Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KHÔNG CHỈ DỰA VÀO GIA TĂNG ĐẦU VÀO

Những cuộc đình công diễn ra trên diện khá rộng và hầu như định kỳ, do sự phân phối thiếu công bằng thành quả của tăng trưởng kinh tế mà đồng lương không đủ sống của công nhân tại các khu công nghiệp là biểu hiện rõ ràng nhất, cho thấy sự tăng trưởng đạt được là chưa bền vững. Một nền kinh tế mà khả năng cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá nhân công rẻ là một nền kinh tế tiềm ẩn nhiều bất ổn về mặt xã hội và cả về khả năng tăng trưởng lâu dài.

Nhưng mặt khác, đồng lương công nhân thấp một phần bắt nguồn từ năng suất thấp của lực lượng nhân công nói riêng, của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tại kỳ họp Quốc hội hôm 22-10 trong báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007 và kế hoạch năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2007 ước đạt khoảng 8,5% (kế hoạch 8,2 - 8,5%), mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, như thường lệ từ nhiều năm nay, báo cáo đánh giá rằng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng như từng ngành, từng doanh nghiệp vẫn còn thấp.

Quả thật, nền kinh tế những năm qua tuy có tăng trưởng cao nhưng chủ yếu là do tăng các yếu tố đầu vào, đặc biệt là các luồng vốn từ nước ngoài vào nền kinh tế (ODA, FDI và gần đây là vốn đầu tư gián tiếp, chủ yếu vào thị trường chứng khoán), còn phần do năng suất lao động mang lại không đáng kể. Nếu lấy hệ số ICOR (hiểu nôm na là phải bỏ vào bao nhiêu đồng vốn để làm ra một đồng giá trị tăng thêm; hệ số càng cao thì hiệu quả nền kinh tế càng thấp) làm thước đo hiệu quả của nền kinh tế, thì tình hình không có gì đáng lạc quan. Bởi nếu như cách nay hơn 10 năm, hệ số ICOR của Việt Nam là 3,39 (năm 1995) thì năm 2006 hệ số này đã lên tới gần 6, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng từ 3,6 lên 7,28.

Làm cách nào để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn: năng suất thấp dẫn đến đồng lương thấp; đến lượt nó đồng lương thấp, không đủ sống, lại tác động trở lại làm năng suất sụt giảm ? Đã đến lúc, để có được sự thay đổi về chất trong tăng trưởng, để tăng trưởng không chỉ dựa vào việc gia tăng các yếu tố đầu vào như bơm thêm vốn, giữ mức lương công nhân quá thấp, chưa nói đến việc phải loại bỏ lãng phí và tham nhũng, cần làm sao để tăng trưởng dựa chủ yếu vào việc tăng năng suất lao động, tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm, dịch vụ làm ra. Muốn vậy, không có con đường nào khác ngoài việc thật sự tập trung cho phát triển khoa học công nghệ và giáo dục, nhất là giáo dục đại học để cho ra một lực lượng nhân công có tay nghề, một lực lượng trí thức có khả năng góp chất xám vào sự phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề là, để làm được điếu ấy, chúng ta có đủ dũng cảm và quyết tâm làm một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học và trong tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ hay không. Bởi nói gì thì nói, đó vẫn là hai vấn đề bức xúc lớn cả đối với giới chuyên môn lẫn dư luận xã hội rộng rãi hiện nay.

(Đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn 22-10-2007)

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2007

Thập diện mai phục

Thập diện mai phục.
Cơ quan tôi ở số 35, bên phải, đường Nam kỳ khởi nghĩa, giữa Hàm Nghi và Nguyễn Công Trứ. Mỗi trưa tranh thủ về nhà nghỉ một tí trước khi trở vào làm đầu giờ chiều, tôi chỉ có hai chọn lựa: hoặc là chạy một đoạn đến ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa-Nguyễn Công Trứ rồi quẹo trái qua Nguyễn Công Trứ, đến ngã tư Nguyễn Công Trứ-Pasteur lại quẹo trái qua Pasteur từ đó băng thẳng về nhà; hoặc là đến ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa-Nguyễn Công Trứ quẹo phải, đến ngã tư Nguyễn Công Trứ-Phó Đức Chính lại quẹo phải chạy đến Lê Lợi rồi quẹo phải qua Pasteur, từ đó về nhà.
Khổ nỗi, từ khi người ta cho xe tải nặng chạy từ Hàm Nghi qua Nam kỳ khởi nghĩa để qua quận Tư thì cứ đến trưa, giờ tôi ra về, từng đoàn xe tải nặng, xe container lại nối đuôi nhau san sát trên đường Nam kỳ khởi nghĩa, đường nhanh chóng xuống cấp đã đành, mà tôi cũng chẳng còn dám quẹo trái qua Nguyễn Công Trứ nữa. Cứ nhìn từng đoàn xe tải nặng tranh nhau không chừa một kẽ hở chạy qua quận Tư là tôi đã thấy ớn cả xương sống. Mà giả thử có đánh liều băng qua được Nguyễn Công Trứ để ra Pasteur thì đến ngã tư Pasteur-Hàm Nghi lại phải một phen đụng những chiếc xe tải nặng. Nhiều khi đường Pasteur đèn xanh cũng không thể băng qua được ngã tư vì các xe tải tranh nhau đi san sát đã bít cả ngã tư, dù đèn xanh cho xe trên đường Pasteur đã bật lên.
Vậy chỉ còn cách đến ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa-Nguyễn Công Trứ thì quẹo phải. Khốn nỗi, từ mấy tuần nay cái ngã tư Phó Đức Chính-Nguyễn Thái Bình mà tôi vẫn phải băng qua để ra đến Lê Lợi lại bị rào chắn gần hết ngã tư để đào hố đặt cống thoát nước gì đó, thành thử hai nẻo về nhà nẻo nào cũng kẹt. Chen chúc mãi mới về được đến nhà, đầu giờ chiều theo đường Nam kỳ khởi nghĩa trở lại cơ quan, đến ngã tư Nam kỳ khởi nghĩa-Hàm Nghi lại một phen kinh hoàng. Từng đoàn xe tải, xe container dài ngoằng quẹo từ Hàm Nghi qua Nam kỳ khởi nghĩa để qua quận Tư tranh nhau từng centimet đường ở ngay cái ngã tư ấy với từng đoàn xe buýt nối đuôi nhau san sát như một bức tường dài từ phía quảng trường Quách Thị Trang theo đường Hàm Nghi qua, khiến cho cả ngã tư kẹt cứng dưới nắng nóng. Xe gắn máy giỏi luồn lách là thế mà đến đây nhiều chiếc cũng chịu. Không ít lần tôi chứng kiến những cảnh ú tim khi một vài chiếc gắn máy cố luồn lách suýt bị xe container hay xe buýt cán.
Đúng là thập diện mai phục. Cả một thành phố bị thập diện mai phục. Nói thế không ngoa, bởi không chỉ loanh quanh gần cơ quan tôi mà hầu như đi đường nào, lối nào xa hơn khu vực này cũng có thể gặp những chỗ kẹt xe như vậy.
Rồi lại còn cảnh này nữa: nhiều bữa mới sáng ra mọi người đổ xô ra đường đi làm hoặc đúng giờ trưa nhiều người về nhà hoặc đi đâu đó ngoài văn phòng, lại thấy mấy anh công viên cây xanh chặn đường chặn xá để tỉa cành cây. Tỉa cành để nhánh cây khỏi rớt trúng người đi đường trong mùa mưa gió thì tốt rồi, nhưng sao lại phải làm đúng vào những giờ ấy? Rồi còn cảnh những chiếc xe rác chen chúc giữa hàng đoàn xe gắn máy, cũng đúng vào giờ tan tầm. Sao không thể bố trí xe rác đi vào những giờ khác, khi đường ít xe cộ hơn? Còn những công trình che chắn, choán gần hết mặt đường khắp nơi, có cách gì đẩy nhanh hơn không? Sao chúng cứ kéo dài tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác? Những ngã tư thường xuyên bị kẹt xe nặng như Hàm Nghi-Nam kỳ khởi nghĩa, liệu có cách nào điều tiết giao thông tốt hơn không?
Những câu hỏi đại loại như vậy cứ quay quắt trong đầu, bởi vì đó chẳng phải là những ý tưởng to tát hay mới mẻ gì, chúng không quá khó thực hiện và cũng góp phần không nhỏ làm giảm đi nạn kẹt xe, nhưng không hiểu sao những người có nhiệm vụ quản lý giao thông ở thành phố này lại không thể làm? Những người quản lý đang ở đâu? Họ có trách nhiệm với cuộc sống người dân không? Sao không ai ra tay làm một cái gì cụ thể, thiết thực, mà chỉ thấy thỉnh thoảng “nhá” ra một tin, nào là sẽ “phạt nguội”, nào là sẽ lắp đặt camera tự động ghi hình các vi phạm để xử phạt? Súng bắn tốc độ ồn ào một dạo, camera ghi hình, những phương tiện hiện đại là cần, nhưng có vẻ như người ta đang sính những thứ “đồ chơi” đó hơn là việc nghiên cứu cặn kẽ, khoa học để tổ chức lại giao thông sao cho thật hợp lý (ngoài việc chuyển một số đường vốn nhỏ thành đường một chiều). Hay là việc sắm những thứ đồ chơi đó còn mang lại những thứ gì khác nữa?
Trong khi chờ đợi câu trả lời không biết có bao giờ đến chăng cho những câu hỏi mình tự đặt ra, mỗi trưa mỗi chiều, trên đường mệt mỏi vì khói bụi và kẹt xe để về nhà, tôi chỉ còn biết khẩn cầu: hỡi những nhà quản lý đang tìm cách “quản” đủ mọi thứ, kể cả nhật ký trên mạng (blog), xin hãy “quản” giùm người dân cái nạn thập diện mai phục này. Người ta đòi “quản” nhiều thứ, sao cái nạn này không ai nhảy ra đòi “quản” nhỉ?
P.S: Viết bài này xong mới tình cờ đọc được một chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM nghiêm cấm việc tổ chức đi cứu trợ riêng lẻ các nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, do báo Tuổi Trẻ đăng từ ngày 8-10. Chỉ đạo cụ thể như sau: - “Thống nhất giao Ủy ban MTTQ TP.HCM làm đầu mối tiếp nhận các nguồn tiền - hàng do các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, cá nhân vận động và tổ chức đoàn đi thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những gia đình bị nạn. Nghiêm cấm việc tổ chức đi thăm hỏi riêng lẻ”. Vì sao cái cần phải quản, mà quản cho tốt, người ta không chịu làm, lại cứ đi nhảy vào đòi quản những cái không thuộc chức năng Nhà nước thế nhỉ ?