Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

BI KỊCH "LÓT Ổ"


Bi kịch “lót ổ”

Ở ta không hiếm chuyện cha mẹ “lót ổ” và con cái chấp nhận “được lót ổ” để một người trẻ cứ thế thăng tiến mà không cần phải kinh qua thử thách cá nhân.

Bỏ qua một bên chuyện bằng cấp nhập nhằng. Bỏ qua một bên chuyện xe cộ với nhà cửa, cũng là chuyện nhập nhằng, không minh bạch giữa của riêng với của do doanh nghiệp biếu xén. Bỏ qua một bên chuyện độc đoán trong điều hành, bố trí nhân sự. Tất cả những chuyện đó không phải là không lớn, không nghiêm trọng, nhưng không phải là bản chất của câu chuyện ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng vừa qua.
Cũng chẳng phải chuyện “chín non, chín ép” gì, bởi về tuổi tác,ở nhiều nước, 39-40 tuổi người ta đã làm đến tổng thống, thủ tướng. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đắc cử ở tuổi 39, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đắc cử khi chỉ mới 31 tuổi, trẻ nhất thế giới, và mới hơn nữa là nữ Thủ tướng 37 tuổi Jacinda Ardern của New Zealand. Chuyện bình thường ở những quốc gia mà người dân có quyền chọn lựa thực sự giữa nhiều ứng viên phải cạnh tranh nhau bằng cương lĩnh bầu cử hợp lòng dân, phải chứng tỏ năng lực thực sự của mình.
Điều cốt lõi hay bản chất câu chuyện là: trong khi ở nhiều nước, chuyện một số gia tộc có truyền thống làm chính trị không phải là hiếm (như gia tộc Kennedy, Bush ở Mỹ; Trudeau ở Canada), nhưng những người thuộc thế hệ sau trong gia tộc nếu có thăng tiến trên chính trường thì cùng lắm là được thừa hưởng tiếng thơm của thế hệ trước chứ chẳng ai có thể “lót ổ” cho họ. Họ phải tự lực phấn đấu bằng năng lực cá nhân để được cử tri công nhận. Trong khi đó thì ở ta không hiếm chuyện cha mẹ “lót ổ” và con cái chấp nhận “được lót ổ” để một người trẻ cứ thế thăng tiến mà không cần phải kinh qua thử thách cá nhân, hoặc chỉ kinh qua một số vị trí “thử thách” gọi là cho có. Ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng chỉ là một trong nhiều ví dụ.
Hãy xem con đường thăng tiến chính trị của vị thủ tướng trẻ nhất thế giới vừa đắc cử để thấy con đường đi lên của chính trị gia trẻ này khác ra sao với các “thái tử đỏ” được cha mẹ “lót ổ” ở một vài nước.
Tân Thủ tướng Áo Sebastian Kurz chào đời năm 1986 ở quận Meidling, một vùng lao động nghèo ở thành phố Vienna. Ông lớn lên và vẫn ở đây cho tới tận bây giờ. Kurz không phải là “con nhà nòi” làm chính trị vì mẹ ông là giáo viên và cha là kỹ sư. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2004 rồi đi nghĩa vụ quân sự trong năm 2004-2005, Kurz sau đó ghi danh học khoa luật Đại học Vienna, nhưng rồi quyết định thôi học vào năm 2011 để tập trung cho sự nghiệp chính trị. Tức ông chưa tốt nghiệp đại học.
Dù gia đình không có truyền thống làm chính trị, Sebastian Kurz nhanh chóng đi sâu vào đời sống chính trị khi ông trở thành đoàn viên đoàn Thanh thiếu niên thuộc đảng Nhân dân Áo từ năm 2003. Năm 2009, khi mới 23 tuổi, ông được bầu làm chủ tịch của tổ chức này với 99% số phiếu tán thành và tiếp tục giữ cương vị ấy với 100% phiếu tán thành vào năm 2012. Ông Kurz đồng thời cũng làm phó chủ tịch đảng Nhân dân Áo từ năm 2009 và từ năm 2010 đến năm 2011 là nghị viên Hội đồng thành phố Vienna.
Tháng 4.2011, trong cuộc cải tổ nội các, ông Kurz được chỉ định làm Quốc vụ khanh Hội nhập (thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Áo). Sự kiện này khơi mào cho một số chỉ trích nhắm vào ông vì còn quá trẻ. Tuy nhiên một năm sau thì truyền thông đã dành những đánh giá tích cực hơn cho ông. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2013, ông giành được nhiều phiếu trực tiếp nhất từ cử tri so với các chính trị gia khác, điều đó cho thấy mức độ uy tín cao của ông trong nước.
Cùng năm ấy, ở tuổi 27, ông Kurz đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, phụ trách thêm mảng hội nhập xã hội theo yêu cầu của ông. Trong cương vị quan trọng này, ông Kurz cũng lập được nhiều thành tích như việc tham gia đàm phán hạt nhân Iran hay làm chủ tọa trong Ủy ban các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu. Tháng 11.2014, ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao châu Âu.
Có thể thấy, con đường thăng tiến của Sebastian Kurz là con đường mà tự ông chinh phục lấy, không có mẹ cha nào “lót ổ” cho cả.
Còn ở ta, trong một thể chế vẫn đề cao lý lịch và “truyền thống gia đình” hơn nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, vẫn thích “tìm người nhà hơn tìm người tài”, vẫn coi việc “con cán bộ làm cán bộ là hồng phúc của dân tộc”; trong một thể chế thiếu minh bạch trong tuyển dụng và đề bạt, thiếu sự cạnh tranh công bằng cho các vị trí trong guồng máy công quyền và trong hệ thống chính trị, thì người “lót ổ” và người chấp nhận “được lót ổ” có lẽ cảm thấy những gì họ đạt được như là điều “hiển nhiên” dành cho họ.
Và nếu mọi việc suôn sẻ, quá trình đó lại được lặp lại ở thế hệ kế tiếp. Nhưng bi kịch có thể xảy ra khi người “lót ổ” không còn quyền lực, không còn đủ ảnh hưởng chi phối đối với guồng máy, khi ấy người chấp nhận “được lót ổ” cũng mất chỗ dựa, không còn được che chắn và có nhiều nguy cơ mất ghế. (Nhân tiện, con cán bộ nếu đủ năng lực làm cán bộ tốt thì cũng là điều bình thường như con thường dân làm cán bộ tốt, chứ sao lại phải coi đó là “hồng phúc của dân tộc”? Và lẽ ra, nếu con cái của dân thường vốn thua thiệt về điều kiện thăng tiến mà trở thành cán bộ giỏi, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì coi đó là “hồng phúc của dân tộc” mới phải).
Một câu hỏi chung đặt ra là vì sao ở một số nước xưng là xã hội chủ nghĩa ở châu Á lại có hiện tượng những nhà lãnh đạo tìm cách “lót ổ” cho con cái của mình? Có lẽ những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản không thể ngờ được rằng, khi vào châu Á nó lại bị buộc phải làm một cuộc hôn phối với chủ nghĩa chuyên chế và chủ nghĩa huyết thống của phương Đông tiền tư bản, phong kiến. Triều đại họ Kim cha truyền con nối ở Bắc Triều Tiên; cuộc “đại nhảy vọt” và “cách mạng văn hóa” khủng khiếp ở Trung Quốc dưới bàn tay chuyên chế của “Người cầm lái vĩ đại” phải chăng từ đó mà ra? Và, ở một mức độ ít nghiêm trọng hơn nhưng không kém phần tai hại cho sự phát triển xã hội là hiện tượng được gọi là “lót ổ” cho các “thái tử đỏ”, cho “hậu duệ”, hay “COCC” theo cách nói dân gian?
Điều đáng tiếc và đáng nói là có những người trẻ sinh ra trong những gia đình có thế lực, dù được học hành đàng hoàng ở các nước phát triển, có khi bằng cấp đầy mình và hẳn là không thiếu hiểu biết về văn hóa chính trị ở các nước phát triển; họ cũng có thể có năng lực và thừa sức chọn con đường sự nghiệp của riêng mình (không nhất thiết là con đường thăng tiến chính trị) mà không cần phải dựa vào ai, nhưng rồi vẫn bằng lòng để cha mẹ “lót ổ” cho mình. 
Phải chăng vì quyền lực và đặc quyền đặc lợi gắn liền với nó có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được?