Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Nếu không có sự phản biện xã hội…


Bài này viết, dự định đăng trên TBKTSG số ra ngày 30-4-2009 nhưng cuối cùng phải “tự kiểm duyệt”, gác lại, nên post lên đây chơi. Có sửa chữa chút ít ở đoạn cuối, nói thẳng ra điều cần nói.Và chỉ muốn thêm một câu ở cuối bài: Phản biện hay tự do trao đổi, bàn luận vì lợi ích chung của đất nước - chuyện bình thường, tự nhiên đối với người dân hầu hết các nước, sao khó khăn đến thế, “nhạy cảm” đến thế ở đất nước này? Bao nhiêu người hy sinh cho độc lập, tự do, phải chăng là tự do kiểu này?
Đang viết bài ghi chép “Trở lại Côn Đảo”, viết mãi vẫn chưa xong vì thế.

Nếu không có sự phản biện từ nhiều giới khác nhau trong xã hội, từ các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, công nghệ, môi trường, văn hóa đến các chuyên gia quốc phòng, các bậc lão thành cách mạng; nếu dự án và kế hoạch khai thác bauxite của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn được tiến hành như ban đầu, hẳn chưa ai đánh giá hết được hậu quả mà nền kinh tế, môi trường sinh thái của cả một vùng rộng lớn của đất nước và bản sắc văn hóa cũng như an sinh xã hội của cư dân Tây nguyên sẽ phải gánh chịu về lâu về dài. Sự phản biện của nhiều giới, đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, hẳn đã góp phần vào sự điều chỉnh chủ trương từ cấp lãnh đạo cao nhất như mọi người đã biết: đó là thu hẹp quy mô, làm từng bước, bảo đảm chặt chẽ các điều kiện về hiệu quả kinh tế xã hội, công nghệ, môi trường, sử dụng lao động, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Phản biện xã hội đã chứng minh sự cần thiết và hữu ích của nó.
Tác dụng của phản biện xã hội trong vấn đề khai thác bauxite khiến ta nhớ lại nó cũng đã phát huy tác dụng như thế nào trước những chủ trương thiếu thực tế, thiếu thuyết phục của cấp này hay cấp khác, chẳng hạn dự định cấm xe máy các tỉnh đi vào Hà Nội; cấm người ngực lép, thấp bé, nhẹ cân lái xe gắn máy hay đề ra tiêu chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, cho xây khách sạn trong công viên, v.v…Điều đó cho thấy mỗi quyết sách, chủ trương, muốn được xã hội đồng tình và nhờ đó mà dễ dàng đi vào cuộc sống, cần được công khai, minh bạch, được nhìn nhận dưới nhiều góc cạnh, được phân tích, mổ xẻ đến nơi đến chốn. Có nhu vậy mới tạo được sự đồng thuận, sự thống nhất ý chí giữa lãnh đạo và người dân. Điều đó cũng sẽ giúp cho xã hội, cho nền kinh tế giảm thiểu được cái giá phải trả cho những chủ trương đôi khi chủ quan, duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học.
Sự cần thiết và tác dụng của phản biện xã hội như vậy là đã rõ. Vấn đề là làm sao để nó phải trở thành một thiết chế bắt buộc và thực sự phát huy tác dụng chứ không phải là chuyện có cũng được không có cũng được, làm hình thức, lấy lệ hoặc chỉ làm khi công luận đòi hỏi. Việc Bộ Chính trị yêu cầu đưa vấn đề khai thác bauxite ra bàn tại Quốc hội khi dự án trong thực tế đã bắt đầu được triển khai cho thấy có một sự thiếu sót, bất cập về mặt luật pháp và thiết chế phản biện xã hội liên quan đến dự án này (và những dự án khác nữa).
Lợi ích của sự phản biện xã hội liên quan đến vấn đề khai thác bauxite cũng như một số chủ trương thiếu thuyết phục của cấp này cấp khác nói ở trên phải chăng đã quá đủ để những những người lãnh đạo coi trọng ý kiến phản biện đa chiều của các giới khác nhau trong xã hội trước những chủ trương lớn ảnh hưởng đến số đông người dân và đến vận mệnh đất nước. Điều đó chỉ có thể có lợi cho sự nghiệp chung dù có thể nghịch tai, không làm vừa lòng một số người.