Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

ĐÊM VÂN PHONG NGHE TIẾNG BÌM BỊP KÊU


Khoảng mười giờ đêm, trăng 17 lấp ló sau những đám mây. Ngoài kia, ngoài bãi cát ven đảo Hòn Ông, thủy triều bắt đầu âm thầm dâng. Bỗng nghe trong đêm tĩnh mịch vang lên tiếng kêu “bip, bip, bip” của những con chim bìm bịp. Tiếng kêu nghe mênh mang, gợi nhớ vùng sông nước miền Tây nhưng đây lại là ở giữa vịnh Vân Phong. Không ngờ trên đảo Hòn Ông này cũng được nghe chim bìm bịp kêu cùng con nước lớn ròng.
          Hòn Ông là một đảo nhỏ nằm cách bãi Đầm Môn chỉ khoảng 15 – 20 phút đi tàu. Trên đảo là một khu nghỉ dưỡng và trung tâm huấn luyện lặn biển nhỏ. Khu nghỉ dưỡng được xây dựng hài hòa với thiên nhiên trên đảo, với tối thiểu xi măng và tối đa vật liệu từ thiên nhiên như mái lá dừa, cột tre, cửa bằng gỗ hoặc phên tre, lối đi rải cát sỏi, không bê tông hóa. Bãi tắm được giữ hết sức sạch sẽ và cá từng đàn tung tăng trong làn nước trong xanh ngay sát bãi tắm. Từ Hòn Ông đi tàu ra gần cửa biển, lặn ngắm san hô đủ màu sắc hoặc neo tàu, nhảy xuống tắm trong nước vịnh ấm áp giữa hè thật không còn gì thú bằng. Có lẽ vì du khách lui tới còn ít nên vịnh Vân Phong cũng như Hòn Ông vẫn còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, sự trong lành và hệ sinh thái đặc thù, quý giá của mình. Có lẽ cũng vì vậy mà du khách còn được nghe tiếng bìm bịp kêu mỗi khi nước lên.
           Nghĩ đến đó mới thấy hú hồn khi suýt tí nữa người ta đã cấp phép cho cái dự án nhà máy thép kia ở cái vịnh có một không hai này của Việt Nam, và mừng vì cuối cùng dự án đã bị gạt bỏ. Có những hệ sinh thái một khi đã bị hủy hoại sẽ mãi mãi không thể phục hồi được nữa. Còn nhà máy thép, không có nhà máy này sẽ có nhà máy khác, không đặt ở địa điểm này sẽ đặt ở địa điểm khác, có thể ít thuận lợi hơn về mặt vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm, nhưng so với một hệ sinh thái có thể bị mất đi vĩnh viễn thì những nhà hoạch định chính sách đã sáng suốt khi chọn bảo toàn hệ sinh thái. Chúng ta cấn phát triển, cần công nghiệp hóa, nhưng không phải với bất ký giá nào, nhất là khi cho dù trả giá nào cũng không thể phục hối một hệ sinh thái đã mất. Đó không chỉ vì trách nhiệm với hôm nay mà còn cả với thế hệ mai sau.
           Những ngày này, đi tàu trên vịnh, nhìn về phía vũng Đầm Môn người ta đã thấy một số cọc trụ lớn được đóng xuống đáy vũng, và trên bờ, vật liệu bắt đầu được tập kết. Dự án cảng trung chuyển container quốc tế bắt đầu được khởi động. So với dự án nhà máy thép, cảng trung chuyển là một dự án phát triển được nhiều người đồng tình vì lợi ích kinh tế lớn và vì nó ít gây ô nhiễm. Dự án cảng nằm trong một khu kinh tế bao gồm nhiều dự án khác, trong đó có cả du lịch. Thật tuyệt biết bao nếu những dự án phát triển này không gây tổn hại cho hệ sinh thái và môi trường vịnh Vân Phong, nếu những dự án du lịch trong nước được triển khai ở đây nhanh hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn. Bởi, trong khi khu nghỉ dưỡng và lặn biển Hòn Ông được xây dựng hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan trên đảo, được người nước ngoài quản lý sạch sẽ, ngăn nắp, chu đáo thì ở phía đối diện, bên kia vịnh, trên Bãi Tây do một công ty du lịch địa phương quản lý, rác rến đã bắt đầu xuất hiện trên bãi tắm và những công trình xây dựng dường như không theo một ý đồ nào và cảnh quan nhìn vào là thấy ngay sự thiếu chăm sóc.
Đêm trên đảo Hòn Ông, nằm nghe tiếng bìm bịp kêu mênh mang cùng với tiếng sóng vỗ nhẹ vào bãi cát ngoài kia khi triều lên, bỗng thấy dâng lên nỗi nhớ quê hương, dù mình đang ở ngay trên quê hương chứ đâu xa, và rộn lên niềm ước mơ quê hương vừa giàu vừa đẹp, giàu mà không đánh mất đi những gì thiên nhiên ưu đãi cho riêng mình.