Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Đến Bhutan, nằm mộng thiên đường

Himalaya trùng điệp, nhìn từ đỉnh đèo Dochula
Từ Kathmandu, thủ đô Nepal, máy bay bay dọc theo những đỉnh cao nhất trong dãy Hi mã lạp sơn, trong đó có Everest (8.848m, trên biên giới Nepal – Tây Tạng), rồi Jhomolhari (7.314m, phía Tây Bhutan), để đáp xuống sân bay Paro của Bhutan. Còn chưa hết choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ chưa từng thấy trong đời của những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa của Hi mã lạp sơn, du khách lại đã cảm thấy sững sờ trước vẻ đẹp độc đáo của nhà ga sân bay quốc tế Paro với đường nét kiến trúc, những họa tiết và màu sắc, chủ yếu là nâu đỏ – vàng đất – và đen, đặc trưng của kiến trúc Tây Tạng, khi chiếc Airbus của hãng hàng không quốc gia Bhutan, Druk Air, đáp xuống sân bay. Paro là một sân bay nhỏ và là sân bay duy nhất cho tới nay của vương quốc nhỏ, diện tích chỉ hơn 1/10 Việt Nam, dân số chưa tới 1 triệu, nằm ở phía Nam dãy Hi mã lạp sơn, giáp Tây Tạng này.
Đường nét kiến trúc ấy, những họa tiết theo lối kỷ hà ấy, những màu sắc đặc trưng ấy, tôi sẽ bắt gặp lại những ngày sau, với một quy mô hoành tráng hơn, vẻ đẹp huy hoàng hơn nơi các dzong – những tuyệt tác kiến trúc nửa pháo đài nửa lâu đài, với các tường ngoài cao và dựng đứng, thường nằm trên những ngọn đồi hoặc sau những hào nước sâu thuận lợi cho phòng thủ, bên trong thường có một tháp cao, có cung điện cho vua chúa, có chùa và nơi tu hành cho các nhà sư. Dzong vừa là nơi đặt cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính và cai trị của đất nước Bhutan, vừa là trụ sở của tăng đoàn ở một đất nước thấm đẫm niềm tin, tinh thần và văn hóa Phật giáo, dù về mặt chính thức Phật giáo không là quốc giáo. Đất nước Bhutan có rất nhiều những dzong được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước như vậy, như Paro, như Thimphu - thủ đô hiện tại, nơi đặt ngai vua và là nơi vị sư trưởng Bhutan cư ngụ, như Punakha – cố đô ở miền trung Bhutan, nơi có kiến trúc dzong theo tôi là đẹp nhất, nằm giữa hai con sông Pho (Trống) và Mo (Mái), như Wangdue Phodrang, như Trongsa – quê hương của triều vua hiện tại ở miền Trung Bhutan, hay như phế tích Drukgyel Dzong – nơi người Bhutan đánh thắng quân xâm lược Tây Tạng… Nhưng không chỉ có các dzong, các đền chùa (lhakhang), tháp (chorten) đều là những kiến trúc toát lên bản sắc không thể lẫn lộn vào đâu được của đất nước này, trong đó ấn tượng nhất là chùa Taktsang Goemba (hay hang cọp) gần Paro, nằm chênh vênh trên vách núi, hay 108 chorten được xây dựng trên đỉnh đèo Dochula nhằm đánh dấu một chiến thắng lớn của đất nước này.
            Được chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc của Bhutan – rất khác với các tuyệt tác kiến trúc phương Tây - cho tôi cảm giác như chạm tới một thiên đường vô cùng lạ lẫm. Tuy nhiên, được đắm mình trong thiên nhiên mới thực sự cho tôi cảm giác như ở trên chốn bồng lai. Khách sạn đầu tiên nơi tôi dừng chân, cách sân bay chỉ một quãng đường ngắn, nằm bên một dòng suối, trước mặt và sau lưng là đồi núi xanh tươi. Từ Paro ở miền Tây Bhutan qua Bumthang ở miền Trung, tôi phải vượt qua một quãng đường dài mà suốt dọc đường đi ngoằn ngoèo, thường một bên là núi, một bên là những dòng sông uốn lượn xa xa tận dưới sâu; vượt ba ngọn đèo mà đèo nào cũng cao trên 3.000m, từ trên những đỉnh đèo này, ngắm những ngọn núi trùng điệp đến vô tận và mây trắng quyện quanh các ngọn núi, là đà trong các thung lũng, tôi có cảm giác lâng lâng. Đường ngoằn ngoèo, vực sâu nhưng ta không hề thấy sợ, bởi núi hay vực cũng mọc đầy cây xanh, sát tận mép đường, khác hẳn với khi ta leo những ngọn đèo trên những ngọn núi trọc. Đất nước trong dãy Hi mã lạp sơn này, rừng che phủ đến 80% diện tích, và giữ rừng, giữ môi trường là triết lý sống của họ.
Lên ngựa để leo lên tu viện Taktsang Goemba
            Cuối cùng là những người dân. Chất phác, hiền lành, tử tế, tốt bụng, thấm nhuần tinh thần Phật giáo, thứ Phật giáo riêng, xuất phát từ Tây Tạng của đất nước này, với những truyền thuyết trộn lẫn với lịch sử, những thần linh, bồ tát, yêu quái tưởng như đang hiện diện giữa đời thực, trong tâm tưởng của người dân. Và một vị vua trẻ, nối gót cha (thoái vị để truyền ngôi cho con trước thời hạn tự đặt ra hai năm) đi học ở Anh và Mỹ về, tự hạn chế quyền lực của mình, 
Tu viện Taktsang Goemba hay Tiger's Nest
Không có “tà áo nọ”. Có chăng, nổi bật, chỉ là màu cà sa nâu đỏ của các nhà sư và những bộ váy áo truyền thống (gho của nam giới và kyra của nữ giới) đủ màu sắc. Cũng chẳng có “em đi về bên kia phố” hay mái “tóc trầm ướp vai thơm”. Có chăng là gương mặt những phụ nữ, trẻ và già, đầy nét hồn hậu; những em học sinh trong những bộ đồng phục dễ thương mà tôi gặp suốt trên đường và những người đàn ông khỏe mạnh, rắn rỏi, thật thà. Cũng không có “môi thiên đường hót chim khuyên”. Chỉ nghe những bài ca dân gian mà giai điệu và ca từ cứ đều đều như những lời kinh hay những câu thần chú. Nhưng suốt bảy ngày ở Bhutan, câu cuối trong ca khúc “Cho đời chút ơn” của Trịnh Công Sơn luôn văng vẳng trong tâm trí tôi: “Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”. Chỉ vì suốt bảy ngày sống với thiên nhiên, con người và văn hóa ở đấy, tôi luôn có cảm giác như đang sống  trên chốn bồng lai, hay như sách báo du lịch thường gọi: Shangri – la cuối cùng trên trái đất.



(*) Công ty tổ chức tour Bhutan: Du lịch Hương Băng, 48/46 Hồ Biểu Chánh, P.11, Phú Nhuận.
      (http://www.huongbangtravel.com - Tel: 84-8-39973369)

Punakha Dzong
Chú tiểu ở chùa Chhimi Lhakhang
Thimphu Dzong

THĂM NHÀ NỮ THẦN SỐNG Ở KATHMANDU

Cổng vào điện Kumari Ghar
Nữ thần Kumari không xuất hiện nơi cửa sổ mà chỉ là một người hầu

Nữ thần Kumari hiện tại
Nằm ngay cạnh quảng trường trung tâm Durbar Square của Kathmandu, thủ đô Nepal, là điện Kumari Ghar, nơi ở của nữ thần sống (Living Goddess) Kumari Devi, nghĩa là Nữ thần Đồng Trinh trong tiếng Sanskrit, tiếng Nepal và tiếng Ấn. Kumari Ghar là một tòa nhà xây gạch đỏ, hai tầng lầu, với các cửa ra vào và cửa sổ bằng gỗ nâu đen chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, đặc trưng của các cung điện của triều đại Malla (cai trị Nepal từ thế kỷ 12 – thế kỷ 17) mà người ta cũng có thể thấy nơi những kiến trúc còn sót lại của triều đại này ở hoàng cung Kathmandu cũng như tại hai cố đô Bakhtapur và Patan. Kumari Ghar là một kiến trúc vuông vức với một sân trong, giữa sân là một gốc cây nhỏ xanh rì cành lá khi tôi đến đây vào một ngày đầu tháng sáu vừa qua để được chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần sống. Có ai không tò mò khi ở thế kỷ này người ta vẫn thờ một nữ thần sống ?
          Người Nepal theo đạo Hindu, chiếm đa số, và đạo Phật thuộc phái Vajrayana tin rằng nữ thần sống Kumari là hiện thân của nữ thần Taleju (còn có tên gọi khác là Durga) trong đạo Hindu. Taleju là nữ thần của nguồn sức mạnh tối cao. Truyền thuyết kể rằng: vào một đêm khuya, một con rắn đỏ bò vào phòng vị vua cuối cùng của triều đại Malla, Jayaprakash Malla, khi vua đang chơi trò xúc xắc với nữ thần Taleju. Mỗi đêm nữ thần đều đến chơi với vua với điều kiện vua không được nói cho ai biết, nhưng một đêm nọ hoàng hậu lén đi theo nhà vua để xem vua gặp ai mà đêm nào cũng gặp khuya như vậy và hoàng hậu đã trông thấy nữ thần. Tức giận, nữ thần Taleju nói với nhà vua rằng sẽ đầu thai vào một bé gái thuộc dòng họ Sakya, nếu vua còn muốn gặp và nhờ nữ thần bảo vệ đất nước thì hãy đi tìm bé gái ấy. Và thế là vua rời cung điện đi tìm bé gái hiện thân của thần Taleju.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng nữ thần Taleju đêm nào cũng đến chơi xúc xắc và đàm đạo chuyện quốc sự với vua Trailokya Malla dưới lốt người trần. Rồi một đêm nọ, nhà vua không cưỡng lại được ý muốn chung đụng xác thịt với nữ thần khiến thần tức giận, không đến cung điện nữa. Nhà vua hối hận, cầu xin thần trở lại. Cuối cùng nữ thần Taleju đồng ý đầu thai vào một bé gái đồng trinh thuộc dòng họ Sakya cho nhà vua tìm gặp. Tục thờ nữ thần đồng trinh Kumari nơi bộ tộc Newar (dòng họ Sakya thuộc bộ tộc này) trong thung lũng Kathmandu, và nơi người Nepal nói chung, bắt nguồn từ đó và đã tồn tại từ thế kỷ 17 cho đến tận ngày nay. Thật ra, ở Nepal có nhiều địa phương có nữ thần sống Kumari, nhưng chỉ có nữ thần Kumari ở Kathmandu là được nhà vua đến hôn chân mỗi năm để mong được thần ban phước. Điều này diễn ra cho đến tận khi vị vua Nepal cuối cùng là Gyanendra bị buộc phải rời ngôi năm 2008 để đất nước này chuyển qua chế độ cộng hòa. Nay thì nữ thần sống Kumari chỉ còn chúc phúc cho người đứng đầu chính phủ cộng hòa dân chủ theo xu hướng Maoist.
Nhưng ai là nữ thần sống Kumari ? Nữ thần Kumari được lựa chọn trong số những bé gái từ 3 – 7 tuổi thuộc dòng họ Sakya, dòng họ của Đức Phật, qua một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt. Bé gái được lựa chọn làm nữ thần phải hoàn toàn khỏe mạnh, chưa hề bệnh tật hay chảy máu, có đủ 20 răng, ngoài ra còn phải hội đủ 32 tiêu chuẩn khác, chẳng hạn: “ngực như ngực sư tử, thân mình như cây đa, cổ như vỏ ốc, đùi như đùi nai, lông mi như mi bò, giọng nói dịu dàng và trong, chân tay thon thả, tóc và lông mi phải thật đen, bộ phận sinh dục nhỏ nhắn và lùi vào trong, tính khí vui tươi và không biết sợ hãi…” Những bé gái hội đủ các tiêu chuẩn đó còn phải được chấm tử vi xem có phù hợp với lá số của nhà vua hay không và phải trải qua những thử thách rợn người: đó là trải qua một đêm trong một căn phòng kín, giữa những chiếc đầu dê và trâu được giết để tế thần và giữa những người mang mặt nạ yêu quái nhảy múa suốt đêm trong tiếng cầu kinh Mật điển. Bé gái nào trải qua được thử thách đó mà không hề la hét, khóc lóc, sợ hãi mới chứng tỏ được mình là hiện thân của nữ thần Taleju và được chọn làm nữ thần sống Kumari.
Một khi trở thành nữ thần sống, bé gái sẽ phải sống cuộc sống cô độc trong điện Kumari Ghar, không được giao tiếp với người trần ngoại trừ những dịp đặc biệt, không được sống cuộc sống bình thường như bao bé gái cùng tuổi khác cho đến tuổi dậy thì với kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thần Taleju khi đó sẽ rời bỏ nữ thần sống. Cô gái sẽ trở lại là người trần và trở về sống với gia đình. Người ta lại bắt đầu tìm kiếm một nữ thần sống Kumari khác. Người dân Nepal tin rằng không một người đàn ông nào dám lấy một cựu nữ thần sống làm vợ nếu không muốn bị thổ huyết mà chết, tuy nhiên trong thực tế không ít nữ thần sống sau khi trở về với gia đình đã lấy chồng, sinh con.
Sáng hôm ấy, tôi đã đến Kumari Ghar, đứng rất lâu dưới sân, cạnh gốc cây, nhìn lên cửa sổ lầu hai với hy vọng được nhìn ngắm nữ thần sống vì, theo dân địa phương, thỉnh thoảng nữ thần vẫn xuất hiện ở cửa sổ. Tuy nhiên, tôi và những du khách khác hôm ấy đã không gặp may. Xuất hiện nơi khung cửa sổ không phải là nữ thần sống mà chỉ là một người hầu. 
          Chỉ còn cách mua một tấm bưu thiếp được bán ngay bên ngoài cửa ra vào điện Kumari Ghar, có in hình nữ thần sống Kumari hiện tại, một bé gái tên Matina Sakya, được tôn là nữ thần sống năm 2008 khi mới 3 tuổi. Và tự an ủi mình: Đất nước nằm dưới chân Himalaya này có vô số điều kỳ bí, vô số thần thánh, truyền thuyết, huyền thoại, trong đó nữ thần sống Kumari chỉ là một. Không thể chỉ trong ba ngày ngắn ngủi mà khám phá hết.