Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

“TẶC” NGÀY CÀNG NHIỀU!

Thủy hỏa đạo tặc. Đạo tặc là cụm từ đầu tiên trong đó có “tặc” mà ngày lớn lên, đi học, tôi cũng như nhiều người được biết tới. Đạo tặc - trộm cướp - được ông bà ta đặt ngang với lụt lội và hỏa hoạn, những mối họa lớn cho con người. Mặt khác, khi bàn về nguyên nhân của nạn đạo tặc, ông bà ta cũng có cái nhìn rất xã hội: bần cùng sinh đạo tặc, nghĩa là nghèo đói sinh ra trộm cướp.
          Lớn lên chút nữa, bắt đầu làm quen với sử sách, tôi được nghe tới hai từ dâm tặc. Dâm tặc gắn liền với hôn quân bạo chúa, với tham quan ô lại, với cường hào ác bá, với những giai đoạn hỗn quan hỗn quân, nhất là trong sử sách Trung Hoa. Những tên dâm tặc, những đôi gian phu dâm phụ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa, hầu như ai cũng biết, đó là những Lao Ái - Triệu Cơ, những Tây Môn Khánh - Phan Kim Liên trong Thủy Hử và Kim Bình Mai. Truyện kiếm hiệp Kim Dung sau này cũng không thiếu những tên dâm tặc như Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo Giang hồ.
          Cùng với hai từ dâm tặc, tôi cũng bắt đầu biết đến từ hải tặc qua những truyện hoặc phim phiêu lưu mạo hiểm. Nói đến hải tặc, trí óc tôi bao giờ cũng hình dung ra những con tàu giương cờ đen vẽ đầu lâu và hai khúc xương trắng hếu bắt chéo nhau, những con tàu đi trong đêm bất ngờ cặp mạn những con tàu buôn và những tên cướp biển dữ dằn xông lên tàu cướp giết. Hai từ hải tặc cũng được nhắc đến qua tin tức thời sự nhưng không nhiều như bây giờ. Rồi cùng với hải tặc là không tặc, những tên cướp máy bay được biết đến qua phim ảnh cũng như tin tức thời sự nhưng khá hiếm hoi.
          Kho từ vựng liên quan đến “tặc” của tôi cách đây khoảng 30 - 40 năm chỉ có thế. Thế rồi bỗng dưng “tặc” xuất hiện ngày càng nhiều và trong đủ mọi lĩnh vực. Đầu tiên là lâm tặc kể từ khi nạn phá rừng rộ lên và kéo dài đến tận bây giờ, sau khi nước ta đã “cơ bản hoàn thành việc phá rừng” như dân gian nói đùa. Hết lâm tặc đến đinh tặc, một căn bệnh trầm kha mà cả nhà nước với bao nhiêu phương tiện trong tay lẫn cả xã hội dường như bó tay. Đến nay thì theo tin báo chí, đinh tặc không còn nhắm vào xe gắn máy mà cả xe hơi, không chỉ hoạt động ở ngoại thành mà còn tiến vào nội thành. Bọn người vô lương tâm không chỉ làm cho nạn nhân của chúng tốn tiền tốn của, bị chặt chém, mà có lúc còn khiến nạn nhân gặp tai nạn do bị xẹp lốp, mất tay lái.
          Vài ba chục năm nay thì kho từ vựng liên quan đến “tặc” đã phát triển không ngừng: từ “cát tặc” hay “sa tặc” – những kẻ khai thác trộm cát dưới sông, đến “quặng tặc”, “vàng tặc”, “than tặc” – những kẻ khai thác trộm khoáng sản, mỏ vàng, mỏ than, hay gần đây là “sưa tặc” – những kẻ cưa trộm cây sưa trên hè phố, tài sản chung của cộng đồng, để bán thu lợi riêng, “nghêu tặc” – những kẻ ăn cướp nghêu trong bãi nuôi của người khác như vụ hàng ngàn người tràn vào ăn cướp nghêu của một hợp tác xã nuôi nghêu ở Cà Mau mới đây, “cẩu tặc” – những kẻ chuyên môn rình mò ăn trộm chó từng dẫn đến những cái chết đau thương do người bị mất trộm chó không kìm nổi phẫn nộ ra tay bất chấp pháp luật. Thời công nghệ thông tin, máy tính ta lại có “tin tặc”, những kẻ đột nhập máy tính của người khác để ăn cắp thông tin hoặc để cài những phần mềm phá hoại.
Kho từ vựng chỉ những hành vi ăn cắp, ăn cướp cứ thế ngày càng nhiều lên theo thực tế cuộc sống xã hội, nhiều khi bất chấp những quy tắc hình thành từ ngữ mới, miễn sao thuận tiện, ngắn gọn để gọi một thực tế. Chẳng hạn, nếu lâm tặc. cát tặc, quặng tặc, sưa tặc, nghêu tặc dùng để chỉ những kẻ ăn cắp, ăn cướp gỗ rừng, cát sông, quặng mỏ. cây sưa, con nghêu… thì “đinh tặc” lại không phải là kẻ ăn cắp đinh mà là rải đinh cho người đi đường bị bể vỏ ruột xe để rồi buộc họ phải thay với giá cắt cổ. “Cẩu tặc” thì lại có nghĩa là kẻ trộm chó chứ không phải là kẻ chó má, đểu cáng như trước đó mọi người vẫn hiểu.
Tuy nhiên, có một số hành vi cũng thuộc loại ăn cắp, ăn cướp và cũng khá phổ biến hiện nay lại chưa có từ ngắn gọn để chỉ hoặc được chỉ bằng một từ nghe ra khá nhẹ nhàng. Chẳng hạn, ăn cắp văn chương, ý tưởng, luận văn của người khác vẫn được gọi là đạo văn chứ không phải là “văn tặc”; xài bằng giả, bằng dỏm cũng là hành vi ăn cắp cái không phải của mình nhưng chưa có từ ngắn gọn để gọi. Chẳng lẽ gọi đó là “bằng tặc”? Những kẻ lén lút xả thải chưa qua xử lý ra sông suối, phá hoại môi trường sống trong lành của người dân cũng là một dạng ăn cướp môi trường, nhưng chưa ai sáng tạo ra từ mới, ngắn gọn để gọi. Gọi là “môi tặc” thì nghe kỳ và dễ làm người nghe liên tưởng đến những màn gọi là “khóa môi” người đẹp mà một số báo mạng hay khoái trá đưa lên.
Song có một thứ “tặc” mới, có lẽ là “đỉnh cao” của mọi thứ “tặc”, mà các nhà sáng tạo ngôn ngữ dân gian đã kịp thời tìm ra từ ngắn gọn, thuận tiện để chỉ. Đó là từ “đức tặc” để chỉ những kẻ đạo đức giả, thối nát, vô liêm sỉ, vô đạo đức nhưng vẫn đeo bộ mặt đạo đức. Tuy hai từ “đức” và “tặc” đã từng hiện diện trong một câu nói của Khổng Tử: “Hương nguyện, đức chi tặc giả”, nhưng ghép hai từ này liền với nhau thành một danh từ để chỉ những kẻ giả hình, ăn cắp đạo đức, phá hoại lý tưởng như trong một bài viết của Bùi Văn Nam Sơn mới đây thì thực sự là một sáng tạo, dù không hoàn toàn mới.
Đến đây, một câu hỏi đặt ra: người ta nói ngôn ngữ phản ánh hiện thực, vậy trước sự phát triển tăng tốc của những từ liên quan đến “tặc” thời gian qua, chúng ta phải nghĩ gì về hiện thực cuộc sống hôm nay?