Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Sốt ruột


“Đọc báo cáo năm 2008 và năm 2009, chúng tôi thấy có nhiều đoạn hoàn toàn trùng khớp với nhau, đều ghi ngày 19.10. Có nhiều số liệu rất đáng buồn”, một đại biểu Quốc hội nhận xét khi thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình và phương hướng kinh tế xã hội tại kỳ họp đang diễn ra.
Một đại biểu khác nêu: “Nhiều việc, nhiều sự kiện nêu ra cứ giống nhau từ năm này qua năm khác. Ta phân tích cho an lòng nhau chứ thực sự chưa phải cái Quốc hội cần”.
Một đại biểu khác đặt vấn đề: nói về thành tích lo cho dân nghèo, Chính phủ khẳng định tổng số chi cho an sinh xã hội năm 2009 này ước khoảng 22.470 tỉ đồng, tăng 62% so với 2008, “nhưng khi đọc lại tài liệu năm 2008 cho thấy, bốn tháng đầu năm chi cho an sinh xã hội 16 ngàn tỉ, như vậy chỉ tăng mấy phần trăm. Rõ ràng có nhiều con số, số liệu không đúng, không chính xác”. Có đại biểu tỏ ý nghi ngờ: báo cáo Chính phủ nói “triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn” thì làm sao có thể thực hiện trong năm 2010 được?” Một đại biểu khác phàn nàn về những con số “màu hồng” trong thành tích chống tham nhũng hoặc tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tới hơn 80% trong khi thực tế, theo ông, khác xa, và một số đại biểu còn đặt vấn đề phải xem lại hiệu quả của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.
Nhiều đại biểu đặt vấn đề vì sao kế hoạch tái cơ cấu kinh tế phải đợi đến năm 2011 mới triển khai mà không phải là ngay từ năm 2010, khi thách thức do suy giảm kinh tế đặt ra đã không nhanh chóng được biến thành cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế như báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, khi kinh tế trong nước và thế giới có thể vừa thoát khỏi suy giảm và giá cả hàng hoá nguyên liệu trên thế giới chưa tăng quá cao,…
Có lẽ chưa bao giờ như ở kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội lại thẳng thắn bày tỏ sự sốt ruột như vậy về một số vấn đề lớn trong nhận định tình hình và phương hướng phát triển kinh tế xã hội hiện nay và sắp tới.
Sốt ruột cũng phải, bởi lấy thí dụ vấn đề tái cơ cấu kinh tế hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vấn đề đã được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra từ một số năm trước chứ không phải đợi đến khi kinh tế thế giới và trong nước suy giảm như hiện nay. Chỉ cần nhìn hệ số ICOR tăng đều đặn từ năm này qua năm khác trong khi ta vẫn vui mừng trước con số tăng trưởng; chỉ cần nghe nguồn than đá, nguồn dầu lửa sắp cạn kiệt, trong khi phát triển thuỷ điện ồ ạt như hiện nay dẫn đến hậu quả là rừng bị tàn phá ngày càng nhiều, lũ dữ ngày càng dữ hơn, sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ lưu các con sông ngày càng bất trắc hơn, và ngay cả một việc tưởng chừng đơn giản như ồ ạt móc cát dưới các lòng sông lên đem xuất khẩu cũng mang lại những hậu quả khôn lường… thì ai cũng có thể nhận thấy: mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên, gia tăng đầu vào để đạt con số tăng trưởng cao đã đến giới hạn cuối cùng của nó. Tiếp tục tăng trưởng theo mô hình này sẽ không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia giàu tài nguyên nhưng chọn con đường phát triển sai lầm ở nhiều châu lục cũng đã chứng minh điều đó.
Vậy thì tại sao một nỗ lực thực sự nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn bị trì hoãn từ năm này sang năm khác? Tại sao nền kinh tế vẫn cứ tiếp tục tăng trưởng theo bề rộng, như một quán tính? Lực kéo nào đã kìm hãm nền kinh tế, không cho nó bước vào một giai đoạn phát triển cao hơn, chất lượng hơn? Mặt khác, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể tách rời các lĩnh vực, thiết chế khác như giáo dục, bởi chính nền giáo dục chất lượng cao sẽ cung cấp cho nền kinh tế nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với công nghệ, đó là cơ sở cho chất lượng tăng trưởng, cho hàm lượng chất xám cao trong mỗi sản phẩm làm ra, nhờ đó mà nền kinh tế từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc gia tăng đầu vào và bán tài nguyên thô để tăng trưởng. Nhưng nhìn vào chất lượng nền giáo dục hiện tại, không thể không buồn.
Vì thế, để không phải tiếp tục sốt ruột qua nhiều kỳ họp nữa, các đại biểu Quốc hội đang đứng trước nhiệm vụ và thách thức tìm cho ra nguyên nhân mấu chốt của sự trì hoãn chuyển đổi mô hình tăng trưởng và mối liên hệ của nó với các thiết chế khác.

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

ĐỪNG ĐỂ ĐẮC TỘI VỚI MAI SAU


Hai cơn bão số 9 và 11 năm 2009 sẽ phải được ghi nhận trong lịch sử thời tiết nước ta như là những cơn bão kèm theo lũ dữ gây thiệt hại nặng nề về người và của. Hiện tượng mới chưa từng thấy là lũ đến ngay, cấp tập cùng với bão, và thiệt hại do lũ gây ra thậm chí còn nặng nề hơn thiệt hại do bão. Riêng thiệt hại về sinh mạng, mỗi cơn bão lũ đã cướp đi hơn 100 người, cả chết và mất tích, dù trước khi đổ bộ vào nước ta bão đã di chuyển qua Biển Đông hết mấy ngày.
Lũ đến nhanh, cấp tập không chỉ do mưa từ đầu nguồn đổ xuống nhanh vì rừng bị đốn hạ nhiều mà còn vì các hồ thuỷ điện, thay vì tích nước, lại xả lũ đúng vào lúc lũ bên ngoài dâng cao. Ở Quảng Nam, trong cơn bão số 9, là hồ thuỷ điện A Vương; ở Phú Yên, trong cơn bão số 11, là hồ thuỷ điện sông Ba Hạ. Nếu ở Quảng Nam lũ chủ yếu nhấn chìm những vùng quê thì ở Phú Yên lũ nhấn chìm ngay chính thành phố thủ phủ Tuy Hoà. Phải nói thiệt hại này do thiên nhiên gây ra chỉ một phần, phần còn lại là do chính con người, do chính chúng ta gây ra.
Sau cơn bão số 9 và lũ đi kèm, dư luận và các nhà khoa học còn chưa hết báo động về nguy cơ từ hệ thống thuỷ điện dày đặc trên các con sông ở miền Trung và Tây nguyên thì cơn bão số 11 và lũ đi kèm lại ập đến. Và cả hai lần, người ta chỉ được nghe những lời giải thích, phân trần từ những đơn vị xây dựng và khai thác thuỷ điện. Nhưng nước cũng là một loại tài nguyên, giống như các loại tài nguyên khác như than, khoáng sản… và nó phải được quy hoạch và quản lý nhằm sử dụng, khai thác một cách hợp lý và hiệu quả nhất trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác như sản xuất nông nghiệp, dân sinh và sự bền vững về môi trường. Ở đây ta thấy ngành điện chỉ biết đến ngành điện, do đó mà thả sức phát triển thuỷ điện mặc cho tác hại gây ra cho sự cân bằng sinh thái, cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cũng không thể đổ lỗi cho sự phân cấp, vì phân cấp không đồng nghĩa với chia cắt, mặc cấp nào biết cấp đó, mà phân cấp bao giờ cũng được đặt trong một hệ thống thống nhất và khi sự cố xảy ra ở một cấp tác động tới cả hệ thống thì tổ chức, cá nhân đứng đầu hệ thống phải có ngay giải pháp cho cả hệ thống. Vả chăng, một con sông, dù chảy qua nhiều địa phương, làm gì có chịu phân cấp? Nước sông dù chảy qua đâu cũng chỉ một. Cho nên quy hoạch và sử dụng các dòng sông phải đặt trong một hệ thống thống nhất và trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác như đã nói ở trên.
Thuỷ điện không thể chỉ biết đến thuỷ điện. Khai thác than không thể chỉ biết moi than lên bán. Than, khoáng sản hay nước, rừng đều là những tài nguyên có hạn và việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm đòi hỏi một sự quy hoạch, quản lý thống nhất, dù thực tế hiện nay mỗi loại tài nguyên lại do một bộ chuyên ngành quản lý và chịu trách nhiệm tổ chức khai thác mà thiếu sự phối hợp chung, khiến khi tai hoạ xảy ra không biết ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Theo chúng tôi, chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng tài nguyên cũng như về sự phối hợp giữa các ngành, không ai khác hơn là bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thiên nhiên, cũng như con người, có giới hạn chịu đựng của nó. Khai thác bừa bãi thì thiên nhiên cạn kiệt hoặc quay trở lại trả đũa con người, không chỉ trong hiện tại như ta đã thấy. Vì vậy, để không di hại cho đời sau, để không đắc tội với mai sau, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, bền vững các loại tài nguyên, trong đó có nước.