước hết là cho chính họ, sau là khai thác để thu hút du khách và làm giàu. Đấu trường Coloseum, nơi diễn ra các trận giác đấu ngày xưa, vẫn còn đó những chuồng nhốt nô lệ và sư tử, và hôm chúng tôi đến đang được tu bổ. Tháp đồng hồ ở Venise cũng đang được tu bổ. Giá cả ở Venise có đắt hơn ở Rome chút ít, nhưng ở đâu cũng chỉ một giá, dù anh là ai. Chúng tôi được hướng dẫn viên cảnh báo là ở Ý kém an ninh hơn ở Áo, nạn móc túi (chủ yếu là người Zigan) nhiều hơn, chúng tôi tin là vậy, nhưng không thấy có nạn quấy nhiễu du khách. Còn chúng ta, không giàu có được như người về di sản vật chất, phải chăng chỉ có thiên nhiên và con người, mà nếu đánh mất thì...

Trên chiếc máy bay của Lauda Air (hãng hàng không Áo trẻ này cùng với công ty du lịch T&T là người tổ chức chuyến tham quan làm quen Áo,Ý cho một số đại lý và du khách), nhìn các cô tiếp viên trẻ phục vụ khách tận tình, tôi bỗng nghĩ tới những bãi biển ngày càng bị ô nhiễm, tới nạn quấy nhiễu du khách, nạn giựt dọc, "chém đẹp" và...cả chế độ hai giá ở ta.

Của đền đài, núi lửa, vũ nữ và hương liệu

Những vũ nữ Java huyền thoại, những ngôi đền cổ ngàn năm, núi lửa, một bảo tàng xe lửa với những đầu máy có từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, những hương liệu đầy mê hoặc... Đó chỉ là một số trong nhiều nét đặc sắc của thiên nhiên và văn hóa lâu đời của miền Trung Java đang thu hút du khách đến vùng đất này. Ghi nhận sau một chuyến thăm miền Trung Java.


Núi lửa, đền chùa và bảo tàng xe lửa

Giữa bầu trời miền Trung Java, ngọn núi lửa Merapi vẫn đang hoạt động, cao sừng sững đến 2.911 mét so với mực nước biển nhưng ít khi lộ diện hoàn toàn từ chân đến đỉnh núi cho mọi người nhìn ngắm. Mây mù thường xuyên che phủ đỉnh và chân núi khiến phần giữa ngọn núi như treo lơ lửng, chơi vơi giữa trời, đầy vẻ huyền bí.

Từ đèo Ketep, cách núi lửa Merapi một khoảng cách an toàn, chính quyền Indonesia đã xây một trung tâm nghiên cứu núi lửa, nơi khách tham quan có thể tìm hiểu lịch sử các lần hoạt động của núi lửa này mà lần mới nhất là vào năm 1994, cũng như xem cường độ địa chấn theo thời gian thực trực tuyến trên màn hình máy tính. Bên cạnh là một phòng chiếu phim nhỏ, đẹp, xây bằng đá, nơi khách tham quan có thể xem những thước phim tư liệu về những đoàn nghiên cứu núi lửa này. Cạnh đó là một đài quan sát núi lửa dành cho khách tham quan, từ đó du khách nếu có đủ kiên nhẫn, có thể chờ đợi để ngắm nhìn và chụp ảnh những giây phút hiếm hoi núi lửa Merapi lộ nguyên hình. Chỉ mới cách đây chưa lâu, địa điểm này còn chưa được khai thác, đưa vào tour du lịch, nhưng giờ đây, sau khi đương kim Tổng thống Megawati Soekarnoputri đặt viên đá khánh thành điểm du lịch này năm 2002, đèo Ketep đã trở thành một địa điểm tham quan và là một thắng cảnh ngày càng thu hút du khách.

Không chỉ có đèo Ketep và núi lửa Merapi, chính quyền Trung Java còn biết cách khai thác cho mục đích du lịch cả một nhà ga và những đầu máy xe lửa có từ thời thực dân Hà Lan. Nhà ga Ambarawa và tuyến xe lửa trên cao nguyên Trung Java này được thực dân Hà Lan xây dựng vào đầu thế kỷ trước nhằm chuyên chở sản vật từ vùng đất trù phú này về xuôi. Nay nhà ga và tuyến đường sắt này được biến thành bảo tàng Ambarawa và chỉ còn được dùng cho mục đích du lịch. Khác với ga Đà Lạt của ta, trông có vẻ hoang tàn và chỉ có một đầu máy hơi nước do Nhật chế tạo năm 1930 và một toa tàu do Đức chế tạo cũng vào năm ấy, bảo tàng Ambarawa được bảo tồn khá kỹ lưỡng với hàng chục đầu máy hơi nước được chế tạo từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Một đầu tàu được chế tạo năm 1911 kéo những toa tàu có thể chở khoảng 60 du khách đi từ ga Ambarawa leo đồi vượt dốc đến ga cuối Bedono trong vòng một tiếng đồng hồ, băng qua những làng mạc mang đậm nét đặc trưng Java, qua những thửa ruộng, đồn điền, vườn rau và vườn cây trái, với xa xa là những ngọn núi xanh thẫm (ngoài Merapi, miền Trung Java còn có bảy, tám ngọn núi cao khác) bao quanh.

Indonesia với hơn 13.000 hòn đảo lớn nhỏ có người ở là một đất nước đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, danh thắng và di tích. Khác với đảo Bali, nơi được nhiều du khách phương Tây biết đến, với những bãi tắm tuyệt đẹp và những khu resort đắt tiền, đảo Java và đặc biệt là miền Trung Java lại tự hào không chỉ về cảnh quan thiên nhiên mà còn là cái nôi của lịch sử và nền văn hóa Java cổ kính, với cố đô Yoyakarta của một vương triều Hồi giáo vẫn còn tồn tại và nay được hưởng quy chế như một tỉnh mà tỉnh trưởng chính là nhà vua (sultan) của triều đại Hameng- kubuwono đang trị vì; với những đền đài Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo cổ xưa. Trung Java được mệnh danh là miền đất của ngàn ngôi đền. Nổi danh nhất trong số đó là Borobudur, một đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới, làm toàn bằng đá núi lửa, được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên (cùng thời với Angkor của vương quốc Khmer), chứng tích của sự giao lưu thương mại và văn hóa giữa Ấn Độ với vùng đảo Java, bị lãng quên và chỉ được nhà cai trị thực dân người Anh Sir Thomas Stamford Raffles khám phá và trùng tu mười thế kỷ sau (1814). Nhiều di sản của những thời kỳ lịch sử xa xưa vẫn còn sót lại như những vũ điệu Java truyền thống, khoa trị liệu bằng massage với đủ thứ hương liệu từ thảo mộc được nâng lên hàng nghệ thuật.

"Tư duy" mới

"Care n' smile" (Ân cần và vui vẻ) là câu khẩu hiệu được gắn trên mỗi lưng ghế trên các máy bay của Garuda, hãng hàng không quốc gia Indonesia. Ân cần và vui vẻ cũng là cảm giác của chúng tôi ở mọi nơi mà chúng tôi đến thăm trong chuyến đi ngắn ngày đến Trung Java. Trung Java đang muốn đua tranh thu hút khách du lịch với những vùng khác của Indonesia. Chẳng vậy mà nhiều quan chức đầu tỉnh Trung Java đã đến phòng chờ trong sân bay Semarang, thủ phủ Trung Java, từ rất sớm để ra tận chân cầu thang máy bay đón đoàn khách du lịch đầu tiên bay thẳng từ Singapore đến Semarang (không qua thủ đô Jakarta) tối hôm đó. Rồi sau đó, tại buổi tiệc chiêu đãi các đoàn khách du lịch đầu tiên bay thẳng đến Semarang từ Việt Nam, Singapore, Malaysia và các doanh nghiệp du lịch ngay tại dinh tỉnh trưởng, đích thân ông tỉnh trưởng H. Mardiyanto đã rất tự nhiên, không ngần ngại giúp vui bằng giọng ca của mình, sau mấy vũ điệu Java truyền thống.

Sự cởi mở nhằm thu hút du khách ấy không chỉ là hình thức. Nó quán xuyến cả trong việc lựa chọn để giới thiệu những điểm tham quan cho du khách, và trong "tư duy" về làm du lịch. Đưa chúng tôi tới thăm ngôi chùa Sam Po Kong của người Hoa ở Semarang đang được trùng tu, cô hướng dẫn viên du lịch người Java nói, trước đây chùa này không được đưa vào danh sách các điểm tham quan vì có người bảo đó không phải là văn hóa Java, nhưng nhiều ý kiến khác cho rằng người Hoa đã đến đây từ nhiều thế kỷ trước, đã làm ăn sinh sống ở đây, đã trở thành công dân Indonesia, "công dân" Java, sao văn hóa của họ lại không trở thành một bộ phận của văn hóa Java? Thế là Sam Po Kong, nơi có mô hình một chiếc thuyền đi biển của Trịnh Hòa, nhà thám hiểm nổi tiếng của Trung Hoa xưa, được đưa vào danh sách các điểm tham quan. Tuy nhiên, đâu đó trong suy nghĩ của du khách vẫn còn mối e ngại về những vụ khủng bố như ở Bali năm nào. Như đoán được suy nghĩ của du khách, một cán bộ của Sở Du lịch Trung Java, đi với chúng tôi suốt những ngày thăm miền đất này, nói: "Thật ra Hồi giáo ở đây rất ôn hòa, chúng tôi sống chung với các tôn giáo khác". Quả vậy, ở Trung Java có những trường đại học nổi tiếng của nhiều tôn giáo khác nhau, và ở thủ phủ Semarang, di sản của thời kỳ người Hà Lan cai trị Indonesia, kể cả một ngôi nhà thờ vòm khá đẹp, vẫn được bảo tồn kỹ lưỡng và được xem là một điểm du lịch có tiếng.

TĂNG TRƯỞNG và MÔI TRƯỜNG: NHÌN TỪ PHILIPPINES

Ghi nhận từ cuộc hội thảo về “Tác động của kinh tế toàn cầu đối với môi trường của các nước ASEAN” do Konrad Adenauer Foundation tổ chức từ ngày 26 đến 30-3-2000 tại Manila, thủ đô Philippines.

Pasig - Nhiêu Lộc

Con sông Pasig chảy qua Manila, một thời thơ mộng, nay là một dòng sông chết, bốc mùi hôi thối, đầy rác rưởi sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Một thứ kênh Nhiêu Lộc của Manila. Một ủy ban phục hồi sông Pasig đã được thành lập từ năm 1993 dưới trào Marcos, nay được Tổng thống Estrada trao thêm phương tiện và quyền lực, dự định sẽ làm cho Pasig trở lại trong xanh vào năm 2008. Trong kế hoạch phục hồi sông Pasig, những doanh nghiệp mà cơ sở sản xuất nằm trên bờ sông như Unilever Philippines cũng tham gia.
Đoàn nhà báo dự hội thảo được hướng dẫn tham quan thiết bị xử lý nước thải của Unilever, có thể thấy một hồ nước nhỏ đã qua xử lý, trong đó tung tăng một đàn cá. Nhưng đó chỉ mới như là một điểm trình diễn. Con sông Pasig, đoạn chảy qua nhà máy vẫn còn đen kịt và bốc mùi hôi. Cán bộ phụ trách việc xử lý ô nhiễm của nhà máy giải thích, vì con sông chảy qua nhiều khu dân cư và cơ sở sản xuất khác nên phải có sự phối hợp mới có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Dưới áp lực tăng trưởng kinh tế, toàn cầu hóa kinh tế và thương mại, môi trường ở các nước châu Á cũng ở trong tình cảnh tương tự. Đó có thể nói là một cái vòng lẩn quẩn : để sống còn, để thoát khỏi đói nghèo, người ta phải khai thác và khai thác đến mức cạn kiệt thiên nhiên, bất chấp cái giá phải trả ngày mai. Để tăng trưởng, những nước nghèo buộc phải tăng cường xuất khẩu, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, khai thác từ thiên nhiên. Rừng ở Indonesia, ở Myanmar, Thái Lan hay Philippines bị khai thác cạn kiệt cũng vì vậy. Việt Nam mất 200.000 ha rừng một năm, theo một số ước lượng, ngoài nguyên nhân do khai thác gỗ lậu và tình trạng di dân tự do, còn do người ta phá rừng để lấy đất trồng cà-phê vì xuất khẩu có giá.
Theo Tiến sĩ Delfin J. Ganapin Jr., điều phối viên của Liên đoàn Bảo vệ môi trường Philippines (PFEC) diện tích nuôi tôm ở Thái Lan trong những năm 1970 mới chỉ khoảng 10.000 ha, đến những năm 1990 đã lên tới khoảng 65.000 ha với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ riêng ở hai tỉnh Samut Sakhon và Samut Songkhram, từ những năm 1990 đến nay đã có hơn một nửa diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang do nước bị ô nhiễm nặng nề. Trong cả nước Thái Lan, khoảng 16.000 ha nuôi tôm đã bị bỏ hoang (số liệu 1995). Ở Indonesia, việc khai thác gỗ và phát triển diện tích nuôi cá đã khiến cho khoảng 500.000 ha rừng ngập mặn biến mất đầu những năm 1990.
Gánh nặng nợ nước ngoài cũng gây áp lực nặng nề đối với môi trường. Lấy thí dụ Indonesia với những vụ cháy rừng năm 1997. Đó là năm mà Indonesia rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Báo cáo của chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Phát triển châu Á tại hội thảo cho thấy : Tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng sản phẩm quốc dân của Indonesia là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các nước ASEAN - 65,3%. Mức nợ cao cộng với sự giảm giá mạnh của đồng rupiah và tình trạng quản lý tồi đã khiến cho nạn đốn gỗ bất hợp pháp và phá rừng, lấy đất trồng trọt nhằm gia tăng xuất khẩu để có tiền trả nợ nước ngoài đã khiến cho hàng loạt diện tích rừng bốc cháy. Hậu quả đối với môi trường cũng như đối với bản thân nền kinh tế Indonesia thật nặng nề : ô nhiễm không khí vượt cả biên giới quốc gia, lan sang các nước láng giềng, gây hại cho sức khỏe người dân và khiến cho ngành công nghiệp du lịch cả khu vực bị ảnh hưởng. Sự suy thoái của môi trường đã tác động ngược trở lại đối với tăng trưởng kinh tế.

Từ ZKK, Ecomark, Ecolabel…

Ở Navotas, Manila, bên dòng sông Pasig có một làng chài mà dân cư từng phải sống giữa một đống rác thải và chịu cảnh nhà cửa thường xuyên bị ngập nước do thiếu hệ thống thoát nước. Hôm các nhà báo đến thăm ngôi làng, các đường phố chật hẹp cũng còn lênh láng nước.Với hơn 19.000 hộ gia đình, hơn 87.000 nhân khẩu, có tới 27,5% sống trong những căn nhà ổ chuột, 25% lao động thất nghiệp. Năm 1996, nữ bác sĩ Judea Millora đã có sáng kiến phát động một chương trình có tên gọi là “Zero Kalat sa Kaunlaran” - viết tắt là ZKK - tiếng Tagalog có nghĩa là : không có rác xả, vì sự tiến bộ. Mục tiêu của chương trình không chỉ là dọn sạch rác rưởi, cải thiện môi trường mà còn là giải quyết tình trạng vô gia cư và nâng cao thu nhập cho dân cư. Rác được thu gom, phân loại, đưa đến các nhà máy để xử lý lại hoặc được tận dụng làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Một khu vườn và một trung tâm giống được hình thành để khuyến khích sản xuất thực phẩm. Với thời gian, ZKK đã trở thành một hợp tác xã nuôi sống nhiều gia đình đồng thời giải quyết được nạn ô nhiễm rác thải. Hợp tác xã được tổ chức thành năm đội : đội dọn dẹp chuyên dọn dẹp rác cho các công ty, các cao ốc, các hộ gia đình; đội huấn luyện giúp huấn luyện cho xã viên và cả những ai muốn học tập kinh nghiệm của ZKK; đội thủ công mỹ nghệ chuyên chế tạo những sản phẩm thủ công từ rác tận dụng để đem bán; đội thu gom rác có thể tái xử lý; đội phân loại rác và đội xử lý rác hữu cơ, biến rác thành phân bón dùng cho khu vườn.
Theo những người phụ trách, cùng với việc giải quyết thu nhập cho dân cư, ZKK bây giờ đã trở thành một lối sống đối với những người tham gia chương trình, một lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất kiểu “văn minh vứt xả”. Nhưng đó là ở phạm vi một cộng đồng nhỏ. Còn trong phạm vi cả nền kinh tế ? Tiến sĩ Philippe Bergeron, Giám đốc Viện Công nghệ môi trường khu vực có trụ sở ở Singapore, trong báo cáo tại hội thảo cho biết nhiều nước châu Á và ASEAN đã sử dụng các công cụ chứng nhận về bảo vệ môi trường như ISO 14001 hoặc Ecomark, Ecolabel, Greenlabel… để thúc đẩy việc sản xuất sản phẩm không tác hại đến môi trường. Những vấn đề then chốt để có thể xúc tiến việc sản xuất sạch là : kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của những chuyên gia trong lĩnh vực này, khả năng đánh giá khách quan chu kỳ sống của sản phẩm, đề ra được định hướng nhãn hiệu môi trường riêng của quốc gia, sự trưởng thành về ý thức môi trường của người tiêu dùng và khả năng tồn tại (của sản xuất sạch) về mặt tài chính.
Chính ở điểm này, một số nhà báo tham dự hội thảo đã cho rằng các nước giàu cần thiết phải chuyển giao, hỗ trợ công nghệ sản xuất sạch cho các nước nghèo.
Dù thế nào, mọi người đều có chung một nhận định : việc tự do hóa thương mại sẽ tác động đáng kể lên các nguồn tài nguyên của các nước ASEAN. Và như nhận định của tiểu chương trình Thương mại và Môi trường ASEAN-UNDP, cùng với việc giảm thuế quan và các hàng rào thương mại, những thay đổi trong cơ cấu sản xuất và các luồng đầu tư sẽ diễn ra khi lợi thế cạnh tranh chuyển qua những quốc gia sản xuất hiệu qủa hơn. Nhu cầu lớn hơn về những hàng hóa dựa trên tài nguyên thiên nhiên có thể đẩy những quốc gia tương đối nghèo hơn gia tăng khai thác thiên nhiên đến mức đánh mất tính bền vững trong phát triển. Mặt khác, những hoạt động chế tạo với giá trị gia tăng cao hơn tại những nước giàu cũng sẽ làm trầm trọng hơn nạn ô nhiễm. Công nghệ và tác động của tự do hóa thương mại đối với môi trường cần phải được xem là một nỗ lực nghiêm túc nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững./.

Các nhãn hiệu môi trường ở châu Á
Quốc gia Nhãn hiệu Năm Sản phẩm Số sản phẩm
tham gia thành lập được chứng nhận

Nhật Ecomark 1989 55 2500
Ấn Độ Ecomark 1991 19 không có số liệu
Singapore Green label 1992 21 702
Hàn Quốc Ecomark 1992 12 96
Trung QuốcEnvironmentallabel 1994 15 80
Thái Lan Green label 1995 6 không có số liệu
Indonesia Eco label 1997 4 nt

(Nguồn : Philippe Bergeron - Viện Công nghệ môi trường khu vực)

NẾU TRỊNH HÒA VẪN TIẾP TỤC GIONG THUYỀN ĐI BIỂN...


Thì bộ mặt của thế giới ngày nay có lẽ đã khác.

Hay đúng hơn,bàn cờ thế giới có lẽ vẫn thế,những vấn đề đặt ra cho các quốc gia ngày nay có lẽ vẫn thế,chỉ có điều là những quân cờ trên bàn cờ thế giới sẽ hoán đổi vị trí cho nhau.Phương Tây sẽ không phải là những người mang vốn liếng đi đầu tư ở nước ngoài, chuyển giao công nghệ ra nước ngoài mà ngược lại sẽ là người nhận đầu tư,nhận chuyển giao công nghệ.Người mang vốn liếng và công nghệ ra nước ngoài đầu tư và chuyển giao sẽ là Trung quốc và những nước Châu Á khác (trừ trường hợp Nhật bản đã đứng trong danh sách này).Người suốt 13 năm ròng thương thuyết để được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới cũng sẽ không phải là Trung quốc và người đặt điều kiện sẽ không phải là Mỹ mà ngược lại, v.v...

Tất nhiên, như một câu tục ngữ Pháp nói, với những chữ "nếu" người ta có thể cho cả Paris vào trong một cái lọ. Lịch sử là lịch sử. Thế nhưng nhìn lại lịch sử, đặt ra những giả thiết, thật ra cũng là để rút bài học cho ngày hôm nay và cả ngày mai.
Giữa thế kỷ 15, thiên niên kỷ thứ hai, khi nhà buôn,nhà hàng hải,nhà thám hiểm Trung quốc Trịnh Hòa cùng với đội tàu buôn của mình đặt chân đến cảng Aden ở Trung Đông, Trung quốc đã đi trước Châu Au hàng thế kỷ xét về mặt kỹ thuật,kinh tế,chính trị trong khi Châu Au vẫn đang chìm trong "đêm dài Trung cổ". Điều gì sẽ xảy ra nếu Trịnh Hòa tiếp tục giong thuyền vòng qua mũi Hảo vọng rồi tiến lên phía bắc, đến Châu Au ?
Tiếc thay,điều đó đã không xảy ra.Những cuộc tranh giành quyền lực phe phái trong triều đình nhà Minh đã dẫn đến hậu qủa là những chuyến đi biển như thế bị cấm và Trung quốc đóng cửa với giao thương bên ngoài.

Các nhà sử học vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân nào khiến phương Tây có thể bành trướng mạnh mẽ từ nửa sau của thiên niên kỷ này,nhưng hầu như mọi người đều nhất trí rằng chính sự co cụm, tự cô lập của Trung quốc từ giữa thế kỷ 15 trong khi Châu Au đang chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm đầu tiên của mình đã là nhân tố chính làm nên diện mạo của thế giới ngày nay.

Học giả Wang Gungwu, Giám đốc Viện Đông Á ở Singapore, nguyên Phó Giám đốc Viện Đại học Hồng kông, trong một bài báo trên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông cho rằng có một sợi dây gần như xuyên suốt toàn bộ thiên niên kỷ này ở Châu A, đó là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa các nhà cai trị và tầng lớp thương nhân mà nhà cầm quyền luôn coi như là một thứ tai họa cần thiết,một thứ tai họa buộc phải chấp nhận.Chính vì thế mà họ luôn tìm cách hạn chế và kiểm soát việc buôn bán.Và sự thắng thế của chính trị đối với thương mại trong hầu hết thiên niên kỷ thứ hai ở Châu Á đã bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế cũng như sự nở rộ của khoa học và văn hóa đi kèm theo nó.Thất bại của Trung quốc trong việc tiến vào kỷ nguyên công nghiệp
trước Châu Âu cũng bắt nguồn từ đó, mặc dù như đã nói ở trên, về nhiều mặt Trung quốc đã đi trước Châu Âu hàng thế kỷ.

Qủa thực, ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên các dân tộc ven biển ở Nam và Tây Á (chủ yếu là Ấn Độ,Ba Tư và sau đó là các nhà nước Ả rập) trên đường đến các cảng Trung quốc, đã dẫn đầu trong buôn bán với lục địa Đông Nam Á và quần đảo Indonesia. Trên đường đi buôn bán của họ, họ đã để lại những tác phẩm vĩ đại từ bàn tay con người. Đó là những đền đài nổi tiếng như Borobudur (kiến trúc Ấn Độ,xây dựng từ thế kỷ thứ 9 trên đảo Java,Indonesia) và Angkor Wat (Campuchia) mà người ta coi là những thí dụ về ảnh hưởng của những thương nhân đi biển.Không những thế, các thương nhân còn mang theo mình những tư tưởng,những định chế ảnh hưởng lên đời sống tôn giáo,chính trị và nghệ thuật trong vùng mà họ đến buôn bán.Sự phát triển của thương mại tác động đến văn minh là thế.

Tuy nhiên, ở Châu Á thương mại qua đường biển phải vật lộn trong hàng thế kỷ với các nhà nước nông nghiệp vốn thích sự ổn định hơn là sự dịch chuyển và đặt ưu tiên cho việc bảo vệ đường biên giới trên bộ chống lại sự xâm lăng của bên ngoài. Cả Trung quốc và An Độ đếu thiết lập những hệ thống giá trị xem quyền lực chính trị là thống soái,xem nhẹ tầm quan trọng của biển và thương mại qua đường biển. Ở Trung quốc,thang giá trị đó là sĩ-nông-công-thương, ở An Độ thương nhân cũng bị coi là giai tầng hạ đẳng. Với thời gian, cả những nước láng giềng cũng bị ảnh hưởng bởi hệ thống giá trị này và những cảng thị phồn thịnh một thời nhờ buôn bán ở Java,ở ven biển miền trung Việt Nam và ở thung lũng Menam thuộc miền trung Thái Lan ngày nay cũng lây nhiễm những thành kiến tương tự.

Trong thế kỷ thứ 10, thương mại phát triển mạnh ở các tỉnh miền Nam Trung quốc như Quảng Đông, Phúc Kiến và Triết Giang , mở ra một kỷ nguyên hoạt động hàng hải tấp nập của người Trung quốc dựa trên những quan hệ chính thức với các vuơng quốc Champa, Khmer và các cảng thị ở Sumatra và bán đảo Malay. Với sự hỗ trợ trước hết là của triều đình Nam Tống (1127-1279) và sau đó là của các viên quan lại ở vùng Hoa Nam của đế quốc Nguyên Mông, người Trung quốc đã thiết lập được sự hiện diện thương mại mạnh mẽ tại các quốc gia ven biển ở phía Nam trước khi các nhà buôn phương Tây đặt chân đến đây vào thế kỷ thứ 16. Một thế kỷ trước khi những người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến vùng này vào năm 1508, nhà Minh (1368-1644) đã chứng tỏ sức mạnh trên biển của họ bằng cách giao cho Trịnh Hòa cầm đầu bảy chuyến đi biển lớn trong khoảng thời gian từ 1405 đến 1435. Tuy vậy những chuyến thám hiểm ấy không phản ánh một sự thay đổi nào trong chính sách bóp nghẹt thương mại của nhà Minh. Ngược lại, chúng chỉ thể hiện ý muốn của triều đình nắm độc quyền ngoại thương và không muốn cho tư nhân nhúng tay vào. Chính sách ấy được nhà Minh duy trì trong gần 200 năm và mãi cho đến năm 1567 mới được nới lỏng phần nào khi, đứng trước tình hình buôn bán qua đường biển ngày càng tấp nập do người Bồ Đào Nha cầm đầu ở ngoài khơi bờ biển Trung quốc, triều đình buộc phải cho phép một số nhà buôn Trung hoa được ra nước ngoài buôn bán.
Trong vùng Đông Nam Á cũng vậy, mọi cố gắng nhằm xây dựng những vương quốc thương mại dù là của người Java, người Chăm, người Khmer, người Malay hay người Thái đều tỏ ra uổng công vô ích. Các nhà cai trị của họ luôn coi quyền lực chính trị mới là nguồn gốc mang lại sự giàu có do buôn bán chứ không bao giờ có chuyện ngược lại.

Trong khi đó, vào cuối thế kỷ 16,người Châu Au đã tăng cường sự có mặt trong vùng và họ chẳng những mang tới những con tàu mạnh hơn, những phương pháp hải chiến mới hơn mà còn mang tới những hệ thống chính trị mới ủng hộ tầng lớp thương nhân và cho phép họ có vai trò lớn hơn trong chính quyền. Đó là kết qủa của sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ giữa thương mại và quyền lực đã khởi đầu từ giữa thiên niên kỷ thứ hai ở Châu Au mà nguồn gốc lâu đời phải lần ngược lên tới những đế quốc thương mại phồn thịnh một thời quanh Địa Trung Hải. Qua thế kỷ 18 –19 thì tư tưởng trọng thương đã biến đổi các chính quyền ở khắp Châu Au.Những thiết chế ra đời từ các tư tưởng đó đã tạo cơ sở cho sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc.

Và với việc Trịnh Hòa và những người như Trịnh Hòa, không chỉ ở Trung quốc mà cả ở những nước Châu Á khác, bị cấm đi biển, cấm giao thương với bên ngoài, thì khi những đạo quân phương Tây kéo tới họ nhanh chóng bị khuất phục là lẽ đương nhiên. Vẫn còn cho mình là trung tâm của vũ trụ, họ không biết được thế giới đã biến đổi đến mức nào, phương Tây đã có những bước tiến về mặt kỹ thuật ra sao. Ở Việt Nam, khi những con người lỗi lạc, có đầu óc thức thời, nhận ra được ưu thế kỹ thuật của phương Tây và muốn cải cách như Nguyễn Trường Tộ ở nửa sau thế kỷ 19 thì đất nước đã rơi vào tay thực dân Pháp; hoặc một nhà nho có đầu óc canh tân như Phạm Phú Thứ, đến khi cùng phái bộ Phan Thanh Giản qua Pháp và Tây Ban Nha điều đình và nhận ra các nước Châu Âu
"Cây hoa,sông núi qua song kính,
"Dây điện chạy ven lộ, phố, đài.
"Bát chính rõ ràng làm được tốt,
"Tứ đoan thâm thúy chẳng truyền hay.
"Phương Đông giá sớm thêm cơ xảo,
"Pha-lý,Long-đôn chửa hẳn tài."(*)
thì mọi sự cũng đã rồi.

Cho mãi đến thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ này,và có nước thì tận cuối thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ,lần đầu tiên trong lịch sử tầng lớp thương nhân mới có được vị trí xứng đáng ở các quốc gia và lãnh thổ Châu Á,điển hình là Nhật, Hồng Kông, Singapore, Đài .Vì thế mà họ giàu.

Bước vào thiên niên kỷ sắp tới, khi kinh tế và thương mại trở nên toàn cầu hóa, Châu Á - theo học giả Wang Gungwu - vẫn đứng trước những thách thức rất lớn,đồng thời cơ hội cũng rất lớn : hoặc là xem trọng những Trịnh Hòa của thời đại mới và đạt đến phồn vinh hơn hoặc là quay trở lại những giá trị cũ và tiếp tục thua kém tụt hậu trên bàn cờ thế giới.
__________________________________________
* Paris, London