Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

CƠ HỘI ĐỂ CHUYỂN ĐỔI NỀN KINH TẾ?

Nền kinh tế nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, một mặt do những chuệch choạc trong chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ khiến lạm phát và giá cả tăng cao; mặt khác do giá nguyên nhiên liệu trên thế giới tăng đến chóng mặt. Nhưng nguyên nhân cơ bản, sâu xa hơn, phải nói là do nền kinh tế nước ta cho đến nay vẫn chủ yếu phát triển theo bề rộng bằng cách gia tăng các yếu tố đầu vào, thêm vào đó là lãng phí, thất thoát lớn, nên rất kém hiệu quả và rất dễ bị tổn thương do những biến động trên thị trường thế giới. Hệ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2001-2006 vừa qua (4,4) còn cao hơn cả hệ số này của Thái Lan (4,1) và Indonesia (3,7) giai đoạn 1981-1995 trong khi tỉ lệ tăng trưởng năm năm vừa qua của Việt Nam (7,6%) còn thấp hơn Thái Lan (8,1%) giai đoạn 1981-1995 (Báo cáo “Lựa chọn thành công…” của Chương trình Châu Á, Trường Chính quyền John F. Kennedy, Đại học Harvard).Giải quyết nguyên nhân gốc rễ này để tăng cường tính hiệu quả của nền kinh tế tất nhiên đòi hỏi những giải pháp căn bản chứ không thể chỉ bằng một số biện pháp ngắn hạn, trước mắt.

Nền kinh tế thế giới từng không ít lần trải qua những thời kỳ khó khăn, khủng hoảng và cũng đã từng chứng kiến không ít quốc gia thành công trong việc biến khó khăn thành cơ hội để chuyển đổi nền kinh tế của họ lên một trình độ phát triển cao hơn về chất lưỡng và tính hiệu quả, như Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 1970. Liệu Việt Nam có thể biến những khó khăn hiện nay thành cơ hội để thực hiện một cuộc chuyển đổi tương tự? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết tâm của Chính phủ trong việc lựa chọn tính hiệu quả làm tiêu chí cao nhất trong mọi quyết định chính sách, mọi quyết định đầu tư và chi tiêu công, mọi ưu đãi hoặc hỗ trợ cho thành phần này hay thành phần khác trong nền kinh tế, cũng như quyết tâm giải quyết tận gốc mọi nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí.

Xét như thế thì có vô số việc phải làm cả trước mắt và lâu dài, trong đó có việc sớm đề ra chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, đổi mới quản lý doanh nghiệp nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng ứng phó linh hoạt với thị trường, v.v… Nhưng cấp bách trước mắt là gỉải quyết rốt ráo những doanh nghiệp nằm dưới sự chủ quản của các bộ, các cấp chính quyền mà khi vỡ lở mới hay đó là những cỗ máy ngốn tiền ngân sách, phung phí tín dụng, phá hoại nguồn lực quốc gia như vụ COSEVCO thuộc Bộ Xây dựng mới đây là một thí dụ. Còn bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước như thế chưa được đưa ra ánh sáng? Còn bao nhiêu công trình đầu tư, chi tiêu công lãng phí chưa được kiên quyết chấm dứt và ngăn chặn? Bao giờ thì phần lớn doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước được trả về với cơ chế thị trường thực sự để Nhà nước chỉ còn giữ lại một số ít doanh nghiệp thực sự cần thiết trong các lĩnh vực chiến lược?

Những khó khăn hiện nay càng cho thấy tính cấp bách của vấn đề mà lẽ ra đã phải giải quyết từ lâu. Muốn chuyển đổi nền kinh tế sang trình độ phát triển cao hơn, hiệu quả hơn cũng đòi hỏi trước hết phải giải quyết những cái ổ lãng phí đã tồn tại quá lâu.

CẨN THẬN, KẺO VỠ!

Sau những ngày say sưa với tỉ lệ tăng trưởng 8,5% để rồi chợt bừng tỉnh trước tỉ lệ lạm phát lên tới 12,63% năm 2007 so với năm trước và trước những tiếng kêu về đời sống người dân, nhất là người nghèo do giá cả tăng cao, ngay trước và sau Tết, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện cấp tập các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ: tăng lãi suất, bán tín phiếu bắt buộc cho các ngân hàng thương mại… nhằm rút tiền trong lưu thông về để kiềm chế lạm phát. Những biện pháp “sốc” này ngay lập tức đã tác động mạnh đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng và khả năng vay đầu tư của doanh nghiệp, buộc các ngân hàng phải ngừng cho vay và chạy đua nâng lãi suất huy động, doanh nghiệp thì hầu như bó tay, không thể vay. Thị trường chứng khoán tụt dốc, thị trường bất động sản chững lại.

Kiềm chế lạm phát tất nhiên vô cùng cần thiết nếu không muốn thành qủa tăng trưởng bị triệt tiêu, nhất là đối với đa số dân nghèo; nó cũng cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, để nền kinh tế không rơi vào chỗ bong bóng, nhất là đối với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vốn là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, đòi hỏi phải xử lý hết sức cẩn trọng và linh hoạt để tránh đổ vỡ hệ thống, tránh dẫn tới đóng băng, bằng không nó sẽ tác động ngược trở lại toàn bộ nền kinh tế, gây nên đình đốn và tác hại đến chính sự tăng trưởng. Không có tăng trưởng thì không tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập và người nghèo cũng bị ảnh hưởng. Ai cũng biết thế, nhưng chỉ có nhà nước, với thông tin đầy đủ và với các công cụ sẵn có trong tay mới có thể quyết định xử lý thế nào là linh hoạt.

Mặt khác, như nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước đã chỉ ra, nguyên nhân của lạm phát không chỉ do lượng cung tiền trên thị trường mà còn do một số nhân tố khác, trong đó đáng kể nhất là đầu tư công và đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu quả. Thắt chặt tiền tệ mà không thắt chặt đầu tư công và đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì chẳng khác nào bịt lỗ rò mà không bịt kín hết. Kiềm chế lạm phát do đó đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ hơn là chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Một điểm nữa cũng cần đề cập: giá như trước khi tiến hành các biện pháp gây sốc cho thị trường như chúng ta đã thấy, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan chức năng xuất hiện công khai trước công luận, đưa ra lý giải của mình về tình hình và nguyên nhân lạm phát, vạch ra lộ trình và những biện pháp dự kiến áp dụng nhằm kiềm chế lạm phát, hẳn công luận và các tổ chức, các đơn vị kinh tế đã có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn để đón nhận trong tinh thần hợp tác, giảm đi đáng kể những những hoang mang không đáng có mà những liệu pháp sốc mang lại. Sự minh bạch bao giờ cũng giúp hạn chế những tác động tiêu cực, hạn chế cái giá phải trả của các chính sách.